Showing posts with label lạm phát. Show all posts
Showing posts with label lạm phát. Show all posts

Sunday, April 25, 2021

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam



Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD so với không có gói hỗ trợ.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo Đánh giá tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo để độc giả cùng theo dõi.

Chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ năm 2020-2021

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, với mức suy giảm 3,3%. Vì vậy, Chính phủ các nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo IMF (1/2021), trong năm 2020, các gói hỗ trợ mà các nước đã công bố có quy mô khoảng 13.876 tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó 7.834 tỷ USD (7,4% GDP, chiếm 56,4% tổng các gói hỗ trợ) là các biện pháp tài khóa, còn lại 6.041 tỷ USD (6,1% GDP, chiếm 43,6%) là các biện pháp tiền tệ. Theo IMF (4/2021), tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo ở mức 6% năm 2021 và 4,4% năm 2022. Thương mại toàn cầu được dự báo phục hồi mạnh, tăng khoảng 8% năm 2021 và 4% năm 2022. Về lạm phát, WB và IMF (4/2021) dự báo CPI bình quân toàn cầu sẽ tăng lên mức 2,5% năm 2021, sau đó tăng khoảng 2,4% năm 2022.

Trong năm 2020, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với gần 20 triệu người nhiễm và gần 350 nghìn ca tử vong (đến hết ngày 21/4/2021, Mỹ có 32,6 triệu người nhiễm và 583 nghìn người tử vong). Các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người dân giảm mạnh; buộc Chính phủ Mỹ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, theo IMF (1/2021), Mỹ đã ban hành các gói hỗ trợ tổng giá trị 3.503 tỷ USD, chiếm 16,7% GDP năm 2019 của Mỹ, trong đó chủ yếu là các biện pháp tăng cường chi tiêu (cho lĩnh vực phi y tế là 3.000 tỷ USD, chiếm 85,5%). Đối với chính sách tiền tệ, Fed duy trì lãi suất ở mức thấp 0-0,25%, hỗ trợ thanh khoản (mua trái phiếu, bảo lãnhvay vốn) với quy mô 510 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP.

Nhờ đó, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi và chỉ giảm 3,5% (tốt hơn so với dự báo trước đó là giảm 4,3%) năm 2020, trong đó kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trong hai quý cuối năm với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 33,4% và 4,3% (so với quý trước đó); tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,7% cuối năm 2020 (đã có 12,8 triệu việc làm được hồi phục trong số 22 triệu việc làm bị mất do đại dịch); lạm phát lõi ước tính ở mức 1,6%, cao hơn so với dự báo 1,5%. Với những tín hiệu tích cực như trên, Fed (3/2021) dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% năm 2021 (thay cho mức 4,2% dự báo trước đó) và tăng 3,3% năm 2022. Đây là mức tương tự với dự báo của IMF (4/2021), theo đó kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% năm 2021 và 3,5% năm 2022, trong khi lạm phát ở mức 2,3% năm 2021 và 2,4% năm 2022. 

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ và các gói hỗ trợ của Mỹ 

Tác động đối với kinh tế Mỹ

Ngoài các gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất 3 gói hỗ trợ lớn, trong đó 1 gói (1.900 tỷ USD) đã được thông qua, còn 2 gói lớn khác đang xem xét. Cụ thể:

- Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD (mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ - American Rescue Plan - ARP) - đã được phê duyệt: bao gồm 5 khoản mục chính: (i) gần 800 tỷ USD trợ cấp trực tiếp tới các hộ gia đình, với 1.400 USD bổ sung cho khoản trợ cấp 600 USD trước đó và khoản 400 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung; (ii) 415 tỷ USD cho việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất và tiêm vaccine; (iii) 150 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ; (iv) 176 tỷ USD hỗ trợ giáo dục để mở lại các cơ sở trường học cộng đồng; (v) 360 tỷ USD tài trợ Chính quyền các tiểu bang. Theo Viện Brookings (1/2021), gói ARP có thể giúp GDP của Mỹ tăng thêm 4 điểm phần % năm 2021 và thêm 2 điểm % năm 2022. Trong khi đó, theo CNBC (3/2021), cứ 1.000 tỷ USD chi tiêu thêm sẽ giúp GDP của Mỹ tăng thêm 2 điểm % trong 2 năm tiếp theo và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng lạm phát sát mức mục tiêu 2% đề ra. Với tỷ trọng tập trung vào hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình chiếm 41,2% tổng giá trị, dự báo lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ sẽ phục hồi mạnh năm 2021. Tuy vậy, theo Fitch ratings (3/2021), ARP sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2021 của Mỹ chạm mức 15% GDP, trong khi nợ Chính phủ sẽ chạm mức 109% GDP năm 2021.

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 1.

- Kế hoạch đầu tư 2.300 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và việc làm (Kế hoạch việc làm Mỹ - American Jobs Plan - AJP) - đang nghiên cứu: gồm 5 phần chính(i) 621 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông; (ii) Hỗ trợ trực tiếp 400 tỷ USD cho chăm sóc người già và khuyết tật; (iii) 311 tỷ USD cải thiện cơ sở hạ tầng về nước uống, mở rộng Internet băng thông rộng và nâng cấp lưới điện; (iv) 328 tỷ USD xây nhà ở xã hội và trường học; (v) 590 tỷ USD cho sản xuất - nghiên cứu và phát triển (R & D) - đào tạo việc làm. Kế hoạch trên dự kiến được giải ngân trong 10 năm (2022-2031). Theo Moody's (4/2021), nếu Kế hoạch việc làm Mỹ (AJP) được triển khai thì cùng với tác động của Chương trình ARP, kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng 7,2% năm 2021 (so với mức tăng 4,1% nếu không có các gói hỗ trợ) và mức 3,9% trong năm 2022 (so với mức tăng 5% nếu ko có các biện pháp hỗ trợ, chủ yếu do so sánh với mức nền thấp hơn). Các gói hỗ trợ này dự kiến giúp tạo ra 4,1 triệu việc làm, giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 5,6% cuối năm 2021 và xuống còn 4,4% năm 2022.

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 2.

- Kế hoạch hỗ trợ các gia đình Mỹ (American families plan - AFP) – đang đề xuất: kế hoạch này ước tính trị giá 400 tỷ USD trong vòng 8 năm để đầu tư vào các dịch vụ y tế và xã hội, hỗ trợ các cá nhân và các hộ gia đình có người tàn tật, người phụ thuộc. Hiện tại, kế hoạch trên chưa được Tổng thống Biden công bố nội dung cụ thể. 

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại để đối phó với dịch Covid-19, nước Mỹ đã có 3 gói hỗ trợ lớn (trong đó có 2 gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump) với tổng giá trị khoảng 5.400 tỷ USD, tương đương khoảng 25,5% GDP năm 2020. Nếu 2 đề xuất còn lại (AJP và AFP) được Quốc hội Mỹ thông qua, tổng giá trị các gói hỗ trợ và đầu tư của Mỹ sẽ lên tới 8.100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2029, tương đương 38,3% GDP năm 2020

Để bù lại và có tiền cho các gói hỗ trợ, Chính phủ Mỹ đã quyết định tăng thu bằng biện pháp tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21 lên 28% từ năm 2021) với hy vọng thu về khoảng 2.000 tỷ USD trong 15 năm. Chưa thể đánh giá ngay tác động của chính sách này, nhưng có mặt trái là có thể khiến hành vi trốn thuế gia tăng hoặc đầu tư chưa chắc đã quay về Mỹ như mong muốn (để né trả thuế cao).

