Showing posts with label tài chính. Show all posts
Showing posts with label tài chính. Show all posts

Monday, November 6, 2017

ĐẦU TƯ CHỨNG KHOÁN

22 quy luật đã đúc rút được trong những quyển sách tôi từng đọc về những nhà đầu tư thành công trên thế giới và sau những lần nằm gai nếm mật trên thị trường.

  • Quy luật số 1Cổ phiếu giá cao thì sẽ tiếp tục tăng và ngược lại
Bạn có ngạc nhiên khi thấy VNM liên tục tăng hết từ năm nay đến năm khác mặc dù lúc nào cũng cảm thấy giá nó cao.

Ngược lại, kể từ khi HAG giảm xuống mức giá dưới 10, đã hàng năm nay cổ phiếu này được giao dịch ở vùng 6 – 7.

Nếu bạn hy vọng mua cổ phiếu ở giá thật thấp để sau này “nhỡ đâu” nó lên cao thì bạn đã nhầm to. Cổ phiếu không vượt được giá 20 thì đừng mong lên được 50, không đạt giá 50 thì còn lâu mới lên được 100.
  • Quy luật số 2: Môi giới không phải là người chịu trách nhiệm cao nhất về tài sản của bạn
Bạn, chứ không phải ai khác phải chịu trách nhiệm cao nhất về tài sản của mình

Môi giới chứng khoán làm việc không chỉ vì lợi ích của bạn, mà còn vì lợi ích của họ và công ty chứng khoán của họ.

Đa phần các môi giới sẽ không vui nếu bạn mua một cổ phiếu rồi giữ nó cả năm – kể cả bạn có lãi đến như thế nào

Điều đó không có nghĩa là không có những môi giới giỏi và có tâm. Trước khi quyết định sẽ gắn bó với môi giới nào, hãy tìm hiểu về lịch sử giao dịch và các khách hàng cũ của anh ấy
  • Quy luật số 3: Người ta thắng không phải bởi vì mua cổ phiếu tốt mà là người đầu tư theo nguyên tắc
Bạn sẽ không có lãi vì cổ phiếu được các chuyên gia phân tích tung hô là tốt

Bạn chỉ kiếm được tiền nếu cổ phiếu bạn mua tăng giá

Bạn có thấy Warren Buffett hay William O’neil chỉ giải ngân khi tìm thấy cơ hội đầu tư đúng theo nguyên tắc của họ không.

Một hệ thống đầu tư cổ phiếu luôn phải có 4 phần mà tôi hay gọi là CLGT cho dễ nhớ, viết tắt của “Chiến lược đầu tư chung”, “Lọc cổ phiếu”, “Giao dịch”, và “Theo dõi đầu tư”. Cổ phiếu chỉ là một phần trong số đó
  • Quy luật số 4: Nhưng nếu không mua cổ phiếu tốt sớm muộn bạn cũng sẽ rời cuộc chơi
Tôi từng chứng kiến nhiều người nhân đôi, nhân ba tài khoản chỉ sau vài tháng mua FLC, KLF, FIT, ROS ..

Nhưng 2 gặp họ 2 năm sau đó, có những người mất sạch tiền đầu tư chứng khoán, phần đa lỗ nặng và không còn muốn nhắc đến chứng khoán

Và họ nói thị trường không minh bạch, thị trường không tốt. Những điều mà tôi không thấy họ nhắc đến khi kiếm được tiền từ cổ phiếu

Nếu bạn chưa biết cách tìm các cổ phiếu tốt hãy học cách xem nhanh BCTC. Tôi có biết người bạn đào tạo khá tốt về việc này, bạn có thể tham khảo bài nhận định của anh ấy tại trang facebook: https://www.facebook.com/ChungKhoanCuaToi/?fref=ts

Hoặc đăng ký học tại trang
https://docs.google.com/forms/d/e/1FAIpQLSdBDsOkOVhf_FEFsjX9pPqvJDffl7yONZcx8wJEaub-i23ohQ/viewform
  • Quy luật số 5: Xu hướng thị trường là yếu tố quyết định:
Rất nhiều cổ phiếu suy giảm khi thị trường chung đi xuống. Nhưng vấn đề là không phải tất cả đều phục hồi sau đó.

Hãy xem các cổ phiếu dầu khí từ năm 2014 đến nay. Sau khi trải qua 9 tháng đầu năm 2014 thăng hoa, nhóm dầu khí đã lao dốc không phanh cho đến tận 2 năm sau đó.

Ngoại trừ GAS, đa số các cổ phiếu dầu khí khác như PVD, PVC .. đã không phục hồi, ngay cả khi thị trường vượt đỉnh 6 năm vào tháng 7/2016.

Vì vậy, hãy chắc chắn bạn luôn quan sát thị trường chung và hành động kịp thời khi thi trường suy giảm
  • Quy luật số 6: Người khổng lồ luôn để lại những dấu chân lớn
Bạn có để ý những phiên giao dịch mà cổ phiếu tăng mạnh với khối lượng giao dịch đột biến không?

Đó có thể là dấu hiệu cổ phiếu được các tổ chức lớn mua vào

Vấn đề là với lượng tài sản lớn, họ không thể giải ngân chỉ trong 1 phiên, mà phải mua rải rác làm nhiều lần.

Đó là lý do bạn thấy rất nhiều cổ phiếu dạng này tăng liên tục sau đó

Không một người khổng lồ nào có thể giấu được vết chân. Lợi thế của nhà đầu tư cá nhân có thể theo dõi dấu chân đó, đánh giá và đưa ra quyết định thật linh hoạt.
  • Quy luật số 7: Phân tích giỏi là tốt rồi nhưng còn phải biết quyết định giỏi nữa.
Điều duy nhất chắc chắn trên thị trường đó là không có gì chắc chắn. Phân tích có kỹ đến đâu thì vẫn luôn luôn có 20% xác suất sai.

Hãy mạnh dạn ra quyết định vì chỉ cần đúng 6-7/10 lần giao dịch là bạn đã làm được điều mà 90% nhà đầu tư không làm được rồi
  • Quy luật số 8: Thị trường luôn được dẫn dắt bởi một nhóm cổ phiếu, nhất định phải xác định được nhóm nào
Như thế này cho bạn dễ hình dung nhé: mỗi đợt thị trường tăng sẽ được dẫn dắt bởi một nhóm cổ phiếu. Nhóm này tăng rất mạnh, tạo ra sự lan toả đến toàn thị trường để một vài nhóm cổ phiếu khác tăng theo – khi đó chỉ số cũng lên.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt thường tăng gấp 3-4 lần thị trường chung. Tức là nếu thị trường tăng 20% thì nhóm này có thể tăng đến 70-80%
  • Quy luật số 9: Nhà đầu tư thành công đến mấy cũng phải trải qua nhiều lần cắt lỗ, quan trọng là họ lại đứng lên và đi tiếp
Cắt lỗ là chuyện bình thường quan trọng là:

1. Bạn có dám cắt lỗ không?

2. Sau khi cắt lỗ bạn còn có thể đầu tư tiếp hay không?

Cá nhân tôi cũng đã trải quả nhiều lần cắt lỗ. Có đau không? Đau chứ. Đồng tiền đi liền khúc ruột mà. Có điều tôi chưa từng hối hận vì các quyết định cắt lỗ của mình

Bạn nên dừng lỗ khi cổ phiếu giảm đến mốc 5 – 7% tổng tài sản.

