Monday, November 21, 2016
Friday, November 18, 2016
ÁP DỤNG BASEL II NGÂN HÀNG ĐƯỢC GÌ?!
Với Basel, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp được cho rủi ro.
Từ bài học kinh nghiệm của các cuộc khủng hoảng tài chính trên thế giới, việc tăng cường năng lực quản trị rủi ro và khả năng tài chính là giải pháp tối ưu để các ngân hàng thương mại (NHTM) trụ vững trước những biến động khó lường của thị trường tài chính. Khi áp dụng các chuẩn mực an toàn vốn theo Basel II, các ngân hàng tuân thủ các thông lệ, chuẩn mực quốc tế để hội nhập thành công. Uỷ ban Basel đã đề xuất khung đo lường với 3 trụ cột chính cho phiên bản 2 bao gồm:
(i) Yêu cầu vốn tối thiểu trên cơ sở kế thừa Basel I,theo đó, tỷ lệ vốn bắt buộc tối thiểu (CAR) vẫn là 8% của tổng tài sản có rủi ro như Basel I, nhưng rủi ro được tính toán theo ba yếu tố chính mà ngân hàng phải đối mặt: rủi ro tín dụng, rủi ro vận hành (hay rủi ro hoạt động) và rủi ro thị trường;
(ii) Cung cấp một khung giải pháp cho các rủi ro mà ngân hàng đối mặt, như rủi ro hệ thống, rủi ro chiến lược, rủi ro danh tiếng, rủi ro thanh khoản và rủi ro pháp lý, mà Hiệp ước tổng hợp lại dưới cái tên rủi ro còn lại (residual risk)
Và (iii) sử dụng hiệu quả của việc công bố thông tin, theo đó các ngân hàng cần phải công khai thông tin một cách thích đáng theo nguyên tắc thị trường và Basel II đưa ra một danh sách các yêu cầu buộc các ngân hàng phải công khai thông tin, từ những thông tin về cơ cấu vốn, mức độ đầy đủ vốn đến những thông tin liên quan đến mức độ nhạy cảm của ngân hàng với rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro vận hành và quy trình đánh giá của ngân hàng đối với từng loại rủi ro này.
Kể từ tháng 2/2016, 10 ngân hàng đã được NHNN chỉ định thực hiện thí điểm phương pháp quản trị vốn và rủi ro theo tiêu chuẩn Basel II, đó là các ngân hàng BIDV, VietinBank, Vietcombank, Techcombank, ACB, VPBank, MB, Maritime Bank, Sacombank và VIB. Việc áp dụng tiêu chuẩn Basel II còn là một xu thế tất yếu và bắt buộc khi Việt Nam đang hội nhập sâu rộng với khu vực và trên thế giới. Việc áp dụng Basel II đối với 10 ngân hàng lớn nhất sẽ khiến các ngân hàng này phải cân đối giữa mục tiêu tăng trưởng cho vay và đảm bảo tỷ lệ an toàn vốn.
Lợi ích chung của việc áp dụng Basel II đối với ngân hàng
Việc triển khai Basel II giúp chuẩn hóa, cải thiện và lành mạnh hóa lĩnh vực ngân hàng thông qua việc áp dụng các chuẩn mực toàn cầu. Basel được xây dựng trên nguyên tắc cơ bản nhằm đảm bảo các ngân hàng duy trì đủ nguồn vốn bù đắp cho các khoản lỗ có thể phát sinh từ những rủi ro mà ngân hàng đang nắm giữ. Basel II - phương pháp tiêu chuẩn được chuẩn hóa và được xem là bước đầu tiến tới phương pháp đánh giá theo độ nhạy cảm rủi ro.
Ngoài mục tiêu ban đầu tạo nên thước đo chuẩn mực để đo lường sức khỏe của các định chế tài chính, Basel đã tổng hợp tạo nên các khung quản lý rủi ro theo thông lệ chung. Theo đó, việc quản lý rủi ro tại các NHTM đã được chuyển hóa từ việc quản lý riêng lẻ các nhóm rủi ro như rủi ro tín dụng, rủi ro thị trường, rủi ro hoạt động, rủi ro thanh khoản… nay đã trở thành một thể thống nhất với ba trụ cột (3 Pillars) và lượng hóa rủi ro qua khái niệm "tài sản có rủi ro" (Risk Weighted Assets – RWA). Chuẩn mực Basel là bước chuyển hóa cơ bản đầu tiên để NHTM có nhận thức cơ bản nhằm thay đổi phương thức điều hành, đưa ra quyết định kinh doanh tiếp cận từ khía cạnh rủi ro (risk based-approach), phương thức đang được phổ biến rộng rãi trên thế giới sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007.
