Sunday, April 25, 2021

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam



Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo & Nghiên cứu BIDV cho rằng, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD so với không có gói hỗ trợ.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV vừa có báo cáo Đánh giá tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam. Chúng tôi xin đăng tải báo cáo để độc giả cùng theo dõi.

Chính sách tài khóa và tiền tệ của Mỹ năm 2020-2021

Năm 2020, đại dịch Covid-19 xuất hiện, bùng phát trên phạm vi toàn cầu, đã đẩy nền kinh tế thế giới rơi vào suy thoái nghiêm trọng nhất kể từ sau Đại khủng hoảng 1929-1933, với mức suy giảm 3,3%. Vì vậy, Chính phủ các nước đã phải đưa ra các gói hỗ trợ trị giá hàng trăm, hàng nghìn tỷ USD nhằm phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Theo IMF (1/2021), trong năm 2020, các gói hỗ trợ mà các nước đã công bố có quy mô khoảng 13.876 tỷ USD, tương đương 13,5% GDP toàn cầu năm 2020, trong đó 7.834 tỷ USD (7,4% GDP, chiếm 56,4% tổng các gói hỗ trợ) là các biện pháp tài khóa, còn lại 6.041 tỷ USD (6,1% GDP, chiếm 43,6%) là các biện pháp tiền tệ. Theo IMF (4/2021), tăng trưởng kinh tế thế giới dự báo ở mức 6% năm 2021 và 4,4% năm 2022. Thương mại toàn cầu được dự báo phục hồi mạnh, tăng khoảng 8% năm 2021 và 4% năm 2022. Về lạm phát, WB và IMF (4/2021) dự báo CPI bình quân toàn cầu sẽ tăng lên mức 2,5% năm 2021, sau đó tăng khoảng 2,4% năm 2022.

Trong năm 2020, Mỹ là nước chịu ảnh hưởng nặng nề bởi dịch Covid-19 với gần 20 triệu người nhiễm và gần 350 nghìn ca tử vong (đến hết ngày 21/4/2021, Mỹ có 32,6 triệu người nhiễm và 583 nghìn người tử vong). Các hoạt động sản xuất, đầu tư, thương mại bị ảnh hưởng nghiêm trọng, khiến tỷ lệ thất nghiệp tăng cao và thu nhập của người dân giảm mạnh; buộc Chính phủ Mỹ và Cục dự trữ Liên bang Mỹ (Fed) phải thực hiện chính sách tài khóa và tiền tệ siêu nới lỏng để hỗ trợ nền kinh tế. Đối với chính sách tài khóa, theo IMF (1/2021), Mỹ đã ban hành các gói hỗ trợ tổng giá trị 3.503 tỷ USD, chiếm 16,7% GDP năm 2019 của Mỹ, trong đó chủ yếu là các biện pháp tăng cường chi tiêu (cho lĩnh vực phi y tế là 3.000 tỷ USD, chiếm 85,5%). Đối với chính sách tiền tệ, Fed duy trì lãi suất ở mức thấp 0-0,25%, hỗ trợ thanh khoản (mua trái phiếu, bảo lãnhvay vốn) với quy mô 510 tỷ USD, tương đương 2,4% GDP.

Nhờ đó, kinh tế Mỹ đã có dấu hiệu phục hồi và chỉ giảm 3,5% (tốt hơn so với dự báo trước đó là giảm 4,3%) năm 2020, trong đó kinh tế Mỹ hồi phục mạnh trong hai quý cuối năm với mức tăng trưởng GDP lần lượt là 33,4% và 4,3% (so với quý trước đó); tỷ lệ thất nghiệp ở mức 6,7% cuối năm 2020 (đã có 12,8 triệu việc làm được hồi phục trong số 22 triệu việc làm bị mất do đại dịch); lạm phát lõi ước tính ở mức 1,6%, cao hơn so với dự báo 1,5%. Với những tín hiệu tích cực như trên, Fed (3/2021) dự báo kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,5% năm 2021 (thay cho mức 4,2% dự báo trước đó) và tăng 3,3% năm 2022. Đây là mức tương tự với dự báo của IMF (4/2021), theo đó kinh tế Mỹ tăng trưởng 6,4% năm 2021 và 3,5% năm 2022, trong khi lạm phát ở mức 2,3% năm 2021 và 2,4% năm 2022. 

