Friday, April 21, 2023

Thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh như thế nào?

Nguyên quán là gì? Nguyên quán, quê quán khác nhau như thế nào? Có thể thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh được không? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê.








Giấy khai sinh là giấy tờ pháp lý quan trọng của mỗi cá nhân bởi trên đó xác định những thông tin cơ bản nhất của cá nhân. Và quê quán, hay còn được gọi nguyên quán, chính là một trong những thông tin cơ bản nhất đó. Việc thay đổi quê quán trong Giấy khai sinh chỉ được thực hiện khi cha mẹ nhận thấy có sự sai sót do lỗi của công tác hộ tịch hoặc sai sót của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Sai sót này được phát hiện sau khi đã cấp Giấy khai sinh. Vậy làm thế nào để thay đổi quê quán trong giấy khai sinh? Thủ tục ra sao?

 



1. Nguyên quán là gì?

"Nguyên quán" là một thuật ngữ được sử dụng khá lâu và phổ biến trong các văn bản pháp luật ở nước ta trong thời gian trước đây. Nguyên quán là cụm từ xuất hiện trên thẻ giấy CMND hoặc trong sổ hộ khẩu giấy,... dùng để xác định nguồn gốc của một người.

Nguyên quán thường được xác định dựa trên căn cứ như: Nơi sinh sống của ông, bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).

Theo quy định trước đây tại Thông tư 36/2014/TT-BCA, Bộ Công an quy định nội dung ghi trong biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú, sổ hộ khẩu là nguyên quán (ghi theo giấy khai sinh).

Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xử của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, và nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2022, không còn cấp mới sổ hộ khẩu giấy nên theo Thông tư 55/2021/TT-BCA thì cụm từ nguyên quán không còn được nhắc đến.

 

2. Phân biệt quê quán và nguyên quán

Nguyên quán và quê quán được hiểu như sau:

- Nguyên quán được xác định dựa vào nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.

Nêu không xác định được ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại thì mới ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

Lưu ý: Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.

Cơ sở pháp lý:

  • Trên tinh thần của điểm e Khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA
  • Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, có thể hiểu quê quán và nguyên quán đều được hiểu là "quê", nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Nguyên nhân được xác định là nguồn gốc, xuất xứ, nơi sinh của ông bà. Còn quê quán được xác định dựa trên nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ. Có thể thấy nguyên quán được xác định sâu và xa hơn so với quê quán.

 

3. Ghi quê quán và nguyên quán như thế nào?

Hiện nay, cụm từ "nguyên quán" không còn được sử dụng trong các giấy tờ hộ tịch.

Dựa vào điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA, theo điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nguyên quán và quê quán được ghi theo giấy khai sinh của cá nhân.

- Đối với nguyên quán: trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

- Đối với quê quán: Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) của người đó.

Trong trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh. 

 

4. Thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh

4.1 Giấy khai sinh bị sai quê quán có sửa được không?

Quê quán của cá nhân sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuân của cha, mẹ hoặc theo tập quán và được ghi trong tờ khi đăng ký khai sinh.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì quê quán của con được xác dịnh theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo quê quán của cha hoặc mẹ.

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Như vậy, việc thay đổi quê quán trong giấy khai sinh chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Đối với các thông tin được đăng ký đúng theo quy định của pháp luật về hộ tịch (tại thời điểm đăng ký), không có căn cứ chứng minh, xác định được sai sót thì không có cơ sở để giải quyết yêu cầu cải chính thông tin quê quán.

 

4.2 Thay đổi quê quán trong giấy khai sinh 

Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc; xác định lại giới tính; bổ sung hộ tịch; điều chỉnh hộ tịch theo quy định này bao gồm:

1. Thay đội họ; tên; chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh; nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh; nhưng có sai sót trong khi đăng ký

3. Xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

4. Xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

 

4.3 Thủ tục thay đổi quê quán trong giấy khai sinh

Bước 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đấy hoặc nơi cư trú của người từ đủ 14 tuổi trở lên. Hồ sơ gồm:

1- Tờ khai đăng ký việc cải chính hộ tịch (theo mẫu)

2- Bản chính giấy khai sinh

3- Giấy tờ làm căn cứ cho việc cải chính quê quán

4- Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch (để xác định về cá nhân người đó); kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch (trường hợp giải quyết trực tiếp).

Trong trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính: Người đi đăng ký hộ tịch nộp bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ; nếu thấy việc thay đổi hộ tịch là có cơ sở, phù hợp quy định của pháp luật dân sự; công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch; cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi ký vào Sổ hộ tịch

Sau đó báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu. Công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh.

Trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Bước 3: Xuất trình giấy biên nhận và nhận kết quả

 

5. Cung cấp thông tin liên quan

5.1 Thay đổi quê quán trong giấy khai sinh cho con

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha; mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, quê quán của cá nhân sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán và được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo quê quán của cha hoặc mẹ.

 

5.2 Làm giấy khai sinh cho con ở đâu?

- Người có trách nhiệm (cha; mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân; tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tịa Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014).

Theo Điều 11 Luật Cư trú 2020; nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú; nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú; nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Cư trú 2020.

- Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ (khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014).

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

  •  Trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài; người không quốc tịch
  • Trẻ có cha và mẹ là người nước ngoài; người không quốc tịch nhưng trẻ được sinh ra tại Việt Nam

 

5.3 Công chứng giấy khai sinh cho con ở đâu?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014; công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:

  • Tính xác thực; hợp pháp của hợp đồng; giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng; giao dịch);
  • Tính chính xác; hợp pháp; không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ; văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật hộ tịch 2014.

Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ hộ tịch gốc của một cá nhân; quy định các thông tin cơ bản của công dân như năm sinh; giới tính; họ tên; dân tộc; quốc tịch...

 

5.4 Giấy khai sinh photo công chứng có thời hạn bao lâu?

Luật công chứng 2014 không quy định thời hạn có hiệu lực của văn bản công chứng, chứng thực, không có lý do gì để yêu cầu bản sao Giấy khai sinh phải trong thời hạn 6 tháng.

Khác với các loại giấy tờ có thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đều có thời hạn 6 tháng thì Giấy khai sinh là loại giấy tờ nhiều năm không thay đổi cũng không có thời hạn sử dụng. Do đó, bản sao Giấy khai sinh đương nhiên không có thời hạn.

Lưu ý, Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, nhấn mạnh nguyên tắc khi tiếp nhận bản sao của cơ quan, tổ chức như sau:

  • Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu.

Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính

  • Trường hợp tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

do đó, khi đã xuất trình bản sao Giấy khai sinh không cần phải xuất trình thêm bản chính và bản sao Giấy khai sinh không có thời hạn sử dụng,

Bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp những thông tin liên quan đến nội dung Thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh như thế nào?. Hi vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích tới quý bạn đọc. Trân trọng cảm ơn!


No comments:

Post a Comment