Friday, April 21, 2023

Quê quán là gì? Cách ghi quê quán và nơi sinh trong hồ sơ như thế nào?

Mình 26 tuổi, cha mình là người Hoa sống ở đây lâu năm rồi, đời mình là đời thứ 4. Mẹ mình là người dân tộc Kinh. Trước đây, mình mang dân tộc Hoa theo cha, nhưng giờ mình muốn theo dân tộc Kinh của mẹ. Theo quy định của pháp luật Dân sự thì được phép, nhưng giờ mình bị vướng quê quán. Mình có hỏi cán bộ tư pháp thì được chỉ cho cách là chuyển dân tộc từ Hoa sang Kinh nhưng quê quán theo cha là Trung Quốc. Giấy khai sinh cũ của mình không có quê quán (theo mẫu cũ), mẫu mới thì có. Vậy cho mình hỏi có quy định nào cho đổi luôn quê quán không?





Hướng dẫn thay đổi thông tin quê quán






Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Hoàng Phi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Quê quán được hiểu là nơi cha hoặc mẹ bạn được sinh ra và lớn lên, đây là nơi mỗi con người có sự gắn bó mật thiết về mặt tình cảm, có ông bà, cha mẹ, người thân họ hàng cùng sinh sống. Việc bắt buộc phải ghi rõ quê quán trong các giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân,… là một cách nhằm nhắc nhở mỗi con người dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn luôn nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc của mình.

Đối với vấn đề thay đổi quê quán, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể nào. Tuy nhiên, chúng tôi xin cung cấp cho bạn một số quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề xác định quê quán như sau:

Theo như khoản 8 điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì: Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch như sau:

"Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

b) Quốc tịch của trẻ em được xác định thequy định của pháp luật về quốc tịch;

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;

d) Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

đ) Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch".

Như vậy, ngay từ khi mới sinh ra thì quê quán của trẻ em đã được xác định cụ thể là theo quê quán của người cha hoặc theo quê quán của người mẹ theo tập quán tại nơi sinh sống hoặc theo thỏa thuận giữa cha hoặc mẹ. Chỉ trừ trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì quê quán của người con sẽ được xác định theo quê quán của người mẹ.

Đồng thời tại Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 quy định về Phạm vi thay đổi hộ tịch như sau:

"Điều 26. Phạm vi thay đổi hộ tịch

1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi."

Theo quy định trên thì pháp luật chỉ cho phép thay đổi hộ tịch trong phạm vi liên quan đến họ, chữ đệm, tên của cá nhân trong giấy khai sinh đã đăng ký trong trường hợp người đi khai sinh có sự nhầm lẫn, sai sót trong việc cung cấp các thông tin này hoặc rơi vào các trường hợp đặc biệt mà pháp luật đã quy định. Đồng thời, cho phép thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép thay đổi quê quán trong giấy khai sinh. Do vậy, quê quán của công dân sẽ được xác định theo quê quán đã khai báo khi đăng ký khai sinh từ thời điểm ban đầu.

Đối với trường hợp của bạn, việc bạn muốn đổi từ dân tộc Hoa sang dân tộc Kinh là hoàn toàn có thể theo quy định của pháp luật Dân sự. Còn vấn đề liên quan đến quê quán của bạn, thì bạn có thể theo quê quán của cha hoặc mẹ tùy theo thỏa thuận hoặc theo tập quán ngay từ khi tiến hành đăng ký giấy khai sinh. Nếu khi tiến hành đăng ký giấy khai sinh cho bạn đã thỏa thuận theo quê quán của cha bạn là Trung Quốc mà giờ bạn muốn đổi lại quê quán theo quê quán của mẹ bạn thì điều này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Quê quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú

Như đã trích dẫn trên đây, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Nơi đăng ký hộ hậu thường trú hay nơi thường trú là nơi cư trú thường xuyên của cá nhân, đã làm thủ tục đăng ký thường trú tại cơ quan công an có thẩm quyền, được ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.

Quên quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có thể khác nhau. Ví dụ: Quê của A được xác định theo quê của cha và ghi nhận trên giấy khai sinh là Vụ Bản, Nam Định. Cha mẹ anh A sinh sống tại Hà Nội và thường trú tại đây. Sau khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho A, cha mẹ A đăng ký thường trú cho A theo hộ khẩu của cha mẹ tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. A có quê tại Vụ Bản, Nam Định nhưng đăng ký thường trú ở khu vực phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Để phân biệt quê quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, Quý vị có thể theo dõi bảng sau:

Quê quán Nơi đăng ký thường trú
Căn cứ xác định – Được xác định theo quê của cha hoặc quê của mẹ theo thỏa thuận hoặc tập quán

– Dựa vào giấy tờ gốc là giấy khai sinh, sổ hộ tịch địa phương, cơ sở dữ liệu hộ tịch

– Là nơi thường xuyên sinh sống

– Dựa vào sổ hộ khẩu, cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú

Ý nghĩa Cho biết nguồn gốc của cá nhân Cho biết nơi cá nhân cư trú thường xuyên, ổn định, theo đó xác định được cơ quan có thẩm quyền quản lý theo nơi cư trú khi thực hiện các thủ tục
Khả năng thay đổi Không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch, chỉ có thể cải chính nếu bị sai Có thể thay đổi phụ thuộc vào việc di chuyển, thay đổi nơi thường xuyên sinh sống của cá nhân

Cách ghi quê quán trong lý lịch

Nhìn chung, quê quán trong các loại giấy tờ, hồ sơ, lý lịch được ghi theo giấy khai sinh. Trong các loại giấy tờ khác nhau có thể có những hướng dẫn riêng. Ví dụ: Khi khai hồ sơ lý lịch đảng viên, tại Mục 1, Điếm 1.3, Tiết 1.3.2, Nội dung số 07, Hướng dẫn số 09 – HD/BTCTW ngày 5/6/2017 của Ban Tố chức Trung ương "Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên" có hướng dẫn khai quê quán như sau:

Quê quán: "Ghi theo quê quán trong giấy khai sinh (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ)". Ghi địa chi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố trực thuộc tính), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương).


No comments:

Post a Comment