Đánh giá tác động của chính sách tiền tệ và các gói hỗ trợ của Mỹ 

Tác động đối với kinh tế Mỹ

Ngoài các gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump nêu trên, chính quyền Tổng thống Biden đã đề xuất 3 gói hỗ trợ lớn, trong đó 1 gói (1.900 tỷ USD) đã được thông qua, còn 2 gói lớn khác đang xem xét. Cụ thể:

- Gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD (mang tên Kế hoạch giải cứu nước Mỹ - American Rescue Plan - ARP) - đã được phê duyệt: bao gồm 5 khoản mục chính: (i) gần 800 tỷ USD trợ cấp trực tiếp tới các hộ gia đình, với 1.400 USD bổ sung cho khoản trợ cấp 600 USD trước đó và khoản 400 USD trợ cấp thất nghiệp bổ sung; (ii) 415 tỷ USD cho việc kiểm soát dịch bệnh, sản xuất và tiêm vaccine; (iii) 150 tỷ USD hỗ trợ cho các doanh nghiệp nhỏ; (iv) 176 tỷ USD hỗ trợ giáo dục để mở lại các cơ sở trường học cộng đồng; (v) 360 tỷ USD tài trợ Chính quyền các tiểu bang. Theo Viện Brookings (1/2021), gói ARP có thể giúp GDP của Mỹ tăng thêm 4 điểm phần % năm 2021 và thêm 2 điểm % năm 2022. Trong khi đó, theo CNBC (3/2021), cứ 1.000 tỷ USD chi tiêu thêm sẽ giúp GDP của Mỹ tăng thêm 2 điểm % trong 2 năm tiếp theo và làm giảm tỷ lệ thất nghiệp và gia tăng lạm phát sát mức mục tiêu 2% đề ra. Với tỷ trọng tập trung vào hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình chiếm 41,2% tổng giá trị, dự báo lĩnh vực tiêu dùng của Mỹ sẽ phục hồi mạnh năm 2021. Tuy vậy, theo Fitch ratings (3/2021), ARP sẽ khiến thâm hụt ngân sách năm 2021 của Mỹ chạm mức 15% GDP, trong khi nợ Chính phủ sẽ chạm mức 109% GDP năm 2021.

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 1.

- Kế hoạch đầu tư 2.300 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng và việc làm (Kế hoạch việc làm Mỹ - American Jobs Plan - AJP) - đang nghiên cứu: gồm 5 phần chính(i) 621 tỷ USD cho cơ sở hạ tầng giao thông; (ii) Hỗ trợ trực tiếp 400 tỷ USD cho chăm sóc người già và khuyết tật; (iii) 311 tỷ USD cải thiện cơ sở hạ tầng về nước uống, mở rộng Internet băng thông rộng và nâng cấp lưới điện; (iv) 328 tỷ USD xây nhà ở xã hội và trường học; (v) 590 tỷ USD cho sản xuất - nghiên cứu và phát triển (R & D) - đào tạo việc làm. Kế hoạch trên dự kiến được giải ngân trong 10 năm (2022-2031). Theo Moody's (4/2021), nếu Kế hoạch việc làm Mỹ (AJP) được triển khai thì cùng với tác động của Chương trình ARP, kinh tế Mỹ có thể đạt được mức tăng trưởng 7,2% năm 2021 (so với mức tăng 4,1% nếu không có các gói hỗ trợ) và mức 3,9% trong năm 2022 (so với mức tăng 5% nếu ko có các biện pháp hỗ trợ, chủ yếu do so sánh với mức nền thấp hơn). Các gói hỗ trợ này dự kiến giúp tạo ra 4,1 triệu việc làm, giúp tỷ lệ thất nghiệp của Mỹ giảm xuống còn 5,6% cuối năm 2021 và xuống còn 4,4% năm 2022.

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 2.

- Kế hoạch hỗ trợ các gia đình Mỹ (American families plan - AFP) – đang đề xuất: kế hoạch này ước tính trị giá 400 tỷ USD trong vòng 8 năm để đầu tư vào các dịch vụ y tế và xã hội, hỗ trợ các cá nhân và các hộ gia đình có người tàn tật, người phụ thuộc. Hiện tại, kế hoạch trên chưa được Tổng thống Biden công bố nội dung cụ thể. 

