Các khoản phải thu thực chất là đồng vốn mà
doanh nghiệp bị đối tác (có thể là khách hàng hoặc nhà cung cấp) chiếm dụng, vì
thế về nguyên tắc quy mô các khoản phải thu sẽ càng nhỏ càng tốt.
Quy mô tính chất các khoản phải thu phụ thuộc vào
mỗi loại hình kinh doanh khác nhau (ví dụ kinh doanh bán lẻ phải thu sẽ thấp,
bán buôn phải thu cao hơn….), phụ thuộc vào từng doanh nghiệp khác nhau, chính
sách bán hàng của họ trong từng thời kỳ (tăng trưởng để chiếm thị phần hay duy
trì thị phần đảm bảo hoạt động ổn định an toàn).
Thông thường hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp
càng mở rộng, quy mô các khoản phải thu càng tăng lên và ngược lại. Để xem xét
tương quan giữa 2 chỉ tiêu này chúng ta dùng tỷ số vòng quay các khoản phải
thu. Nếu quy mô các khoản phải thu tăng lên nhưng vòng quay các khoản phải thu
vẫn như cũ hoặc tăng lên thì số ngày phải thu sẽ giảm xuống chứng tỏ tình hình
quản lý công nợ tốt, sản phẩm được tiêu thụ dễ dàng hơn.
Ngược lại nếu doanh nghiệp có quy mô các khoản phải
thu tăng trong khi doanh thu, quy mô kinh doanh không tăng, thì như vậy tình
hình kinh doanh của khách hàng có nhiều biến đổi hoặc có những thay đổi trong
chính sách bán hàng. Trong trường hợp này cần làm việc với doanh nghiệp để xác
định bản chất các khoản công nợ này, nguyên nhân và cách khắc phục:
- Vòng đời của sản phẩm đã đến thời kỳ bão hoà,
suy thoái?
- Tình hình tiêu thụ sản phẩm trên thị trường có
trôi chảy như thường lệ không, hay xuất hiện dấu hiệu giảm sút, suy thoái làm ảnh
hưởng đến kỳ hạn thanh toán của khách hàng. Thời gian thu tiền bình quân của phần
lớn khách hàng giảm thể hiện rõ rệt về sự sút giảm doanh thu của doanh nghiệp.
Sản phẩm đang tiêu thụ khó khăn do nhu cầu suy giảm hoặc xuất hiện cạnh tranh từ
những sản phẩm mới, đối thủ cạnh tranh mới. Vì thế cần phải đánh giá lại tình
hình thị trường chung về sản phẩm, những khách hàng có sản phẩm cùng loại khác,
dự đoán thị trường và tìm hiểu, đánh giá các biện pháp khắc phục giai đoạn khó
khăn của doanh nghiệp, dự báo khả năng thành công và các biện pháp khắc phục rủi
ro của ngân hàng nếu tình hình xấu xảy ra.
- Xuất hiện các khoản công nợ lớn, kéo dài, tập
trung tại một vài khách hàng, tìm hiểu lý do: do khách hàng cố tình dây dưa
không thanh toán hay khách hàng gặp khó khăn tài chính chưa thể thanh toán. Tìm
hiểu các biện pháp xử lý của khách hàng vay vốn về các khoản công nợ này, khả
năng thu hồi các khoản công nợ, ảnh hưởng của việc không thu hồi được các khoản
công nợ này đến tài chính của doanh nghiệp.
- Doanh nghiệp có những thay đổi trong chính sách
bán hàng nhằm lôi kéo kích thích tiêu thụ sản phẩm như chấp nhận kéo dài thời hạn
thanh toán cho khách hàng.
Lưu ý: Nếu số vòng quay quá cao thể hiện phương thức bán hàng
cứng nhắc, thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt ngay chưa chắc đã tốt vì ảnh hưởng
đến sức cạnh tranh và mở rộng thị phần của công ty.
Để phân tích các vấn đề trên, cán bộ đề nghị cung
cấp các số liệu, thông tin sau:
- Chính sách bán hàng, mạng lưới phân phối
- Cơ cấu các khoản phải thu
- Danh sách khách hàng nợ chính
- Doanh số phát sinh nợ-có tài khoản phải thu
khách hàng
- Chi tiết doanh số phát sinh nợ - có phải thu
khách hàng lớn
- Tuổi nợ các khoản phải thu (nếu là nợ gối đầu sẽ
khó xác định)
- Các khoản nợ quá hạn, thời gian quá hạn, lý do
quá hạn, xử lý của doanh nghiệp (trích DPRR, khởi kiện ….)
- Danh sách các người bán trả tiền trước, chi tiết
doanh số phát sinh nợ - có người bán trả trước.
- Các hợp đồng mua bán giữa doanh nghiệp và người
bán, xác định ràng buộc trách nhiệm của người mua - người bán về các khoản trả
trước.
No comments:
Post a Comment