Sunday, April 25, 2021

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công?

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công?

Làm thế nào quốc gia này có thể kiểm soát số lượng ca nhiễm thấp như vậy khi có chung đường biên giới với Trung Quốc, và thậm chí tăng trưởng kinh tế còn đạt mức cao trong năm qua?

Hiếm có quốc gia nào tiến xa như Việt Nam

Mỗi năm, tầm khoảng tháng Giêng hay tháng Hai, ông Lê Thế Linh và vợ con thường chuẩn bị đồ đạc và lái xe khoảng hơn 120 km đến Hải Phòng - thành phố cảng phía đông Hà Nội để thăm họ hàng nhân dịp Tết Nguyên đán.

Tuy nhiên, năm nay, sau kỳ nghỉ lễ, trên đường đến gần cuối đoạn cao tốc Hà Nội - Hải Phòng, họ đã phải dừng lại trước một trạm kiểm soát. Đây cũng là một trong 16 trạm kiểm soát được dựng lên xung quanh Hải Phòng nhằm kiểm soát việc ra vào thành phố. Các quan chức tại đây yêu cầu người dân kê khai lịch trình đi lại, cư trú và tình trạng sức khỏe của mỗi người.

Cuối cùng, gia đình anh Linh có thể chứng minh rằng khu vực gia đình anh sinh sống không có ca nhiễm nào trong giai đoạn ấy. Anh Linh và gia đình là một trong những người may mắn được tiếp tục chuyến đi. Song, rất nhiều người từ các khu vực gần ổ dịch đã phải quay đầu, nhóm thanh niên đi xe máy định lách trạm kiểm soát thì bị bắt giữ, nhiều người khác phải lựa chọn chào hỏi gia đình qua FaceTime hoặc Zalo.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 1.

Vợ chồng anh Lê Thế Linh điền giấy tờ tại chốt kiểm tra trước khi vào đường cao tốc Hà Nội - Hải Phòng.

Khi đại dịch bắt đầu lan rộng, Chính phủ Việt Nam đã nhanh chóng áp dụng các biện pháp hạn chế đi lại. Chưa bao giờ trong lịch sử, ngành du lịch toàn cầu bị hạn chế một cách triệt để như vậy: số lượng du khách quốc tế trong 6 tháng đầu năm 2020 giảm 65%. Hơn một năm sau, khi các quốc gia lần lượt thử nghiệm hộ chiếu vaccine, bong bóng du lịch, loạt biện pháp mới nhằm hạn chế các biến thể của virus, thì tác động về những hạn chế đi lại trước đó đến ngành du lịch vẫn như ngày đầu.

Nhưng hiếm có quốc gia nào tiến xa như Việt Nam, một quốc gia với GDP bình quân đầu người đạt trên 2.700 USD vào năm 2019. Có thể ví các trạm kiểm soát Hải Phòng được triển khai ngay trước Tết cũng tương đương như việc đóng cửa Los Angeles ngay trước Lễ Tạ ơn. Tháng 3 năm ngoái, Chính phủ Việt Nam đã quyết định tạm dừng tất cả các chuyến bay thương mại.

Đến nay, các chuyến bay được mở nhưng chỉ giới hạn cho một số nhóm người, điển hình như doanh nhân hoặc các chuyên gia đến từ các nước có số ca nhiễm thấp. Đồng thời, những người này cần hoàn thành tối đa 21 ngày cách ly tại Việt Nam và thực hiện xét nghiệm PCR (đối với các trường hợp dương tính cần phải đi cách ly và điều trị ngay lập tức).

Các chuyên gia y tế toàn cầu nhận định, cách tiếp cận nghiêm ngặt của Việt Nam đã giúp quốc gia này đánh bại Covid-19. Ngay cả trong những ngày đỉnh điểm dịch bệnh, đất nước 97 triệu dân này chưa bao giờ ghi nhận hơn 110 ca nhiễm mới - con số quá nhỏ so với 68.000 ca nhiễm vào ngày đỉnh điểm dịch bệnh của Vương quốc Anh - quốc gia có dân số thấp hơn so với Việt Nam, hay như con số kỷ lục 300.000 ca mỗi ngày ở Hoa Kỳ và Ấn Độ.

Năm ngoái, bất chấp dự báo của các nhà kinh tế, tăng trưởng GDP của Việt Nam thậm chí đạt mức 2,9%, đánh bại Trung Quốc và trở thành nước có thành tích tăng trưởng hàng đầu khu vực châu Á.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 2.

Covid-19 và sự thay đổi tư tưởng với các biện pháp hạn chế đi lại

Thời cổ đại, khi con người vẫn cho rằng nguồn gốc các căn bệnh bắt nguồn từ sự mất cân bằng trong "bốn mùa" (mật vàng, mật đen, đờm, máu) và các bác sỹ thường sử dụng những phương pháp điều trị như truyền máu, chính phủ các nước đã cố gắng đưa ra các biện pháp hạn chế việc đi lại để ngăn dịch bùng phát.

Năm 1377, biện pháp kiểm dịch đã được triển khai ở Dubrovnik, trên bờ biển vùng Dalmatian của Croatia nhằm ngăn các thủy thủ có khả năng mang mầm bệnh dịch hạch. Luật quy định rằng bất kỳ ai từ "các khu vực chứa ca nhiễm bệnh dịch hạch sẽ không được vào Dubrovnik và các quận lân cận, trừ khi cách ly một tháng trên đảo Mrkan". Đối với du khách trên đất liền, thời gian cách ly thậm chí còn kéo dài hơn với 40 ngày.

Nhưng trong bối cảnh du lịch và toàn cầu hóa như hiện nay, việc các thành phố hoặc quốc gia đóng cửa như vậy dường như là không thể. Ngay trước đại dịch, năm 2019 là một năm kỷ lục về lượng khách du lịch. Năm 2019, ngành du lịch đóng góp gần 9 nghìn tỷ USD vào GDP toàn cầu.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 3.

Các quan chức sân bay Vân Đồn, tỉnh Quảng Ninh kiểm tra thông tin về công dân Việt Nam hồi hương từ Vũ Hán, Trung Quốc, vào ngày 10/2/2020 | Son Nguyen/AFP via Getty Images

Nhiều biện pháp mà các quốc gia đã thử nghiệm trong những năm vừa qua, sau khi virus SARS lần đầu xuất hiện vào năm 2002, bao gồm cả việc cấm bay, dừng cấp thị thực cho một số thành phố hay quốc gia... dường như không mang lại nhiều hiệu quả.

Nghiên cứu về SARS, Ebola và cúm mùa cho thấy những hạn chế này chỉ làm trì hoãn quá trình lây nhiễm, đồng thời ảnh hưởng lớn đến kinh tế - xã hội. Nhiều quốc gia bị dịch bệnh hoành hành triền miên, khó tiếp cận được hàng hóa toàn cầu cũng như nguồn cứu trợ từ bên ngoài.

Nhưng hiện tại, rõ ràng là những biện pháp này đem lại hiệu quả và những phát hiện, nghiên cứu trước đây không phù hợp với tình hình mà thế giới phải đối mặt vào đầu năm 2020. Loại virus mới dễ lây lan hơn, khó ngăn chặn hơn. Covid-19 có khả năng lây lan trước khi người bệnh xuất hiện các triệu chứng, trong khi với SARS và Ebola, những triệu chứng sẽ xuất hiện ngay tức thì.