Ngân hàng có quyền lợi cụ thể ra sao khi áp dụng?
-Đánh giá toàn diện hoạt động của ngân hàng: Áp dụng Basel cho phép các ngân hàng định lượng được rủi ro cho mọi hoạt động, mọi giao dịch đã và đang phát sinh. Lượng hóa được rủi ro sẽ giúp NHTM lượng hóa được vốn cần thiết cho mỗi giao dịch. Kết quả kinh doanh sẽ được so sánh đối chiếu với mức vốn cần thiết để đảm bảo an toàn, các ngân hàng từ đó có cái nhìn rõ hơn tỷ suất lợi nhuận tương ứng với mức độ rủi ro cho các hoạt động đã phát sinh.
-Hoạch định kinh doanh theo khẩu vị rủi ro: Với Basel, mọi rủi ro đều phải được lượng hóa bằng con số cụ thể và con số này sẽ chỉ ra rằng ngân hàng cần bao nhiêu vốn để có thể bù đắp được cho rủi ro. Như vậy, nếu như hiện nay việc hoạch định chiến lược kinh doanh chủ yếu dựa vào lợi nhuận mà hoạt động kinh doanh ấy mang lại, yếu tố rủi ro chỉ tác động ở một mức độ khiêm tốn, thì sau khi Basel được áp dụng, vai trò của rủi ro sẽ trở nên mạnh mẽ hơn.
Đây thực sự là điều rất cần thiết cho các nhà quản trị ngân hàng tại Việt nam hiện nay. Basel không chỉ định lượng rủi ro trong hiện tại mà quan trọng hơn là định lượng rủi ro cho tương lai với 1 xác suất chính xác đã được các ngân hàng trên thế giới chấp nhận. Như thế, các nhà quản trị ngân hàng, tùy thuộc vào nhận định chung, kinh nghiệm và khẩu vị rủi ro sẽ chủ động đánh giá mức độ rủi ro nào được chấp nhận và rủi ro nào cần được điều chỉnh. Các quyết định kinh doanh không chỉ với kỳ vọng từ thị trường mà còn ở chính mức độ rủi ro đã được lượng hóa ngay tại thời điểm đưa ra quyết định kinh doanh.
Nói một cách khác, Basel vẽ nên một bức tranh toàn diện với đầy đủ mảng sáng, mảng tối về hoạt động kinh doanh cho các nhà quản trị, giúp cho các nhà quản trị đưa ra quyết định phù hợp.
-Phòng tránh rủi ro trong tương lai: Sau cuộc khủng hoảng tài chính 2007, vấn đề các ngân hàng có thể tồn tại hay không trong giai đoạn thị trường khắc nghiệt đã trở thành mối quan tâm lớn. Basel đã bổ sung các đánh giá sức chịu đựng của ngân hàng qua các kiểm nghiệm sức chịu đựng (Stress-Test). Với các cuộc kiểm nghiệm định kỳ, các nhà quản lý hoàn toàn nắm rõ sức chịu đựng của ngân hàng mình dưới tác động của thị trường trong tình trạng khắc nghiệt. Như thế, với nhận thức về rủi ro, các thành viên của thị trường tài chính sẽ phản ứng có trách nhiệm hơn cho tính ổn định của thị trường.
….nhưng ngân hàng tại Việt Nam có dễ đạt được?
Để thúc đẩy các ngân hàng tiến tới áp dụng Basel II, NHNN đã ban hành Thông tư 36/2014/TT-NHNN quy định về các giới hạn, tỷ lệ bảo đảm an toàn trong hoạt động của các TCTD; Thông tư 06 sửa đổi một số điều của Thông tư 36 nhằm đưa các ngân hàng vào quỹ đạo hoạt động ngày càng an toàn hơn theo chuẩn mực quốc tế. Điều này cho thấy hướng thay đổi chính sách của NHNN trong thời gian gần đây đều đưa ra yêu cầu cao hơn đối với các ngân hàng.
Trước đây, khi điều kiện chung còn khó khăn, NHNN tạm thời giảm yêu cầu về các chỉ số an toàn để hỗ trợ ngân hàng, hỗ trợ thị trường và nền kinh tế, tránh sự sụp đổ, thiệt hại cho thị trường. Hiện các chuẩn mực được đưa ra đã thông dụng trên thế giới và NHTM cũng đã lường trước việc NHNN sẽ đưa ra những chuẩn mực cao như vậy để tiến tới áp dụng Basel II. Vấn đề là hiện nay nhiều ngân hàng tại Việt Nam vẫn chưa đạt chuẩn Basel I. Nếu muốn áp dụng Basel II, các ngân hàng phải cố gắng rất nhiều để tăng vốn, kiểm soát rủi ro, nâng cao trình độ quản lý, điều hành và nâng cao an toàn hệ thống. Các vấn đề này là không hề dễ dàng đối với các ngân hàng trong điều kiện hiện nay!
