Friday, April 28, 2023

Cổ tức, chia cổ tức


1. Cổ tức là gì?

Theo khoản 5 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, cổ tức là khoản lợi nhuận ròng được trả cho mỗi cổ phần bằng tiền mặt hoặc bằng tài sản khác.

2. Một số quy định về trả cổ tức

Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về trả cổ tức như sau:

2.1. Điều kiện trả cổ tức

- Cổ tức trả cho cổ phần ưu đãi được thực hiện theo điều kiện áp dụng riêng cho mỗi loại cổ phần ưu đãi.

- Cổ tức trả cho cổ phần phổ thông được xác định căn cứ vào số lợi nhuận ròng đã thực hiện và khoản chi trả cổ tức được trích từ nguồn lợi nhuận giữ lại của công ty. Công ty cổ phần chỉ được trả cổ tức của cổ phần phổ thông khi có đủ các điều kiện sau đây:

+ Công ty đã hoàn thành nghĩa vụ thuế và các nghĩa vụ tài chính khác theo quy định của pháp luật;

+ Đã trích lập các quỹ công ty và bù đắp lỗ trước đó theo quy định của pháp luật và Điều lệ công ty;

+ Ngay sau khi trả hết số cổ tức, công ty vẫn bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác đến hạn.

2.2. Hình thức trả cổ tức

Hình thức trả cổ tức được quy định tại khoản 3 Điều 135 Luật Doanh nghiệp cụ thể như sau:

Cổ tức có thể được chi trả bằng tiền mặt, bằng cổ phần của công ty hoặc bằng tài sản khác quy định tại Điều lệ công ty.

+ Nếu chi trả bằng tiền mặt thì phải được thực hiện bằng Đồng Việt Nam và theo các phương thức thanh toán theo quy định của pháp luật.

+ Trường hợp chi trả cổ tức bằng cổ phần, công ty không phải làm thủ tục chào bán cổ phần theo quy định tại các điều 123, 124 và 125 của Luật Doanh nghiệp 2020. Công ty phải đăng ký tăng vốn điều lệ tương ứng với tổng mệnh giá các cổ phần dùng để chi trả cổ tức trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày hoàn thành việc thanh toán cổ tức.

2.3. Thời hạn trả cổ tức

Cổ tức phải được thanh toán đầy đủ trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày kết thúc họp Đại hội đồng cổ đông thường niên.

Hội đồng quản trị lập danh sách cổ đông được nhận cổ tức, xác định mức cổ tức được trả đối với từng cổ phần, thời hạn và hình thức trả chậm nhất là 30 ngày trước mỗi lần trả cổ tức.

2.4. Thông báo trả cổ tức

Thông báo về trả cổ tức được gửi bằng phương thức để bảo đảm đến cổ đông theo địa chỉ đăng ký trong sổ đăng ký cổ đông chậm nhất là 15 ngày trước khi thực hiện trả cổ tức. Thông báo phải bao gồm các nội dung sau đây:

- Tên công ty và địa chỉ trụ sở chính của công ty;

- Họ, tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với cổ đông là cá nhân;

- Tên, mã số doanh nghiệp hoặc số giấy tờ pháp lý của tổ chức, địa chỉ trụ sở chính đối với cổ đông là tổ chức;

- Số lượng cổ phần từng loại của cổ đông; mức cổ tức đối với từng cổ phần và tổng số cổ tức mà cổ đông đó được nhận;

- Thời điểm và phương thức trả cổ tức;

- Họ, tên, chữ ký của Chủ tịch Hội đồng quản trị và người đại diện theo pháp luật của công ty.

3. Trả cổ tức trái quy định thì cổ đông phải làm thế nào?

Theo Điều 135 Luật Doanh nghiệp 2020, trả cổ tức trái với quy định trên, cổ đông phải hoàn trả cho công ty số tiền, tài sản khác đã nhận; trường hợp cổ đông không hoàn trả được cho công ty thì tất cả thành viên Hội đồng quản trị phải cùng liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty trong phạm vi giá trị số tiền, tài sản đã trả cho cổ đông mà chưa được hoàn lại.