Tác động đối với các nước Châu Á và Việt Nam

Thứ nhất, các gói hỗ trợ của Mỹ (trước mắt là gói 1.900 tỷ USD) sẽ thúc đẩy tiêu dùng, cầu hàng hóa – dịch vụ, từ đó tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Khu vực Châu Á được đánh giá là hưởng lợi khá nhiều từ các gói hỗ trợ của Mỹ. Theo Citi Research (3/2021), kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong quý 2/2021 và tiếp tục tăng mạnh trong 3 quý kế tiếp nhờ các gói hỗ trợ này. Điều này sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng lên (đồng nghĩa hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á được hưởng lợi, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất. Dự kiến, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 7,7% năm 2021 (như dự báo của Bloomberg Economics) thì GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 1,085 điểm % hay ít nhất là 0,517 điểm phần % (như dự báo của các chuyên gia).

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 3.

Với mục tiêu trọng tâm của gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD là hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình Mỹ dự kiến đã và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử, hải sản… vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ (chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2020). Trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 25,6% so với năm trước và quý 1/2021 tiếp tục tăng 38,9% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ. 

Theo ước tính của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD (so với không có gói hỗ trợ), qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 (sau đánh giá lại) tăng trưởng thêm 0,8 điểm % (so với không có gói hỗ trợ). Đây là mức khá tương đồng với mức bình quân của các dự báo tại Biểu 3 nêu trên.

Thứ hai, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến dòng vốn vào thị trường châu Á bị thay đổi. Citi Research (3/2021) nhận định kinh tế Mỹ hồi phục nhờ các gói hỗ trợ sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng mạnh, điều này có thể khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cùng giá trị đồng USD tăng lên, kéo theo dòng vốn đầu tư quay lại thị trường Mỹ, khiến cho thanh khoản thị trường tài chính tại các nước Châu Á trở nên căng thẳng hơn. 

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng, gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong ngắn hạn, các gói hỗ trợ của Mỹ giúp phục hồi nhu cầu sản xuất - tiêu dùng, góp phần khiến giá cả hàng hóa (giá dầu, sắt, thép, nông sản…) tăng lên (chỉ số Bloomberg Commodity index đã tăng 26,2% trong 9 tháng cuối năm 2020 và tăng 10% trong quý 1/2021), từ đó tạo áp lực tăng lạm phát và lãi suất tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Citi Research (4/2021), kinh tế Mỹ và Châu Á hồi phục có thể khiến các nước Châu Á thu hẹp chính sách hỗ trợ cũng làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên. Lãi suất tăng khiến chi phí vay vốn mới cộng với nghĩa vụ trả nợ hiện tại đều tăng, nhất là trong bối cảnh nợ toàn cầu (gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình) tăng rất nhanh giai đoạn 2019-2021 (một phần là vì tiền rẻ, lãi suất thấp), lên đến mức 365-370%GDP năm 2021.

Thứ tư, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cùng chính sách tài khóa mở rộng với quy mô lớn khiến tình trạng đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số…tăng lên, khiến bất ổn trên thị trường tài chính – tài sản toàn cầu gia tăng. Các khoản tiền hỗ trợ quy mô lớn cùng lãi suất ở mức thấp khiến nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử (Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 7,2% năm 2020 và tăng 10,5% từ đầu 2021 năm đến nay; chỉ số MSCI Châu Á-TBD tăng gần 4% từ đầu năm); giá tiền kỹ thuật số (như giá Bitcoin tăng gần 70% từ đầu năm đến nay), bất động sản tăng mạnh (giá nhà ở toàn cầu tăng 5,6% năm 2020, mức tăng cao nhất từ năm 2018 và còn tăng)...v.v. IMF, WB đã có nhiều cảnh báo và kêu gọi các quốc gia lưu ý kiểm soát, hợp tác quốc tế để hạn chế rủi ro bong bóng xảy ra.

Năm khuyến nghị chính sách

Một là, mặc dù ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, song chính sách thương mại của Việt Nam cần tiếp tục được điều hành theo hướng cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ. Bên cạnh việc tiếp tục tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Mỹ, Việt Nam cần xem xét tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống Covid-19.... v.v. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với Mỹ trong việc trao đổi thông tin về chính sách tiền tệ, tỷ giá, thương mại và các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như an ninh mạng, thuế dịch vụ trực tuyến…). Đồng thời, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ, cũng như những hành vi trốn thuế.