Sẽ không có cái gọi là “đầu tư dài hạn” khi cổ phiếu đã làm bạn mất đến 20% tổng đầu tư.

  • Quy luật số 10: Khi cổ phiếu dẫn đầu đạt đỉnh chính là lúc cân nhắc rời khỏi thị trường

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt sẽ tăng đầu tiên và tạo hiệu ứng lan toả đến toàn thị trường.

Nhóm cổ phiếu dẫn dắt này sẽ tăng khoảng 3 - 6 tháng rồi bắt đầu điều chỉnh. Lúc này các nhóm cổ phiếu lan toả, nhóm Penny mới chỉ gần đạt đỉnh.

Đây chính là lúc bạn cần rút khỏi thị trường vì chỉ 2 – 3 tuần, khi nhóm dẫn dắt đã đi xuống rõ ràng, các cổ phiếu cũng lần lượt đạt đỉnh và hiện tượng “xả hàng” sẽ diễn ra đồng loạt trên tất cả các nhóm cổ phiếu.

  • Quy luật số 11: Người ta mua bán theo cảm xúc, hay nói chính xác hơn là kỳ vọng nó tăng, không phải vì phân tích

Khi được giới thiệu một hệ thống đầu tư mới, thường có rất nhiều người quan ngại “Nhỡ ai cũng biết nó thì sao?”

Tôi thì không lo chuyện này lắm, kể cả tất cả mọi người cùng biết thì chỉ có 20% số đó là thực hiện, và chỉ một số ít là làm xuất sắc hệ thống đầu tư đó mà thôi.

Đa số quyết định theo cảm xúc nên người ta cũng không mấy quan tâm đến hệ thống đầu tư ABC gì đó

Để một người có thể từ bỏ cảm xúc của mình để mua bán theo một hệ thống cứng nhắc, tiêu chuẩn là một quá trình dài và khó, thậm chí còn gian nan hơn so với tạo ra một hệ thống đầu tư hiệu quả
Người ta quyết định theo cảm xúc hơn là lý trí

  • Quy luật số 12: Thị trường có tăng thì cũng có giảm, có cả đi ngang nữa

Đây là sai lầm của rất nhiều bạn mới đầu tư chứng khoán, tức là lúc nào cũng chỉ chăm chăm xem thị trường lên hay là xuống, để mà mua với bán.

Thị trường còn có một trạng thái khác, đó là đi ngang, hay còn gọi là không có xu hướng rõ ràng. Đáng tiếc là giai đoạn này lại chiếm từ 30 – 40% thời gian trên thị trường.

Đặc điểm dễ thấy nhất của giai đoạn này đó là cổ phiếu vừa lên được 1 – 2 phiên thì lại giảm. Bạn vừa mua xong thì giá nó xuống, đợi mấy phiên xong bán ra thì nó lại lên. Bạn bị lỗ không nhiều, nhưng lại liên tục quay vòng vì “nhìn đâu cũng tưởng ngon ăn”, khiến thị trường không giảm mà tài sản thì bay nhanh

  • Quy luật số 13: Không phải cứ tin tức tốt hỗ trợ là cổ phiếu sẽ tăng

Khi cổ phiếu lên thì tin tốt tạo đà cho nó lên mạnh hơn.

Còn khi cổ phiếu đã giảm thì có rất nhiều người kẹt hàng ở vùng giá cao, họ chỉ chờ cổ phiếu hồi lên một chút là họ bán ra.

Tin tốt cũng không cứu được cổ phiếu là như vậy

  • Quy luật số 14: Trong xu hướng giảm, khi nào thấy volume cạn kiệt là lúc nên cân nhắc theo dõi cổ phiếu đó

Cổ phiếu giảm tức là lượng bán nhiều hơn lượng mua. Khi volume cạn kiệt tức là không còn nhiều cổ phiếu được bán ra nữa, lượng cung không còn nhiều, nên theo dõi để sẵn sàng mua vào

  • Quy luật số 15: Các nhịp tăng của thị trường luôn tuân thủ theo đúng 5 nhịp sóng Elliott: 3 nhịp tăng chính và 2 nhịp điều chỉnh

Có nhiều tranh cãi về tính ứng dụng và mức độ chính xác của sóng Elliott, đa phần là của những người không biết đếm sóng!

Sóng Elliott chính xác và sẽ luôn hiệu quả trên tất cả các thị trường, các khung thời gian là do nó phản ánh chính xác các giai đoạn tâm lý của nhà đầu tư trên thị trường: từ bi quan, nghi ngờ, tự tin đến hưng phấn.

  • Quy luật số 16: Một cổ phiếu khi đã thực sự tăng giá sẽ tăng từ 3 – 6 tháng liên tục vì vậy không việc gì phải vội vàng nếu nó chỉ vừa mới tang

“Nhỡ nó tăng mất thì sao” là nỗi sợ của rất nhiều nhà đầu tư chứng khoán. Lý do là họ không phân biệt được đâu là cổ phiếu tăng thực sự – đâu là cổ phiếu “ăn theo”

Một cổ phiếu tăng thực sự sẽ tăng từ 3 – 6 tháng. Còn một nhịp tăng của cổ phiếu ăn theo thì chỉ tầm 2 – 3 tuần là kết thúc.

Bạn mua cổ phiếu ăn theo thì dù có mua sớm cũng chỉ lãi 7 – 10%. Còn mua đúng cổ phiếu hàng đầu thì có mua muộn cũng lãi 20 – 30% là chuyện bình thường.

  • Quy luật số 17: Người tham lam luôn muốn mua ở đáy và bán ra ở đỉnh, người có kinh nghiệm thì mua ở điểm an toàn (mua là sẽ tăng) và bán ra khi sắp đến đỉnh

Xin trích dẫn lời của Rothschild, một gia tộc tài chính thế lực mà bạn nào đọc “chiến tranh tiền tệ” đều biết

“Tôi thành công trên thị trường chứng khoán là nhờ không bao giờ cố mua ở đáy và bán ra ở đỉnh”

Khi thị trường tăng, người có kinh nghiệm thường mua khi chắc chắn xu hướng tăng và bán ra khi đã kiếm đủ lời. Hay còn gọi là “mua cao, bán cao hơn”

  • Quy luật số 18: Người ta sẽ luôn tìm một lý do nào đó để biện minh cho việc cổ phiếu của bạn tăng hay là giảm. Đáng buồn là các lý do luôn được đưa ra khi cổ phiếu đã chạy mất rồi

“Sao mấy hôm nay con này tăng nhiều thế nhỉ”

“Các nhà đầu tư lo ngại con khỉ của Tổng thống bỏ bữa nên đã bán tháo cổ phiếu !?”

Người ta bán ra vì người ta có lãi, người ta bán ra để cắt lỗ, người ta bán ra vì LO NGẠI mà không biết lo ngại cái gì!

Không quan trọng là tin tức gì, lý do gì, bạn đừng đi tìm nguyên nhân làm giá thay đổi. Hãy xem xem liệu chính xác cổ phiếu tăng hay giảm và sẵn sàng cho các kịch bản có thể xảy ra.