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại để đối phó với dịch Covid-19, nước Mỹ đã có 3 gói hỗ trợ lớn (trong đó có 2 gói hỗ trợ dưới thời Tổng thống Trump) với tổng giá trị khoảng 5.400 tỷ USD, tương đương khoảng 25,5% GDP năm 2020. Nếu 2 đề xuất còn lại (AJP và AFP) được Quốc hội Mỹ thông qua, tổng giá trị các gói hỗ trợ và đầu tư của Mỹ sẽ lên tới 8.100 tỷ USD trong giai đoạn 2020-2029, tương đương 38,3% GDP năm 2020

Để bù lại và có tiền cho các gói hỗ trợ, Chính phủ Mỹ đã quyết định tăng thu bằng biện pháp tăng thuế thu nhập doanh nghiệp (từ 21 lên 28% từ năm 2021) với hy vọng thu về khoảng 2.000 tỷ USD trong 15 năm. Chưa thể đánh giá ngay tác động của chính sách này, nhưng có mặt trái là có thể khiến hành vi trốn thuế gia tăng hoặc đầu tư chưa chắc đã quay về Mỹ như mong muốn (để né trả thuế cao).

Tác động đối với các nước Châu Á và Việt Nam

Thứ nhất, các gói hỗ trợ của Mỹ (trước mắt là gói 1.900 tỷ USD) sẽ thúc đẩy tiêu dùng, cầu hàng hóa – dịch vụ, từ đó tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Khu vực Châu Á được đánh giá là hưởng lợi khá nhiều từ các gói hỗ trợ của Mỹ. Theo Citi Research (3/2021), kinh tế Mỹ dự kiến sẽ tăng trưởng mạnh trong quý 2/2021 và tiếp tục tăng mạnh trong 3 quý kế tiếp nhờ các gói hỗ trợ này. Điều này sẽ khiến nhu cầu nhập khẩu của Mỹ tăng lên (đồng nghĩa hoạt động xuất khẩu của các nước Châu Á được hưởng lợi, trong đó Việt Nam là nước hưởng lợi nhiều nhất. Dự kiến, nếu tốc độ tăng trưởng GDP của Mỹ đạt 7,7% năm 2021 (như dự báo của Bloomberg Economics) thì GDP Việt Nam sẽ tăng trưởng thêm 1,085 điểm % hay ít nhất là 0,517 điểm phần % (như dự báo của các chuyên gia).

Tác động của các gói hỗ trợ của Mỹ và hàm ý chính sách đối với Việt Nam - Ảnh 3.

Với mục tiêu trọng tâm của gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD là hỗ trợ tài chính cho các cá nhân và hộ gia đình Mỹ dự kiến đã và sẽ làm tăng nhu cầu tiêu dùng đối với các mặt hàng giày dép, quần áo, đồ nội thất, điện thoại di động và thiết bị điện tử, hải sản… vốn là các mặt hàng xuất khẩu chủ lực của Việt Nam vào Mỹ (chiếm khoảng 76% tổng kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ năm 2020). Trong năm 2020, xuất khẩu của Việt Nam vào Mỹ tăng 25,6% so với năm trước và quý 1/2021 tiếp tục tăng 38,9% so với cùng kỳ, giúp Việt Nam trở thành đối tác nhập khẩu lớn thứ 6 của Mỹ. 

Theo ước tính của Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV, với gói hỗ trợ 1.900 tỷ USD của Mỹ đang triển khai, dự báo xuất khẩu hàng hóa của Việt Nam sang Mỹ sẽ tăng thêm khoảng 2,6 tỷ USD (so với không có gói hỗ trợ), qua đó giúp GDP Việt Nam năm 2021 (sau đánh giá lại) tăng trưởng thêm 0,8 điểm % (so với không có gói hỗ trợ). Đây là mức khá tương đồng với mức bình quân của các dự báo tại Biểu 3 nêu trên.