Hai là, cần tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra. Theo đó, cần: (i) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu; (ii) Xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách nhịp nhàng, hiệu quả, tránh giật cục; (iii) Tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng "té nước theo mưa"…v.v.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hoàn thiện chính sách ưu đãi nhằm gia tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước: (i) nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp;chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường trong nước (cũng là nâng cao tính tự lực, tự cường, khả năng chống chịu của nền kinh tế); (ii) xây dựng và nhất quán thực thi chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư chất lượng cao; (iii) Nhất quán thực hiện Nghị quyết 02 và các quyết định, chương trình về cải cách thủ tục hành chính khác…v.v.

Bốn là, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, thị trường tài chính – tiền tệ đối với các cú sốc bên ngoài. Theo đó, cần: (i) tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính-tiền tệ; (ii) quan tâm hơn đến việc xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính-tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính; (iii) khẩn trương, quyết liệt xử lý những tồn đọng, bất cập về cổ phần hóa, thoái vốn, về xử lý TCTD yếu kém, nợ xấu; tăng năng lực tài chính (nhất là vốn điều lệ) cho các TCTD; tăng dự trữ ngoại hối phù hợp; phát triển cân bằng hơn, minh bạch hơn thị trường tài chính…v.v.

Cuối cùng, cần tăng cường giám sát nguồn vốn, kiểm soát tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản (nhất là hiện tượng sốt đất gần đây), thị trường chứng khoán, tiền kỹ thuật số nhằm giảm thiểu rủi ro bong bóng tài sản, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và cũng là để các thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững hơn; đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Theo Nhịp sống kinh tế

Friday, April 2, 2021

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD


Tài sản ảo, được trả bằng tiền thật với mức giá không tưởng 

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD

Tuần trước, một tấm thẻ sưu tập (trading card) có hình tiền vệ bóng bầu dục Tom Brady đã được bán với mức giá cao kỷ lục là 1,3 triệu USD, vốn hóa của đồng Bitcoin cán mốc 1 nghìn tỷ USD. Trong khi đó, một bức tranh kỹ thuật số của Beeple được chốt giá ở mức 69,3 triệu USD khi giá ban đầu chỉ là 100 USD.

Những sự kiện tưởng như bất thường này lại có mối liên hệ với nhau, đây đều là những "nhân vật" điên rồ đang khuấy đảo cả giới tài chính. Trong nhiều tháng, các nhà đầu tư chuyên nghiệp đã đẩy giá bất động sản và cổ phiếu lên cao. Ngay cả những loại tài sản ảo hay đồ sưu tầm như trading card, giày sneaker cũng tăng giá mạnh.

Đà tăng đang được thúc đẩy bởi 1 số yếu tố đặc biệt. Ngay cả khi hàng triệu người Mỹ bị sa thải do đại dịch, tiền trong tài khoản ngân hàng của nhiều người vẫn tăng mạnh, nhờ biện pháp kích thích và tiền mặt của chính phủ đổ vào nền kinh tế. Tuy nhiên, khi người Mỹ tích lũy được nhiều tiền hơn, các khoản đầu tư truyền thống như cổ phiếu và trái phiếu lại trở nên kém hấp dẫn.

Do đó, nhiều người đã trở nên sáng tạo hơn vì nhàn rỗi trong thời gian giãn cách xã hội và họ sẵn sàng chấp nhận nhiều rủi ro hơn. Thông thường, các tài sản ảo được nhà đầu tư trên những diễn đàn như Reddit tranh luận sôi nổi, hay sử dụng ứng dụng Robinhood và nền tảng tiền số Coinbase để giao dịch.

Xu hướng trên đã tạo nên những quả bong bóng nhỏ đối với nhiều loại tài sản đặc biệt, như SPAC và NFT. Ngoài ra, nhu cầu cũng tăng vọt đối với những đợt IPO được thực hiện trong tuần trước như trang web chơi game Roblox và "Amazon Hàn Quốc" Coupang, cùng những cổ phiếu "meme" khác.

