Wednesday, October 26, 2016

PHÂN TÍCH TỶ SỐ PHẢN ÁNH HIỆU QUẢ VỐN LƯU ĐỘNG

Các tỷ số phản ánh hiệu quả vốn lưu động thể hiện qua các chỉ tiêu sau:

2.1 Vòng quay các khoản phải thu khách hàng/kỳ thu tiền bình quân


Vòng quay các khoản phải thu = Doanh thu/(phải thu khách hàng bình quân đầu kỳ + cuối kỳ)
Kỳ thu tiền bình quân = 12 tháng/ vòng quay các khoản phải thu


Tỷ số này cho biết thời gian chậm trả trung bình các khoản phải thu hoặc thời gian trung bình để chuyển các khoản phải thu thành tiền mặt
- Thời gian thu hồi công nợ ngắn có thể cung cấp những thông tin sau:
+ Chính sách tín dụng bán trả chậm cho khách hàng của doanh nghiệp quá khắt khe: Điều này sẽ làm giảm khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp, đặc biệt khi mà doanh nghiệp không phải là doanh nghiệp lớn, hoạt động lâu dài, có thị phần lớn.
+ Việc thu hồi công nợ của doanh nghiêp rất hiệu quả: tìm hiểu thêm về cách thức thu hồi công nợ của công ty.
+ Khả năng sinh lời và điều kiện tài chính của khách hàng tốt: Liên hệ với tỷ suất sinh lời, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận để kết luận.
+ Doanh nghiệp chỉ hoặc thường bán hàng trả ngay bằng tiền mặt: xem xét loại hình kinh doanh và phương thức bán hàng, mạng lưới phân phối của công ty.
- Thời gian thu hồi công nợ dài có thể cung cấp những thông tin sau:
+ Chính sách bán hàng trả chậm của doanh nghiệp là dễ dàng: xem xét cụ thể thị trường của hàng hoá doanh nghiệp đang kinh doanh, nếu doanh nghiệp mới thâm nhập thị trường thì chính sách bán hàng linh hoạt là hợp lý. Tuy nhiên nếu doanh nghiệp đang có thị phần vững chắc, khi thay đổi về chính sách bán hàng phải xem xét cụ thể khả năng cạnh tranh của khách hàng, các biến động về giá cả, chất lượng của hàng hoá khách hàng đang kinh doanh, tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, khả năng bán hàng, tình hình tài chính và định hướng kinh doanh của doanh nghiệp cũng như xem xét tình hình tài chính của bạn hàng, các phát sinh phải thu chi tiết, tuổi nợ các khoản phải thu để xác định lý do thực chất của việc thay đổi chính sách bán hàng.
+ Việc thu hồi công nợ của doanh nghiệp không hiệu quả: tìm hiểu về cách thức thu hồi công nợ của công ty để có hướng tư vấn kịp thời.


2.2 Vòng quay hàng tồn kho/thời gian tồn kho bình quân


Vòng quay hàng tồn kho = Giá vốn/Hàng tồn kho bình quân


Thời gian tồn kho bình quân = 12 tháng/vòng quay hàng tồn kho


Tỷ số này chobiết doanh nghiệp lưu hàng tồn kho, gồm có NVL và hàng hoá trong bao nhiêu tháng. Để duy trì hoạt động kinh doanh thì hàng hoá cần phải trữ ở một số lượng cần thiết nào đó. Tuy nhiên, lưu giữ quá nhiều hàng tồn kho đồng nghĩa với việc vốn sử dụng kém hiệu quả (dòng tiền sẽ giảm đi do vốn kém hoạt động và như vậy lãi vay sẽ tăng lên). Điều này làm tăng chi phí lưu giữ hàng tồn kho và tăng rủi ro khó tiêu thụ hàng tồn kho này do có thể không hợp nhu cầu tiêu dùng cũng như thị trường kém đi. Do vậy tỷ số này cần xem xét để xác định thời gian tồn kho có hợp lý theo chu kỳ sản xuất kinh doanh của doanh nghiệp và mức độ bình quân chung của ngành cũng như mức tồn kho hợp lý đảm bảo cung cấp được bình thường.



2.3 Vòng quay vốn lưu động và số ngày hoàn thành chu kỳ kinh doanh


Vòng quay VLĐ = Doanh thu/VLĐ bình quân


Vòng quay VLĐ xác định số ngày hoàn thành 1 chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp.
Vòng quay VLĐ quá thấp chứng tỏ khả năng thu hồi tiền hàng, khả năng luân chuyển hàng hoá thấp, luân chuyển vốn chậm nên chi phí về vốn tăng lên làm giảm hiệu quả hoạt động của doanh nghiệp.
Vòng quay VLĐ khác nhau đối với các doanh nghiệp kinh doanh trong các lĩnh vực khác nhau, ví dụ vòng quay VLĐ của các doanh nghiệp kinh doanh thương mại bao giờ cũng phải cao hơn vòng quay VLĐ của các doanh nghiệp kinh doanh trong lĩnh vực sản xuất, XDCB.
Khi xem xét vòng quay VLĐ của 1 doanh nghiệp, cần so sánh với mức bình quân chung của ngành cũng như các chính sách bán hàng, tiêu thụ hàng của doanh nghiệp để kết luận chu kỳ kinh doanh của doanh nghiệp là ở mức bình thường, tốt hay không tốt.
Đặc biệt, đối với mặt hàng kinh doanh có tính thời điểm, mùa vụ cao thì việc xác định vòng quay VLĐ thực chất khi tính toán hạn mức tín dụng cho khách hàng còn cần phải dựa vào các hợp đồng mua bán hàng hoá, thời gian tồn kho thực tế của khách hàng



2.4 Vòng quay khoản phải trả và kỳ trả nợ bình quân

Vòng quay khoản phải trả = giá vốn/khoản phải trả bình quân


Số ngày phải hoàn trả nợ = 12 tháng/vòng quay khoản phải trả
Vòng quay phải trả và số ngày phải hoàn trả nợ là chỉ tiêu vừa phản ánh uy tín của doanh nghiệp đối với bạn hàng vừa phản ánh khả năng trả nợ của doanh nghiệp.
Đối lập với vòng quay phải thu và hàng tồn kho có xu hướng càng tăng càng tốt thì đối với các doanh nghiệp càng được chậm trả nợ càng tốt nên họ rất muốn kéo dài thời gian hoàn trả nợ dẫn đến vòng quay phải trả thấp. Vòng quay phải trả thấp, số ngày hoàn trả nợ kéo dài có thể là dấu hiệu cho thấy công ty rất có uy tín và là khách hàng tốt của nhà cung cấp nên được cho chậm trả, nhưng cũng có thể là dấu hiệu cho thấy khách hàng đang khó trả các khoản nợ đến hạn. Để khẳng định được khả năng thanh toán nợ của khách hàng cần phân tích chi tiết các khoản phải trả, các khách hàng cho nợ, doanh số phát sinh nợ có và tuổi nợ các khoản phải trả, đối chiếu với hợp đồng mua hàng, xem xét tốc độ tăng trưởng doanh thu, lợi nhuận, khả năng thu hổi công nợ …. để có kết luận về việc vòng quay phải trả thấp là do khách hàng được cho chậm trả hay do khách hàng kinh doanh yếu kém mất khả năng thanh toán các khoản nợ.


<-PHÂN TÍCH TÀI CHÍNH DOANH NGHIỆP

No comments:

Post a Comment