  • Quy luật số 19: Khi nào ai cũng tin mua cổ phiếu nào đó nhất định sẽ có lời thì nên cân nhắc bán chúng

Thị trường Việt Nam năm 2008 – khi chủ quán bia cũng dễ dàng kiếm lời sau vai ngày đầu tư thì vài tháng sau thị trường đạt đỉnh, bước vào một thời kỳ đen tối

Bong bóng chứng khoán trung quốc 2015. P/E toàn thị trường lên đến 50, ngay cả bà bán rau cũng gom tiền chơi chứng khoán

Không có gì ngạc nhiên khi chỉ trong 4 tháng chỉ số Shanghai giảm đến 60% từ mức 5100 xuống chỉ còn 3000 vào tháng 10/2015
Khi ai cũng mua cổ phiếu thì bạn nên cân nhắc bán ra.

  • Quy luật số 20: Cổ phiếu có một khoảng thời gian gọi là “phân phối đỉnh”. Bạn phải bán cp trong giai đoạn này trước khi quá muộn

Phân phối đỉnh là giai đoạn mà những người mua cổ phiếu giá thấp bán ra cho những người đến sau.

Đặc điểm của giai đoạn này là giá không tăng nhưng volume rất lớn. Tức là rất nhiều cổ phiếu được trao tay giai đoạn này. Khi lượng này được trao tay hết, lượng cầu giảm đi cũng là lúc giá bắt đầu ..tèo

  • Quy luật số 21: Các cổ phiếu tăng nhiều nhất thường chứng kiến tăng trưởng kinh doanh đột biến trong năm đó

Điều này đã được thống kê qua nhiều năm lịch sử ở rất nhiều thị trường chứng khoán Anh, Mỹ, Úc, Nhật Bản, Thái Lan, Việt Nam.
Các cổ phiếu thể hiện được mức lợi nhuận tăng liên tục trong 3 – 5 năm và chứng kiến mức lợi nhuận đột biến trong quý thường nhận được sự quan tâm lớn của giới truyền thông tài chính cũng như các nhà đầu tư.

Mỗi khi các cổ phiếu này vượt qua mốc đỉnh lịch sử của nó là lại có một vài bài báo thu hút nhiều sự chú ý. Đáng tiếc là đa số nhà đầu tư cảm thấy giá quá cao rồi và không dám mua vào.

  • Quy luật số 22: 21 quy luật trên có thể áp dụng trên tất cả các thị trường chứng khoán từ Mỹ đến Việt Nam

Các bạn cứ nghĩ là đầu tư ở nước ngoài minh bạch hơn, công nghệ cao hơn, lịch sử lâu đời hơn thì nó khác đầu tư chứng khoán Việt Nam

Thực ra ở nước ngoài nhiều cao thủ hơn, quy định cũng thoáng hơn nên là rất khắc nghiệt với newbie. Ví dụ: một cổ phiếu ở Mỹ có thể giảm 50% ..chỉ trong một ngày, rủi ro hơn sàn 7% của Việt Nam rất nhiều.

Chúc các anh chị đầu tư thành công!

--------------------------

Sunday, November 13, 2016

QUY ĐỊNH DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG VỚI CƠ QUAN THUẾ


Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp phải vướng mắc khi cơ quan thuế đòi xử phạt vì không đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế. Vậy việc phạt của cơ quan thuế có đúng quy định pháp luật hay không? Các bạn hãy tìm hiểu bài viết sau đây


Trường hợp thứ 1:

Doanh nghiệp phải đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuếnếu không sẽ bị phạt vì việc không khai báo các thông tin liên quan. Còn người mua nếu chuyển tiền vào tài khoản chưa đăng ký của doanh nghiệp sẽ không được khấu trừ thuế.

Trường hợp thứ 2:

Nếu doanh nghiệp chưa đăng ký tài khoản ngân hàng ngân hàng với cơ quan thuế và tài khoản người bán cũng chưa đăng ký với cơ quan thuế thì có được khấu trừ thuế GTGT không?
Để giải quyết trường hợp thứ hai cần căn cứ vào Thông tư 156/2013/TT-BTC, cụ thể tại Điều 9 Thông tư 156/2013/TT-BTC bổ sung thông tin đăng ký thuế như sau:
"Người nộp thuế trong quá trình sản xuất kinh doanh, khi có thay đổi, bổ sung số tài khoản tại các ngân hàng thương mại, tổ chức tín dụng thì phải thông báo cho cơ quan Thuế trực tiếp quản lý trong thời hạn 10 (mười) ngày kể từ ngày phát sinh sự thay đổi tại Tờ khai điều chỉnh, bổ sung thông tin đăng ký thuế theo mẫu số 08-MST ban hành kèm theo Thông tư này".
Ngoài ra căn cứ Thông tư 26/2015/TT-BTC cũng quy định:
"3. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng được hiểu là có chứng từ chứng minh việc chuyển tiền từ tài khoản của bên mua sang tài khoản của bên bán (tài khoản của bên mua và tài khoản của bên bán phải là tài khoản đã đăng ký hoặc thông báo với cơ quan thuế……"
Do đó, căn cứ vào các quy định trên cũng như Công văn 1728/TCT-KK nếu công ty mua sử dụng tài khoản ngân hàng của công ty mở tại các tổ chức tín dụng để thanh toán, nhưng công ty không thực hiện thông báo thông tin tài khỏan ngân hàng này cho chi cục thuế thì phải gánh chịu hậu quả sau:
Công ty bên bán bị xử phạt vi phạm pháp luật về đăng ký thuế liên quan đến thông tin tài khoản ngân hàng.
Cũng như căn cứ vào tài khoản của bên bán đã đăng ký với cơ quan thuế chưa để xử lý:
  • Bên bán không thực hiện thông báo đăng ký tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì bên bán sẽ bị xử phạt về đăng ký thuế liên quan đến thông tin tài khoản ngân hàng, công ty mua không được xét khấu trừ, hoàn thuế số thuế GTGT đầu vào có liên quan.
  • Công ty bên bán đã thực hiện thông báo thông tin tài khoản ngân hàng hoặc công ty bên mua đã thông báo bổ sung thông tin tài khoản ngân hàng của công ty cho cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế ra quyết định kiểm tra, thanh tra thì cơ quan thuế của người mua và người bán phối hợp với nhau để kiểm tra hàng hóa, dịch vụ thực tế mua bán, việc thanh toán, nhận tiền thanh toán tại các tài khoản ngân hàng có liên quan trên cơ sở đó xem xét khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.

Thursday, November 3, 2016

NỢ CÔNG MỨC NÀO THÌ TỐT?

Bởi khi chính phủ phải gánh mức nợ công cao, câu hỏi được đặt ra ra liệu áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để trả nợ tốt hơn hay tận dụng mức lãi suất thấp để đầu tư phát triển? Đây là câu hỏi ở tầng kinh tế vĩ mô.