Bắt đầu xây dựng "bức tường thành" với thế giới vào tháng Giêng

Đầu năm ngoái, khi Mỹ và các nước châu Âu vẫn tập trung vào việc hạn chế du khách đến từ những nơi có ổ dịch, Việt Nam quyết định đóng cửa biên giới. Ngày 3/1, cùng ngày Trung Quốc thông báo về một cụm trường hợp viêm phổi do virus chưa rõ nguồn gốc, Bộ Y tế Việt Nam đã ban hành chỉ thị tăng cường các biện pháp kiểm soát dịch bệnh khu vực biên giới với Trung Quốc.

Vào cuối tháng 1, Thủ tướng Việt Nam, lúc bấy giờ là ông Nguyễn Xuân Phúc đã ra lệnh cấm tất cả các chuyến bay đến và đi từ Vũ Hán, cũng như các khu vực khác có virus đang lây lan ở Trung Quốc, đóng mọi tuyến giao thông giữa hai nước. Việt Nam lúc đó trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên đóng cửa với du khách Trung Quốc.

Đến giữa tháng 3, Việt Nam dừng cấp thị thực cho tất cả người nước ngoài, sau đó dừng mọi chuyến bay thương mại. Chỉ các nhà ngoại giao, quan chức và công dân Việt Nam mới có thể tiếp cận với các chuyến bay hồi hương và cần được sự cho phép của Chính phủ.

Hiện nay, một số tuyến đường hàng không đã được nối lại với các quốc gia và vùng lãnh thổ có nguy cơ lây nhiễm thấp như Hàn Quốc, Nhật Bản, hay Đài Loan (Trung Quốc), song chỉ dành cho công dân Việt Nam và các doanh nhân, chuyên gia nước ngoài.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 4.

Mặc dù công dân Việt Nam có thể đi qua biên giới đất liền từ Lào hoặc Campuchia, nhưng đều phải làm xét nghiệm PCR và chờ thời gian cách ly bắt buộc từ 14 đến 21 ngày dưới sự giám sát trong một cơ sở quân đội hoặc khách sạn được chỉ định.

Như vậy, trong khi các nước phương Tây tiếp tục áp dụng biện pháp mở cửa bất cứ khi nào số ca nhiễm giảm xuống, Việt Nam vẫn tiếp tục duy trì các biện pháp đóng cửa, ngay cả trong giai đoạn quốc gia không ghi nhận ca nhiễm mới nào.

Giáo sư y tế công cộng Karen Grépin của Đại học Hồng Kông nhấn mạnh, bên ngoài khu vực châu Á - Thái Bình Dương, hầu hết các nước đã không chuẩn bị gì cho khả năng loại virus này sắp lây lan toàn cầu. Vào tháng 1, Chính phủ Việt Nam đã thành lập một lực lượng đặc nhiệm quốc gia chuyên xử lý Covid-19 do Phó Thủ tướng đứng đầu, xác định "mục tiêu kép" là vừa chống dịch, vừa phát triển kinh tế.

Khi "bức tường" dần sụp đổ

Vào buổi sáng đầu tháng 3, một chiếc taxi đang tiến dần đến nhà ga quốc tế tại sân bay Nội Bài (Hà Nội). Lần cuối tài xế chở khách đến nhà ga này là cách đây nửa năm, khi một hành khách Việt Nam có chuyến bay sang Đài Loan công tác. Hôm ấy, cũng chính hành khách này đã trở lại, trên một trong 16 chuyến bay về Việt Nam trong năm nay.

Bên trong sân bay, quang cảnh hoàn toàn khác so với quá khứ. Không còn đám đông chờ đợi gia đình và bạn bè. Các quán cà phê, nhà hàng đóng cửa, sảnh chờ yên tĩnh và tối tăm. Một nhóm hành khách vừa hạ cánh đang chờ lấy hành lý với những bộ đồ bảo hộ trên người, cùng khẩu trang và kính mắt.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 5.

Bên trong sân bay Nội Bài (Hà Nội), hơn 300 công dân Việt Nam đến từ Paris trong trang phục bảo hộ đầy đủ | Ảnh: Giáp Nguyễn cung cấp cho Vox

Tiếng ồn duy nhất vang lên khắp nhà ga là tiếng phát thanh hướng dẫn thủ tục cho hành khách. Mọi người sẽ được đưa đến các cơ sở kiểm dịch. Từng người một, tên và năm sinh của họ được vang lên trước khi họ lên xe bus đến nơi xét nghiệm Covid-19. Nếu dương tính, họ sẽ được chuyển thẳng đến bệnh viện để cách ly và điều trị.

Sẽ chẳng ai có thể nghĩ đến cảnh tượng này xảy ra ở các thành phố phương Tây như New York hay Paris - nơi mà ngay cả việc đeo khẩu trang hay đóng cửa biên giới một năm trước còn được coi là khó khả thi.

Việc đóng cửa biên giới đi kèm với rất nhiều sự đánh đổi, từ những người lao động trong ngành du lịch mất việc làm, hay những người buộc phải xa quê hương. Do khả năng tiếp cận các chuyến bay hồi hương còn hạn chế, hàng nghìn người đang đợi đơn đăng ký được chấp thuận, thị trường chợ đen vé máy bay lại mọc lên. Vài người đồng ý trả tới 10.000 USD cho một chỗ ngồi, rất nhiều trong số họ đã bị lừa.

Báo Mỹ: Bất chấp cảnh báo của chuyên gia, bất lợi từ đóng cửa biên giới, nhờ đâu Việt Nam thành công? - Ảnh 6.

Giám đốc phòng thí nghiệm chiến lược toàn cầu của Đại học York, ông Steven Hoffman cho biết, một thách thức khác đã nảy sinh bởi việc hạn chế đi lại rất khó để hiệu chỉnh một cách chính xác. Hiện tại, khi Việt Nam cân nhắc lợi ích của hộ chiếu vaccine và cách tiếp cận mới với du lịch quốc tế, những "bức tường thành" trước đó sẽ dần gỡ bỏ.

Phản ứng nhanh chóng của Việt Nam trong công cuộc đối phó với đại dịch Covid-19 được coi là động lực truyền cảm hứng, đặc biệt khi quốc gia này có chung đường biên giới với Trung Quốc. Cuối cùng, một điều mà các quốc gia khác cần rút ra đó là, trong thế giới toàn cầu hóa như hiện nay, bất kể ở vị trí nào, các quốc gia đều có khả năng kết nối nhanh chóng. Có thể nói, các nước này đều chung "biên giới" với Trung Quốc.

Tham khảo Vox

Mất trắng bởi app kiếm tiền: Hàng trăm nhà đầu tư nộp đơn tố cáo

Chỉ trong ngày 23-4, nhóm nhà đầu tư ở TP HCM đã tổng hợp và nộp lên cơ quan công an hơn 400 đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản do đầu tư sàn giao dịch Coolcat vừa bị sập.

Chiều tối 23-4, chị A.M, đại diện nhóm nhà đầu tư bị lừa mất tiền khi giao dịch qua sàn ảo Coolcat, cho biết hôm nay nhóm đã tới cơ quan công an ở TP HCM để nộp đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản.

Số đơn này được gửi từ nhiều người trên khắp cả nước, trong đó nhiều nhất là ở TP HCM. Kể từ khi sàn kiếm tiền ảo Coolcat bị sập, ước tính số lượng nhà đầu tư bị lừa lên tới khoảng 65.000 người (dựa vào số ID của người chơi), thiệt hại lên tới vài ngàn tỉ đồng.