Howard Lindzon – nhà đầu tư, doanh nhân và nhà bình luận về thị trường, nhận định: "Đây chỉ là một chu kỳ nhu cầu bị dồn nén, khi người Mỹ không biết dùng tiền để làm gì. Do đó, họ làm những điều ngớ ngẩn."

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD   - Ảnh 1.

Sự điên cuồng diễn ra trong đúng thời điểm nền kinh tế Mỹ suy thoái sâu sắc, do đó khiến nhà đầu tư hứng chịu rủi ro lớn. Một số đã chứng kiến khoản lỗ chưa từng có khi đầu tư bằng Robinhood – được coi là khuyến khích hành vi cờ bạc. Các tài sản khác như Bitcoin rất dễ sụt giảm, trong khi giày sneaker và NFT lại là những nhân tố mới, được "thổi phồng" nên rất khó đoán về giá trị trong dài hạn.

Hiện tại, những quả bong bóng này chưa gây rủi ro cho toàn bộ hệ thống tài chính. Song, nhiều nhà đầu tư chia sẻ rằng họ cảm thấy lo lắng. Jane Leung – CIO tạ SVB Private Bank, cho hay: "Hầu hết mọi người đang vui mừng. Nhưng đồng thời, có những người lắc đầu và bỏ đi, họ tự hỏi khi nào quả bong bóng này mới vỡ tung."

Một trong số những người chạy theo cơn sốt này là Matthew Schorr (35 tuổi), luật sư tại Cherry Hill (New Jersey). Trong nhiều năm, anh đã để ý đến những khoản đầu tư được săn đón nhiều, nhưng mất hứng thú với TTCK và từ bỏ Bitcoin sau khi bạn bè của anh cho biết đây là "tiền giả". Hiện tại, Schorr cảm thấy tiếc nuối vì Bitcoin đã vượt mốc 60.000 USD.

Schorr không muốn bỏ lỡ khoản lời này một lần nữa. Do đó, từ tháng 1, anh đã chi 5.000 USD để mua 351 video từ NBA Top Shot – trang web chuyên kinh doanh các đoạn video nổi bật về bóng rổ, sau khi mạng xã hội bàn tán về việc có thể bán những clip này với giá hàng chục nghìn USD. Theo Momentranks.com, giá trị của những đoạn video này đã tăng lên 67.000 USD.

Đây là một hình thức đầu tư được gọi là NFT (nonfungible token). Những người mang quan điểm hoài nghi coi NFT là một trong những điều đáng nghi ngờ nhất, vì hình ảnh NFT có thể được sao chép và chia sẻ liên tục. Tuy nhiên, nhiều người vẫn đánh giá cao về giá trị của loại tài sản ảo này, hoặc đơn giản là do tâm lý FOMO.

Schorr dành 5 giờ mỗi ngày để nghiên cứu thị trường và trao đổi với các nhà sưu tập trên Discord. Anh chia sẻ: "Tôi đang cố gắng nắm bắt xu hướng và không bỏ lỡ một lần nào nữa. Kiểu lợi nhuận loại tài sản này mang lại trong 6 tuần là chưa từng có đối với bất kỳ phương tiện tài chính nào."

Tháng trước, NBA Top Shot đã ghi nhận tổng doanh thu vượt 232 triệu USD kể từ khi thành lập vào năm ngoái, trong đó có 1 ngày doanh thu đạt 47,5 triệu USD.

Khi tài sản truyền thống trở nên kém hấp dẫn 

Phần lớn động lực thúc đẩy xu hướng này bắt đầu từ năm ngoái, khi chính phủ các nước hạ lãi suất và tung các gói kích cầu. Động thái này giúp lượng tiền trong hệ thống tài chính toàn cầu tăng gấp đôi, đồng thời khuyến khích người dân chi tiêu. Các khoản tiền gửi trong ngân hàng tại Mỹ đạt 16,45 nghìn tỷ USD vào tháng trước, cao hơn 3 nghìn tỷ USD so với tháng 1/2020.