Diễm My











 

Tuesday, April 25, 2023

Cảnh báo: Dùng công nghệ Deepfake giả công an gọi zalo có hình ảnh để lừa đảo



Deepfake là công nghệ được biết đến nhiều nhất với tác dụng tái tạo lại khuôn mặt của người trong video nhờ sử dụng trí tuệ nhân tạo (AI). Ban đầu, công nghệ này được sinh ra cho mục đích giải trí, giúp người dùng lồng khuôn mặt, giọng nói của mình vào các nhân vật yêu thích trên video mà vẫn đảm bảo hoạt động giống như được quay thực tế.

Hình minh họa (Nguồn: Internet)

Tuy nhiên, giới tội phạm nhanh chóng lợi dụng ưu điểm đó để tạo ra công cụ giả mạo người khác, giúp chúng thực hiện các vụ lừa đảo, hoặc lan truyền tin thất thiệt trên mạng.

Nếu trước đây, các đối tượng giả dạng công an để lừa tiền trực tiếp, hoặc gọi điện thoại mạo danh cơ quan chức năng thì gần đây, các đối tượng đã sử dụng các cuộc gọi trực tuyến yêu cầu nạn nhân làm theo nhằm mục đích lấy video định danh tài khoản.

Với sự phát triển vượt bậc của công nghệ, người dùng có thể mở tài khoản ngân hàng, ví điện tử online thông qua eKYC (định danh cá nhân) bằng cách quét khuôn mặt của người dùng, người dùng nhìn thẳng, nghiêng trái, nghiêng phải, ngước lên, cúi xuống…

Kẻ lừa đảo sẽ dùng thêm phần mềm hỗ trợ để có thể chuyển hình ảnh từ video call đến với bước định danh - KYC. Bằng thủ đoạn này, kẻ xấu có thể tạo ra những tài khoản ngân hàng "ma", được đăng ký bằng thông tin thật nhưng chủ nhân của tài khoản lại chẳng hề hay biết. Các tài khoản ma này sau đó sẽ được sử dụng vào nhiều mục đích khác nhau, bao gồm trốn thuế, rửa tiền, nhận tiền lừa đảo từ các người dùng khác…

Bên cạnh đó, chúng cũng có thể sử dụng thông tin khuôn mặt, số điện thoại của nạn nhân để đăng ký vay nóng trên các app tín dụng đen, sau đó bùng tiền.

Trong các cuộc gọi có hình, các đối tượng lừa đảo sẽ xuất hiện trong hình ảnh mặc quần áo công an, ngồi trong phòng được thiết kế y như phòng làm việc của cơ quan công an với bảng tên, phù hiệu, ảnh Bác Hồ, bằng khen; lời nói của các đối tượng cũng rất đanh thép, chuyên nghiệp y như công an thật.

Khách hàng hết sức lưu ý, lực lượng công an đã có cảnh báo rằng cơ quan công an không làm việc online, không làm việc qua điện thoại và tất cả được giải quyết tại trụ sở.






Khách hàng tuyệt đối không nên thực hiện theo các hướng dẫn của những đối tượng này, bao gồm việc gọi video call, chụp hình, chia sẻ thông tin cá nhân hay đăng nhập tài khoản ngân hàng vào trong một đường link, trang web nào đó. Cách xử lý tốt nhất là tắt máy và lờ đi khi gặp phải các đối tượng này.

Nếu phát hiện ra trường hợp lừa đảo, khách hàng cần báo ngay cho cơ quan chức năng để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

(Nguồn: MAFC

Friday, April 21, 2023

Thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh như thế nào?

Nguyên quán là gì? Nguyên quán, quê quán khác nhau như thế nào? Có thể thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh được không? Hãy cùng tìm lời giải đáp cho những câu hỏi trên qua bài viết dưới đây của Luật Minh Khuê.








Giấy khai sinh là giấy tờ pháp lý quan trọng của mỗi cá nhân bởi trên đó xác định những thông tin cơ bản nhất của cá nhân. Và quê quán, hay còn được gọi nguyên quán, chính là một trong những thông tin cơ bản nhất đó. Việc thay đổi quê quán trong Giấy khai sinh chỉ được thực hiện khi cha mẹ nhận thấy có sự sai sót do lỗi của công tác hộ tịch hoặc sai sót của người yêu cầu đăng ký hộ tịch. Sai sót này được phát hiện sau khi đã cấp Giấy khai sinh. Vậy làm thế nào để thay đổi quê quán trong giấy khai sinh? Thủ tục ra sao?

