Tuesday, June 8, 2021

Một vài triết lý về Tôn Ngộ Không


(QBĐT) - Truyện Tây du ký là một bộ tiểu thuyết thần thoại dài, kiệt xuất của nền văn học Trung Quốc. Truyện lấy câu chuyện Đường Tăng đi thỉnh kinh làm cốt truyện nhưng đã dựng nên nhân vật được mọi người yêu mến và kính trọng, đó là Tôn Ngộ Không - Tề Thiên Đại Thánh.

1. Ngộ Không với triết lý dân gian:

Dân gian mỗi khi chê bai, chửi rủa một người nào đó mà mình không ưa thích thường có những câu: Đồ ngu như khỉ; đồ con khỉ; thứ không cha không mẹ, nứt từ lỗ nẻ mà lên...

Đọc truyện Tây du ký chúng ta thấy Tôn Ngộ Không đúng là một con khỉ không cha không mẹ, nứt từ lỗ nẻ mà lên. Truyện kể: "Tại Đông Thắng Thần Châu, có nước Ngạo Lai, núi Hoa Quả Sơn trên đỉnh có tảng đá tiên. Một hôm tảng đá nứt đôi, sinh ra một quả trứng tròn, to bằng quả cầu, gặp gió hóa thành một con khỉ đá đủ cả mặt mũi chân tay". Nhưng Tôn Ngộ Không lại là một con khỉ quang minh chính đại, có nhân, có nghĩa, hữu dũng, hữu mưu làm được những chuyện "kinh thiên động địa"... Đường Tăng mà không có một con khỉ không cha không mẹ, nứt từ lỗ nẻ mà lên ấy phò tá thì sự nghiệp thỉnh kinh  sẽ khó thực hiện được...

Thầy trò Đường Tăng trong phim Tây du ký
Thầy trò Đường Tăng trong phim Tây du ký

2. Ngộ Không với triết lý của Nho, Phật, Lão:

Từ khi khỉ đá lên làm vua tự xưng là Mỹ Hầu vương sống cuộc sống tự do, vui vẻ không lệ thuộc vào ai, vào một ngày đẹp trời Hầu vương bỗng giác ngộ lẽ sinh ở cõi đời là vô thường, lập tức hạ quyết tâm từ bỏ ngôi vua ở động Thủy Liêm núi Hoa Quả Sơn lặn lội tầm sư học đạo. Câu chuyện rõ ràng mang dấu ấn của thái tử Cồ Đàm lìa bỏ hoàng cung của dòng họ Thích Ca đơn độc dấn mình tìm cầu giải thoát. Truyện kể: "Một hôm, Mỹ Hầu vương đang cùng lũ khỉ ăn uống vui vẻ, bỗng nhiên sầu não nước mắt tuôn rơi, lũ khỉ lo lắng vội tâu: - Đại vương có điều gì phiền muộn, Hầu vương nói "Dẫu ta đang vui thích nhưng có điều khiến ta phiền muộn đó là, tuy ta không theo luật lệ của vua chúa, không sợ uy quyền của chim muông, nhưng mai đây khi đã già ta khó tránh khỏi cái chết, không thể sống lâu mà chịu sự cai quản của Diêm vương. Lũ khỉ nghe vậy ôm nhau khóc... Bỗng có một con khỉ từ phía sau nhảy ra lớn tiếng nói:

- Đại vương quá lo xa, thật ra có loài người không chịu sự cai quản của Diêm vương, đó là Phật, tiên và thần thánh không tự sinh ra và không tự chết đi, thọ ngang với trời đất và sông núi. Hầu vương nghe vậy mừng rỡ khôn xiết"...

Trên đường lặn lội tầm sư học đạo, Hầu vương đã đến núi Linh Đài Phương Thốn, trong núi ấy có động Tà Nguyệt Tam Tinh và được học đạo với Bồ đề tổ sư. Khi đã học được bí quyết trường sinh và 72 phép thần thông quảng đại từ Bồ Đề tổ sư. "Một ngày khi xuân qua hạ đến, Tôn Ngộ Không cùng các sư huynh ngồi hội giảng dưới gốc thông. Chúng sinh nài Ngộ Không biến hóa phép thuật cho xem. Ngộ Không trổ tài, biến thành một gốc cây thông khiến mọi người ngồi vỗ tay cười hả hê...". Theo triết học phương Đông thì cây thông mùa đông chẳng hề rụng lá, sống nơi khô nắng, cheo leo miền hoang sơ đá sỏi tượng trưng cho hình vẻ, dáng mạo của người quân tử luôn luôn bình thản cho dù thời vận éo le hay gian khó. Nguyễn Công Trứ có câu: "Kiếp sau xin chớ làm người/ Làm cây thông đứng giữa trời mà reo". Ngộ Không biến thành cây thông trước mọi người điều đó cho thấy Tôn Ngộ Không là một bậc chính nhân quân tử, một con người lý tưởng đầy đủ nhân, nghĩa, trí, dũng... bản lĩnh đó đã theo Tôn Ngộ Không trong suốt quãng thời gian đi thỉnh kinh đầy gian khó cho đến khi trở thành Đấu Chiến Thắng Phật.

3. Ngộ Không với những con số thần bí:

Mở đầu Tây du ký ta bắt gặp một loạt các con số miêu tả sự hình thành của vũ trụ và sự ra đời của Hầu vương. Kích thước của tảng đá sinh ra Hầu vương "cao đến 3 trượng 6 thước 5 tấc, chu vi là 2 trượng 4 thước hợp với chính lịch 24 khí trên có 9 khiếu 8 lỗ hợp với cửu cung bát quái.

Đây không phải là những con số ngẫu nhiên do tác giả đặt ra mà nguồn gốc của nó có trong Hà đồ, Lạc thư của Chu dịch. Nguyên tắc lập ra những con số này dựa vào "Tam thiên lưỡng địa" (trời 3 đất 2), số 3 là số trời tròn, số 4 (2 lần 2) là số đất vuông. Các số lẻ 1,3,5,7,9 là những số dương, các số chẵn: 2,4,6,8,10 là những số âm, 9 và 8 là hai số lớn nhất và căn bản của trời và đất tức "số cực" vì nó lại là bội số của trời 3 đất 4. Trong truyện Tây du ký ta bắt gặp các con số thần bí. Tuy nhiên dù chúng biến hóa thế nào vẫn có nguồn gốc ở những con số âm và dương của Hà đồ, Lạc thư. Đặc biệt số 3 và 9 là hai số dương được sử dụng nhiều nhất. Các số khác phần lớn là bội số của 2 số này.

Tôn Ngộ Không có 72 phép chính là tích của 9 và 8, Trư Bát Giới có 36 phép là tích của 4 và 9, số 9 và 8 là 2 số lớn nhất của trời và đất bao quát càn khôn, biến hóa khôn lường.

Truyện Tây du ký kể về thầy trò Đường Tăng vượt thiên sơn vạn thủy, trải qua 9 lần 9 là 81 nạn để đem chân kinh về không chỉ để mua vui mà còn cho người đọc có thể thấy chất triết lý sâu xa dưới nhiều góc độ khác nhau. Trên đây là một vài triết lý nhỏ xin được mạn phép nêu ra để "mua vui" đôi chút trong dịp Tết Bính Thân này.

Hiệp Vân

No comments:

Post a Comment