Lãi suất thấp khiến các kênh đầu tư truyền thống như chứng khoán và trái phiếu kém hấp dẫn hơn, trong khi giá cổ phiếu trở nên đắt đỏ hơn nhiều. Do đó, nhiều người bắt đầu tìm đến các tài sản phi truyền thống.

Với NFT, sự điên cuồng đang leo thang nhanh chóng. Tháng trước, một bức ảnh NFT hình mèo Nyan Cat đã được bán với giá khoảng 580.000 USD. Các nghệ sĩ bao gồm Grimes và DJ Steve Aoki cũng thu về hàng triệu USD từ các tác phẩm nghệ thuật số của họ. Hôm thứ Năm tuần trước, Beeple (tên thật là Mike Winkelmann) đã bán bức tranh NFT "Everydays — The First 5000 Days" với giá 69,3 triệu USD.

Slava Rubin – nhà sáng lập của Vincent, startup giúp khách hàng tìm kiếm các khoản đầu tư thay thế như rượu, đồ sưu tầm, cho biết trang web của anh đã có hàng chục nghìn người dùng. Hồi tháng trước, lượng người quan tâm đến NFT đã tăng 44% và đồ sưu tầm tăng 33%, trở thành danh mục tăng trưởng nhanh nhất trên trang web.

Trong tháng này, nhạc sĩ dòng nhạc điện tử 3lau đã kiếm được 11,7 triệu USD khi bán NFT liên quan đến 1 trong những album đã phát hành. Người mua không chỉ được mã token đại diện cho phiên bản chính thức của album, mà còn có thể truy cập vào các sản phẩm mới và bản sao đĩa than phiên bản giới hạn.

Dân Mỹ và xu hướng đầu tư điên cuồng: Từ tiền số, tranh ảo cho đến thẻ in ảnh đều trở thành những loại tài sản có giá hàng chục triệu USD   - Ảnh 2.

Trong khi đó, nhà đầu tư cũng bị thu hút bởi các SPAC (công ty chuyên thâu tóm). Theo Renaissance Capital, số lượng SPAC tăng rất mạnh trong năm nay, đến mức số SPAC niêm yết còn nhiều hơn các công ty thực. Một số công ty thậm chí còn cho ra mắt 3 hoặc 4 SPAC cùng 1 lúc. Các ngôi sao thể thao và nghệ sĩ như Serena Williams hay Ciara cũng có SPAC riêng của họ.

Cơn sốt thậm chí còn diễn ra trên những sàn mua bán sneaker. Scott Cutler – CEO của StockX, cho biết doanh số bán giày trong tháng 1 cao gần gấp đôi so với năm trước. Theo ông, thế hệ trẻ đang muốn đầu tư vào những thứ phù hợp với văn hóa và phù hợp về mặt tài chính. Cutler cho rằng đây thực sự là khoản đầu tư ổn định.

Những chiếc trading card trên StockX cũng đạt mức giá trung bình 775 USD vào tháng 1, trong khi 1 năm trước có giá 280 USD. Tuần vừa rồi, doanh số bán thẻ in hình Tom Brady đạt mức 1,3 triệu USD, đây là một trong 100 loại thẻ in hình từ mùa giải đầu tiên của ông.

Việc dự đoán xu hướng này sẽ kết thúc như thế nào và khi nào sẽ là việc dễ dàng. Một số cho rằng việc vắc-xin được triển khai rộng rãi, cuộc sống trở lại bình thường sẽ lặp lại những diễn biến như "Thời đại vàng" những năm 1920.  

Tham khảo New York Times

Wednesday, March 15, 2017

Những đợt tăng lãi suất của Fed ảnh hưởng thế nào đến thị trường toàn cầu?

Giờ đây, gần như chắc chắn rằng tuần tới Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) sẽ nâng lãi suất lần thứ 3, và đó sẽ là bước đầu tiên trên con đường hướng tới việc giành lại lãi suất từ 3% - 4%, MarketWatch đưa tin.