Áp dụng Basel II sẽ tác động đến hệ thống ngân hàng Việt Nam ra sao?
Việc triển khai Hiệp ước Basel II không chỉ tác động đến nền kinh tế của những quốc gia áp dụng mà còn tác động đến chính hệ thống ngân hàng của quốc gia đó. Để đáp ứng được các yêu cầu của Hiệp ước Basel II với các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, các ngân hàng sẽ hoạch định lại hoạt động kinh doanh và các chiến lược kinh doanh một cách tích cực hơn. Trong khuôn khổ Basel II, các công cụ và phương pháp quản lý rủi ro tiên tiến được triển khai đảm bảo cho những ngân hàng có hệ thống quản trị rủi ro tốt giảm thiểu chi phí, tập trung phát triển các mảng nghiệp vụ kinh doanh mới và hiệu quả hơn trong các quyết định phân bổ nguồn vốn kinh doanh.
Triển khai Basel II giúp các ngân hàng hoạt động an toàn hơn, lành mạnh hơn do trình độ quản trị rủi ro được tăng cường, các biện pháp quản trị rủi ro, đặc biệt là mô hình rủi ro và xếp hạng nội bộ được chủ động áp dụng, đồng thời, nguồn vốn được quản lý một cách hiệu quả hơn. Trong lĩnh vực tín dụng, các NHTM sẽ phải chuyển hướng tập trung vào đánh giá mức độ tín nhiệm của khách hàng, thay vì dựa chủ yếu vào tài sản bảo đảm. Hơn nữa, sau khi áp dụng các tiêu chuẩn quốc tế về an toàn vốn và thanh khoản, hệ thống ngân hàng Việt Nam sẽ thu hút nhiều nhà đầu tư nước ngoài hơn do ngân hàng hoạt động kinh doanh trong môi trường đạt tiêu chuẩn quốc tế.
Ngoài ra, sau khi triển khai Basel II với các chỉ số vốn và các yêu cầu về thanh khoản, quản trị rủi ro đạt chuẩn quốc tế, các ngân hàng Việt Nam sẽ có cơ hội vươn xa ra thị trường các nước phát triển. Lúc đó, khi mở cửa thị trường tài chính theo cam kết trong các Hiệp định tự do thương mại (FTA), các ngân hàng Việt Nam không chỉ thu hút thêm nhà đầu tư nước ngoài mà chính các ngân hàng sẽ tự mình thâm nhập các thị trường phát triển và thu hút vốn tại các thị trường rộng lớn này.
Tuy nhiên, khi triển khai Basel II rộng rãi tại các ngân hàng, yêu cầu về vốn và thanh khoản cao lên sẽ tác động đến chênh lệch lãi suất cho vay, hay nói cách khác làm cho chi phí vốn tăng cao, kết quả là lợi nhuận ròng của ngân hàng sẽ giảm. Theo nghiên cứu của Ủy ban Basel, khi tỷ lệ an toàn vốn tăng lên 1% thì chênh lệch lãi suất cho vay và chi phí đi huy động vốn tăng lên 1,3%. Tuy nhiên, ngân hàng có thể bù đắp phần lợi nhuận ròng mất đi bằng một số biện pháp: tăng lợi nhuận ngoài lãi như: phí, hoa hồng…, tăng hiệu quả quản trị để giảm chi phí hoạt động.
Tuesday, November 15, 2016
Hiểu đúng về nhóm máu và nguyên tắc truyền máu
Mỗi một nhóm máu lại mang những đặc trưng riêng, kết cấu của mạch máu có thể bị phá vỡ nếu truyền không đúng nhóm máu tương thích. Vì thế, việc biết bạn thuộc nhóm máu nào và các đặc tính của nó ra sao là rất quan trọng.
Vì sao có nhiều nhóm máu khác nhau?
Các nhà khoa học tin rằng việc tổ tiên loài người thích nghi với các bệnh truyền nhiễm ra sao là nguyên nhân sinh ra các nhóm máu khác nhau. Ví dụ, bệnh sốt rét dường như là nguyên nhân chính tạo ra nhóm máu O, nhóm máu này phổ biến hơn ở châu Phi và các khu vực của thế giới từng phải chịu gánh nặng bệnh sốt rét. Trong nhiều trường hợp các tế bào nhiễm bệnh sốt rét không thể tấn công vào các tế bào của nhóm máu O hoặc các tế bào nhóm máu B. Kết quả là những người có nhóm máu O có sức đề kháng tốt hơn với bệnh sốt rét.