 



1. Nguyên quán là gì?

"Nguyên quán" là một thuật ngữ được sử dụng khá lâu và phổ biến trong các văn bản pháp luật ở nước ta trong thời gian trước đây. Nguyên quán là cụm từ xuất hiện trên thẻ giấy CMND hoặc trong sổ hộ khẩu giấy,... dùng để xác định nguồn gốc của một người.

Nguyên quán thường được xác định dựa trên căn cứ như: Nơi sinh sống của ông, bà nội sinh (nếu khai sinh theo họ cha) hoặc ông, bà ngoại sinh (nếu khai sinh theo họ mẹ).

Theo quy định trước đây tại Thông tư 36/2014/TT-BCA, Bộ Công an quy định nội dung ghi trong biểu mẫu sử dụng trong đăng ký, quản lý cư trú, sổ hộ khẩu là nguyên quán (ghi theo giấy khai sinh).

Trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xử của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, và nội hoặc ông bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

Tuy nhiên, từ ngày 01/07/2022, không còn cấp mới sổ hộ khẩu giấy nên theo Thông tư 55/2021/TT-BCA thì cụm từ nguyên quán không còn được nhắc đến.

 

2. Phân biệt quê quán và nguyên quán

Nguyên quán và quê quán được hiểu như sau:

- Nguyên quán được xác định dựa vào nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại.

Nêu không xác định được ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại thì mới ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

Lưu ý: Phải ghi cụ thể địa danh hành chính cấp xã, cấp huyện, cấp tỉnh. Trường hợp địa danh hành chính đã có thay đổi thì ghi theo địa danh hành chính hiện tại.

Cơ sở pháp lý:

  • Trên tinh thần của điểm e Khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA
  • Khoản 8 Điều 4 Luật Hộ tịch 2014

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, có thể hiểu quê quán và nguyên quán đều được hiểu là "quê", nguồn gốc, xuất xứ của công dân. Nguyên nhân được xác định là nguồn gốc, xuất xứ, nơi sinh của ông bà. Còn quê quán được xác định dựa trên nguồn gốc, xuất xứ của cha mẹ. Có thể thấy nguyên quán được xác định sâu và xa hơn so với quê quán.

 

3. Ghi quê quán và nguyên quán như thế nào?

Hiện nay, cụm từ "nguyên quán" không còn được sử dụng trong các giấy tờ hộ tịch.

Dựa vào điểm e khoản 2 Điều 7 Thông tư 36/2014/TT-BCA, theo điều 6 Nghị định 123/2015/NĐ-CP thì nguyên quán và quê quán được ghi theo giấy khai sinh của cá nhân.

- Đối với nguyên quán: trường hợp không có giấy khai sinh hoặc giấy khai sinh không có mục này thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại. Nếu không xác định được ông, bà nội hoặc ông, bà ngoại thì ghi theo nguồn gốc, xuất xứ của cha hoặc mẹ.

- Đối với quê quán: Mọi hồ sơ, giấy tờ của cá nhân có nội dung về quê quán phải phù hợp với Giấy khai sinh (giấy tờ hộ tịch gốc) của người đó.

Trong trường hợp nội dung trong hồ sơ, giấy tờ cá nhân khác với nội dung trong Giấy khai sinh của người đó thì Thủ trưởng cơ quan, tổ chức quản lý hồ sơ hoặc cấp giấy tờ có trách nhiệm điều chỉnh hồ sơ, giấy tờ theo đúng nội dung trong Giấy khai sinh. 

 

4. Thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh

4.1 Giấy khai sinh bị sai quê quán có sửa được không?

Quê quán của cá nhân sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuân của cha, mẹ hoặc theo tập quán và được ghi trong tờ khi đăng ký khai sinh.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì quê quán của con được xác dịnh theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo quê quán của cha hoặc mẹ.

Căn cứ khoản 2 Điều 7 Nghị định 123/2015/NĐ-CP, cải chính hộ tịch là việc chỉnh sửa thông tin cá nhân trong Sổ hộ tịch hoặc trong bản chính giấy tờ hộ tịch và chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Như vậy, việc thay đổi quê quán trong giấy khai sinh chỉ được thực hiện khi có đủ căn cứ để xác định có sai sót do lỗi của công chức làm công tác hộ tịch hoặc của người yêu cầu đăng ký hộ tịch.