Thứ hai, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến dòng vốn vào thị trường châu Á bị thay đổi. Citi Research (3/2021) nhận định kinh tế Mỹ hồi phục nhờ các gói hỗ trợ sẽ tạo áp lực tăng lạm phát và kinh tế Mỹ phục hồi tăng trưởng mạnh, điều này có thể khiến cho lợi tức trái phiếu chính phủ Mỹ cùng giá trị đồng USD tăng lên, kéo theo dòng vốn đầu tư quay lại thị trường Mỹ, khiến cho thanh khoản thị trường tài chính tại các nước Châu Á trở nên căng thẳng hơn. 

Thứ ba, các gói hỗ trợ của Mỹ có thể khiến lạm phát toàn cầu tăng, gây áp lực tăng lạm phát và lãi suất đối với các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Trong ngắn hạn, các gói hỗ trợ của Mỹ giúp phục hồi nhu cầu sản xuất - tiêu dùng, góp phần khiến giá cả hàng hóa (giá dầu, sắt, thép, nông sản…) tăng lên (chỉ số Bloomberg Commodity index đã tăng 26,2% trong 9 tháng cuối năm 2020 và tăng 10% trong quý 1/2021), từ đó tạo áp lực tăng lạm phát và lãi suất tại các nước Châu Á, trong đó có Việt Nam. Bên cạnh đó, theo Citi Research (4/2021), kinh tế Mỹ và Châu Á hồi phục có thể khiến các nước Châu Á thu hẹp chính sách hỗ trợ cũng làm cho lãi suất có xu hướng tăng lên. Lãi suất tăng khiến chi phí vay vốn mới cộng với nghĩa vụ trả nợ hiện tại đều tăng, nhất là trong bối cảnh nợ toàn cầu (gồm nợ chính phủ, doanh nghiệp và hộ gia đình) tăng rất nhanh giai đoạn 2019-2021 (một phần là vì tiền rẻ, lãi suất thấp), lên đến mức 365-370%GDP năm 2021.

Thứ tư, chính sách tiền tệ siêu nới lỏng cùng chính sách tài khóa mở rộng với quy mô lớn khiến tình trạng đầu cơ vào thị trường chứng khoán, bất động sản, tiền kỹ thuật số…tăng lên, khiến bất ổn trên thị trường tài chính – tài sản toàn cầu gia tăng. Các khoản tiền hỗ trợ quy mô lớn cùng lãi suất ở mức thấp khiến nhiều thị trường chứng khoán trên toàn cầu tăng lên mức cao nhất trong lịch sử (Chỉ số chứng khoán Dow Jones của Mỹ tăng 7,2% năm 2020 và tăng 10,5% từ đầu 2021 năm đến nay; chỉ số MSCI Châu Á-TBD tăng gần 4% từ đầu năm); giá tiền kỹ thuật số (như giá Bitcoin tăng gần 70% từ đầu năm đến nay), bất động sản tăng mạnh (giá nhà ở toàn cầu tăng 5,6% năm 2020, mức tăng cao nhất từ năm 2018 và còn tăng)...v.v. IMF, WB đã có nhiều cảnh báo và kêu gọi các quốc gia lưu ý kiểm soát, hợp tác quốc tế để hạn chế rủi ro bong bóng xảy ra.

Năm khuyến nghị chính sách

Một là, mặc dù ngày 16/4/2021, Bộ Tài chính Mỹ đã đưa Việt Nam ra khỏi danh sách thao túng tiền tệ, song chính sách thương mại của Việt Nam cần tiếp tục được điều hành theo hướng cân bằng hơn cán cân thương mại với Mỹ. Bên cạnh việc tiếp tục tận dụng cơ hội xuất khẩu hàng tiêu dùng sang Mỹ, Việt Nam cần xem xét tăng cường nhập khẩu hàng hóa, dịch vụ từ Mỹ, đặc biệt là nông sản, sản phẩm năng lượng, máy móc, thiết bị công nghệ cao, thiết bị y tế, vaccine phòng chống Covid-19.... v.v. Ngoài ra, Việt Nam cần tiếp tục phối hợp với Mỹ trong việc trao đổi thông tin về chính sách tiền tệ, tỷ giá, thương mại và các vấn đề khác mà phía Mỹ quan tâm (như an ninh mạng, thuế dịch vụ trực tuyến…). Đồng thời, các cơ quan chức năng, địa phương cần kiên quyết xử lý nghiêm các hành vi đội lốt thương mại, đội lốt đầu tư để lợi dụng những ưu đãi từ hợp tác Việt - Mỹ, cũng như những hành vi trốn thuế.