Các nhóm máu được phân loại như thế nào?
Máu con người được chia làm nhiều nhóm dựa theo một số chất cacbohydrat và protein đặc thù trên hồng cầu. Có khoảng 46 nhóm khác nhau, nhưng những nhóm chính là O, A, B và yếu tố Rhesus (Rh). Máu của mỗi nhóm có thể có kháng thể chống lại những nhóm kia. Do đó, khi truyền máu khác nhóm vào, kháng thể của người nhận có thể phá hủy máu gây tác hại cho cơ thể.
Kháng nguyên và kháng thể
Nói chung, kháng nguyên là "bất kỳ chất nào mà hệ thống miễn dịch có thể đáp ứng". Màng của mỗi tế bào hồng cầu chứa hàng triệu kháng nguyên bị hệ thống miễn dịch bỏ qua, mặc dù hệ thống miễn dịch sẽ tấn công bất kỳ tế bào hồng cầu nào có chứa kháng nguyên khác với các tế bào tự kháng nguyên của chúng.
Kháng thể là các phân tử quan trọng mà hệ thống miễn dịch của chúng ta sản sinh ra để giúp bảo vệ cơ thể chống lại những tác nhân xâm nhập bên ngoài như vi khuẩn và virus. Các vi khuẩn và virus này cũng có thể được hình thành để đáp ứng các nhóm máu khác nhau.
Yếu tố Rh
Hầu hết mọi người (khoảng 85% loài người) có một loại protein đặc biệt trên các tế bào máu, được gọi là yếu tố Rh. Những trường hợp này gọi là Rh+ (có nhóm máu dương tính Rh). Những người thiếu yếu tố Rh, được gọi là Rh- (có nhóm máu máu âm tính Rh).
Phụ nữ mang thai cần các xét nghiệm yếu tố Rh trong máu, thông qua đó để sàng lọc và phát hiện sự tương thích trong cơ thể mẹ và bé. Nếu người mẹ có Rh- và em bé là Rh+, cơ thể người mẹ sẽ phản ứng với máu của em bé như một chất bên ngoài. Cơ thể mẹ sẽ tạo ra kháng thể (protein) chống lại máu Rh+ của em bé. Rh không tương thích có thể gây ra các vấn đề khó khăn trong lần mang thai sau của người mẹ, khi kháng thể Rh có thể đi qua nhau thai và tấn công các tế bào hồng cầu của em bé dẫn đến tình trạng thiếu máu tan huyết ở em bé, nghĩa là các hồng huyết cầu bị phá hủy.
May mắn là nếu phát hiện sớm sự không tương thích trên, các bác sỹ sẽ áp dụng phương pháp điều trị trước khi sinh, giúp ngăn chặn bất kỳ vấn đề nào trước khi chúng nảy sinh.
Có những nhóm máu nào?
Nhóm máu A
Nhóm máu A được đặc trưng bởi sự hiện diện của kháng nguyên A trên các tế bào hồng cầu, và kháng thể B trong huyết tương.
Những người có nhóm máu A có thể an toàn hiến máu cho những người khác có cùng nhòm máu A, hoặc những người mang nhóm máu AB. Ngoài ra, những người có nhóm máu A cũng có thể nhận máu truyền của những người mang nhóm máu O.
Nhóm máu B
Nhóm máu này tương đối hiếm (chỉ đứng sau AB). Nó chứa các kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, và kháng thể A (để tấn công kháng nguyên A) trong huyết tương.
Những người có nhóm máu B có thể an toàn hiến tặng máu cho những người khác có cùng nhóm máu B, hoặc cho những người có nhóm máu AB. Ngoài ra, những người có máu B cũng có thể an toàn nhận truyền máu của những người mang nhóm máu O.
Nhóm máu AB
Nhóm máu này không phổ biến. Nhóm máu AB được đặc trưng bởi có cả kháng nguyên A và B trên tế bào hồng cầu, và không có kháng thể trong huyết tương.
Những người có nhóm máu AB có thể chấp nhận máu từ bất cứ ai. Tuy nhiên, vì sự hiện diện của cả hai kháng nguyên trên tế bào hồng cầu loại AB, những người có nhóm máu AB chỉ có thể tặng máu cho những người có cùng nhóm máu AB với họ.