Nợ công ở các nước giàu bùng nổ trong giai đoạn 2007-2012, từ trung bình 53% lên gần 80% GDP. Có người nghĩ đó là một vấn đề và nói chính phủ cần phải cố hết sức để cắt giảm nợ. Nhưng quan điểm này không giống với một tài liệu của Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF) cho rằng trả sạch nợ chưa hẳn là một ý hay. Vậy nợ công đến mức nào là đủ, là an toàn?
Theo tạp chí chuyên về kinh tế The Economist của Anh, các kinh tế gia của IMF tính toán rằng nếu một chính phủ có thể, họ sẽ chọn mức nợ công thấp. Cuối cùng thì khi nợ công cao, các chính phủ phải áp những mức thuế không hề dễ chịu lên người dân và doanh nghiệp để lấy tiền trả nợ. Thuế cao là gánh nặng của cả nền kinh tế. Nhưng vấn đề thường không đơn giản như thế.
Nợ cao vẫn an toàn?
Bởi khi chính phủ phải gánh mức nợ công cao, câu hỏi được đặt ra ra liệu áp dụng chính sách thắt lưng buộc bụng để trả nợ tốt hơn hay tận dụng mức lãi suất thấp để đầu tư phát triển? Đây là câu hỏi ở tầng kinh tế vĩ mô.
Câu trả lời phụ thuộc vào “không gian tài chính” của chính phủ đó. Nói đơn giản, nợ nhiều nhưng làm ra nhiều khác với nợ nhiều nhưng làm ra rất ít. Ở đây có một khái niệm quan trọng là tỷ lệ “nợ/GDP”. Moody, một hãng đánh giá tín nhiệm, thường dựa vào tỷ lệ này để xếp hạng độ an toàn và ổn định của các quốc gia. Các nước có thể được xếp hạng dựa vào mức độ nợ/GDP và khả năng trả nợ bền vững.
Đối với các quốc gia được xếp vào khu vực màu đỏ hay vàng đậm trên bảng xếp hạng của Moody, điều chắc chắn là họ phải hành động để giảm nợ. Nhưng đối với các quốc gia ở khu vực màu xanh (Mỹ hay Brazil, nước tuy ngấp nghé khu vực màu vàng nhưng vẫn trong nhóm màu xanh), các chuyên gia IMF nói: đừng lo về nợ của các anh.
Với những nước này, tăng thuế và cắt giảm các khoản chi tiêu cần thiết để giảm nợ thậm chí còn gây hại hơn nhiều. Ví dụ một quốc gia ở khu màu xanh muốn giảm nợ từ mức 120% về 100% GDP. Người ta tính toán rằng cái giá phải trả cho việc tăng thuế (ví dụ số việc làm mất đi) còn cao hơn lợi ích nó mang lại.
Vậy họ nên làm gì trong trường hợp này? IMF cho rằng, tốt nhất là để nền kinh tế tiếp tục tốc độ tăng trưởng. Về lâu dài, nếu nền kinh tế tăng trưởng nhanh hơn nợ, gánh nặng nợ công tự nhiên sẽ giảm xuống vì tỷ lệ nợ/GDP đã giảm đi. Như vậy, theo IMF, nợ công cao hay thấp không quan trọng bằng tỷ lệ nợ/GDP và tốc độ, chất lượng tăng trưởng của nền kinh tế. Khi bàn về nợ công, nhiều nhà kinh tế thường lấy ví dụ về các quốc gia trong liên minh thuế quan CAN gồm bốn nước Nam Mỹ là Bolivia, Colombia, Ecuador và Peru.
Những nước này đã làm mất đi cơ hội tăng trưởng vì nợ nần quá nhiều? Năm 2010, hai nhà kinh tế là Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff của Đại học Harvard cho rằng tốc độ tăng trưởng của một quốc gia sẽ chậm lại đáng kể khi tỷ lệ nợ công/GDP đạt mức 90%. Ít ai bị thuyết phục với lý luận này. Rồi năm 2013, ba nhà kinh tế của Đại học Massachusetts Amherst phát hiện ra rằng lỗi tính toán đã làm lệch kết quả nghiên cứu của Carmen Reinhart và Kenneth Rogoff.
Tài liệu của IMF đưa ra năm 2014 lại một lần nữa thách thức lý luận của bà Reinhart và ông Rogoff. Sử dụng các số liệu nợ và tăng trưởng từ năm 1821 đến 2012, các tác giả của IMF phát hiện ra rằng, tăng trưởng GDP trên đầu người diễn ra chậm hơn ở những quốc gia có tỷ lệ nợ công trên 90%, khi soi chiếu vào số liệu các năm.
Nhưng có nhiều khía cạnh mà sự tăng trưởng chậm lại được tạo ra bởi các nhân tố không liên quan gì đến nợ công. Ví dụ, tăng trưởng của các nước với nợ công ở mức hơn 135% GDP chủ yếu chậm lại do hai nền kinh tế Nhật Bản và Đức sụp đổ, năm 1945.
Nhưng nợ công bao nhiêu mới là tốt?
Nếu xem xét mức độ nợ công trung bình trong giai đoạn 15 năm, không có bằng chứng nào cho thấy các quốc gia với mức nợ trên 80% GDP tăng trưởng chậm hơn. Thậm chí những nước với tỷ lệ nợ 200% như nước Anh sau Thế chiến II vẫn có những mức tăng trưởng trung hạn vững chắc.
Số nợ tuyệt đối do vậy không quan trọng bằng “quỹ đạo nợ”. Các nước với mức nợ công tăng dần sẽ chịu đựng mức tăng trưởng chậm dần. Dễ thở hơn là các nước có nợ công giảm dần, cho dù số nợ đã ở mức cao. Ở các nước có nợ công tăng dần, thâm hụt ngân sách khiến nền kinh tế dễ mất ổn định hơn. Theo tạp chí Vox, có nhiều tranh cãi tồn tại bấy lâu nay về câu hỏi, tỷ lệ nợ công bao nhiêu là tốt. Câu trả lời phổ biến là 60%. Có nghĩa là vượt quá mức này có thể đe dọa sự ổn định tài chính quốc gia. Đối với các nước đang phát triển, các quốc gia mới nổi lên, 40% là tỷ lệ được đề xuất và tỷ lệ này không nên bị phá vỡ trong dài hạn.
Tất nhiên, như nói ở trên, không thể có một tỷ lệ tốt nhất áp dụng chung cho các nước bởi tốc độ, quy mô và chất lượng tăng trưởng của mỗi nước khác nhau.
Theo Nguyễn Xuân Thủy
Nông nghiệp Việt Nam

Wednesday, October 26, 2016

PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

Trên thực tế, có nhiều cách đánh giá tình hình tài chính của một doanh nghiệp. Tuy nhiên để đơn giản hoá cho quá trình phân tích, chúng ta sử dụng 4 kiểu phân tích được lựa chọn dưới đây. Mỗi kiểu phân tích không đứng độc lập lẫn nhau mà mỗi cái đều hỗ trợ, bổ sung làm rõ cho cái khác. Mỗi con số, kết quả trong quá trình phân tích đều là kết quả từ mỗi hoạt động kinh doanh tại một thời gian, không gian cụ thể, bị những yếu tố bên ngoài tác động nên trước khi sử dụng các phương pháp phân tích, cần xem xét các yếu tố dưới đây để loại trừ những ảnh hưởng gây méo mó:

- Những thay đổi lớn trong hoạt động kinh doanh: đầu tư, sáp nhập, chia tách….