Hai là, cần tăng cường phối hợp chính sách tiền tệ, chính sách tài khóa và điều hành giá cả nhằm kiểm soát tốt lạm phát theo mục tiêu đề ra. Theo đó, cần: (i) Tiếp tục điều hành chính sách tiền tệ chủ động, linh hoạt với các kịch bản khi có sự thay đổi chính sách tiền tệ của các NHTW lớn trên thế giới; phối kết hợp tốt với chính sách tài khóa, đảm bảo ổn định mặt bằng lãi suất và tỷ giá góp phần kiềm chế lạm phát theo mục tiêu; (ii) Xây dựng lộ trình và phối hợp thực thi kế hoạch tăng giá các mặt hàng do Nhà nước quản lý (giá xăng dầu, giá điện, giá dịch vụ y tế - giáo dục…) một cách nhịp nhàng, hiệu quả, tránh giật cục; (iii) Tăng cường truyền thông cùng các biện pháp bình ổn giá nhằm giảm thiểu tâm lý lạm phát và hiện tượng "té nước theo mưa"…v.v.

Ba là, tiếp tục cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh, hoàn thiện chính sách ưu đãi nhằm gia tăng tính cạnh tranh của Việt Nam trong thu hút đầu tư trong và ngoài nước: (i) nâng cao năng lực cạnh tranh của quốc gia và doanh nghiệp;chú trọng phát triển công nghiệp hỗ trợ, thị trường trong nước (cũng là nâng cao tính tự lực, tự cường, khả năng chống chịu của nền kinh tế); (ii) xây dựng và nhất quán thực thi chính sách thu hút dịch chuyển dòng vốn đầu tư chất lượng cao; (iii) Nhất quán thực hiện Nghị quyết 02 và các quyết định, chương trình về cải cách thủ tục hành chính khác…v.v.

Bốn là, chú trọng tăng khả năng chống chịu của nền kinh tế, thị trường tài chính – tiền tệ đối với các cú sốc bên ngoài. Theo đó, cần: (i) tiếp tục nâng cao năng lực quản lý, giám sát, an toàn và ổn định hệ thống tài chính-tiền tệ; (ii) quan tâm hơn đến việc xây dựng mô hình quản lý-giám sát rủi ro hệ thống, mô hình ổn định tài chính-tiền tệ và cơ chế xử lý khủng hoảng tài chính; (iii) khẩn trương, quyết liệt xử lý những tồn đọng, bất cập về cổ phần hóa, thoái vốn, về xử lý TCTD yếu kém, nợ xấu; tăng năng lực tài chính (nhất là vốn điều lệ) cho các TCTD; tăng dự trữ ngoại hối phù hợp; phát triển cân bằng hơn, minh bạch hơn thị trường tài chính…v.v.

Cuối cùng, cần tăng cường giám sát nguồn vốn, kiểm soát tình trạng đầu cơ trên thị trường bất động sản (nhất là hiện tượng sốt đất gần đây), thị trường chứng khoán, tiền kỹ thuật số nhằm giảm thiểu rủi ro bong bóng tài sản, hướng dòng vốn vào sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng và cũng là để các thị trường này phát triển lành mạnh, bền vững hơn; đóng góp nhiều hơn vào phát triển kinh tế - xã hội trong giai đoạn mới.

TS. Cấn Văn Lực và Nhóm tác giả Viện Đào tạo và Nghiên cứu BIDV

Theo Nhịp sống kinh tế

Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ

Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ

Nhân viên ngân hàng HSBC đau tim sắp chết vì làm việc quá sức vẫn chỉ nghĩ về cuộc họp sáng mai với sếp chứ không phải vợ con.

Khoảnh khắc khi Jonny Frostick nhận ra mình bị đau tim, điều đầu tiên mà ông nghĩ đến là: "Mình có cuộc gặp với sếp vào ngày mai, bị thế này thì không ổn chút nào". Sau đó Frostick tiếp tục nghĩ về việc làm sao để gọi vốn cho một dự án, di chúc, và cuối cùng mới là vợ ông ta.