Đó là một quyết định dành cho nước Mỹ, nhưng lãi suất của Mỹ cũng là một biến số chủ chốt cho toàn bộ nền kinh tế toàn cầu.
Vậy thì lãi suất cao hơn của Fed sẽ ảnh hưởng thế nào đến phần còn lại của thế giới? Điều đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của dòng tiền siêu rẻ, lạm phát sẽ bắt đầu tăng trở lại, tiết kiệm sẽ lại tăng cao, ngân sách Chính phủ sẽ chịu áp lực khổng lồ, và căng thẳng thương mại âm ỉ giữa Mỹ và châu Âu sẽ bùng nổ vì đồng Euro sẽ giảm giá.
Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) Janet Yellen
Các chuyên viên giao dịch giờ đây nhận thấy khả năng nâng lãi suất của Fed trong cuộc họp tuần tới là hơn 50%. Mọi chuyện vẫn chưa xong, nhưng rất gần như thế. Kinh tế Mỹ đang tăng trưởng với tốc độ đáng kể, thị trường chứng khoán đang có xu hướng tăng giá, và đã sống sót (ít nhất là cho đến nay) qua chiến thắng của một trong những vị Tổng thống kỳ lạ nhất lịch sử Mỹ. Khó mà thấy được tình huống “khẩn cấp” nào mà Fed sẽ phải đương đầu – vì thế lãi suất “khẩn cấp” nên dần kết thúc là điều khá hợp lý.
Nếu 0.25 điểm nữa không gây thiệt hại quá nhiều thì chúng ta có thể kỳ vọng được thấy một loạt đợt tăng lãi suất đều đặn, cho tới khi trở lại mức 3% - 4%. Vậy điều đó sẽ tác động đến phần còn lại của thế giới như thế nào?
Đây là 5 xu hướng lớn cần theo dõi:
Thứ nhất, điều đó sẽ đánh dấu sự kết thúc của kỷ nguyên tiền siêu rẻ
Lãi suất của Fed hiện vẫn là quan trọng nhất thế giới, là “cột mốc” cho lãi suất trên mọi tài sản tài chính khác. Nếu lãi suất trở lại bình thường thì giá mọi thứ cũng sẽ bắt đầu thay đổi. Thật vậy, các vấn đề duy nhất của Nhật Bản và khối các nước sử dụng đồng Euro (Eurozone) có thể sẽ khiến cho lãi suất vẫn duy trì ở mức thấp lâu hơn tại 2 khu vực này.
Tuy nhiên, ở các nơi khác, chắc chắn họ sẽ tăng lãi suất. Hãy mong đợi nước Anh sẽ làm theo, và có lẽ Thụy Sĩ, Thụy Điển, Na Uy, Canada và Australia cũng sẽ làm thế. Thậm chí quan trọng hơn là, giá nợ doanh nghiệp cũng sẽ tăng lên.
Thứ hai, hãy chuẩn bị cho lạm phát
Đó không phải là những gì mà hầu hết mọi người mong đợi, nhưng lãi suất gần như zero đã sinh ra giảm phát, chứ không phải lạm phát.
Khi lãi suất tăng lên, lạm phát, vốn đã bị “nhốt” nhiều năm qua, sẽ bắt đầu xuất hiện trở lại. Trong ngắn hạn, điều đó có thể thật sự là tốt – nhưng nếu chỉ báo này cho thấy các dấu hiệu trở nên mất kiểm soát thì sẽ có những vấn đề thực sự.
Thứ ba, hãy kỳ vọng lãi suất tiết kiệm tăng
Ở mức 0.25%, nếu tiết kiệm thì được gì? Không nhiều lắm. Với lãi suất trở lại bình thường, và với tiền trong ngân hàng được hưởng một mức lợi nhuận thật sự hợp lý, thì người ta sẽ bắt đầu tiết kiệm trở lại, đặc biệt là ở các quốc gia phát triển.