Đối với các thông tin được đăng ký đúng theo quy định của pháp luật về hộ tịch (tại thời điểm đăng ký), không có căn cứ chứng minh, xác định được sai sót thì không có cơ sở để giải quyết yêu cầu cải chính thông tin quê quán.

 

4.2 Thay đổi quê quán trong giấy khai sinh 

Phạm vi thay đổi, cải chính hộ tịch; xác định lại dân tộc; xác định lại giới tính; bổ sung hộ tịch; điều chỉnh hộ tịch theo quy định này bao gồm:

1. Thay đội họ; tên; chữ đệm đã được đăng ký đúng trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh; nhưng cá nhân có yêu cầu thay đổi khi có lý do chính đáng theo quy định của Bộ luật Dân sự.

2. Cải chính những nội dung đã được đăng ký trong Sổ đăng ký khai sinh và bản chính Giấy khai sinh; nhưng có sai sót trong khi đăng ký

3. Xác định lại dân tộc của người con theo dân tộc của người cha hoặc dân tộc của người mẹ theo quy định của Bộ luật Dân sự.

4. Xác định lại giới tính của một người trong trường hợp giới tính của người đó bị khuyết tật bẩm sinh hoặc chưa định hình chính xác mà cần có sự can thiệp của y học nhằm xác định rõ về giới tính.

 

4.3 Thủ tục thay đổi quê quán trong giấy khai sinh

Bước 1: Nộp hồ sơ tại UBND cấp huyện nơi đã đăng ký hộ tịch trước đấy hoặc nơi cư trú của người từ đủ 14 tuổi trở lên. Hồ sơ gồm:

1- Tờ khai đăng ký việc cải chính hộ tịch (theo mẫu)

2- Bản chính giấy khai sinh

3- Giấy tờ làm căn cứ cho việc cải chính quê quán

4- Bản sao Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch (để xác định về cá nhân người đó); kèm bản chính để đối chiếu hoặc bản sao có chứng thực giấy Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu của người đi đăng ký hộ tịch (trường hợp giải quyết trực tiếp).

Trong trường hợp hồ sơ được gửi qua hệ thống bưu chính: Người đi đăng ký hộ tịch nộp bản sao chứng thực Chứng minh nhân dân hoặc Hộ chiếu

Bước 2: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ giấy tờ; nếu thấy việc thay đổi hộ tịch là có cơ sở, phù hợp quy định của pháp luật dân sự; công chức tư pháp - hộ tịch ghi vào Sổ hộ tịch; cùng người yêu cầu đăng ký thay đổi ký vào Sổ hộ tịch

Sau đó báo cáo Chủ tịch UBND cấp huyện cấp trích lục cho người yêu cầu. Công chức tư pháp - hộ tịch ghi nội dung cải chính hộ tịch vào Giấy khai sinh.

Trường hợp cần xác minh thì thời hạn được kéo dài thêm không quá 03 ngày làm việc.

Bước 3: Xuất trình giấy biên nhận và nhận kết quả

 

5. Cung cấp thông tin liên quan

5.1 Thay đổi quê quán trong giấy khai sinh cho con

Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha; mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Như vậy, quê quán của cá nhân sẽ được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán và được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Trường hợp cha, mẹ không thỏa thuận được về quê quán của con khi đăng ký khai sinh thì quê quán của con được xác định theo tập quán nhưng phải bảo đảm theo quê quán của cha hoặc mẹ.

 

5.2 Làm giấy khai sinh cho con ở đâu?

- Người có trách nhiệm (cha; mẹ; ông hoặc bà hoặc người thân thích khác; cá nhân; tổ chức đang nuôi dưỡng trẻ) sẽ làm Giấy khai sinh cho con tịa Ủy ban nhân dân cấp xã nơi cư trú của cha hoặc mẹ (Điều 13 Luật Hộ tịch 2014).

Theo Điều 11 Luật Cư trú 2020; nơi cư trú của công dân bao gồm nơi thường trú; nơi tạm trú. Trường hợp không xác định được nơi thường trú; nơi tạm trú thì nơi cư trú của công dân là nơi ở hiện tại được xác định theo quy định tại khoản 1 Điều 19 của Luật Cư trú 2020.

- Trường hợp làm Giấy khai sinh cho trẻ yếu tố nước ngoài thì được thực hiện tại Ủy ban nhân dân cấp huyện nơi cư trú của cha hoặc mẹ (khoản 2 Điều 7 Luật Hộ tịch 2014).