- Những khoản mục không thường xuyên, không định kỳ

- Thay đổi trong chính sách kế toán

- Những thay đổi bất thường khác
- Mà doanh nghiệp chán quá thì kệ nó, mình làm tí Bitcoin

I.          PHÂN TÍCH CÁC KHOẢN MỤC

Trong bảng cân đối kế toán và báo cáo kết quả kinh doanh của doanh nghiệp có rất nhiều các khoản mục, tuy nhiên chỉ tập trung phân tích một số khoản mục chính sau:


PHẦN II. PHÂN TÍCH CHỈ SỐ

Phân tích chỉ số là công cụ đầy sức mạnh trong việc phát hiện sớm các vấn đề nếu nó được sử dụng đầy đủ. Nhưng sẽ là rất nguy hiểm nếu suy diễn và phản ứng chỉ theo một chỉ số nhất định. Một nhận định từ chỉ số sẽ chính xác nếu chúng ta xem xét nó trên tổng thể các chỉ số khác, các khuynh hướng, các vấn đề đang xảy ra tại doanh nghiệp nói riêng và nền kinh tế nói chung.


PHẦN III. PHÂN TÍCH DÒNG TIỀN

Báo cáo dòng tiền là cách cơ bản chỉ ra luồng tiền dịch chuyển của dòng tiền. Chúng được sử dụng để trình bày xem tiền đã được sử dụng như thế nào trong quá khứ và một báo cáo như vậy có thể được làm ra để chứng minh các quỹ sẽ được sử dụng như thế nào trong tương lai.

Đối với ngân hàng, phân tích dòng tiền có ý nghĩa đặc biệt quan trọng vì cuối cùng chỉ có tiền mới đảm bảo cho thanh toán, một doanh nghiệp dù có lợi nhuận cao nhưng tiền lại nằm hết tại TSLĐ, hoặc bị chiếm dụng khác thì rủi ro thanh toán của khách hàng đó vẫn rất cao.



Sơ đồ dưới đây sẽ chỉ ra chu kỳ của dòng tiền tham gia kinh doanh



Tiền mặt --> Các khoản phải trả --> Mua sắm NVL --> Quá trình sản xuất --> Thành phẩm tồn kho --> Thêm lợi nhuận gộp --> Các khoản phải thu --> Tiền mặt



Khi phân tích dòng tiền của doanh nghiệp, phân tích các hệ số sau:

1.   Hệ số dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh so với tổng dòng tiền vào

PHÂN TÍCH XU HƯỚNG

Phân tích xu hướng là quá trình so sánh các dữ liệu kinh doanh theo thời gian để xác định kết quả đạt được hoặc các xu hướng. Sau đó, bạn có thể phát triển chiến lược kinh doanh phù hợp với những xu hướng đáp ứng được các mục tiêu kinh doanh của bạn.
 Phân tích xu hướng giúp bạn hiểu rõ việc kinh doanh của mình đang được thực hiện như thế nào và dự đoán xem các hoạt động kinh doanh đó sẽ dẫn bạn tới đâu.. Việc làm này nếu được thực hiện tốt sẽ giúp bạn có định hướng để điều chỉnh việc kinh doanh của mình đi đúng hướng
Bạn có thể sử dụng viêc phân tích xu hướng để cải thiện công việc kinh doanh của bạn bằng cách:
•        Xác định các lĩnh vực kinh doanh đang hoạt động tốt, từ đó bạn có thể tiếp nối thành công
•        Xác định các lĩnh vực kinh doanh hoạt động kém hiệu quả
•        Cung cấp bằng chứng phục vụ cho việc ra quyết định của bạn.
Hướng dẫn này sẽ giúp bạn hiểu cách sử dụng dữ liệu thứ cấp để phân tích xu hướng và cải thiện công việc kinh doanh của bạn.
Lựa chọn xu hướng và kết quả để phân tích
Yếu tố góp phần vào thành công chung của bạn - thường được gọi là chỉ số hoạt động chính (Key Performance Indicators - KPIs) – là điểm khởi đầu tốt cho các phân tích xu hướng thông dụng.
Rà soát các chỉ số hoạt động chính (KPIs)
Khi lựa chọn các KPIs để theo dõi và xem xét phục vụ phân tích xu hướng, bạn hãy tìm các yếu tố tác động đến doanh số bán hàng, chi phí và dòng tiền.
Ví dụ, khi xem xét doanh số bán hàng, bạn hãy theo dõi các số liệu cho thấy những gì đang xảy ra trong việc kinh doanh của bạn, chẳng hạn như:
•        Các nhóm sản phẩm đang bán chạy
•        Các sản phẩm ưu tiên với lợi nhuận tốt nhất và các điều khoản thanh toán tốt nhất đang được bán như thế nào
•        Hiệu suất bán hàng của từng nhân viên
•        Tỷ lệ chuyển đổi (tức là tỷ số dẫn đến doanh số bán hàng) đang thay đổi như thế nào.
Đánh giá xu hướng tài chính
Các xu hướng tài chính có tác động trực tiếp đến hiệu quả kinh doanh và vì thế cần được đo lường:
•        Việc bán hàng
•        Chi phí của hàng hóa
•        Chi phí điều hành
•        Dòng tiền
•        Lợi nhuận ròng.
Phân tích các xu hướng khác
Các yếu tố khác tác động đến hiệu quả kinh doanh tổng thể bao gồm:
•        Tốc độ lưu thông hàng hóa
•        Điều khoản thanh toán và nợ hoặc thời gian trả nợ.
•        Giờ giao dịch
•        Khu vực trưng bày hoặc diện tích sàn
•        Số nhân viên
•        Chi phí quản lý lãng phí.
Phát triển một hệ thống phân tích xu hướng
Bằng cách theo dõi hiệu quả việc kinh doanh trong một khoảng thời gian dài, bạn có thể thiết lập thông tin hữu ích về các xu hướng. Sau đó, bạn có thể sử dụng dữ liệu này để tinh chỉnh các quyết định và chiến lược kinh doanh của mình.
Các giai đoạn trong phân tích xu hướng
Thiết lập hệ thống phân tích xu hướng một cách hiệu quả:
•        Chuẩn bị để phân tích - xác định những dữ liệu về hoạt động và kết quả mà bạn sẽ kiểm tra và so sánh
•        Áp dụng ngưỡng - xác định những ngưỡng mà ở đó sự thay đổi là đáng chú ý. Ví dụ, việc tăng hoặc giảm 10% doanh số bán hàng trong một khoảng thời gian cần được điều tra để tìm ra nguyên nhân. Hãy là người ra quyết định bởi bạn là người hiểu rõ nhất việc kinh doanh của mình.
•        Tiến hành phân tích nguyên nhân - xác định nguyên nhân của những sự thay đổi, từ đó bạn có thể sử dụng thông tin này để lập kế hoạch và ra quyết định trong tương lai.
Sử dụng hệ thống quản lý thông tin
Nhằm đảm bảo việc phân tích của bạn có ý nghĩa, hãy thiết lập hệ thống và quy trình lưu trữ để ghi lại các thông tin một cách chính xác. Trao đổi các quy trình mà cả bạn và nhân viên của bạn đều hiểu.
Hãy đảm bảo các dữ liệu kinh doanh được thu thập, lưu trữ, báo cáo và đánh giá một cách nhanh chóng và hiệu quả bằng cách:
•        Lưu trữ các thông tin chính xác về kinh doanh - bao gồm thông tin tài chính, số giờ làm của nhân viên, hàng hóa (vào hoặc ra) và các chiến dịch tiếp thị
•        Phân tích xu hướng tại những thời điểm quyết định quan trọng - ví dụ, các vấn đề về lợi tức dòng tiền tiềm năng, nhân sự, những thời điểm đạt doanh số bán hàng cao nhất và sự thành công của các chiến dịch tiếp thị
•        Thu thập thông tin một cách định kỳ - theo tần suất được xác định cho từng loại dữ liệu cần thu thập
•        Duy trì tính nhất quán dữ liệu - bằng cách thống nhất những số liệu nào được và không được thu thập. Ví dụ, doanh số bán hàng của đợt hàng mới mà không tính đến doanh số của đợt hàng cũ trong thời gian tiếp thị.
•        Lưu trữ thông tin dưới dạng có thể sử dụng được - ví dụ, bằng cách sử dụng bảng tính hoặc phần mềm kế toán
•        Khuyến khích sự tham gia của cả nhóm - bằng cách trao đổi những gì bạn đang làm với những người thu thập và lưu trữ dữ liệu.
Điểm chuẩn kinh doanh của bạn
Điểm chuẩn là một cách để đo lường hiệu quả của bạn so với các doanh nghiệp có quy mô tương tự trong cùng lĩnh vực kinh doanh. Bạn có thể chấm điểm hầu hết tất cả các lĩnh vực kinh doanh quan trọng đối với thành công của bạn.
Hạn chế của phân tích xu hướng
Bạn cũng nên lưu ý những trường hợp ứng dụng phân tích xu hướng không hiệu quả. Ví dụ như:
•        Khi tình hình thay đổi nhanh chóng thì các dữ liệu thứ cấp có thể không sử dụng được
•        Việc so sánh dữ liệu hàng năm có thể không phải lúc nào cũng mô tả chính xác cho việc kinh doanh của bạn bởi có những  yếu tố khác có thể ảnh hưởng đến kết quả
•        Các dữ liệu thu thập được trong một khoảng thời gian dài không cho phép hiệu chỉnh theo mức lạm phát.
Phân tích xu hướng để cải thiện kinh doanh
Việc dành thời gian phân tích các kết quả kinh doanh của bạn là có giá trị bởi nó giúp bạn cải thiện việc kinh doanh của mình.
Phân tích xu hướng chính xác sẽ giúp phát hiện các xu hướng trong hoạt động kinh doanh của bạn – những điều không thể nhận thấy một cách hiển nhiên nếu chỉ căn cứ vào các chỉ số kinh doanh theo từng ngày.
Bạn có thể phân tích xu hướng hoạt động kinh doanh của bạn thông qua việc:
•        Thực hiện các tính toán tài chính
•        Nhìn nhận các tỷ số
•        Tạo ra các bảng thông tin
•        Vẽ biểu đồ các kết quả theo thời gian.
Tiến hành phân tích xu hướng Phân tích một xu hướng thường không có giá trị , nhưng khi thông tin về xu hướng được kết hợp với những quan sát và thông tin khác về kinh doanh có thể trở thành một công cụ mạnh cho việc ra quyết định về kinh doanh.
Dưới đây là một ví dụ về việc thay đổi nhân sự:
Thay đổi nhân sự trong năm 2011
•        Quý I 10%
•        Quý II 14%
•        Quý III 16%
•        Quý IV 8%
Thông tin trên cho thấy việc thay đổi nhân sự gần đây đã giảm - thường là một dấu hiệu tốt. Tuy nhiên, thông tin trên không cho bạn biết được ảnh hưởng của nó tới kinh doanh như thế nào. Để tìm ra câu trả lời, bạn cần phải phân tích các yếu tố khác.
Biểu đồ dưới đây chỉ ra những điều hữu ích hơn so với thông tin đơn lẻ ở phía trên.
Thay đổi nhân sự từ năm 2009- 2011