Chẳng hạn, ở Anh, tỷ suất tiết kiệm đã giảm xuống 5.5%, thấp hơn nhiều so với lãi suất dài hạn 8.4%, và điều tương tự sẽ đúng với hầu hết các nền kinh tế phát triển khác. Tiết kiệm cao hơn sẽ là điều tuyệt vời cho lĩnh vực ngân hàng và tài chính, vốn bị “đói” tiền tươi trong thời gian qua. Nhưng sẽ là không tốt cho những phương tiện thay thế khác như cho vay ngang hàng, đã nở rộ trong thời gian lãi suất rất thấp.
Thứ tư, hãy mong đợi áp lực ngân sách khổng lồ lên các Chính phủ
Sau cuộc khủng hoảng, thâm hụt ngân sách đã trở nên mất kiểm soát, và tỷ lệ nợ tăng vọt. Tuy nhiên, điều đó không thành vấn đề nhiều vì chi phí dành cho món nợ ấy là rất thấp. Chẳng hạn ở Anh, tỷ lệ nợ/GDP đã tăng lên 81%, một trong những mức cao nhất của quốc gia này trong thời bình, nhưng tiền lãi hàng năm chỉ là 43 tỷ bảng Anh, tương đương với 3% tổng GDP, và 8% chi tiêu Chính phủ.
Với lãi suất bình thường, món nợ ấy sẽ là... kinh khủng – nước Anh có thể chứng kiến tỷ lệ nợ sẽ tăng lên 16% chi tiêu Chính phủ, hay thậm chí nhiều hơn, đến mức không thể kham nổi. Vậy giải pháp là gì? Hãy mong đợi Chính phủ xét đến những cách vỡ nợ thông minh, chẳng hạn như, bắt buộc các ngân hàng trung ương hủy món nợ mà họ đang nắm giữ, và nếu cần thiết, sẽ mua nhiều nợ hơn.
Cuối cùng, hãy mong đợi một cuộc chiến thương mại – giữa Mỹ và châu Âu
Đồng USD sẽ tăng giá mạnh là điều không thể tránh khỏi, đặc biệt là so với đồng Euro. Đừng quên rằng, tại sao bất kỳ ai cũng muốn có lãi suất zero hoặc âm cho đồng tiền của họ ở châu Âu, đặc biệt là với những chính trị gia theo chủ nghĩa dân túy, những người luôn đe dọa chấm dứt sự tồn tại của đồng tiền này, khi họ có thể kiếm được 4% ở Mỹ?
Một đồng Euro yếu hơn nhiều, có thể là dưới mức “đồng giá” với đồng USD, sẽ khiến cho thặng dư thương mại của Liên minh châu Âu (EU) tăng vọt. Mức thặng dư khởi điểm này đã là khá lớn – theo dữ liệu của Eurostat, trong năm 2016, EU đã đạt được 115 tỷ Euro thặng dư với Mỹ. Vào cuối năm 2018, con số đó có thể vượt khỏi tầm kiểm soát. Tổng thống Donald Trump sẽ ghét điều đó, vì nó sẽ “cướp” đi hàng loạt công việc sản xuất cao cấp mà ông đã hứa bảo vệ. Và ông sẽ tìm cách để tấn công lại.
Lãi suất gần với mức zero là yếu tố quan trọng nhất trong nền kinh tế toàn cầu suốt 1 thập kỷ qua. Chúng đã thay đổi cách tài sản được định giá, tác động lên lãi suất tiết kiệm, cho phép các Chính phủ vay được những số tiền lớn mà chỉ hứng chịu ít hậu quả, và thay đổi các mô hình giao thương trên khắp thế giới.
Từ tuần tới trở đi, lãi suất sẽ bắt đầu được bình thường hóa. Đó sẽ là một hành trình dài trước khi chúng trở lại các mức đã từng đạt được – ít nhất là 2 hoặc 3 năm. Nhưng khi chúng đạt đến mức ấy thì nền kinh tế toàn cầu sẽ trông rất khác./.