Đăng ký khai sinh có yếu tố nước ngoài thuộc một trong các trường hợp sau:

  •  Trẻ có cha hoặc mẹ là người nước ngoài; người không quốc tịch
  • Trẻ có cha và mẹ là người nước ngoài; người không quốc tịch nhưng trẻ được sinh ra tại Việt Nam

 

5.3 Công chứng giấy khai sinh cho con ở đâu?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 Luật công chứng 2014; công chứng là việc công chứng viên của một tổ chức hành nghề công chứng chứng nhận:

  • Tính xác thực; hợp pháp của hợp đồng; giao dịch dân sự khác bằng văn bản (sau đây gọi là hợp đồng; giao dịch);
  • Tính chính xác; hợp pháp; không trái đạo đức xã hội của bản dịch giấy tờ; văn bản từ tiếng Việt sang tiếng nước ngoài hoặc từ tiếng nước ngoài sang tiếng Việt.

Giấy khai sinh là văn bản do cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cấp cho cá nhân khi được đăng ký khai sinh; nội dung Giấy khai sinh bao gồm các thông tin cơ bản về cá nhân theo quy định tại khoản 1 Điều 13 của Luật hộ tịch 2014.

Giấy khai sinh là một trong những giấy tờ hộ tịch gốc của một cá nhân; quy định các thông tin cơ bản của công dân như năm sinh; giới tính; họ tên; dân tộc; quốc tịch...

 

5.4 Giấy khai sinh photo công chứng có thời hạn bao lâu?

Luật công chứng 2014 không quy định thời hạn có hiệu lực của văn bản công chứng, chứng thực, không có lý do gì để yêu cầu bản sao Giấy khai sinh phải trong thời hạn 6 tháng.

Khác với các loại giấy tờ có thời hạn như Phiếu lý lịch tư pháp, Giấy xác nhận tình trạng hôn nhân đều có thời hạn 6 tháng thì Giấy khai sinh là loại giấy tờ nhiều năm không thay đổi cũng không có thời hạn sử dụng. Do đó, bản sao Giấy khai sinh đương nhiên không có thời hạn.

Lưu ý, Điều 6 Nghị định 23/2015/NĐ-CP, nhấn mạnh nguyên tắc khi tiếp nhận bản sao của cơ quan, tổ chức như sau:

  • Trường hợp pháp luật quy định nộp bản sao thì cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận bản sao, không được yêu cầu bản sao có chứng thực nhưng có quyền yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu.

Người đối chiếu có trách nhiệm xác nhận tính chính xác của bản sao so với bản chính

  • Trường hợp tiếp nhận bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao có chứng thực thì không được yêu cầu xuất trình bản chính, trừ trường hợp có căn cứ về việc bản sao giả mạo, bất hợp pháp thì yêu cầu xuất trình bản chính để đối chiếu hoặc tiến hành xác minh, nếu thấy cần thiết.

do đó, khi đã xuất trình bản sao Giấy khai sinh không cần phải xuất trình thêm bản chính và bản sao Giấy khai sinh không có thời hạn sử dụng,

Bài viết trên của Luật Minh Khuê đã cung cấp những thông tin liên quan đến nội dung Thay đổi nguyên quán, quê quán trong giấy khai sinh như thế nào?. Hi vọng bài viết đã mang lại những thông tin hữu ích tới quý bạn đọc. Trân trọng cảm ơn!


Quê quán là gì? Cách ghi quê quán và nơi sinh trong hồ sơ như thế nào?

Mình 26 tuổi, cha mình là người Hoa sống ở đây lâu năm rồi, đời mình là đời thứ 4. Mẹ mình là người dân tộc Kinh. Trước đây, mình mang dân tộc Hoa theo cha, nhưng giờ mình muốn theo dân tộc Kinh của mẹ. Theo quy định của pháp luật Dân sự thì được phép, nhưng giờ mình bị vướng quê quán. Mình có hỏi cán bộ tư pháp thì được chỉ cho cách là chuyển dân tộc từ Hoa sang Kinh nhưng quê quán theo cha là Trung Quốc. Giấy khai sinh cũ của mình không có quê quán (theo mẫu cũ), mẫu mới thì có. Vậy cho mình hỏi có quy định nào cho đổi luôn quê quán không?