Nếu để tách bạch thông tin như ban đầu, ta sẽ nhận thấy chiều hướng có vẻ tích cực. Tuy nhiên khi so sánh qua các năm như trong đồ thị thì sự thay đổi mỗi quý là lớn hơn đáng kể so với cùng kì các năm trước.
Sự thay đổi nhân sự đang có xu hướng đi lên. Điều này cung cấp cho bạn một cảnh báo rằng thay đổi nhân sự đang trở thành một vấn đề và bạn có thể cần phải điều chỉnh.



<- PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

HỆ SỐ DÒNG TIỀN VÀO TỪ HOẠT ĐỘNG TÀI CHÍNH SO VỚI TỔNG DÒNG TIỀN VÀO


Lưu chuyển thuần từ hoạt động tài chính dương thể hiện lượng vốn cung ứng từ bên ngoài tăng. Điều này thể hiện tiền tạo ra từ hoạt động tài chính là do sự tài trợ từ bên ngoài và doanh nghiệp có thể phải phụ thuộc vào các nguồn vốn từ bên ngoài.

Hoạt động tài chính là những nghiệp vụ làm thay đổi cơ cấu tài chính của doanh nghiệp. Cụ thể: tăng, giảm các khoản vay; tăng giảm vốn chủ sở hữu khi huy động, phát hành cổ phiếu; mua lại trái phiếu, cổ phiếu; trả cổ tức, lợi nhuận giữ lại.


Nếu lưu chuyển từ hoạt động kinh doanh không đủ cho hoạt động đầu tư buộc doanh nghiệp phải điều phối dòng tiền từ hoạt động tài chính. Đó có thể là một khoản vay sẽ được tăng lên, phát hành thêm cổ phiếu hay là sự giảm đi hoặc thậm chí ngưng trả các khoản cổ tức.

Dòng tiền từ hoạt động tài chính bao gồm các khoản mục sau:


  1. Vốn tự có (+)
  2. Vay dài hạn (+)
  3. Trả nợ vay dài hạn (-)
  4. Vay ngắn hạn (+)
  5. Trả nợ vay ngắn hạn (-)
  6. Trả lãi vay (-)
  7. Chi cổ tức, quỹ phúc lợi, khen thưởng (-)
Lưu ý: Sức mạnh của doanh nghiệp thể hiện trước hết ở khả năng tạo tiền từ hoạt động kinh doanh, không phải tiền tạo ra từ hoạt động đầu tư hay tài chính. Ngân hàng cần đặc biệt quan tâm tới vấn đề này khi xác định độ ổn định của 1 doanh nghiệp để quyết định đầu tư dài hạn.

<-PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

HỆ SỐ DÒNG TIỀN TỪ HOẠT ĐỘNG ĐẦU TƯ SO VỚI TỔNG DÒNG TIỀN VÀO

Lưu chuyển thuần từ hoạt động đầu tư dương (thu>chi) thể hiện quy mô của doanh nghiệp bị thu hẹp. Vì số tiền thu được từ khấu hao, bán tài sản cố định sẽ lớn hơn số tiền mua sắm tài sản cố định khác.
Khi hệ số dòng tiền từ hoạt động đầu tư cao là thời điểm ngân hàng xem xét để thu hồi các khoản nợ của khách hàng

Dòng tiền từ hoạt động đầu tư bao gồm các khoản mục sau:


  1. Chi đầu tư TSCĐ (-)
  2. Vốn lưu động ban đầu (-)
  3. Chi góp vốn kinh doanh (-)
  4. Thu từ góp vốn kinh doanh (+)
  5. Giá trị thu hồi:
- Giá trị thanh lý TSCĐ (+)
- Vốn lưu động thu hồi cuối kỳ (+)


<- PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

HỆ SỐ DÒNG TIỀN VÀO TỪ HOẠT ĐỘNG KINH DOANH SO VỚI TỔNG DÒNG TIỀN VÀO


Lưu chuyển thuần từ hoạt động kinh doanh dương (thu>chi) thể hiện công ty làm ăn có hiệu quả, có khả năng trả ngay các khoản nợ đến hạn.

