Tuesday, October 18, 2016

KIẾN THỨC CƠ BẢN VỀ TRÁI PHIẾU

Bạn muốn gia tăng lợi nhuận và cải thiện rủi ro cho danh mục đầu tư của mình? Việc đưa trái phiếu vào danh mục đầu tư của bạn sẽ tạo ra một danh mục đầu tư cân bằng hơn, tăng cường sự đa dạng cũng như giảm thiểu biến động.



Bạn có thể bắt đầu việc đầu tư trái phiếu bằng cách tìm hiểu một vài thuật ngữ chuyên ngành về thị trường trái phiếu dưới đây.

Thoạt tiên, thị trường trái phiếu nghe có vẻ xa lạ, thậm chí ngay cả với các nhà đầu tư chứng khoán đã có kinh nghiệm. Nhiều nhà đầu tư chỉ thực hiện việc đầu cơ trái phiếu qua loa bởi vì họ thấy lúng túng trước sự phức tạp của thị trường này. Nếu được hiểu đầy đủ thì trái phiếu thực sự là công cụ nợ (debt instrument) rất đơn giản. Hãy tìm hiểu xem thuật ngữ ấy là gì.

1. Đặc tính cơ bản của trái phiếu

Trái phiếu đơn giản là khoản vay của một công ty. Các nhà đầu tư cho vay bằng cách mua về những trái phiếu mà công ty này phát hành. Đổi lại, công ty sẽ trả lãi (interest coupon) trong khoảng thời gian định kỳ được xác định sẵn (thường là hàng năm hoặc nửa năm một lần) và trả lại khoản gốc vào ngày đáo hạn, chấm dứt việc nợ.

Không như cổ phiếu, trái phiếu có thể thay đổi đáng kể dựa trên các điều khoản trong khế ước, một văn bản qui định bởi pháp luật có nêu rõ các đặc tính của trái phiếu đó. Bởi mỗi đợt phát hành trái phiếu đều không giống nhau, việc hiểu các điều khoản một cách chính xác trước khi đầu tư là điều rất quan trọng. Đặc biệt, có sáu đặc điểm quan trọng khi xem xét đến trái phiếu.

Đáo hạn

Ngày đáo hạn của trái phiếu là ngày mà khoản vay gốc (principal) hay giá danh nghĩa (par) , giá trị của trái phiếu sẽ được thanh toán cho các nhà đầu tư, và nghĩa vụ trả trái phiếu của công ty sẽ kết thúc.

Bảo đảm/ Không bảo đảm

Một trái phiếu có thể được bảo đảm hoặc không có bảo đảm. Trái phiếu không có bảo đảm được gọi là trái khoán (debenture), trả lãi và trả nợ gốc chỉ có thể được đảm bảo bởi độ tin cậy của công ty phát hành ra nó. Nếu công ty không thành công, bạn có thể chỉ nhận về rất ít từ khoản đầu tư ban đầu. Mặt khác, một trái phiếu được bảo đảm là trái phiếu mà trong đó tài sản cụ thể được cam kết đối với người sở hữu trái phiếu nếu công ty không thể hoàn trả nghĩa vụ nợ của mình.

Ưu đãi thanh khoản (Liquidation Preference)

Khi một công ty phá sản, công ty đó sẽ trả lại tiền cho các nhà đầu tư theo một thứ tự cụ thể khi tất toán nợ. Công ty tiến hành trả tiền cho các nhà đầu tư sau khi đã bán hết tất cả tài sản của mình. Nợ cao cấp (senior debt) được trả trước, sau đó là nợ thứ cấp ( subordinated debt) và phần còn lại dành cho các cổ đông.

Trái tức (Coupon)

Trái tức là số tiền lãi phải trả cho người sở hữu trái phiếu, thông thường  hàng năm hoặc nửa năm một lần.

Trạng thái Thuế ( Tax Status)

Trong khi phần lớn trái phiếu do công ty phát hành là các khoản đầu tư phải chịu thuế, vẫn có một số trái phiếu chính phủ và trái phiểu địa phương (municipal bond) được miễn thuế, có nghĩa thu nhập và vốn có được nhờ trái phiếu không phải chịu thuế thông thường của nhà nước hoặc địa phương.