Chỉ riêng nhóm nhà đầu tư do chị A.M nhận đơn, đã có trên 400 đơn với người bị thiệt hại ít nhất là khoảng 11 triệu đồng và người nặng nhất lên tới 1,8 tỉ đồng.

"Sáng nay, nhóm các nhà đầu tư tập trung ở một quán cà phê tại quận 1, TP HCM để gom hơn 400 đơn tố cáo bằng giấy, trong khi nếu tính trên số lượng đơn online trong những ngày qua thì rất nhiều" – chị A.M nói.

Mất trắng bởi app kiếm tiền: Hàng trăm nhà đầu tư nộp đơn tố cáo - Ảnh 1.

Các nhà đầu tư tập trung ở quán cà phê để thu thập đơn tố cáo sau khi sàn Coolcat bị sập

Theo các nhà đầu tư, thời điểm lên cơ quan công an, đại diện cán bộ nhận đơn cho biết tuần trước, cơ quan công an cũng nhận được khoảng 60 đơn của nhà đầu tư bị lừa và đã thụ lý, bắt đầu điều tra vụ việc. Với số lượng đơn tiếp tục tăng như hiện nay, các nhà đầu tư kỳ vọng vụ việc sẽ được cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra và họ lấy được phần nào vốn đã bỏ ra.

Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, theo website quảng cáo hình thức kiếm tiền online https://www.coolcat.com.vnhttps://coolcatvietnam.com (các trang này hiện không thể truy cập), khi người chơi nộp tiền và tham gia chơi trên thị trường giao dịch Bitcoin (vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần) và thị trường XAU (giá vàng quốc tế) từ thứ hai tới thứ sáu, mỗi ngày sẽ hưởng lãi trung bình 2%, tương ứng với số tiền đầu tư theo các gói bảo hiểm định sẵn.

Nhưng để được tham gia giao dịch có bảo hiểm 100% vốn, nhà đầu tư phải bỏ ra một số tiền đầu tư để đạt được một cấp độ trong các gói bảo hiểm mà Coolcat đưa ra. Để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, sàn giao dịch này còn tổ chức sự kiện quảng bá ra mắt Coolcat ở Việt Nam vào cuối năm 2020 tại một khách sạn 5 sao ở TP HCM...

"Khi các nhà đầu tư tới địa chỉ văn phòng của Coolcat ở quận Bình Thạnh để tìm ông chủ thật sự, nhân viên bảo vệ nói họ chỉ thuê địa chỉ để lập văn phòng ảo, thực chất không hoạt động" – một nhà đầu tư buồn bã kể.

Không chỉ Coolcat, vài ngày trước, nhiều nhà đầu tư cũng bị mất tiền do ứng dụng Shopping Mall cũng không thể truy cập sau những hứa hẹn thu nhập cao, hoa hồng lớn. Một ứng dụng kiếm tiền khác là Pchome – app đặt đơn ảo liên kết với các sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng. Nhưng thực tế, các app này không liên kết với sàn nào mà mục đích chủ yếu là dụ dỗ, lừa gạt người chơi.

Chị Hồng, ngụ ở một chung cư trên địa bàn quận 12, TP HCM, cho biết chung cư chị đang bàn tán xôn xao khi có nhiều người sập bẫy app ảo Pchome và mất tiền. "Rất nhiều người khác trong chung cư mất vài chục triệu đồng vì tin tưởng có thể kiếm nhiều tiền qua app Pchome. Nhóm các nạn nhân trên zalo cũng lên tới cả trăm người" – chị Hồng kể.

Theo Thái Phương

Người lao động

Viettel trở thành thương hiệu viễn thông đứng thứ 24 thế giới, vượt qua nhà mạng số một Hàn Quốc SK Telecoms

Viettel trở thành thương hiệu viễn thông đứng thứ 24 thế giới, vượt qua nhà mạng số một Hàn Quốc SK Telecoms

Năm nay, Việt Nam có đến 4 thương hiệu trong nhóm 100 thương hiệu viễn thông dẫn đầu thế giới, theo bảng xếp hạng thương hiệu viễn thông Telecoms 150 2021 của Brand Finance.

Theo bảng xếp hạng thương hiệu viễn thông Telecoms 150 2021 của Brand Finance, Viettel được định giá trị thương hiệu hơn 6 tỷ USD (tăng 3,4% so với năm 2020), đứng thứ 10 châu Á và thứ 24 trên thế giới, tăng 4 bậc trên toàn cầu so với năm 2020. 

Viettel cũng là doanh nghiệp Việt Nam duy nhất nằm trong Top 500 thương hiệu giá trị nhất toàn cầu năm 2021. Thương hiệu Viettel xếp thứ 325 thế giới, tăng 32 bậc so với năm trước, đồng thời, cũng là thương hiệu viễn thông duy nhất tại Đông Nam Á có mặt trong bảng xếp hạng này.

Theo báo cáo của Brand Finance, có tổng cộng 34 thương hiệu viễn thông lọt Top 500, tuy nhiên, hầu hết các thương hiệu thế giới đều có mức giảm giá trị trung bình -2%. Viettel xếp hạng trên nhiều thương hiệu nổi tiếng như Nescafe (Thụy Sĩ); Qualcomm (Mỹ); Spotify (Thụy Điển); Lenovo (Trung Quốc); Claro (Mexico)…

Giá trị thương hiệu của Viettel đã tăng gấp đôi kể từ khi quyết định chuyển dịch từ một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ viễn thông sang thành một doanh nghiệp tiên phong, chủ lực kiến tạo xã hội số vào năm 2018, Brand Finance cho biết.

Năm 2020, Viettel ở vị trí thứ 28 trong bảng xếp hạng Telecoms 150. Hiện tại, Viettel đã vượt qua SK Telecoms - nhà mạng số một Hàn Quốc. 

VNPT bám sát phía sau với giá trị thương hiệu hơn 2,4 tỷ USD, trụ vững ở vị trí thứ 5 Đông Nam Á và thăng hạng 48 thế giới. Trong khi đó, MobiFone thăng hạng 96, Vinaphone lên hạng 99. Như vậy, Việt Nam có đến 4 thương hiệu trong nhóm 100 thương hiệu viễn thông dẫn đầu thế giới.

Thái Quỳnh

Theo Nhịp sống kinh tế

Nguyên nhân đằng sau cơn bán tháo gây chấn động của Bitcoin

Nguyên nhân đằng sau cơn bán tháo gây chấn động của Bitcoin

Theo các nhà phân tích, đà giảm sâu của Bitcoin được châm ngòi bởi những khoản đặt cược với đòn bẩy cao và những đợt bán tháo mà các sàn giao dịch phái sinh tự kích hoạt.

Sự bùng nổ của Bitcoin gần như đã mất đà, ít nhất là ở thời điểm này. Đồng tiền số lớn nhất thế giới tiếp tục giảm sâu ở phiên ngày hôm qua, rời khỏi mốc 50.000 USD và mất hơn 20% so với mức cao kỷ lục là 64.829 USD vào ngày 14/4.

Thời điểm Bitcoin chạm đỉnh diễn ra cùng lúc với Coinbase niêm yết trên sàn Nasdaq. Cả 2 sự kiện này đã đánh dấu thời kỳ đỉnh cao của một đợt tăng giá khuấy động cả thị trường tiền số. Giá của Bitcoin đã tăng hơn gấp 3 lần vào năm 2020 và tăng gấp đôi vào đầu năm 2021 trước khi lao dốc.