Frostick hiện đang là trưởng nhóm, quản lý 20 nhân viên làm việc trong các dự án dữ liệu của ngân hàng HSBC. Ông này đã kể về trải nghiệm suýt chết của mình trong một bài đăng Linkedin và ngay lập tức nó được lan truyền mạnh mẽ với gần 8 triệu lượt xem. Người đàn ông 45 tuổi này là nhân viên mới nhất trong ngành tài chính khiến mọi người phải đặt câu hỏi về văn hóa làm việc cho tới khi kiệt sức, khiến mối liên hệ giữa văn phòng và cuộc sống gia đình của người lao động bị đứt gãy.

"Thứ sáu tôi thường xuyên vẫn ngồi làm việc vào lúc 8 giờ tối, trong tình trạng kiệt sức, nghĩ về những thứ cần chuẩn bị cho thứ hai. Thế rồi những công việc phải làm nhiều qua, tôi biết mình không có thời gian để nghỉ và phải bắt đầu làm việc xuyên cuối tuần", Frostick nói trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại từ nhà của ông ấy ở Dorset. "Đó là trách nhiệm của tôi".

"Tất cả chúng ta đều mong muốn Jonathan sớm hồi phục hoàn toàn", phát ngôn viên của HSBC Heidi Ashley cho biết. "Phản ứng đối với chủ đề này cho thấy mọi người đều đang rất quan tâm tới vấn đề này và chúng tôi luôn khuyến khích mọi người đặt sức khỏe và phúc lợi của họ làm ưu tiên hàng đầu".

Frostick cho biết ông và các đồng nghiệp phải dành một lượng thời gian quá nhiều cho các cuộc họp qua Zoom và ngày làm việc có thể kéo dài đến 12 giờ. Đại dịch khiến mọi người phải làm việc từ xa khiến tình trạng quá tải họp hành xảy ra trầm trọng hơn. Ông nói: "Chúng tôi không thể có những cuộc trò chuyện khác bên cạnh bàn làm việc hoặc tại máy pha cà phê, hoặc đi dạo".

Frostick, người có ba con nhỏ, cho biết ông chịu trách nhiệm về việc làm việc quá sức và bỏ bê sức khỏe của mình mà đỉnh điểm là cơn đau tim. Bây giờ ông ấy muốn chia sẻ lời cảnh tỉnh của mình với người khác.

Frostick nói: "Tôi nợ bản thân và những người khác trách nhiệm. Điều này đã xảy ra với tôi, điều này có thể xảy ra với bạn. Bạn cần phải thay đổi điều đó". Ông muốn thúc đẩy cuộc trò chuyện xung quanh văn hóa làm việc sau đại dịch và hy vọng các nhà tuyển dụng sẽ thực hiện một cách tiếp cận linh hoạt hơn.

Trong bài đăng, Frostick tuyên bố sẽ thực hiện các thay đổi, bao gồm hạn chế các cuộc gọi Zoom, tái cấu trúc cách tiếp cận công việc của mình và dành nhiều thời gian hơn cho gia đình. Bài đăng của ông đã nhận được hơn 214.000 lượt thích và tạo ra hàng ngàn tin nhắn từ những người đang suy nghĩ lại về thái độ của họ.
Giới ngân hàng dậy sóng vì một nhân viên HSBC đau tim sắp chết nhưng việc đầu tiên nghĩ tới là cuộc họp với sếp vào sáng mai chứ không phải vợ - Ảnh 1.

Frostick hiện vẫn đang hồi phục sau thời gian nằm viện, và chỉ có đủ năng lượng để ra khỏi giường trong vài giờ mỗi ngày. Ông ấy đang tận hưởng thời gian với vợ con.

Hiện đã có một số lời mời về vị trí làm giám đốc không điều hành hoặc công việc tư vấn. Cũng có người đề nghị ông ta viết một cuốn sách. Quyết định viết bài đăng trên Linkedin được đưa ra vào thời điểm ông cảm thấy bấp bênh trong cuộc sống và tài chính.

Tuy nhiên, ông không đổ lỗi cho HSBC về các vấn đề sức khỏe của mình và lạc quan về triển vọng trong tương lai.