Hệ số dòng tiền vào từ hoạt động kinh doanh cho biết tỷ lệ tạo ra nguồn tiền vào từ hoạt động kinh doanh chính của doanh nghiệp. Thông thường nếu doanh nghiệp không có những biến động tài chính đặc biệt thì tỷ lệ này khá cao (khoảng 80%), đây là nguồn tiền chủ yếu dùng trang trải cho hoạt động đầu tư dài hạn, trả lãi vay, nợ gốc, cổ tức.

Dòng tiền từ hoạt động kinh doanh bao gồm các khoản mục sau:



  1. Lợi nhuận ròng: (Lãi +, Lỗ -)
  2. Khấu hao cơ bản (Lãi +, Lỗ -)
  3. Chi phí trả lãi vay (+)
  4. Tăng giảm nhu cầu vốn lưu động (Tăng -, giảm +)

PHÂN TÍCH CÁC CHỈ TIÊU ĐÒN BẨY TÀI CHÍNH

Hệ số nợ: Nợ phải trả/Vốn CSH

Tỷ lệ này càng nhỏ thì giá trị VCSH càng lớn,lại là nguồn vốn không hoàn trả, điều đó có nghĩa là khả năng tài chính của doanh nghiệp càng tốt. Nếu tỷ lệ này càng cao thì có một khả năng lớn là doanh nghiệp đang không thể trả được các khoản nợ theo những điều kiện tài chính thắt chặt hoặc có sự kém cỏi trong quản lý hoặc cũng có thể dòng tiền của doanh nghiệp sẽ kém đi do gánh nặng từ việc thanh toán các khoản lãi vay. Trong trường hợp thanh lý giải thể doanh nghiệp, hệ số này cho biết mức độ được bảo vệ của các chủ nợ. Các chủ nợ được quyền ưu tiên đòi lại phần của mình trong tài sản của doanh nghiệp. Theo một số tài liệu thì tỷ suất này chỉ nên ở mức độ tối đa là 5.
Tuy nhiên, để xác định thực chất khả năng tự chủ tài chính của doanh nghiệp và mức độ phụ thuộc vào các khoản nợ thì cũng phải phân tích bản chất từng khoản nợ, chủ nợ là ai và áp lực trả nợ như thế nào. Ví dụ có những khoản vốn của CSH bỏ vào kinhdoanh nhưng doanh nghiệp hạch toán vào phần nợ để tăng chi phí lãi vay, giảm lợi nhuận.


Tỷ suất tự tài trợ: VCSH/tổng nguồn vốn

Tỷ số này càng cao, độ rủi ro tài chính của doanh nghiệp càng giảm trên cả góc độ chủ sở hữu và ngân hàng.
Đối với doanh nghiệp:
- Tỷ lệ cao bảo đảm cho doanh nghiệp độc lập về mặt tài chính. Khi có những biến động không thuận lợi trên thị trường thì tác động đến lợi nhuận ít hơn do hệ số đòn bảy tài chính thấp.
- Nhà quản lý được tin cậy và dễ dàng hơn khi tìm kiếm các nguồn tài trợ bên ngoài
- Chi phí lãi vay thấp làm tăng chi trả cổ tức cho cổ đông.
Đối với ngân hàng, nếu tỷ suất này thấp:
- Khả năng bù đắp tổn thất vốn vay từ VCSH của doanh nghiệp là rất thấp
- Chi phí lãi vay, áp lực thanh toán nợ gốc cao buộc ngân hàng phải luôn theo dõi tình hình thu hồi nợ vay, phát sinh chi phí.



<- PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

PHÂN TÍCH TỶ SỐ PHẢN ÁNH KHẢ NĂNG SINH LỜI, HIỆU SUẤT SỬ DỤNG VỐN


Tỷ suất sinh lời doanh thu thuần

Nếu doanh thu thuần được coi là 100% thì giá vốn hàng bán, chi phí tài chính, chi phí bán hàng, lợi nhuận là bộ phận cấu thành nên doanh thu. Thông thường, việc phân tích lợi nhuận/doanh thu không chỉ dừng lại ở việc phân tích tỷ lệ lợi nhuận ròng chiếm bao nhiêu % doanh thu mà quan trọng hơn là phân tích cả lợi nhuận gộp, các yếu tố chi phí khác trên doanh thu để xem xét tình hình lợi nhuận của Công ty đang bị ảnh hưởng bởi chi phí NVL, khấu hao hay do chi phí tài chính hay do chi phí quản lý doanh nghiệp quá cồng kềnh….


Khi một doanh nghiệp mới hoạt động hay có một sản phẩm mới thì tỷ số lợi nhuận/doanh thu thường thấp (hoặc thua lỗ) do công suất huy động MMTB thấp, sản phẩm đang thâm nhập thị trường, nhu cầu chưa cao, giá bán thấp để chiếm lĩnh thị phần dẫn đến doanh thu đạt thấp trong khi chi phí cố định: khấu hao, lãi vay ở mức cao. Nhưng nếu sản phẩm đã có chỗ đứng trên thị trường, và nếu kiểm soát tốt các yếu tố chi phí gián tiếp thì tỷ số sẽ có xu hướng tăng.


Nếu một công ty có nhiều sản phẩm hoặc kinh doanh trên nhiều lĩnh vực và mỗi lĩnh vực có sổ sách kế toán riêng đầy đủ thì việc phân tích tỷ số của mỗi sản phẩm, lĩnh vực sẽ cho 1 cái nhìn tổng thể về các lĩnh vực nào cho kết quả kinh doanh tốt cần phát triển mạnh, các lĩnh vực nào kết quả kinh doanh chưa tốt cần hạn chế hoặc chuyển hướng đầu tư.


Không phải việc tăng tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lúc nào cũng phản ánh doanh nghiệp đang kinh doanh tốt và việc giảm tỷ suất lợi nhuận/doanh thu lúc nào cũng phản ánh doanh nghiệp đang kinh doanh kèm hiệu quả mà việc xem xét tăng/giảm tỷ suất sinh lời doanh thu là tốt hay xấu cũng cần phân tích rõ lý do của việc tăng/giảm tỷ số.


- Việc tăng tỷ suất lợi nhuận doanh thu là tốt nếu:
+ Lợi nhuận và doanh thu cùng tăng
+ Doanh thu giảm do doanh nghiệp không tiếp tục vào lĩnh vực đầu tư không hiệu quả. Lợi nhuận trong trường hợp này có thể giảm nhưng giảm ít hơn doanh thu. Hoặc lợi nhuận lại tăng lên do giảm lĩnh vực đầu tư không hiệu quả lên quản lý chi phí tốt hơn.


- Việc tăng tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là xấu nếu: việc tăng là do lợi nhuận và doanh thu cùng giảm nhưng lợi nhuận giảm chậm hơn doanh thu với các lý do giảm như sau:
+ Công ty bị giảm năng lực cạnh tranh, năng lực sản xuất,
+ Hàng hoá bán ra tiêu thụ kém,
+ Công ty phải giảm giá bán để chiếm lĩnh lại thị phần
Tuy nhiên do công ty vẫn đang quản lý tốt chi phí quản lý, chi phí tài chính …. nên tạm thời lợi nhuận có giảm nhưng tốc độ giảm chậm hơn doanh thu.