Vì nhà đầu tư không phải trả thuế lợi nhuận, trái phiếu miễn thuế sẽ có lãi suất thấp hơn so với trái phiếu chịu thuế tương đương. Một nhà đầu tư phải tính toán lợi tức tương đương thuế (tax- equivalent yield) để so sánh với khoản lợi nhuận của các công cụ chịu thuế.

Quyền mua lại trái phiếu trước khi đáo hạn (Callability)

Một số trái phiếu có thể được thanh toán bởi công ty phát hành trước thời gian đáo hạn. Nếu một trái phiếu có một điều khoản lệnh gọi (call provision), nó có thể được thanh toán sớm hơn, theo sự lựa chọn của công ty, thường là cao hơn một chút so với giá danh nghĩa. (Par).

2. Rủi ro trái phiếu

Rủi ro tín dụng (credit risk) / Rủi ro vỡ nợ (default risk)

Rủi ro tín dụng hay rủi ro vỡ nợ được hiểu là những trường hợp mà cả lãi lẫn gốc đều có thể không có khả năng được trả vào ngày đáo hạn.

Rủi ro trả trước

Rủi ro trả trước là rủi ro khi một đợt phát hành trái phiếu nào đó được trả sớm hơn dự kiến, thông thường qua điều khoản gọi. Có thể xem đây là tin xấu đối với các nhà đầu tư, bởi vì công ty chỉ có động lực để trả nợ sớm khi lãi suất giảm đáng kể. Thay vì tiếp tục giữ lại một khoản đầu tư lãi suất cao, các nhà đầu tư sẽ ngừng lại để tái đầu tư vốn trong một môi trường lãi suất thấp hơn.

Rủi ro lãi suất

Rủi ro lãi suất là rủi ro mà ở đó lãi suất sẽ thay đổi đáng kể so với những gì nhà đầu tư dự kiến. Nếu lãi suất giảm đáng kể, nhà đầu tư phải đối mặt với khả năng thanh toán trước. Nếu lãi suất tăng, nhà đầu tư sẽ bị kẹt với một công cụ có lãi thấp hơn so với lãi thực tế của thị trường ( market rate). Càng nhiều thời gian đến ngày đáo hạn thì nhà đầu tư phải chịu rủi ro lãi suất lớn hơn, bởi vì càng khó khăn để dự đoán sự phát triển của thị trường trong tương lai.



3. Xếp hạng trái phiếu

Các tổ chức xếp hạng trái phiếu

Các tổ chức xếp hạng trái phiếu phổ biến nhất là  Standard & Poor, Moody và Fitch. Các tổ chức này đánh giá khả năng hoàn trả nghĩa vụ của các công ty. Các trái phiếu 'AAA' đến 'Aaa " nghĩa là các trái phiếu cao cấp rất có khả năng được hoàn trả. Trái phiếu loại ' D ' là của những công ty đang phá sản. Trái phiếu được xếp hạng từ  'BBB' đến 'Baa' hoặc cao hơn được gọi là "trái phiếu ở điểm đầu tư" (investment grade), điều này có nghĩa là họ khó bị vỡ nợ và có xu hướng duy trì đầu tư ổn định. Trái phiếu được xếp hạng 'BB' đến 'Ba' hoặc thấp hơn được gọi là "trái phiếu rác" (junk bond), có nhiều khả năng phá sản, bởi vậy chúng được đầu cơ nhiều và phụ thuộc hơn vào biến động giá.

Đôi khi các công ty phát hành sẽ không trình trái phiếu của mình để được đánh giá, trong những trường hợp này nhà đầu tư chỉ dựa vào phán đoán của bạn thân để ra quyết đinh. Bởi vì với mỗi tổ chức, hệ thống xếp hạng không giống nhau và thay đổi theo thời gian, do đó việc nghiên cứu các định nghĩa xếp hạng cho đợt phát hành trái phiếu bạn đang xem xét là vô cùng quan trọng.

4. Lợi tức trái phiếu (Bond Yield)

Lợi tức trái phiếu là tất cả các phương pháp tính lợi nhuận. Lợi tức đến ngày đáo hạn ( yield to maturity) là thông số được sử dụng thường xuyên nhất, nhưng hiểu một số phương thức tính lợi nhuận khác cũng rất quan trọng trong vài tình huống nhất định.