Nhóm máu O
Nhóm máu O là nhóm máu phổ biến nhất. Nhóm máu O không có kháng nguyên A cũng không có kháng nguyên B trên tế bào hồng cầu, nhưng lại có cả hai kháng thể A và B trong huyết tương. Kết quả là, những người có nhóm máu O chỉ có thể nhận truyền máu từ những người có cùng nhóm máu O, vì các kháng thể trong huyết tương của nó sẽ tấn công các loại khác. Tuy nhiên, những người có nhóm máu O lại có thể hiến máu cho tất cả các nhóm máu khác, vì nhóm máu O hoàn toàn không có kháng nguyên thù địch trong hệ thống miễn dịch. Chính vì thế, những người mang nhóm máu O được gọi là "nhà tài trợ toàn cầu".
Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn nhận nhầm nhóm máu?
Rất tồi tệ. Phản ứng truyền máu tán huyết cấp có thể xảy ra trong vòng 24 giờ sau khi truyền máu và thường xảy ra trong quá trình truyền máu. Bệnh nhân có thể cảm nhận được những phản ứng này. Họ có thể phàn nàn về cảm giác nóng tại chỗ truyền máu, cảm giác ớn lạnh, sốt, và đau ở lưng, hai bên sườn…. Những phản ứng cắt liên quan đến cắt đứt hầu hết các tán huyết mạch; các hồng cầu của máu truyền vào bị phá hủy bởi các kháng thể của người nhận trong khi chúng vẫn còn các mạch máu bên trong. Các phản ứng đồng loạt có thể gây sốc, số lượng lớn mô sản sinh ra do RBC (tế bào hồng cầu) bị vỡ nên không kiểm soát được khả năng đông máu.
Hoàng Lan
Theo Today I found out
Sunday, November 13, 2016
QUY ĐỊNH DOANH NGHIỆP ĐĂNG KÝ TÀI KHOẢN NGÂN HÀNG VỚI CƠ QUAN THUẾ
Trong thời gian gần đây, nhiều doanh nghiệp gặp phải vướng mắc khi cơ quan thuế đòi xử phạt vì không đăng ký tài khoản ngân hàng với cơ quan thuế. Vậy việc phạt của cơ quan thuế có đúng quy định pháp luật hay không? Các bạn hãy tìm hiểu bài viết sau đây
Trường hợp thứ 1:
Trường hợp thứ 2:
- Bên bán không thực hiện thông báo đăng ký tài khoản ngân hàng cho cơ quan thuế quản lý trực tiếp thì bên bán sẽ bị xử phạt về đăng ký thuế liên quan đến thông tin tài khoản ngân hàng, công ty mua không được xét khấu trừ, hoàn thuế số thuế GTGT đầu vào có liên quan.
- Công ty bên bán đã thực hiện thông báo thông tin tài khoản ngân hàng hoặc công ty bên mua đã thông báo bổ sung thông tin tài khoản ngân hàng của công ty cho cơ quan thuế trước khi cơ quan thuế ra quyết định kiểm tra, thanh tra thì cơ quan thuế của người mua và người bán phối hợp với nhau để kiểm tra hàng hóa, dịch vụ thực tế mua bán, việc thanh toán, nhận tiền thanh toán tại các tài khoản ngân hàng có liên quan trên cơ sở đó xem xét khấu trừ, hoàn thuế theo quy định.
Friday, November 11, 2016
TÀI CHÍNH NGÂN HÀNG- NGHỀ NGUY HIỂM!
Theo điều 179 Tội vi phạm quy định về cho vay trong hoạt động của các tổ chức tín dụng
1. Người nào trong hoạt động tín dụng mà có một trong các hành vi sau đây gây hậu quả nghiêm trọng, thì bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm đến bảy năm:
A) Cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật;
B) Cho vay quá giới hạn quy định;
C) Hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng.
2. Phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm.
3. Phạm tội gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm.
4. Người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.
Căn cứ vào quy định trên đây của pháp luật, kết hợp với các tình tiết thực tế của vụ án người có hành vi như cho vay không có bảo đảm trái quy định của pháp luật, cho vay quá giới hạn quy định, hành vi khác vi phạm quy định của pháp luật về cho vay trong hoạt động tín dụng thì có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến năm mươi triệu đồng hoặc phạt tù từ một năm, đến bảy năm. Nếu gây ra hậu quả nghiêm trọng thì bị phạt tù từ năm năm đến mười hai năm, gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng thì bị phạt tù từ mười năm đến hai mươi năm. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc liên quan đến hoạt động tín dụng từ một năm đến năm năm.
Do đó, còn phải căn cứ vào tình hình thực tế của vụ án, hậu quả của hành vi gây ra thì cơ quan điều tra sẽ đưa ra kết luận.