Hướng dẫn thay đổi thông tin quê quán






Trả lời:

Xin chào bạn, cảm ơn bạn đã tin tưởng và gửi câu hỏi đề nghị tư vấn đến công ty Luật Hoàng Phi. Với câu hỏi của bạn, chúng tôi xin trả lời như sau:

Quê quán được hiểu là nơi cha hoặc mẹ bạn được sinh ra và lớn lên, đây là nơi mỗi con người có sự gắn bó mật thiết về mặt tình cảm, có ông bà, cha mẹ, người thân họ hàng cùng sinh sống. Việc bắt buộc phải ghi rõ quê quán trong các giấy tờ hộ tịch, giấy tờ tùy thân như giấy khai sinh, chứng minh nhân dân,… là một cách nhằm nhắc nhở mỗi con người dù đi đâu, làm gì cũng phải luôn luôn nhớ về ông bà tổ tiên, nhớ về cội nguồn dân tộc của mình.

Đối với vấn đề thay đổi quê quán, hiện nay, pháp luật vẫn chưa có quy định cụ thể nào. Tuy nhiên, chúng tôi xin cung cấp cho bạn một số quy định của pháp luật liên quan đến vấn đề xác định quê quán như sau:

Theo như khoản 8 điều 4 Luật Hộ tịch 2014 thì: Quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Nghị định 123/2015/NĐ-CP Quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành luật hộ tịch như sau:

"Điều 4. Xác định nội dung đăng ký khai sinh, khai tử

1. Nội dung khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 1 Điều 14 của Luật Hộ tịch và quy định sau đây:

a) Họ, chữ đệm, tên và dân tộc của trẻ em được xác định theo thỏa thuận của cha, mẹ theo quy định của pháp luật dân sự và được thể hiện trong Tờ khai đăng ký khai sinh; trường hợp cha, mẹ không có thỏa thuận hoặc không thỏa thuận được, thì xác định theo tập quán;

b) Quốc tịch của trẻ em được xác định thequy định của pháp luật về quốc tịch;

c) Số định danh cá nhân của người được đăng ký khai sinh được cấp khi đăng ký khai sinh. Thủ tục cấp số định danh cá nhân được thực hiện theo quy định của Luật Căn cước công dân và Nghị định quy định chi tiết thi hành Luật Căn cước công dân, trên cơ sở bảo đảm đồng bộ với Luật Hộ tịch và Nghị định này;

d) Ngày, tháng, năm sinh được xác định theo Dương lịch. Nơi sinh, giới tính của trẻ em được xác định theo Giấy chứng sinh do cơ sở y tế có thẩm quyền cấp; trường hợp không có Giấy chứng sinh thì xác định theo giấy tờ thay Giấy chứng sinh theo quy định tại Khoản 1 Điều 16 của Luật Hộ tịch.

Đối với trẻ em sinh tại cơ sở y tế thì nơi sinh phải ghi rõ tên của cơ sở y tế và tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi có cơ sở y tế đó; trường hợp trẻ em sinh ngoài cơ sở y tế thì ghi rõ tên đơn vị hành chính cấp xã, huyện, tỉnh nơi trẻ em sinh ra.

đ) Quê quán của người được đăng ký khai sinh được xác định theo quy định tại Khoản 8 Điều 4 của Luật Hộ tịch".

Như vậy, ngay từ khi mới sinh ra thì quê quán của trẻ em đã được xác định cụ thể là theo quê quán của người cha hoặc theo quê quán của người mẹ theo tập quán tại nơi sinh sống hoặc theo thỏa thuận giữa cha hoặc mẹ. Chỉ trừ trường hợp đăng ký khai sinh cho con ngoài giá thú, nếu không có quyết định công nhận việc nhận cha cho con, thì quê quán của người con sẽ được xác định theo quê quán của người mẹ.

Đồng thời tại Điều 26 Luật Hộ tịch 2014 quy định về Phạm vi thay đổi hộ tịch như sau:

"Điều 26. Phạm vi thay đổi hộ tịch

1. Thay đổi họ, chữ đệm và tên của cá nhân trong nội dung khai sinh đã đăng ký khi có căn cứ theo quy định của pháp luật dân sự.

2. Thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi."

Theo quy định trên thì pháp luật chỉ cho phép thay đổi hộ tịch trong phạm vi liên quan đến họ, chữ đệm, tên của cá nhân trong giấy khai sinh đã đăng ký trong trường hợp người đi khai sinh có sự nhầm lẫn, sai sót trong việc cung cấp các thông tin này hoặc rơi vào các trường hợp đặc biệt mà pháp luật đã quy định. Đồng thời, cho phép thay đổi thông tin về cha, mẹ trong nội dung khai sinh đã đăng ký sau khi được nhận làm con nuôi theo quy định của Luật nuôi con nuôi. Pháp luật hiện hành chưa có quy định cho phép thay đổi quê quán trong giấy khai sinh. Do vậy, quê quán của công dân sẽ được xác định theo quê quán đã khai báo khi đăng ký khai sinh từ thời điểm ban đầu.

Đối với trường hợp của bạn, việc bạn muốn đổi từ dân tộc Hoa sang dân tộc Kinh là hoàn toàn có thể theo quy định của pháp luật Dân sự. Còn vấn đề liên quan đến quê quán của bạn, thì bạn có thể theo quê quán của cha hoặc mẹ tùy theo thỏa thuận hoặc theo tập quán ngay từ khi tiến hành đăng ký giấy khai sinh. Nếu khi tiến hành đăng ký giấy khai sinh cho bạn đã thỏa thuận theo quê quán của cha bạn là Trung Quốc mà giờ bạn muốn đổi lại quê quán theo quê quán của mẹ bạn thì điều này hoàn toàn không có cơ sở pháp lý để giải quyết.

Quê quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú

Như đã trích dẫn trên đây, quê quán của cá nhân được xác định theo quê quán của cha hoặc mẹ theo thỏa thuận của cha, mẹ hoặc theo tập quán được ghi trong tờ khai khi đăng ký khai sinh.

Nơi đăng ký hộ hậu thường trú hay nơi thường trú là nơi cư trú thường xuyên của cá nhân, đã làm thủ tục đăng ký thường trú tại cơ quan công an có thẩm quyền, được ghi nhận vào cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú.

Quên quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú có thể khác nhau. Ví dụ: Quê của A được xác định theo quê của cha và ghi nhận trên giấy khai sinh là Vụ Bản, Nam Định. Cha mẹ anh A sinh sống tại Hà Nội và thường trú tại đây. Sau khi làm thủ tục đăng ký khai sinh cho A, cha mẹ A đăng ký thường trú cho A theo hộ khẩu của cha mẹ tại phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội. A có quê tại Vụ Bản, Nam Định nhưng đăng ký thường trú ở khu vực phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy, TP. Hà Nội.

Để phân biệt quê quán và nơi đăng ký hộ khẩu thường trú, Quý vị có thể theo dõi bảng sau:

Quê quán Nơi đăng ký thường trú
Căn cứ xác định – Được xác định theo quê của cha hoặc quê của mẹ theo thỏa thuận hoặc tập quán

– Dựa vào giấy tờ gốc là giấy khai sinh, sổ hộ tịch địa phương, cơ sở dữ liệu hộ tịch

– Là nơi thường xuyên sinh sống

– Dựa vào sổ hộ khẩu, cơ sở dữ liệu quốc gia về cư trú

Ý nghĩa Cho biết nguồn gốc của cá nhân Cho biết nơi cá nhân cư trú thường xuyên, ổn định, theo đó xác định được cơ quan có thẩm quyền quản lý theo nơi cư trú khi thực hiện các thủ tục
Khả năng thay đổi Không thuộc phạm vi thay đổi hộ tịch, chỉ có thể cải chính nếu bị sai Có thể thay đổi phụ thuộc vào việc di chuyển, thay đổi nơi thường xuyên sinh sống của cá nhân

Cách ghi quê quán trong lý lịch

Nhìn chung, quê quán trong các loại giấy tờ, hồ sơ, lý lịch được ghi theo giấy khai sinh. Trong các loại giấy tờ khác nhau có thể có những hướng dẫn riêng. Ví dụ: Khi khai hồ sơ lý lịch đảng viên, tại Mục 1, Điếm 1.3, Tiết 1.3.2, Nội dung số 07, Hướng dẫn số 09 – HD/BTCTW ngày 5/6/2017 của Ban Tố chức Trung ương "Hướng dẫn nghiệp vụ công tác đảng viên" có hướng dẫn khai quê quán như sau:

Quê quán: "Ghi theo quê quán trong giấy khai sinh (nếu có thay đổi địa danh hành chính thì ghi cả nơi cũ và hiện nay); trường hợp cá biệt có thể ghi theo quê quán của người mẹ hoặc người nuôi dưỡng mình từ nhỏ (nếu không biết rõ bố, mẹ)". Ghi địa chi rõ xã (phường, thị trấn), huyện (quận, thành phố trực thuộc tính), tỉnh (thành phố trực thuộc Trung ương).