"Tôi không nghĩ rằng điều này sẽ phản ánh xấu về nơi tôi làm việc, tôi nghĩ rằng tình huống này khá nhất quán trong toàn ngành và tôi cho đó là lý do tại sao bài viết của mình được rất nhiều người chia sẻ", ông nói. "Nếu một tổ chức không muốn thuê tôi vì tôi thực sự đã dành một chút thời gian để suy ngẫm và viết ra điều này thì đó có lẽ không phải là nơi thích hợp để tôi làm việc".

Nguồn: Bloomberg


Nếu có 4 dấu hiệu sau đây, hãy nghỉ việc làm thuê ngay và luôn, bạn tự đi kinh doanh hay mở công ty sẽ thành công hơn gấp 1000 lần

Nếu có 4 dấu hiệu sau đây, hãy nghỉ việc làm thuê ngay và luôn, bạn tự đi kinh doanh hay mở công ty sẽ thành công hơn gấp 1000 lần

Bất kì ai cũng có thể thực hiện được. Nhưng bạn đã thật sự sẵn sàng?

Tự kinh doanh là một điểm khởi đầu tốt cho những người có mong muốn độc lập về tài chính. Đây cũng là điểm khởi đầu cho việc làm giàu. Một lời khuyên cho bạn rằng: "Nếu muốn giàu hãy nên kinh doanh, và có thể bắt đầu bằng hình thức tự kinh doanh."

Tất nhiên, có vô số những cách khởi đầu khác. Nhưng việc tự kinh doanh đặc biệt hơn vì bất cứ ai cũng có thể bắt đầu với nó. Lợi thế tốt nhất trong việc tự kinh doanh là bắt đầu thật sớm. Ta có thể định hướng hình thức tự kinh doanh như một kỹ năng cần thiết cho trẻ em, từ khi chúng còn ngồi trên ghế nhà trường.

Tự kinh doanh được xem như một kỹ năng cần thiết trong đời sống. Nó có thể giúp bạn kiếm ra tiền, tự chi trả tất cả các khoản phí của bản thân. Tự kinh doanh còn giúp ta có thêm những kỹ năng vượt ngoài yêu cầu của các doanh nghiệp.

Các sáng kiến về vấn đề tự kinh doanh được gắn mác là những kỹ năng kinh doanh không thực tế. Hiện nay, một số kỹ năng trong việc tự kinh doanh có thể bị "nuốt chửng" bởi những doanh nghiệp có tổ chức lớn.

Đó có thể là một điều tốt cho đất nước nhưng cũng có thể là điều không tốt cho tầng lớp lao động. Điều này đã đưa ra cho chúng ta kết luận rằng không nên coi việc tự kinh doanh là một công việc lâu dài. Bạn buộc phải phát triển thành một doanh nghiệp chính thức hoặc phải tham gia vào một tổ chức. Nếu không, những gì bạn làm sẽ sớm bị thay thế. Cuối cùng, bạn chỉ có thể sống dựa vào lòng hảo tâm của người khác.

Những điều trên chỉ cho bạn thấy kết quả tiêu cực hay tích cực của việc tự kinh doanh trước khi thực hiện nó. Có 4 dấu hiệu giúp bạn nhìn nhận sự thành công của bản thân trong tương lai. Đương nhiên, ai cũng có thể thành công với tư cách một doanh nhân. Nhưng, 4 dấu hiệu này chỉ cho bạn thấy liệu bạn đã sẵn sàng cho việc tự kinh doanh hay chưa.

1. Bạn giỏi về một lĩnh vực có giá trị cho bản thân

Đây là dấu hiệu đầu tiên của sự thành công. Bạn rất giỏi về một kỹ năng đang được xã hội ưa chuộng. Điều đó dẫn đến một câu hỏi:

Những công việc nào tôi có thể làm?

Hãy bắt đầu bằng việc xác định những gì mình có thể làm. Đó là những điều có thể giúp bạn phát triển bản thân. Nếu không thể nghĩ ra bất kì điều gì, hãy tìm kiếm trên mạng. Xem xét về những điều mà người khác đã và đang thực hiện cho công việc của họ. Việc làm này có thể đem đến cho bạn một số ý tưởng tích cực.

Đôi khi, nhìn thấy những điều đó có thể khiến bạn nhận ra giá trị của việc mình làm. Nhưng trước hết, bạn cần biết bản thân đã làm được những việc gì từ khi sinh ra. Nếu chỉ biết một chút ít, bạn vẫn có thể thực hiện được.