Đối với vấn đề về khắc phục hậu quả, tại Điều 46 Bộ luật Hình sự quy định về các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự như sau:
Điều 46. Các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự
1. Các tình tiết sau đây là tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự:
A) Người phạm tội đã ngăn chặn, làm giảm bớt tác hại của tội phạm;
B) Người phạm tội tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại, khắc phục hậu quả;
C) Phạm tội trong trường hợp vượt quá giới hạn phòng vệ chính đáng;
D) Phạm tội trong trường hợp vượt quá yêu cầu của tình thế cấp thiết;
Đ) Phạm tội trong trường hợp bị kích động về tinh thần do hành vi trái pháp luật của người bị hại hoặc người khác gây ra;
E) Phạm tội vì hoàn cảnh đặc biệt khó khăn mà không phải do mình tự gây ra;
G) Phạm tội nhưng chưa gây thiệt hại hoặc gây thiệt hại không lớn;
H) Phạm tội lần đầu và thuộc trường hợp ít nghiêm trọng;
I) Phạm tội vì bị người khác đe doạ, cưỡng bức;
K) Phạm tội do lạc hậu;
L) Người phạm tội là phụ nữ có thai;
M) Người phạm tội là người già;
N) Người phạm tội là người có bệnh bị hạn chế khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình;
O) Người phạm tội tự thú;
P) Người phạm tội thành khẩn khai báo, ăn năn hối cải;
Q) Người phạm tội tích cực giúp đỡ các cơ quan có trách nhiệm phát hiện, điều tra tội phạm;
R) Người phạm tội đã lập công chuộc tội;
S) Người phạm tội là người có thành tích xuất sắc trong sản xuất, chiến đấu, học tập hoặc công tác.
2. Khi quyết định hình phạt, Toà án còn có thể coi các tình tiết khác là tình tiết giảm nhẹ, nhưng phải ghi rõ trong bản án.
3. Các tình tiết giảm nhẹ đã được Bộ luật hình sự quy định là dấu hiệu định tội hoặc định khung thì không được coi là tình tiết giảm nhẹ trong khi quyết định hình phạt.
Khi có các tình tiết giảm nhẹ trách nhiệm hình sự quy định tại Điều 46 Bộ luật Hình sự, có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật Hình sự thì Tòa án có thể sẽ quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt mà điều luật đã quy định nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Vậy nên bạn anh có thể khắc phục hậu quả ngăn chặn làm giảm bớt tác hại của tội phạm bằng cách tự nguyện sửa chữa, bồi thường thiệt hại.
Trân trọng!
P. luật sư tranh tụng - Công ty luật Minh Gia
Wednesday, November 9, 2016
ĐỐI TƯỢNG BẮT BUỘC PHẢI KIỂM TOÁN ĐỘC LẬP
Theo quy định tại Điều 37 của Luật Kiểm toán độc lập ngày 29/03/2011 và Điều 15 của Nghị định số 17/2012/NĐ-CP ngày 13/02/2012 hướng dẫn Luật Kiểm toán độc lập thì các đối tượng sau đây bắt buộc phải kiểm toán:
- Báo cáo tài chính hàng năm của Doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Tổ chức tín dụng được thành lập và hoạt động theo Luật các tổ chức tín dụng, bao gồm cả chi nhánh ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Tổ chức tài chính, doanh nghiệp bảo hiểm, doanh nghiệp tái bảo hiểm, doanh nghiệp môi giới bảo hiểm, chi nhánh doanh nghiệp bảo hiểm phi nhân thọ nước ngoài.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Công ty đại chúng, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Doanh nghiệp nhà nước, trừ doanh nghiệp nhà nước hoạt động trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định.
- Báo cáo quyết toán dự án hoàn thành của Doanh nghiệp, tổ chức thực hiện dự án quan trọng quốc gia, dự án nhóm A sử dụng vốn nhà nước, trừ các dự án trong lĩnh vực thuộc bí mật nhà nước theo quy định.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Doanh nghiệp, tổ chức mà các tập đoàn, tổng công ty mà Nhà nước nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Doanh nghiệp mà các tổ chức niêm yết, tổ chức phát hành và tổ chức kinh doanh chứng khoán nắm giữ từ 20% quyền biểu quyết trở lên tại thời điểm cuối năm tài chính.
- Báo cáo tài chính hàng năm của Doanh nghiệp kiểm toán, chi nhánh doanh nghiệp kiểm toán nước ngoài tại Việt Nam.
- Báo cáo tài chính hàng năm của dự án tài trợ bằng nguồn vốn ODA, nguồn vốn vay ưu đãi phải được kiểm toán bởi Kiểm toán nhà nước hoặc Kiểm toán độc lập theo thỏa thuận với nhà tài trợ (theo Điều 26, Thông tư số 218/2013/TT-BTC ngày 31/12/2013 của Bộ Tài chính).