Wednesday, April 12, 2023

Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày


TPO - Liam Garner nói bản thân học được nhiều điều hơn mong đợi sau hành trình đạp xe tuyệt vời.

Một trong những nguồn cảm hứng đưa Liam Garner đến hành trình đạp xe là cuốn sách "To Shake the Sleeping Self: A Journey from Oregon to Patagonia" của Jedidiah Jenkins - một nhà thám hiểm chuyên nghiệp đã nghỉ việc ở tuổi 30, sau đó đạp xe từ Oregon đến Patagonia. Anh đã viết về những trải nghiệm lý thú của mình trên đường.

Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 1

Ngày 1/8/2021, Liam viết trên trang cá nhân Instagram: "Trong vòng hơn 1 năm tới, tôi lên đường với hành trình đạp xe. Đi qua 15 quốc gia, tôi sẽ bắt đầu từ điểm cực Bắc Alaska đến cực Nam Argentina. Ở tuổi 17, tôi sẽ là người trẻ nhất làm được điều đó. Đó có lẽ sẽ là điều khó khăn nhưng cũng là điều tốt đẹp nhất mà tôi làm trong đời. Tôi sẽ chia sẻ hành trình trên đường nhiều nhất có thể. Tôi sẽ hòa vào thiên nhiên. Hãy chúc tôi may mắn."

Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 2
Chàng trai bắt đầu hành trình từ Prudhoe Bay, điểm cực Bắc của Mỹ ở bang Alaska.

Sau khi đạp xe 32.000 km trong 527 ngày, hành trình của Liam vừa kết thúc hôm 10/1 vừa qua tại thành phố Ushuaia, miền Nam Argentina.

Liam kể cậu đã vài lần bị cướp dọc đường và bị ngã xe gây chấn thương đầu ở Colombia khiến phải nhập viện suốt một tháng, phải khâu khoảng 40 mũi.

Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 3
Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 4
Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 5

Khởi đầu, Liam Garner rời California chỉ với số tiền ít ỏi và chi tiêu khoảng 430 đô la một tháng. Cậu được cha mẹ ủng hộ động viên trên suốt chặng đường.

Liam đã dành khoảng 4 tháng rưỡi đạp xe khắp Mexico, lăn bánh đến nhiều nơi như Zacatecas, Mexico City, Oaxaca... và nói rằng trải nghiệm này đã thay đổi cuộc đời mình. "Cả gia đình tôi gốc Mexico," Garner giải thích. "Tôi lớn lên ở Mexico."

Suốt hành trình của mình, Liam Garner đã đạp xe qua 14 quốc gia, gồm Mexico, Guatemala, Nicaragua, Colombia, Ecuador và Argentina.

Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 6

Liam kết thúc hành trình 527 ngày đạp xe ở Ushuaia - thành phố được mệnh danh nơi tận cùng thế giới.

Sau khi biến giấc mơ đạp xe xuyên lục địa thành hiện thực, Liam cho biết cuộc phiêu lưu của cậu chưa kết thúc. Chàng trai 19 tuổi gặp người yêu Chloe ở Ushuaia - thành phố được mệnh danh nơi tận cùng thế giới. Tiếp tục hành trình, cả hai nảy ra ý định xách ba lô trở về nhà ở California.

Chàng trai 19 tuổi đạp xe qua 14 nước trong hơn 500 ngày ảnh 7

Liam Garner và bạn gái Chloe ở Machu Picchu - kỳ quan bí ẩn của thế giới.

"Tôi đã có hai khoảnh khắc quan trọng nhất trong cuộc đời mình đến nay: Đạt được mục tiêu đến Argentina sau một năm rưỡi, và cuối cùng cũng gặp được bạn gái của mình ở đó sau gần một năm xa cách. Tôi đi bởi không chỉ muốn có thêm trải nghiệm ở những nơi đó, mà được làm điều đó với người mình yêu thương là một điều may mắn…" – Liam Garner bày tỏ.


Theo CNN, Dailymail