Đợt tăng giá bắt đầu hụt hơi vào cuối tuần trước, khi Bitcoin đột ngột giảm 17% xuống còn 52.149 USD, khi một nửa mức giảm diễn ra chỉ trong khoảng 20 phút. Dù đã hồi phục phần nào, nhưng diễn biến tiêu cực vẫn ổn định, kết thúc phiên thứ Sáu ở mức 50.620 USD.

Nguyên nhân đằng sau cơn bán tháo gây chấn động của Bitcoin - Ảnh 1.

Giá Bitcoin kể từ khi lao dốc vào Chủ nhật tuần trước.

Theo Michael Oliver – chuyên gia của công ty nghiên cứu Momentum Structural Analysis, động lực của Bitcoin gần đây đã có dấu hiệu giảm sút. Kể từ khi Bitcoin lần đầu vượt qua mốc 60.000 USD vào tháng 3, tốc độ tăng đã chậm lại và chỉ được giao dịch trong phạm vi tương đối hẹp. Ông cho biết, đây là một dấu hiệu cho thấy rằng đà tăng có thể chững lại, như những gì đã diễn hồi cuối tuần trước.

Tình trạng liên tục giảm sâu đã nhấn mạnh sự mong manh của sức tăng gần đây đối với đồng tiền số lớn nhất thế giới. Hiện tại, vẫn chưa rõ yếu tố nào đứng sau, châm ngòi cho đợt bán tháo này. Theo CoinMarketCap, 220 tỷ USD vốn hóa tiền số đã bị xóa sạch chỉ trong 1 giờ.

Một số trader cho rằng nguyên nhân là tin đồn trên Twitter về việc Bộ Tài chính Mỹ chuẩn bị có động thái mạnh tay với một số tổ chức tài chính bị cáo buộc sử dụng tiền điện tử để rửa tiền. Tuy nhiên, người phát ngôn của cơ quan này từ chối bình luận.

Dù yếu tố đã khơi mào cho đợt bán tháo là gì, các trader đều đồng tình rằng Bitcoin đã tăng tốc nhờ sự bùng nổ của một lượng lớn các giao dịch sử dụng đòn bẩy trên các sàn giao dịch phái sinh tiền số ở nước ngoài. Những sàn này vốn được quản lý thiếu nghiêm ngặt.

Nguyên nhân đằng sau cơn bán tháo gây chấn động của Bitcoin - Ảnh 2.

Theo nhà cung cấp dữ liệu Bybt, tổng cộng, nhà đầu tư đã bán tháo 10,1 tỷ USD giá trị tiền số trên các sàn giao dịch. Hơn 90% số vị thế bị bán tháo ngày hôm đó đến từ khoản đặt cược tăng giá vào Bitcoin hoặc các đồng tiền số khác. Thậm chí, gần 5 tỷ USD vị thế bị thanh lý đã diễn ra chỉ trên một sàn là Binance.

Khi giá Bitcoin giảm, nhiều khoản đặt cược trong đó đã tự động bị bán ra. Điều này càng tạo thêm áp lực giảm giá và dẫn đến "vòng luẩn quẩn" cho đợt bán tháo tiếp theo. Do đó, một số nhà đầu tư đã mất rất nhiều tiền mà không nhận ra "lời cảnh báo".

Jasim – một kỹ sư ở Kuwait, chia sẻ, anh bị đánh thức bởi tiếng chuông điện thoại vào lúc 5 giờ sáng hôm Chủ nhật. Anh lo lắng khi nhìn thấy một số trader đã bán tháo vị thế trên Binance. Sau đó, Jasim nhanh chóng đóng vị thế và chịu khoản lỗ không hề nhỏ là 9.000 USD.

Đây không phải là lần đầu tiên Jasim rơi vào tình thế như vậy. Anh đã bán vị thế một vài lần kể từ khi gia nhập thị trường tiền số vào năm 2017. Jasim cho hay: "Vấn đề là sự tham lam." Dù chịu lỗ nhưng anh vẫn tiếp tục giao dịch, dự định sẽ cẩn thận hơn trong việc quản lý rủi ro.

Các sàn giao dịch như Binance cho phép nhà đầu tư nhỏ lẻ gửi trước một số tiền tương đối nhỏ để đặt cược cho khoản lớn hơn. Ví dụ, giả sử một số trader mua hợp đồng tương lai sẽ nhận được lợi nhuận nếu giá Bitcoin tăng so với đồng USD.

Nếu Bitcoin tăng, lợi nhuận của trader có thể lớn hơn nhiều so với việc họ mua Bitcoin. Tuy nhiên, nếu Bitcoin giảm, trader có thể phải gánh khoản lỗ lớn và phải nhanh chóng nạp thêm tiền vào tài khoản. Nếu không, sàn giao dịch sẽ tự động bán ra khoản nắm giữ của trader.

Nguyên nhân đằng sau cơn bán tháo gây chấn động của Bitcoin - Ảnh 3.

Tổng giá trị các vị thế bán/mua trên các sàn giao dịch phái sinh tiền số từ đầu tháng 4.

Một nguyên nhân khác của tình trạng hỗn loạn hồi tuần trước là một số sàn – bao gồm cả Binance, cho biết nền tảng giao dịch gặp trục trặc do khối lượng giao dịch lớn. Các trader cho biết, họ không thể truy cập các sàn này và khiến tình trạng biến động trở nên trầm trọng hơn.

Trong khi đó, các sàn giao dịch phái sinh tiền số ở nước ngoài cung cấp cho nhà đầu tư nhỏ lẻ mức độ đòn bẩy cao. Ví dụ, tại Binance, nhà đầu tư có thể nhận được mức đòn bẩy từ 1 đến 125x đối với một số hợp đồng tương lai, có nghĩa là nhà đầu tư có thể chỉ nạp 80 cent để nắm giữ một khoản tương đương 100 USD Bitcoin. Còn trên sàn CME ở Mỹ, nhà đầu tư cần khoản tiền gửi ít nhất 38 USD và có thể được công ty môi giới yêu cầu ở mức cao hơn.

Tuy nhiên, các trader cho biết tốc độ bán tháo vào tuần trước diễn ra quá nhanh, từ đó càng nhấn mạnh vai trò của những khoản đặt cược sử dụng đòn bẩy lớn. Nhiều trong số đó là của các nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Ngoài ra, một số dấu hiệu khác cũng cho thấy động lực thúc đẩy của Bitcoin đang giảm dần. Đó là nhu cầu của nhà đầu tư tổ chức dần yếu đi và diễn biến không có gì nổi trội của Coinbase kể từ khi IPO vào tuần trước.

Theo sàn tiền số OKEx, lượng giao dịch Bitcoin lớn – thường được thực hiện bởi các nhà quản lý tài sản chuyên nghiệp, đã giảm nhẹ trong quý I so với quý IV/2020. Hơn nữa, công ty nghiên cứu CryptoCompare cho biết, tài sản do các nhà quản lý tài sản trong ngành đã giảm 4,5% còn 56 tỷ USD vào tháng 4 so với tháng 3. 

Tham khảo Wall Street Journal

Ngành hoa xài “giống lậu”

MAI VINH 22/4/2021 7:00 GMT+7

TTCT - "Xài chùa", "chơi hàng lậu"… là câu chuyện đầy động chạm khi nhắc đến thực trạng sử dụng giống hoa không có bản quyền rất phổ biến đối với ngành hoa VN. Với Đà Lạt (Lâm Đồng), thủ phủ hoa của cả nước, thực trạng này cũng rất phổ biến.