Mức phạt hành chính nếu không tiến hành kiểm toán
Điểm h khoản 2 Điều 10 Nghị định số 105/2013/NĐ-CP ngày 16/9/2013 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực kế toán, kiểm toán độc lập quy định xử phạt hành vi vi phạm quy định về báo cáo tài chính, báo cáo quyết toán và công khai báo cáo tài chính: "Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi nộp báo cáo tài chính cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền không đính kèm báo cáo kiểm toán đối với các trường hợp mà pháp luật quy định phải kiểm toán".
Như vậy, nếu Quý vị kiểm tra thấy đơn vị mình thuộc đối tượng phải kiểm toán theo quy định của pháp luật Việt Nam thì Quý vị hãy liên hệ với chúng tôi để được tư vấn và hỗ trợ. Công ty Kiểm toán và Tư vấn Kreston (VN) là hãng kiểm toán và tư vấn đủ điều kiện cung cấp dịch vụ kiểm toán theo quy định của pháp luật Việt Nam.
CÁCH PHÒNG TRÁNH KIẾN BA KHOANG
Bộ Y tế công bố các biện pháp phòng tránh kiến ba khoang
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ.
Ngày 9/11, Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết kến ba khoang thường sống ở các ruộng lúa, cỏ mục, vườn cây, bãi rác thải, công trình đang xây dựng...
Chúng xuất hiện nhiều vào mùa mưa, khi độ ẩm cao, thuận lợi cho kiến phát triển. Kiến ba khoang ưa thích ánh sáng đèn ban đêm nên bay vào trong nhà theo ánh đèn, đậu vào quần áo, khăn mặt, giường chiếu, chăn màn.
Chất độc trong cơ thể kiến được giải phóng ra khi kiến bị tác động, bị chà sát hoặc bị giết có thể làm tổn thương da người (bỏng da, viêm da).
Kiến ba khoang (hay còn gọi là kiến khoang, kiến kim, kiến lác, kiến gạo, cằm cặp, kiến nhốt, kiến cong) là loài côn trùng có màu là các khoang đen - vàng cam xen kẽ, có thân mình thon, dài như hạt thóc.
Trong cơ thể kiến ba khoang có chứa độc tố Pederin, độc tính mạnh gấp 12-15 lần nọc của rắn hổ nhưng do lượng tiếp xúc nhỏ và chỉ ở ngoài da nên không đủ gây chết người như nọc rắn.
Cục Y tế dự phòng cho biết sau khi bị kiến ba khoang đốt, trên bề mặt da người bị đốt sẽ có cảm giác râm ran; 6-8 giờ sau xuất hiện ban đỏ, dát đỏ; 12-24 giờ tiếp theo xuất hiện thương tổn điển hình.
Sau 3 ngày, thương tổn bắt đầu đỡ rát bỏng, bong vảy. Sau 5-7 ngày vảy bong hết nhưng vết thâm lâu hết.
Người bị kiến ba khoang cắn thường có biểu hiện như tổn thương cơ bản có dạng dát đỏ, thành đám, vệt, theo chiều tay quệt, nền hơi cộm, trên có mụn nước hoặc mụn mủ nhỏ li ti ở giữa, có vùng hơi lõm màu vàng nâu, hình tròn hoặc bầu dục.
Viêm da thường xuất hiện ở vùng hở trên cơ thể như mặt, cổ, ngực, gáy, vai, tay. Thương tổn tiếp tục lan rộng nếu ngứa gãi quệt ra vùng da lành, đặc biệt là các vùng nếp gấp. Bệnh nhân có cảm giác rát bỏng tại chỗ, thương tổn trên diện rộng có thể gây sốt nhẹ, nổi hạch lân cận.
Cục Y tế dự phòng nhấn mạnh viêm da tiếp xúc do côn trùng có thể bị nhầm với một số bệnh ngoài da, đặc biệt rất giống bệnh zona. Bệnh zona thường gặp ở những người từng bị thủy đậu, với các dấu hiệu báo trước như đau nhức dọc theo dây thần kinh ở nửa người, nơi vùng da chuẩn bị nổi thương tổn. Tổn thương cơ bản là các mụn nước lõm ở giữa, mọc thành chùm ở một bên cơ thể.
Kiến ba khoang không chủ động đốt người, cũng không phải loài truyền bệnh. Chính vì thế, bộ Y tế người dân không nên hoang mang, lo lắng, hay tìm mọi cách tiêu diệt kiến ba khoang.