- Việc giảm tỷ suất lợi nhuận/doanh thu không phải là một dấu hiệu chứng tỏ hiệu quả kinh doanh của Công ty bị giảm sút nếu:
+ Lợi nhuận và doanh thu đều tăng nhưng lợi nhuận tăng chậm hơn doanh thu do hoạt động sản xuất kinh doanh của Công ty được mở rộng nhưng do vay nợ nhiều hơn nên chi phí lãi vay nhiều hơn, hay do mới mỏ rộng quy mô hoạt động nên công suất sản xuất chưa cao, chi phí quản lý, chi phí khấu hao còn lớn.
+ Trong trường hợp doanh thu tăng nhưng lợi nhuận không tăng thì cũng không phải là dấu hiệu doanh nghiệp kinh doanh không hiệu quả. Để kết luận phải xem xét cơ cấu chi phí và bản chất việc giảm lợi nhuận là do giá vốn tăng hay do doanh nghiệp quản lý tài chính, quản lý hoạt động không tốt dẫn đến các chi phí hoạt động quá cao so với quy mô tăng trưởng doanh thu.
+ Ngay cả khi doanh thu và lợi nhuận đều giảm cũng không phải là dấu hiệu kinh doanh của công ty đang xấu nếu do Công ty đang thu hẹp hoạt động, chuyển hướng đầu tư vào các lĩnh vực hiệu quả, dừng hoạt động những lĩnh vực, mặt hàng kém hiệu quả.
- Việc giảm tỷ suất lợi nhuận/doanh thu là một dấu hiệu chứng tỏ hoạt động kinh doanh của đơn vị đang có chiều hướng xấu nếu:
+ Doanh thu và lợi nhuận đều giảm do công ty kinh doanh không tốt, sản phẩm không bán được, khả năng cạnh tranh giảm sút
+ Lợi nhuận giảm thì dù doanh thu tăng cũng không phải là dấu hiệu tốt mà ngược lại nó còn cho thấy công ty đang đầu tư vào những mảng kinh doanh kém hiệu quả.



Tỷ suất sinh lời tổng tài sản: Lợi nhuận sau thuế/tổng tài sản
Khi xem xét chỉ tiêu này cần chú ý rằng: đối với doanh nghiệp có quy mô tài sản lưu động quá lớn, hoặc tỷ trọng vốn vay cao thì tỷ số này thường rất thấp do chi phí lãi vay cao làm lợi nhuận thấp


- Tỷ suất sinh lời tổng tài sản tăng là tốt nếu: công ty tăng vốn chủ sở hữu, giảm nợ vay làm giảm chi phí lãi vay nên lợi nhuận đạt được cao hơn.


- Tỷ suất sinh lời tổng tài sản tăng là dấu hiệu thể hiện công ty làm ăn không hiệu quả nếu: công ty giảm nợ vay do hoạt động kinh doanh bị thu hẹp, doanh thu lợi nhuận giảm nhưng giảm thấp hơn tốc độ giảm tổng tài sản.


- Tỷ suất sinh lời tổng tài sản giảm không phải là dấu hiệu tồi nếu: việc giảm là do công ty tăng VCSH nên tổng nguồn vốn tăng tương ứng tổng tài sản tăng, nhưng mức lợi nhuận tăng chậm hơn tăng TTS


- Tỷ suất sinh lời tổng tài sản giảm là dấu hiệu tồi nếu: công ty tăng nợ vay, vốn CSH giảm do kinh doanh lỗ vốn, hoặc HĐKD mở rộng những đầu tư vào những lĩnh vực không hiệu quả nên lợi nhuận không tăng, thậm chí còn giảm so với trước.


Tỷ suất sinh lời vốn chủ sở hữu


Đây là chỉ số được các nhà đầu tư, cổ đông của doanh nghiệp quan tâm nhất vì nó phản ánh những gì mà họ sẽ được hưởng. Nếu Công ty đạt được một tỷ lệ lợi nhuận trên vốn hợp lý, nó có thể:
- Duy trì trả cổ tức đều đặn cho các cổ đông


- Duy trì tỷ lệ lợi nhuận để lại hợp lý cho sự phát triển của doanh nghiệp


- Tránh việc tìm kiếm các nguồn bổ sung từ bên ngoài có chi phí vốn cao


- Đưa ra một hình ảnh lành mạnh để thu hút đối tác, nhân viên và giới tài chính …


Kết quả tính toán tỷ suất này càng lớn chứng tỏ hiệu quả sử dụng vốn tự có càng cao. Ta thường dùng chi phí cơ hội của việc cho vay trên thị trường tiền tệ (trái phiếu kho bạc, tiền gửi tiết kiệm …) làm mốc so sánh với chỉ số trên để xác định hiệu quả vốn tự có. Một doanh nghiệp phải có tỷ số cao hơn lãi suất tiết kiệm thì mới được coi là đạt hiệu quả.



Việc xem xét chỉ tiêu này có 1 ý nghĩa quan trọng là xác định mục tiêu kinh doanh của ban lãnh đạo doanh nghiệp là tối đa hoá lợi nhuận hay tối đa hoá quy mô. Nếu doanh nghiệp có tỷ số này càng cao, lợi nhuận để lại càng lớn thì quy mô vốn tự có sẽ ngày càng tăng kết hợp với hoạt động đầu tư thận trọng, thì tỷ lệ VCSH/tổng nguồn vốn sẽ tăng dần, mức độ rủi ro cho vay của doanh nghiệp giảm. Ngược lại nếu doanh nghiệp có tỷ số này thấp, khả năng tích luỹ hạn chế, trong khi đó quy mô đầu tư mở rộng thì Doanh nghiệp sẽ dùng nguồn vốn vay bên ngoài nhiều hơn sẽ làm cho tỷ trọng vốn CSH/tổng nguồn vốn giảm, kinh doanh không bền vững làm tăng rủi ro khi cho vay

Tuy nhiên tỷ số này sẽ không phản ánh đúng thực chất doanh nghiệp nếu doanh nghiệp hoạt động bằng vốn vay là chủ yếu, VCSH quá thấp.


Ngoài ra khi phân tích cần so sánh với tỷ số này năm trước.


Tỷ suất sinh lời vốn CSH tăng hay giảm chưa thể hiện hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp tốt hay không mà quan trọng là xác định lý do làm tỷ số này tăng hay giảm để từ đó có kết luận phù hợp.


- ROE tăng là tốt nếu lợi nhuận tăng, VCSH không bị giảm đi, thậm chí còn tăng lên.
- ROE tăng là xấu nếu công ty kinh doanh thua lỗ, phải thu hẹp hoạt động, doanh thu giảm, lỗ vốn nên VCSH giảm và VCSH giảm nhiều hơn lợi nhuận.
- ROE giảm là tốt nếu cả lợi nhuận và VCSH đều tăng nhưng VCSH tăng nhanh hơn tốc độ tăng lợi nhuận.
- ROE giảm là xấu nếu cả lợi nhuận và VCSH đều giảm do kinh doanh thua lỗ, thu hẹp quy mô …



<- PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP