Monday, August 7, 2017

Truyền bệnh sốt xuất huyết là loài muỗi "quý tộc"


ANTD.VN - Cung cấp thông tin đến báo chí, PGS.TS Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết, không chỉ người dân mà nhiều cán bộ y tế cũng chưa hiểu đúng, đầy đủ về muỗi truyền bệnh SXH và cơ chế sinh trưởng, gây bệnh của loài muỗi này, dẫn tới tình trạng đi chệch hướng trong phòng chống dịch. 
ảnh 1Vòng đời của muỗi vằn truyền sốt xuất huyết
 - PV: Tại sao muỗi truyền bệnh SXH lại được gọi là loài muỗi “quý tộc”. Ông có thể phân tích rõ hơn về đặc tính của loại muỗi này và cơ chế truyền SXH sang người?
- PGS.TS Trần Đắc Phu: Dịch bệnh SXH lây lan do muỗi vằn đốt người bệnh nhiễm virus sau đó truyền bệnh cho người lành qua vết đốt. Hai loại muỗi vằn truyền bệnh SXH là Aedes aegypti và Aedes albopictus, trong đó chủ yếu là muỗi Aedes aegypti. Sở dĩ loại muỗi vằn này được gọi là “muỗi quý tộc” vì chúng chỉ đẻ trứng ở nơi sạch sẽ, ở vũng nước trong. Nhiều người lầm tưởng rằng chỉ cần khai thông cống rãnh, chỗ ao tù nước đọng, nước đục ngầu, hôi thối có nhiều muỗi là phòng được SXH nhưng thật ra, muỗi vằn truyền SXH lại đẻ trứng ở các bể nước sạch không đậy nắp, bể cá, chậu cây cảnh, các đồ vật hay vật dụng chứa nước đọng như gáo dừa, lốp xe để ngoài trời, thậm chí trong các lọ hoa chứa nước, các bát nước cúng bày trên bàn thờ, các bát đĩa chứa nước đặt dưới gầm chạn bát đũa…
Muỗi truyền bệnh SXH đốt người vào ban ngày, mạnh nhất vào sáng sớm và chiều tối (từ 5-9h và 15-19h) và chỉ muỗi vằn cái đốt người truyền bệnh SXH. Muỗi vằn phát triển mạnh vào mùa mưa, khi nhiệt độ trung bình trên 20ºC.
- Muỗi vằn truyền SXH thường trú ẩn ở đâu?
- Muỗi vằn thường trú đậu ở các góc, xó tối trong nhà. Đáng chú ý là loài muỗi này thích trú ẩn vào các vật dụng có hơi người như trên quần áo, chăn màn, dây phơi, sau tủ lạnh và các đồ dùng trong nhà. 
- Để diệt muỗi vằn phòng, chống dịch bệnh SXH bùng phát, giải pháp nào là hiệu quả nhất mà người dân có thể dễ dàng thực hiện được?
- Bộ Y tế khuyến cáo mạnh mẽ cộng đồng thực hiện những hành động đơn giản như đậy kín tất cả các dụng cụ chứa nước để muỗi không vào đẻ trứng, hàng tuần thực hiện các biện pháp diệt loăng quăng/bọ gậy; lật úp các dụng cụ không chứa nước; thay nước bình hoa/bình bông; bỏ muối hoặc dầu vào bát nước kê chân chạn; loại bỏ các vật liệu phế thải, các hốc nước tự nhiên không cho muỗi đẻ trứng, tích cực phối hợp với ngành Y tế trong các đợt phun hóa chất phòng, chống dịch. Cùng đó cần nằm màn chống muỗi đốt.

No comments:

Post a Comment