Nhiều công ty công nghệ Trung Quốc sử dụng các thiết bị giám sát để theo dõi hiệu suất làm việc, quản lý thái độ của người lao động.
Jiang Yi (32 tuổi) sinh ra ở Bắc Kinh, nói rằng tại nơi làm việc trước đây anh bị theo dõi ngay khi kết nối thiết bị điện tử cá nhân với mạng của công ty.
Nơi làm việc cũ của Jiang, một công ty công nghệ cỡ vừa ở thủ đô Trung Quốc, đã sử dụng phần mềm DiSanZhiYan, hay còn gọi là "con mắt thứ 3", để giám sát toàn bộ công nhân viên.
"Tôi đã làm việc 12-16 giờ/ngày cho đến một hôm sếp cũ gọi tôi tới văn phòng và hỏi tại sao lại xem hai video không liên quan trong giờ làm việc".
Nhân viên tại trụ sở của Alibaba ở Hàng Châu, tỉnh Chiết Giang, miền Đông Trung Quốc, làm việc ngoài giờ để chuẩn bị cho lễ hội mua sắm 11/11/2018. Ảnh: VCG. |
Tương tự một số phần mềm giám sát nhân viên được sử dụng ở Mỹ như CloudDesk, "con mắt thứ 3" giám sát việc sử dụng web và thời gian nhàn rỗi của người lao động. Ngoài ra, phần mềm này còn gửi thông báo cho nhà tuyển dụng mỗi khi nhân viên xem video trên các trang web phát trực tuyến.
Jiang cho biết "báo cáo hiệu quả công việc" hàng tuần được "con mắt thứ 3 thu thập" cung cấp phân tích chính xác đến từng phút về những gì mỗi nhân viên đã xem trên các trang web, ứng dụng.
"Hệ thống khiến nhân viên sợ hãi. Họ biết rằng mình đang bị theo dõi trong suốt ca làm việc kéo dài 12 tiếng. Cuộc sống 996 vốn đã đủ khốn khổ rồi", Jiang đề cập đến văn hóa làm việc từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, 6 ngày/tuần ở Trung Quốc.
Anh cho biết một số đồng nghiệp của mình thậm chí còn cảm thấy bị hệ thống thúc ép phải tuân theo quy tắc "007" - một thuật ngữ để chỉ việc phải online làm việc 24 giờ/ngày, tất cả các ngày trong tuần.
Giám sát từ biểu cảm cho đến thời gian đi vệ sinh
Trên trang web của công ty, "con mắt thứ 3" được nhận xét là "toàn năng, ổn định và có thể thích ứng với mọi phương tiện giám sát". Hệ thống này hiện có hàng nghìn khách hàng, từ các tổ chức chính phủ cho đến tập đoàn công nghệ.
Những hệ thống giám sát nhân công không còn xa lạ gì tại Trung Quốc. Vào năm 2018, ứng dụng giám sát di động Zhongduantong đã được phát triển để theo dõi vị trí, thời gian đi vệ sinh của nhân viên trong quá trình làm việc. Cho đến nay, hơn 347 công ty đã sử dụng ứng dụng này.
Sangfor Technologies, công ty cung cấp hệ thống giám sát trực tuyến cho Alibaba, Bytedance, Xiaomi, cũng đã phát triển ứng dụng giúp các công ty giám sát lịch sử trình duyệt web trên thiết bị di động và hồ sơ sử dụng ứng dụng của nhân viên bất cứ khi nào họ sử dụng Wifi của công ty.
Công nhân làm việc tại trụ sở của Pinduoduo, một nền tảng thương mại điện tử ở Thượng Hải vào năm 2018. Ảnh: AP. |
Theo báo cáo của Nikkei, Sangfor Technologies còn cho phép các công ty chặn những ứng dụng di động có thể ảnh hưởng đến năng suất làm việc của nhân viên như Weibo.
Nhiều công ty thậm chí tìm cách quản lý thái độ, cảm xúc của nhân viên thông qua các thiết bị điện tử. Tạp chí Week in China chỉ ra trường hợp một công ty sử dụng camera an ninh để buộc nhân viên phải cười khi bắt đầu ngày làm việc.
"Chúng tôi hy vọng bầu không khí buồn tẻ do đại dịch gây ra sẽ được thư giãn bằng những khuôn mặt tươi cười", đại diện công ty này nói.
To Jia Kai, phó giáo sư tại Đại học Khoa học và Công nghệ Điện tử Trung Quốc, đã đặt câu hỏi về mức độ mà các chương trình, ứng dụng sẽ quản lý người lao động cũng như xã hội loài người.
"Thực tế hệ thống máy móc chỉ có thể nắm bắt phiên bản đơn giản hóa các hành vi của con người mà thôi. Ví dụ, nếu một công nhân bị cảm hôm nay, liệu các chương trình có thể phát hiện ra điều đó và cho người này thêm thời gian hoàn thành công việc của mình không? Câu trả lời chắc chắn là không", Jia nói với Nikkei.
No comments:
Post a Comment