 
 Bên trong trang trại hoa của Đà Lạt Hasfam (Ảnh: Mai Vinh)

 Xài giống lậu, vừa làm vừa lo

Chuyện về một doanh nghiệp ở Đà Lạt đang xuất khẩu hoa với số lượng lớn vào một thị trường khó tính, lợi nhuận lớn bỗng tuyên bố phá sản là ví dụ điển hình về hậu quả của việc dùng giống hoa lậu.

Chủ doanh nghiệp này vốn là người phụ trách sản xuất cho một công ty nước ngoài đầu tư sản xuất hoa tại VN. Sau một thời gian làm thuê, ông nắm được  công nghệ, đầu mối xuất khẩu hoa đi Nhật Bản, và tách ra lập công ty riêng. Đối tác của công ty ông chính là đối tác cũ của công ty ông từng là nhân viên. 

Để có được các đối tác này, ông giảm giá hoa xuất khẩu. Và để có mức giá đó, ông tự sản xuất giống trên cơ sở sao chép bằng công nghệ nuôi cấy mô những giống mà chính công ty ông làm việc trước đó nhập về.

Mọi việc suôn sẻ cho đến khi bộ phận pháp lý của công ty nơi ông từng làm việc gửi các bằng chứng đến đối tác của ông, chứng minh ông đã sử dụng giống lậu để trồng hoa xuất khẩu. 

Việc điều tra nguồn gốc giống không mấy khó khăn với một nước có công nghệ phát triển, đợt hoa xuất bán cuối cùng ấy bị trả ngược lại. Ông phải đền hợp đồng, chi trả toàn bộ phí kho bãi khi xuất khẩu, phí chuyển trả hàng... Uy tín mất sạch, doanh nghiệp của ông đóng cửa.

Những thành viên đoàn công tác của Tổ chức Xúc tiến thương mại Nhật Bản (JETRO) đưa nhà đầu tư Nhật Bản gặp nông dân Đà Lạt để kết nối sản xuất hoa đã nói tới mối lo của họ về chuyện giống hoa. Các doanh nghiệp Nhật Bản lo việc các giống mới được dày công nghiên cứu sẽ bị sao chép và sử dụng tràn lan bằng những phương pháp đơn giản như chiết, tách hoặc cao cấp hơn là nuôi cấy mô trong ống nghiệm (in vitro). 

Lo ngại này không phải là không có cơ sở. Là doanh nghiệp FDI trồng và bán hoa nổi tiếng châu Á đóng tại Đà Lạt, Dalat Hasfarm đã không dưới 4 lần báo cho cơ quan chức năng về việc giống hoa nhập có bản quyền bị doanh nghiệp, người dân sao chép.

Tại một hội thảo về phát triển cây giống hoa ở Đà Lạt, ông Nguyễn Văn Bảo, phó tổng giám đốc Dalat Hasfarm, cho biết: "Từ năm 2010, đơn vị tôi bắt đầu sản xuất cúc Calimero. Đây là giống mới, đơn vị được độc quyền kinh doanh.

 Năm 2011, 1,3 triệu cành cúc thử nghiệm xuất sang Nhật Bản được đánh giá cao. Đến năm 2014, chúng tôi bán thử 1,4 triệu cành ở VN. Nhưng thủ tục bảo hộ tại thị trường VN chưa xong, loại hoa này đã bị "ăn cắp" giống. Năm 2017, cúc Calimero đã tràn lan khắp thị trường VN. 

Những đơn vị sản xuất trái phép loại hoa này công khai đăng thông tin mua bán giống trên các diễn đàn của ngành hoa, bộ phận pháp lý của công ty rất vất vả để ngăn chặn việc xâm phạm tiếp tục diễn ra. Hiện Dalat Hasfarm có hẳn một danh sách các đơn vị kinh doanh cúc Calimero không có bản quyền để tiến hành các thủ tục pháp lý mạnh hơn".

Đóng gói hoa cúc Calimero tại Dalat Hasfarm. Ảnh: M.VINH

 Người trồng hoa không biết?

Câu chuyện ông Bảo nêu không phải là cá biệt trong các vụ tranh chấp bảo hộ bản quyền mà Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh Lâm Đồng thụ lý gần đây.

Bản quyền giống hoa là vấn đề lớn và quyết định sự sống còn của ngành hoa. Nhưng với nhiều nông dân, điều đó không đáng quan tâm. Ông Võ Quốc Huy, người trồng hoa hơn 20 năm tại P.12, TP Đà Lạt, chỉ quan tâm đến giống nào cho hoa đẹp, đúng nhu cầu thị trường. 

Bản quyền giống chưa bao giờ được ông tính tới khi đến cửa hàng giống mỗi đầu vụ. "Nếu bắt lỗi thì phải bắt lỗi trại giống vì họ chịu trách nhiệm nhập, sao chép và bán cho chúng tôi. Chúng tôi không thể biết họ bán sản phẩm có vi phạm pháp luật gì không" - ông Huy nói.

Ông Đặng Bảo Vinh (nông dân P.12, TP Đà Lạt) nhìn nhận câu chuyện của đại diện Dalat Hasfarm nêu trên bằng sự áy náy của người nông dân không có nhiều thông tin.

"Tôi cũng trồng hoa Calimero mà không hề biết có va chạm như vậy. Năm đó chúng tôi thấy giống hoa đó đẹp và mang giống cho các nhà nuôi cấy mô nhờ nhân giống. Việc nhân giống kiểu này dễ lắm, ở Đà Lạt ai cũng làm được. Nói thiệt, ai bán chúng tôi mua và chỉ có vậy thôi! Nông dân chúng tôi cần giống hoa có bản quyền, đẹp, đúng thị hiếu nhưng hiện tại không biết phải giải quyết nhu cầu này ở đâu?".

 
 Dalat Hasfarm (P.8, Đà Lạt) là đơn vị xuất khẩu đang sở hữu nhiều bản quyền giống  nhất tại Việt Nam. Ảnh: M.VINH

 Giống lậu ở đâu?

Mỗi năm Đà Lạt xuất khẩu hơn 3 tỉ cành hoa (chiếm 10% tổng sản lượng hoa Đà Lạt), thu về 48 triệu USD, 90% sản lượng hoa còn lại tiêu thụ trong nước. Theo Sở NN&PTNT Lâm Đồng, Đà Lạt nhập hơn 50 triệu USD giống hoa/năm. Do thiếu nguồn cung chính ngạch nên nông dân chủ yếu dùng giống do đối tác liên kết cung cấp hoặc nhập tiểu ngạch - vốn bị xem là dùng hàng lậu vì chưa được đơn vị sở hữu bản quyền giống đồng ý. 

Ước tính 50% giống nhập đang được sử dụng là nhập lậu hoặc nhập chính thức nhưng thông qua một đơn vị cung cấp giống lậu ngoài VN. Với những loại hoa thông dụng như cúc, cẩm chướng, cát tường... nông dân dùng loại giống sao chép bằng phương pháp nuôi cấy mô phổ biến ở Đà Lạt.

Ông Lại Thế Hưng, nguyên chi cục trưởng Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, cho biết giống hoa lậu từ những trại giống tư nhân nhỏ, lẻ, đa số không có bản quyền, phần còn lại là bản quyền đã hết thời hiệu bảo hộ. Hoa này không thể bán cho các cơ sở xuất khẩu.

Theo Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật Lâm Đồng, tại TP Đà Lạt hiện có 27 cơ sở sản xuất hơn 64,3 triệu cây giống hoa các loại mỗi năm với tiêu chuẩn chất lượng đã được công bố. 