Lợi tức đáo hạn (YTM)

Như đã đề cập ở trên, lợi tức đáo hạn (YTM) là thông số lợi nhuận phổ biến nhất. Nó tính toán xem nếu trái phiếu được giữ lại đến kì đáo hạn và tất cả trái tức được tái đầu tư ở tỉ lệ YTM thì mức lãi trái phiếu là bao nhiêu? Bởi trái tức gần như không được tái đầu tư ở cùng một mức, lợi nhuận thực sự của các nhà đầu tư sẽ khá khác nhau. Tính toán lợi tức đáo hạn bằng tay sẽ mất nhiều thời gian vì vậy cách tốt nhất là sử dụng công thức Excel 's Rate hoặc YIELDMAT (Excel 2007) cho phép tính này. Chức năng đơn giản này cũng có trên máy tính tài chính.

Lợi tức hiện tại (Current Yield)

Lợi tức hiện tại có thể dùng để so sánh thu nhập lãi của trái phiếu với thu nhập cổ tức của cổ phiếu. Nó được tính bằng cách chia  lượng trái tức hàng năm theo giá hiện hành của trái phiếu. Hãy nhớ rằng lợi tức này chỉ là một phần lợi nhuận thu nhập, không tính khoản thu vốn hoặc lỗ có thể phát sinh. Như vậy, với các nhà đầu tư chỉ quan tâm đến thu nhập hiện tại, lợi nhuận này là hữu ích nhất.

Lợi tức danh nghĩa (Nominal Yield)

Lợi tức danh nghĩa của trái phiếu chỉ đơn giản là phần trăm lãi suất được trả cho trái phiếu định kỳ. Nó được tính bằng cách chia khoản tiền thanh toán trái tức hàng năm theo mệnh giá của trái phiếu. Cần lưu ý rằng lợi tức danh nghĩa không ước tính lợi nhuận một cách chính xác trừ khi giá trái phiếu hiện hành tương đương với mệnh giá của nó. Vì vậy, lợi tức danh nghĩa chỉ được sử dụng để tính toán các khoản lợi nhuận khác.

Lợi suất thu hồi (YTC)

Một trái phiếu hoàn trả tùy ý ( callable bond) luôn có khả năng được mua lại trước ngày đáo hạn. Các nhà đầu tư nhận thấy rằng lợi tức tăng cao hơn một chút nếu trái phiếu đã mua lại được thanh toán ở mức ưu đãi. Một nhà đầu tư có trái phiếu như vậy có thể muốn biết xem lợi tức sẽ thế nào nếu trái phiếu được mua lại vào ngày nào đó, từ đó quyết định xem rủi ro trả trước có đáng hay không. Cách dễ nhất để tính toán lợi tức là sử dụng phương trình Excel' Yield hay IRR trong Excel, hoặc máy tính tài chính.

Lợi tức thực nhận (Realized Yield)

Lợi tức thực nhận của một trái phiếu nên được tính toán nếu nhà đầu tư có kế hoạch giữ trái phiếu chỉ trong một thời gian nhất định, chứ không phải đến ngày đáo hạn. Trong trường hợp này, nhà đầu tư sẽ bán trái phiếu, và giá trái phiếu dự kiến ​​trong tương lai phải được ước tính. Bởi vì giá trong tương lai rất khó dự đoán, cách tính lợi tức này chỉ là ước tính lợi nhuận. Cách tính lợi tức tốt nhất nên được thực hiện bằng cách sử dụng hàm YIELD hay IRR của Excel, hoặc sử dụng máy tính tài chính.

Kết luận

Mặc dù có vẻ phức tạp, tuy nhiên thị trường trái phiếu vẫn được qui định bởi sự cân bằng rủi ro và lợi nhuận giống như thị trường chứng khoán. Nhà đầu tư chỉ cần nắm vững thuật ngữ và các chỉ số tính toán cơ bản để tìm ra những nhân tố thị trường quen thuộc và trở thành một nhà đầu tư trái phiếu có chuyên môn. Một khi đã hiểu các thuật ngữ quan trọng, thì đầu tư trái phiếu sẽ đơn giản hơn rất nhiều.
THEO SAGA

No comments:

Post a Comment