2. Yêu thích những gì bạn làm (hoặc có một ít đam mê với những điều bạn làm)

Khi bạn tự kinh doanh, bạn phải có trách nhiệm với bản thân. Nếu bạn không đam mê với những gì bạn làm, nó sẽ nhanh chóng khiến bạn cảm thấy chán nản và sau cùng là muốn bỏ cuộc. Vậy nên trước khi bắt đầu, hãy tự hỏi bản thân rằng:

Tôi muốn làm gì?

Bạn cần tập trung và đam mê. Tự kinh doanh có thể trở thành công việc chính của bạn. Đừng bao giờ nghĩ rằng tiền luôn là động lực tuyệt vời. Khi sự gia tăng về kinh tế không còn ảnh hưởng đến cuộc sống của bạn, thì việc kiếm nhiều tiền hơn sẽ không còn là động lực thúc đẩy bạn.

Điều đó có nghĩa là bạn phải tìm kiếm một nguồn động lực khác. Nguồn động lực đó không nhất thiết phải mang lại cho bạn niềm vui và sự thỏa mãn. Nhưng ít nhất có thể thúc đẩy tinh thần bạn.

3. Bạn là người giỏi nhất trên thế giới (hoặc trong một khu vực, một nơi thích hợp, ...)

Luôn có một nơi dành cho những điều tốt nhất. Ai cũng đều muốn làm việc với những người xuất sắc nhất. Họ luôn muốn hoàn thành công việc một cách hoàn hảo nhất. Điều đó dẫn chúng ta đến câu hỏi thứ ba:

Bạn có phải là một người làm việc nổi bật nhất, tốt nhất về lĩnh vực đó hay không?

Nếu câu trả lời là không, hãy lên kế hoạch và bắt đầu học tập để trở thành người giỏi nhất. Bạn không cần phải chi quá nhiều tiền cho việc đào tạo và học hỏi. Vì ngày nay, nhờ có sự phát triển của Internet, việc học tập đã trở nên dễ dàng hơn. Hãy luôn học hỏi cho đến khi bạn trở thành người giỏi nhất.

Khi học tập ở các giai đoạn khác nhau, bạn phải biết sau mỗi giai đoạn bạn đã học được những gì, trưởng thành và tiến bộ hơn như thế nào. Đến thời điểm bạn biết mình đã hoàn thiện nhất, hoặc khi bạn có thể trả lời "Có" cho câu hỏi trên, thì hãy chứng minh điều thứ 4.

4. Những người hoặc tổ chức có uy tín công nhận bạn là người giỏi nhất

Điều này có thể thực hiện, khi kết quả từ những việc bạn đã làm được công nhận bởi một người hay một tổ chức nào đó có tầm ảnh hưởng tới cộng đồng.

Nếu bạn là người giỏi nhất, hãy chứng minh điều đó!

Mọi người có thể biết khả năng của bạn qua những điều bạn đã làm. Bạn không thể tự cho mình là người giỏi nhất nếu không thể hiện những điều bạn làm tốt nhất cho mọi người thấy. Chứng minh với mọi người rằng bạn là người giỏi nhất trong lĩnh vực bạn đã chọn. Chắc chắn sẽ có lúc bạn bị thách thức bởi những người có cùng trình độ. Nhưng hãy xem đó là niềm vui trong cuộc sống, vì với bạn học tập không bao giờ là kết thúc.

4 dấu hiệu trên cho bạn thấy rằng bạn có thể tự chủ sự thành công của bản thân. Bạn thậm chí sẽ thành công hơn so với cuộc sống của một nhân viên dưới quyền một ông chủ. Nếu bạn thiếu bất kỳ điều nào trong bốn điều trên, không có nghĩa là bạn nên từ bỏ mong muốn tự kinh doanh. Thay vào đó, hãy khiến bản thân mình có được những dấu hiệu trên.

Chọn điều bạn làm tốt nhất. Biến nó thành đam mê của bạn chứ không phải điều bạn làm vì tiền. Hãy trở thành người tốt nhất và chứng minh cho thế giới thấy rằng bạn là người tốt nhất.

Theo Mai Lâm

Doanh nghiệp và tiếp thị