Một cán bộ chi cục khẳng định vì sinh kế chung của nông dân trồng hoa nên việc quản lý bản quyền giống tại các cơ sở này chưa thực hiện được. Chi cục đánh giá sơ bộ có khoảng 90% giống từ các cơ sở nuôi cấy mô là giống lậu, ẩn chứa nhiều rủi ro về kinh tế, dịch bệnh.

 Ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, cho rằng không chủ động giống có bản quyền khiến nông dân lệ thuộc vào đối tác liên kết và bị chi phối về giá xuất khẩu khiến lợi nhuận giảm. Và vì lệ thuộc, nông dân không thể đa dạng nguồn xuất khẩu, khiến thị trường xuất khẩu bị gói gọn hoặc chậm mở rộng.

Ông Trương Đức Phú, giám đốc Công ty giống Hivico (Đà Lạt), cho biết khi còn là một trại giống, công ty ông cũng sao chép giống bằng nuôi cấy mô. 

10 năm trước, đó là việc tương đối bình thường, song nay việc tuân thủ bản quyền giống phải được xem là hiển nhiên phải làm trước vì đó là sự công bằng trong sản xuất. Khi đó những nhà đầu tư nông nghiệp có uy tín mới đến tham gia sản xuất và thúc đẩy nền nông nghiệp phát triển.

 
 Tỉnh Lâm Đồng nhập hơn 400.000 cây giống có bản quyền để chuẩn hóa việc sử dụng giống hoa của tỉnh. Trong ảnh: Công ty giống Hivico (Đà Lạt) nhân giống hoa cúc có bản quyền của Nhật Bản. Ảnh: MAI VINH

 

Gần 20 năm làm việc trực tiếp với nông dân Đà Lạt và nhiều tỉnh thành trong lĩnh vực nông nghiệp công nghệ cao, chuyên gia người Nhật Shugo Hama (Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản) cho rằng Nhà nước phải tìm cách kéo gần các công ty sinh học uy tín trên thế giới lại gần với nông dân VN.

 "Khởi điểm nông nghiệp công nghệ cao của Hà Lan, Nhật Bản và nhiều nước có nền nông nghiệp phát triển cũng không thuận lợi hơn Đà Lạt bây giờ nhưng chính phủ vừa lo tìm đầu ra cho nông dân vừa tìm cách kéo các công ty công nghệ sinh học lại gần nông dân để họ hiểu nhau và cho ra những bộ giống phù hợp. 

Chủ động và nắm giữ được bản quyền giống là đi từ gốc của nông nghiệp công nghệ cao. Giải quyết vấn đề này coi như ngành hoa đã có lợi thế tiên phong ở thị trường trong và ngoài nước", ông nói.■

 Ảnh: Mai Vinh

 

Bắt đầu dùng "hàng chính hiệu"

Lâm Đồng đã có vài phương án để nông dân tăng mức độ tiếp cận giống có bản quyền. Năm 2018, Chi cục Trồng trọt và bảo vệ thực vật tỉnh đã mua bản quyền gần 110.000 cây giống rau hoa. Năm 2019, tiếp tục nhập khẩu gần 350.000 cây giống của 22 chủng loại rau hoa từ Hà Lan, Israel, Nhật Bản, Mỹ, Hàn Quốc. 

Tất cả các cây giống đều có bản quyền để cung ứng cho nông dân trồng đi kèm những cam kết bảo hộ bản quyền giống. Năm 2020 - 2021, việc nhập giống theo kế hoạch bị gián đoạn do dịch Covid-19, song những đầu tư ban đầu có tính nền tảng đó đã tạo thói quen sử dụng giống có bản quyền cho nông dân Đà Lạt.

Nếu nông dân sử dụng giống có bản quyền nhiều hơn, tỉ lệ hoa xuất khẩu cũng sẽ tăng đáng kể, dự kiến có thể lên đến 5 tỉ cành/năm trong 5 năm tới. "Hỗ trợ nhập giống cho nông dân và doanh nghiệp xử lý thiếu hụt giống bản quyền trước mắt. 

Về lâu dài, chính sách phát triển giống phải được đầu tư. Đây không chỉ là chuyện lợi nhuận mà còn là vấn đề lớn: tạo nền tảng để có nền nông nghiệp ổn định từ gốc", ông Nguyễn Văn Sơn, giám đốc Sở NN&PTNT Lâm Đồng, nói.

 

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam



Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD so với không có gói hỗ trợ.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo Đánh giá tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo để độc giả cùng theo dõi.

Chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ năm 2020-2021

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, với mức suy giảm 3,3%. Vì vậy, Chính phủ các nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo IMF (1/2021), trong năm 2020, các gói hỗ trợ mà các nước đã công bố có quy mô khoảng 13.876 tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó 7.834 tỷ USD (7,4% GDP, chiếm 56,4% tổng các gói hỗ trợ) là các biện pháp tài khóa, còn lại 6.041 tỷ USD (6,1% GDP, chiếm 43,6%) là các biện pháp tiền tệ. Theo IMF (4/2021), tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo ở mức 6% năm 2021 và 4,4% năm 2022. Thương mại toàn cầu được dự báo phục hồi mạnh, tăng khoảng 8% năm 2021 và 4% năm 2022. Về lạm phát, WB và IMF (4/2021) dự báo CPI bình quân toàn cầu sẽ tăng lên mức 2,5% năm 2021, sau đó tăng khoảng 2,4% năm 2022.

Trong năm 2020, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với gần 20 triệu người nhiễm và gần 350 nghìn ca tử vong (đến hết ngày 21/4/2021, Mỹ có 32,6 triệu người nhiễm và 583 nghìn người tử vong). Các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người dân giảm mạnh; buộc Chính phủ Mỹ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, theo IMF (1/2021), Mỹ đã ban hành các gói hỗ trợ tổng giá trị 3.503 tỷ USD, chiếm 16,7% GDP năm 2019 của Mỹ, trong đó chủ yếu là các biện pháp tăng cường chi tiêu (cho lĩnh vực phi y tế là 3.000 tỷ USD, chiếm 85,5%). Đối với chính sách tiền tệ, Fed duy trì lãi suất ở mức thấp 0-0,25%, hỗ trợ thanh khoản (mua trái phiếu, bảo lãnhvay vốn) với quy mô 510 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP.

Nhờ đó, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi và chỉ giảm 3,5% (tốt hơn so với dự báo trước đó là giảm 4,3%) năm 2020, trong đó kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trong hai quý cuối năm với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 33,4% và 4,3% (so với quý trước đó); tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,7% cuối năm 2020 (đã có 12,8 triệu việc làm được hồi phục trong số 22 triệu việc làm bị mất do đại dịch); lạm phát lõi ước tính ở mức 1,6%, cao hơn so với dự báo 1,5%. Với những tín hiệu tích cực như trên, Fed (3/2021) dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% năm 2021 (thay cho mức 4,2% dự báo trước đó) và tăng 3,3% năm 2022. Đây là mức tương tự với dự báo của IMF (4/2021), theo đó kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% năm 2021 và 3,5% năm 2022, trong khi lạm phát ở mức 2,3% năm 2021 và 2,4% năm 2022. 

