TPO - Trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày. Điều đáng nói, trẻ em 9 tuổi đã được sở hữu điện thoại di động trong khi độ tuổi trung bình của trẻ trên thế giới sử hữu điện thoại là 13.
Thông tin trên được đưa ra tại Hội thảo Môi trường internet an toàn: Giải pháp trong trường học diễn ra ngày 11/3 tại Hà Nội.
Phó Cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đăng Khoa cho biết, trung bình mỗi người dân Việt Nam tham gia không gian mạng 6 tiếng 23 phút mỗi ngày. Tuy nhiên, không gian này lại không an toàn.
Ngày nay, trẻ em được cha mẹ trang bị thiết bị di động từ rất sớm. Theo khảo sát của cha mẹ về sự an toàn trên mạng của Google trong năm 2022 cho thấy, độ tuổi trung bình trẻ em Việt Nam sở hữu điện thoại là 9 tuổi trong khi độ tuổi trung bình trẻ được trao đổi với an toàn thông tin mạng là 13 tuổi.
Phó Cục trưởng An toàn thông tin, Bộ Thông tin và Truyền thông Trần Đăng Khoa. "Trẻ em Việt Nam được trang bị điện thoại sớm hơn trẻ trên thế giới 4 năm. Có thể nói 4 năm này trẻ em Việt Nam tương tác trên môi trường mạng trong khi chưa có kiến thức, kỹ năng về an toàn mạng là một trong những thách thức dẫn đến rủi ro trên môi trường mạng của trẻ ngày càng gia tăng", ông Khoa khẳng định. Bên cạnh tác động tích cực, không gian mạng cũng ngày càng xuất hiện nhiều cạm bẫy khó lường. Sự phát triển nhanh về công nghệ cũng tiềm ẩn những rủi ro, đặc biệt cho nhóm đối tượng là trẻ em, vốn chưa có đầy đủ nhận thức và kỹ năng để tự bảo vệ bản thân trên môi trường mạng. Cũng theo ông Khoa, Việt Nam hiện có khoảng 24,7 triệu trẻ em, chiếm gần 25% dân số, trong đó 2/3 các em có thể tiếp cận thiết bị kết nối Internet. Theo thống kê, 82% trẻ em Việt Nam trong độ tuổi 12-13 tuổi đã sử dụng Internet. Con số này tăng lên 93% đối với trẻ từ 14-15 tuổi. "Hoạt động trực tuyến phổ biến nhất của trẻ em là học tập, vui chơi giải trí và kết nối liên lạc với bạn bè người thân. Đáng lưu ý, có 49% trẻ em sử dụng Internet để chơi điện tử ít nhất 1 tuần/lần. Thực tế đó cho thấy, không gian mạng đang có ảnh hưởng quan trọng thế nào đối với sự phát triển của trẻ em", ông Khoa nói. Cũng theo điều tra hộ gia đình của dự án Ngăn chặn hành vi gây tổn hại tại Việt Nam cho thấy, 89% trẻ em từ 12-17 tuổi, sử dụng Internet, trong đó 87% sử dụng hàng ngày nhưng, chỉ có 36% cho biết đã nhận được thông tin về cách đảm bảo an toàn trên mạng. Rủi ro tiềm ẩn Không chỉ sử dụng tại nhà, các em còn được tiếp cận với Internet thông qua các tiết học công nghệ thông tin ở trường nhưng thay vì học tập và tìm hiểu theo sự chỉ dẫn của thầy cô, nhiều em học sinh lại lướt Facebook, Tiktok, xem Youtube, thậm chí chơi game trong giờ học. Điều này đặt ra những rủi ro, khi môn học có mục đích hướng dẫn trẻ sử dụng Internet đúng cách, lại trở thành môi trường để trẻ có thể tiếp cận với những luồng thông tin độc hại.
Bà Nguyễn Phương Linh, Viện trưởng Viện Nghiên cứu Quản lý và Phát triển bền vững chia sẻ, một khi trẻ em lên mạng sẽ trở thành những công dân số. Bên cạnh thông tin tích cực, các em có thể bị tác động tiêu cực khi gặp phải tin giả, tin kích động, video có nội dung bạo lực, hình ảnh 18+…. "Nếu không có kiến thức, kỹ năng sẽ dễ mắc những rủi ro, cạm bẫy mạng mang lại ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển tâm sinh lý cũng như sức khoẻ của các em", bà Linh nói. Theo quy định của Bộ GD&ĐT, Tin học và Ngoại ngữ là 2 môn bắt buộc cho học sinh tiểu học từ lớp 3. Các phòng học có thiết bị nghe nhìn, thiết bị kết nối Internet và đảm bảo an toàn trong hoạt động dạy học. Tuy nhiên, trên thực tế, dù đang được trang bị các phòng máy kết nối Internet nhưng nhiều trường lại chưa có các phương thức để quản lý cũng như bảo vệ an toàn mạng. Bà Lê Tuệ Minh, Chủ tịch hội đồng trường - Hệ thống trường Phổ thông liên cấp Edison cho rằng: Ngày nay, Internet là một phần không thể thiếu trong giảng dạy và vận hành trường học thì việc đảm bảo không gian mạng an toàn và bảo mật là yếu tố then chốt. Trên thực tế, dù có nhiều giải pháp để bảo vệ nhưng việc kiểm soát các nội dung trên internet học sinh tiếp cận vẫn không hề dễ dàng. "Do đó, trường học đã phải xây dựng bộ quy ước sử dụng mạng xã hội và yêu cầu học sinh cam kết thực hiện. Ngoài ra, trường cũng phối hợp với gia đình về an toàn số. Khi các quy định trở thành bộ quy ước, học sinh vi phạm, nhà trường có quyền xử lý", bà Minh nói. |
No comments:
Post a Comment