Một trong những sai lầm khi giáo dục con trẻ, đó là không đặt mình vào vị trí của trẻ để thấu hiểu suy nghĩ của chúng.
18h chiều, hình ảnh phổ biến trong một siêu thị lớn ở trung tâm thành phố khiến đám đông bận rộn chỉ khẽ lướt mắt rồi bỏ qua:
Một bé gái cầm hộp sô cô la chạy ra chỗ mẹ: “Mẹ ơi, mua cái này đi.” Người mẹ thấy vậy bèn lạnh lùng giật lấy cái hộp.
“Không được!”
“Mua đi mà… Mua đi mà… Mua đi mà.” Bé gái bắt đầu quấy khóc.
“Thật là hết thuốc chữa!” Người mẹ vừa lầm bầm vừa kéo tay bé gái đi về phía hàng bánh kẹo.
“Lấy cái này.” Người mẹ nhét vào tay bé Mi một túi bánh quy mà bà ấy cho là ngon.
Không chỉ trong chuyện này mà tất cả những đồ bé gái tự quyết, tự chọn, bà mẹ luôn gạt phắt và làm theo ý của mình, không bàn cãi.
Đây là một cách giáo dục điển hình của một số bà mẹ Việt mà nếu kéo dài, dần dần, khả năng tự tư duy, tự quyết định của con cái sẽ bị thui chột. Thậm chí bé sẽ ngày càng ít nói và ngại giao tiếp với mọi người.
La mắng, áp đặt chỉ làm con tổn thương thêm
Nhiều bậc phụ huynh đang "vật vã" trong việc giáo dục con, khi mà bạo lực bằng lời nói, thái độ hay hành động đều chưa mang lại hiệu quả.
Chị P.L hiện đang sống tại một KĐT quận Hà Đông than thở: Bé Mai, con chị càng lớn, tần suất bị mẹ mắng, thậm chí bị đánh càng nhiều. Nhưng dường như phản tác dụng khi càng ngày cô bé càng trở nên lầm lì. Điều chị cảm thấy lo lắng nhất là Mai luôn có thái độ dửng dưng trong mọi việc, kể cả khi được đi chơi, nhận quà hay việc thể hiện tình cảm với bố mẹ.
“Mày là đứa trẻ vô cảm, không có trái tim”, có lần chị lỡ lời mắng con nhưng rồi sững người khi Mai nhìn thẳng vào mắt mẹ và nói: “Con thừa hưởng điều đó từ mẹ chứ ai”. Cả đêm hôm đó, chị P.L không ngủ được. Chị cảm thấy như mình đang đánh mất con.
Trường hợp khác là cháu N.A con gái anh H. ở Hai Bà Trưng, Hà Nội, từ nhỏ đã là cô bé cá tính. Đến "tuổi teen", N.A càng trở nên khó bảo khiến anh hay dùng những lời lẽ nặng nề với con. Tình trạng căng thẳng đến mức con tránh mặt bố, bố hạn chế giao tiếp với con.
Chính cô giáo chủ nhiệm lớp 10 của N.A đã nhận ngay ra điều bất thường này ở cô học trò và chủ động trao đổi với bố mẹ N.A nhưng anh H. vẫn phó thác hết cho vợ. Cho đến một lần, vợ đi công tác đột xuất, anh H. phải đi họp phụ huynh cho con, anh được cô giáo chuyển lá thư của N.A viết cho mẹ.
“Bao lần con tự dặn mình phải bình thản khi thấy bố vội quay lưng đi khi nhìn thấy con. Bao lần con tự nhủ chẳng vấn đề gì khi nghe bố nói: 'Tao không hiểu nổi mày'. Nhưng tại sao tim con vẫn nhói, nước mắt con vẫn rơi?”.
Anh H. đã khóc và nhận ra rằng thái độ áp đặt, một chiều đã đẩy hai cha con ngày càng xa nhau.
Điểm chung của những bậc phụ huynh này là kết thừa những kinh nghiệm dạy con từ bố mẹ, ông bà. Hoặc những điều chưa đúng trong cách giáo dục như áp đặt, giáo điều mặc định theo họ đến lúc trưởng thành và rồi được truyền cho con cái.
Đừng để "kinh nghiệm của cha đè nát cuộc đời con"!
Trong tâm thế bất lực, anh H. tìm đến một số khóa học về tâm lý, giáo dục trẻ. Và anh nhận thấy người cần thay đổi trước tiên chính là anh và vợ chứ không phải con.
"Vợ chồng tôi dạy con bằng kinh nghiệm cũ rích. Trẻ bây giờ sống trong điều kiện khác ngày xưa. Chúng ta đòi hỏi các con quá nhiều mà không chịu hiểu ở tuổi của trẻ bây giờ, chúng ta có hơn các con không? Có nhận thức được như một người đã 35-40 tuổi không?", anh cho biết.
Sự chuyển biến tư tưởng đó đã khiến anh thôi đay nghiến, chửi mắng, đánh đập mà vui vẻ bỏ qua một số lỗi lầm của con, dồn sức tập trung vào ưu điểm, thế mạnh của con.
Mỗi lần muốn xả ra những lời lẽ nặng nề với con, anh sẽ ra khỏi nhà đi dạo, đến khi bình tĩnh trở lại, anh mới quay lại trò chuyện với con. Cũng phải mất một thời gian dài, hai bố con mới có thể tìm lại được không khí và cảm giác thân thuộc trước đây.
Cũng thay đổi tư duy như gia đình anh H. sau nhiều đêm trăn trở, chị P.L cũng quyết định mình phải thay đổi trước tiên. Chị đưa cho con một hộp khuy và hai chiếc hộp. Chị bảo từ bây giờ, nếu con mắc lỗi hoặc con thấy mẹ mắc lỗi, con hãy cho vào hộp của con hoặc của mẹ một chiếc khuy. Cuối tháng, hộp của ai nhiều khuy hơn, người đó sẽ chịu một hình phạt do người kia đưa ra.
Cuối tháng đầu tiên, số khuy trong hộp của bé Mai nhiều hơn. Lúc chờ đợi mẹ nói ra hình phạt, nét mặt cô bé rất căng thẳng, thậm chí sợ hãi. Nhưng khi mẹ nói hình phạt là con phải lau nhà trong ba ngày, con thở phào nhẹ nhõm. Đến tháng thứ ba, lần đầu tiên số khuy của mẹ nhiều hơn. Đến lượt con nói ra hình phạt của mẹ. Mai ngập ngừng mãi mới nói: “Từ bây giờ, mẹ đừng bao giờ gọi con là mày nữa…”.
"Để dạy con, trước tiên nhiều phụ huynh phải bỏ thói quen, chủ nghĩa kinh nghiệm. Đừng để giấc mơ cha, kinh nghiệm của cha đè nát cuộc đời con", một chuyên gia tâm lý nước ngoài từng phân tích.
Để dạy con hiệu quả, trước tiên các bậc phụ huynh phải thay đổi, phải sửa mình, phải làm gương. Đấy là điều quan trọng nhất trong các phương pháp giáo dục con.
Nhịp Sống Kinh Tế
No comments:
Post a Comment