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ và các gói hỗ trợ của Mỹ 

Tác động đối với kinh tế Mỹ

Ngoài các gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất 3 gói hỗ trợ lớn, trong đó 1 gói (1.900 tỷ USD) đã được thông qua, còn 2 gói lớn khác đang xem xét. Cụ thể:

- Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD (mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ - American Rescue Plan - ARP) - đã được phê duyệt: bao gồm 5 khoản mục chính: (i) gần 800 tỷ USD trợ cấp trực tiếp tới các hộ gia đình, với 1.400 USD bổ sung cho khoản trợ cấp 600 USD trước đó và khoản 400 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung; (ii) 415 tỷ USD cho việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất và tiêm vaccine; (iii) 150 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ; (iv) 176 tỷ USD hỗ trợ giáo dục để mở lại các cơ sở trường học cộng đồng; (v) 360 tỷ USD tài trợ Chính quyền các tiểu bang. Theo Viện Brookings (1/2021), gói ARP có thể giúp GDP của Mỹ tăng thêm 4 điểm phần % năm 2021 và thêm 2 điểm % năm 2022. Trong khi đó, theo CNBC (3/2021), cứ 1.000 tỷ USD chi tiêu thêm sẽ giúp GDP của Mỹ tăng thêm 2 điểm % trong 2 năm tiếp theo và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng lạm phát sát mức mục tiêu 2% đề ra. Với tỷ trọng tập trung vào hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình chiếm 41,2% tổng giá trị, dự báo lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ sẽ phục hồi mạnh năm 2021. Tuy vậy, theo Fitch ratings (3/2021), ARP sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2021 của Mỹ chạm mức 15% GDP, trong khi nợ Chính phủ sẽ chạm mức 109% GDP năm 2021.

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 1.

- Kế hoạch đầu tư 2.300 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và việc làm (Kế hoạch việc làm Mỹ - American Jobs Plan - AJP) - đang nghiên cứu: gồm 5 phần chính(i) 621 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông; (ii) Hỗ trợ trực tiếp 400 tỷ USD cho chăm sóc người già và khuyết tật; (iii) 311 tỷ USD cải thiện cơ sở hạ tầng về nước uống, mở rộng Internet băng thông rộng và nâng cấp lưới điện; (iv) 328 tỷ USD xây nhà ở xã hội và trường học; (v) 590 tỷ USD cho sản xuất - nghiên cứu và phát triển (R & D) - đào tạo việc làm. Kế hoạch trên dự kiến được giải ngân trong 10 năm (2022-2031). Theo Moody's (4/2021), nếu Kế hoạch việc làm Mỹ (AJP) được triển khai thì cùng với tác động của Chương trình ARP, kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng 7,2% năm 2021 (so với mức tăng 4,1% nếu không có các gói hỗ trợ) và mức 3,9% trong năm 2022 (so với mức tăng 5% nếu ko có các biện pháp hỗ trợ, chủ yếu do so sánh với mức nền thấp hơn). Các gói hỗ trợ này dự kiến giúp tạo ra 4,1 triệu việc làm, giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 5,6% cuối năm 2021 và xuống còn 4,4% năm 2022.

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 2.

- Kế hoạch hỗ trợ các gia đình Mỹ (American families plan - AFP) – đang đề xuất: kế hoạch này ước tính trị giá 400 tỷ USD trong vòng 8 năm để đầu tư vào các dịch vụ y tế và xã hội, hỗ trợ các cá nhân và các hộ gia đình có người tàn tật, người phụ thuộc. Hiện tại, kế hoạch trên chưa được Tổng thống Biden công bố nội dung cụ thể. 

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại để đối phó với dịch Covid-19, nước Mỹ đã có 3 gói hỗ trợ lớn (trong đó có 2 gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump) với tổng giá trị khoảng 5.400 tỷ USD, tương đương khoảng 25,5% GDP năm 2020. Nếu 2 đề xuất còn lại (AJP và AFP) được Quốc hội Mỹ thông qua, tổng giá trị các gói hỗ trợ và đầu tư của Mỹ sẽ lên tới 8.100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2029, tương đương 38,3% GDP năm 2020

Để bù lại và có tiền cho các gói hỗ trợ, Chính phủ Mỹ đã quyết định tăng thu bằng biện pháp tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21 lên 28% từ năm 2021) với hy vọng thu về khoảng 2.000 tỷ USD trong 15 năm. Chưa thể đánh giá ngay tác động của chính sách này, nhưng có mặt trái là có thể khiến hành vi trốn thuế gia tăng hoặc đầu tư chưa chắc đã quay về Mỹ như mong muốn (để né trả thuế cao).

Tác động đối với các nước Châu Á và Việt Nam

Thứ nhất, các gói hỗ trợ của Mỹ (trước mắt là gói 1.900 tỷ USD) sẽ thúc đẩy tiêu dùng, cầu hàng hóa – dịch vụ, từ đó tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Khu vực Châu Á được đánh giá là hưởng lợi khá nhiều từ các gói hỗ trợ của Mỹ. Theo Citi Research (3/2021), kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong quý 2/2021 và tiếp tục tăng mạnh trong 3 quý kế tiếp nhờ các gói hỗ trợ này. Điều này sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng lên (đồng nghĩa hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á được hưởng lợi, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất. Dự kiến, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 7,7% năm 2021 (như dự báo của Bloomberg Economics) thì GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 1,085 điểm % hay ít nhất là 0,517 điểm phần % (như dự báo của các chuyên gia).

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 3.

Với mục tiêu trọng tâm của gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD là hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình Mỹ dự kiến đã và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử, hải sản… vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ (chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2020). Trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 25,6% so với năm trước và quý 1/2021 tiếp tục tăng 38,9% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ. 

Theo ước tính của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD (so với không có gói hỗ trợ), qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 (sau đánh giá lại) tăng trưởng thêm 0,8 điểm % (so với không có gói hỗ trợ). Đây là mức khá tương đồng với mức bình quân của các dự báo tại Biểu 3 nêu trên.

Thứ hai, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến dòng vốn vào thị trường châu Á bị thay đổi. Citi Research (3/2021) nhận định kinh tế Mỹ hồi phục nhờ các gói hỗ trợ sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng mạnh, điều này có thể khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cùng giá trị đồng USD tăng lên, kéo theo dòng vốn đầu tư quay lại thị trường Mỹ, khiến cho thanh khoản thị trường tài chính tại các nước Châu Á trở nên căng thẳng hơn. 

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng, gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong ngắn hạn, các gói hỗ trợ của Mỹ giúp phục hồi nhu cầu sản xuất - tiêu dùng, góp phần khiến giá cả hàng hóa (giá dầu, sắt, thép, nông sản…) tăng lên (chỉ số Bloomberg Commodity index đã tăng 26,2% trong 9 tháng cuối năm 2020 và tăng 10% trong quý 1/2021), từ đó tạo áp lực tăng lạm phát và lãi suất tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Citi Research (4/2021), kinh tế Mỹ và Châu Á hồi phục có thể khiến các nước Châu Á thu hẹp chính sách hỗ trợ cũng làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên. Lãi suất tăng khiến chi phí vay vốn mới cộng với nghĩa vụ trả nợ hiện tại đều tăng, nhất là trong bối cảnh nợ toàn cầu (gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình) tăng rất nhanh giai đoạn 2019-2021 (một phần là vì tiền rẻ, lãi suất thấp), lên đến mức 365-370%GDP năm 2021.

Thứ tư, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cùng chính sách tài khóa mở rộng với quy mô lớn khiến tình trạng đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số…tăng lên, khiến bất ổn trên thị trường tài chính – tài sản toàn cầu gia tăng. Các khoản tiền hỗ trợ quy mô lớn cùng lãi suất ở mức thấp khiến nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử (Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 7,2% năm 2020 và tăng 10,5% từ đầu 2021 năm đến nay; chỉ số MSCI Châu Á-TBD tăng gần 4% từ đầu năm); giá tiền kỹ thuật số (như giá Bitcoin tăng gần 70% từ đầu năm đến nay), bất động sản tăng mạnh (giá nhà ở toàn cầu tăng 5,6% năm 2020, mức tăng cao nhất từ năm 2018 và còn tăng)...v.v. IMF, WB đã có nhiều cảnh báo và kêu gọi các quốc gia lưu ý kiểm soát, hợp tác quốc tế để hạn chế rủi ro bong bóng xảy ra.

Năm khuyến nghị chính sách

Một là, mặc dù ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, song chính sách thương mại của Việt Nam cần tiếp tục được điều hành theo hướng cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ. Bên cạnh việc tiếp tục tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Mỹ, Việt Nam cần xem xét tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống Covid-19.... v.v. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với Mỹ trong việc trao đổi thông tin về chính sách tiền tệ, tỷ giá, thương mại và các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như an ninh mạng, thuế dịch vụ trực tuyến…). Đồng thời, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ, cũng như những hành vi trốn thuế.

Hai là, cần tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra. Theo đó, cần: (i) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu; (ii) Xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách nhịp nhàng, hiệu quả, tránh giật cục; (iii) Tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng "té nước theo mưa"…v.v.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hoàn thiện chính sách ưu đãi nhằm gia tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước: (i) nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp;chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường trong nước (cũng là nâng cao tính tự lực, tự cường, khả năng chống chịu của nền kinh tế); (ii) xây dựng và nhất quán thực thi chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư chất lượng cao; (iii) Nhất quán thực hiện Nghị quyết 02 và các quyết định, chương trình về cải cách thủ tục hành chính khác…v.v.

Bốn là, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, thị trường tài chính – tiền tệ đối với các cú sốc bên ngoài. Theo đó, cần: (i) tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính-tiền tệ; (ii) quan tâm hơn đến việc xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính-tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính; (iii) khẩn trương, quyết liệt xử lý những tồn đọng, bất cập về cổ phần hóa, thoái vốn, về xử lý TCTD yếu kém, nợ xấu; tăng năng lực tài chính (nhất là vốn điều lệ) cho các TCTD; tăng dự trữ ngoại hối phù hợp; phát triển cân bằng hơn, minh bạch hơn thị trường tài chính…v.v.

Cuối cùng, cần tăng cường giám sát nguồn vốn, kiểm soát tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản (nhất là hiện tượng sốt đất gần đây), thị trường chứng khoán, tiền kỹ thuật số nhằm giảm thiểu rủi ro bong bóng tài sản, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và cũng là để các thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững hơn; đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Theo Nhịp sống kinh tế

Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ

Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ

Nhân viên ngân hàng HSBC đau tim sắp chết vì làm việc quá sức vẫn chỉ nghĩ về cuộc họp sáng mai với sếp chứ không phải vợ con.

Khoảnh khắc khi Jonny Frostick nhận ra mình bị đau tim, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là: "Mình có cuộc gặp với sếp vào ngày mai, bị thế này thì không ổn chút nào". Sau đó Frostick tiếp tục nghĩ về việc làm sao để gọi vốn cho một dự án, di chúc, và cuối cùng mới là vợ ông ta.

Frostick hiện đang là trưởng nhóm, quản lý 20 nhân viên làm việc trong các dự án dữ liệu của ngân hàng HSBC. Ông này đã kể về trải nghiệm suýt chết của mình trong một bài đăng Linkedin và ngay lập tức nó được lan truyền mạnh mẽ với gần 8 triệu lượt xem. Người đàn ông 45 tuổi này là nhân viên mới nhất trong ngành tài chính khiến mọi người phải đặt câu hỏi về văn hóa làm việc cho tới khi kiệt sức, khiến mối liên hệ giữa văn phòng và cuộc sống gia đình của người lao động bị đứt gãy.

"Thứ sáu tôi thường xuyên vẫn ngồi làm việc vào lúc 8 giờ tối, trong tình trạng kiệt sức, nghĩ về những thứ cần chuẩn bị cho thứ hai. Thế rồi những công việc phải làm nhiều qua, tôi biết mình không có thời gian để nghỉ và phải bắt đầu làm việc xuyên cuối tuần", Frostick nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nhà của ông ấy ở Dorset. "Đó là trách nhiệm của tôi".

"Tất cả chúng ta đều mong muốn Jonathan sớm hồi phục hoàn toàn", phát ngôn viên của HSBC Heidi Ashley cho biết. "Phản ứng đối với chủ đề này cho thấy mọi người đều đang rất quan tâm tới vấn đề này và chúng tôi luôn khuyến khích mọi người đặt sức khỏe và phúc lợi của họ làm ưu tiên hàng đầu".

Frostick cho biết ông và các đồng nghiệp phải dành một lượng thời gian quá nhiều cho các cuộc họp qua Zoom và ngày làm việc có thể kéo dài đến 12 giờ. Đại dịch khiến mọi người phải làm việc từ xa khiến tình trạng quá tải họp hành xảy ra trầm trọng hơn. Ông nói: "Chúng tôi không thể có những cuộc trò chuyện khác bên cạnh bàn làm việc hoặc tại máy pha cà phê, hoặc đi dạo".

Frostick, người có ba con nhỏ, cho biết ông chịu trách nhiệm về việc làm việc quá sức và bỏ bê sức khỏe của mình mà đỉnh điểm là cơn đau tim. Bây giờ ông ấy muốn chia sẻ lời cảnh tỉnh của mình với người khác.

Frostick nói: "Tôi nợ bản thân và những người khác trách nhiệm. Điều này đã xảy ra với tôi, điều này có thể xảy ra với bạn. Bạn cần phải thay đổi điều đó". Ông muốn thúc đẩy cuộc trò chuyện xung quanh văn hóa làm việc sau đại dịch và hy vọng các nhà tuyển dụng sẽ thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt hơn.

Trong bài đăng, Frostick tuyên bố sẽ thực hiện các thay đổi, bao gồm hạn chế các cuộc gọi Zoom, tái cấu trúc cách tiếp cận công việc của mình và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Bài đăng của ông đã nhận được hơn 214.000 lượt thích và tạo ra hàng ngàn tin nhắn từ những người đang suy nghĩ lại về thái độ của họ.
Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ - Ảnh 1.

Frostick hiện vẫn đang hồi phục sau thời gian nằm viện, và chỉ có đủ năng lượng để ra khỏi giường trong vài giờ mỗi ngày. Ông ấy đang tận hưởng thời gian với vợ con.

Hiện đã có một số lời mời về vị trí làm giám đốc không điều hành hoặc công việc tư vấn. Cũng có người đề nghị ông ta viết một cuốn sách. Quyết định viết bài đăng trên Linkedin được đưa ra vào thời điểm ông cảm thấy bấp bênh trong cuộc sống và tài chính.

Tuy nhiên, ông không đổ lỗi cho HSBC về các vấn đề sức khỏe của mình và lạc quan về triển vọng trong tương lai.

"Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ phản ánh xấu về nơi tôi làm việc, tôi nghĩ rằng tình huống này khá nhất quán trong toàn ngành và tôi cho đó là lý do tại sao bài viết của mình được rất nhiều người chia sẻ", ông nói. "Nếu một tổ chức không muốn thuê tôi vì tôi thực sự đã dành một chút thời gian để suy ngẫm và viết ra điều này thì đó có lẽ không phải là nơi thích hợp để tôi làm việc".

Nguồn: Bloomberg