Đề phòng côn trùng bay vào nhà, người dân hạn chế mở cửa, nên buông rèm cửa hoặc làm lưới ngăn côn trùng ở khu vực cửa, lỗ thông khí, nhất là nơi ở gần cây cối, cánh đồng... khi thắp đèn.
Người dân nên ngủ trong màn; tránh đứng dưới bóng đèn sáng nơi công cộng, chú ý khi làm việc dưới ánh đèn vì kiến ba khoang rất hay xuất hiện ở nơi có đèn sáng; nếu có thể thì bật đèn ban công, hành lang để thu hút kiến ba khoang ra ngoài nhà và diệt.
Người dân nên vệ sinh môi trường, phát quang bụi rậm, cây cỏ; giũ mạnh khăn mặt, quần áo trước khi dùng; khi đi làm việc trên đồng ruộng, nhất là vào mùa mưa bão, cần dùng phương tiện bảo hộ lao động (như quần áo dài tay, đội mũ, nón, khẩu trang, đi ủng).
Nếu đã tiếp xúc (hoặc nghi ngờ tiếp xúc) với kiến ba khoang, mọi người không nên dùng tay trần để bắt, giết, miết kiến ba khoang. Bắt kiến ba khoang ra khỏi da bằng cách thổi hoặc đặt một tờ giấy cho kiến bò lên và lấy ra khỏi người.
Khi tiếp xúc với kiến ba khoang, đeo găng tay hoặc dùng giấy mềm lót. Nếu lỡ tay đập hoặc chà xát kiến ba khoang trên da thì người dân phải nhanh chóng rửa sạch nơi tiếp xúc bằng nước sạch hoặc nước muối sinh lý; tránh đưa tay đã tiếp xúc với kiến chạm vào các vùng da khác.
Khi bắt đầu thấy rát ở một vùng da có thể rửa vùng đó bằng nước muối loãng, xà phòng... Chú ý các biểu hiện để khám bác sĩ da liễu khi cần thiết.
Khi phát hiện có kiến ba khoang ở khu vực làm việc, sinh sống, người dân nên liên hệ với đơn vị y tế chuyên trách (Các Viện Sốt rét - Ký sinh trùng - Côn trùng, các Trung tâm Y tế dự phòng địa phương) để được hướng dẫn và phối hợp xử lý…
Theo Thu Phương/TTXVN
NƯỚC MỸ VÀ THẾ GIỚI THỜI TỔNG THỐNG DONALD TRUMP
cũng giống như kết quả của cuộc trưng cầu dân ý về "Brexit" tại Anh. Một vài người dân Anh đã rùng mình khi nhận ra rằng mình đã bỏ phiếu cho một điều khủng khiếp như thế nào (Các cuộc thăm dò gần đây cũng cho thấy hiện người dân Anh đã nhận ra điều này và cảm thấy hối tiếc đến nhường nào).
Đã xuất hiện hàng loạt câu hỏi trước thềm cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ. Việc bầu chọn Donald Trump làm Tổng thống sẽ đem lại những hậu quả gì? Điều gì sẽ xảy ra? "Tổng thống Trump" sẽ vận hành nước Mỹ như thế nào?
Dựa trên những gì chúng ta đã được nghe từ Donald Trump và chiến dịch của ông trong 18 tháng qua, cũng như dựa trên chỉ số của các chuyên gia như Evan Osnos từ Tạp chí New Yorker, dưới đây là những giả định về "Tổng thống Donald Trump" từ nhà bình luận Herry Blodget của Business Insider.
Những điều nhỏ nhặt:
- "Tổng thống Trump" sẽ ký kết các sắc lệnh xóa bỏ phần lớn những gì Tổng thống Obama đề ra và ban thưởng cho những người ủng hộ ông. Sắc lệnh có thể bao gồm việc rút Mỹ ra khỏi Hiệp định Paris, khởi động lại dự án đường ống dẫn dầu Keystone, yêu cầu điều tra hoạt động giao thương, và nhiều thứ khác.
- "Tổng thống Trump" sẽ nhanh chóng làm việc với Quốc hội để bãi bỏ chính sách Obamacare. Nếu Quốc hội gây trở ngại cho ông về vấn đề này, Donald Trump sẽ tấn công, làm nhục và ức hiếp những thành viên chủ chốt một cách công khai, trong khi thỏa thuận lại những vấn đề này một cách bí mật. Nếu "Tổng thống Trump" thông minh, ông và đồng đội có thể không thực sự bãi bỏ chính sách Obamacare, vì người dân Mỹ thích nhiều đặc điểm của chính sách này và cũng bởi họ không có chính sách thay thế. Có khả năng họ sẽ chỉ điều chỉnh chính sách để khắc phục những vấn đề của chính sách Obamacare.
- "Tổng thống Trump" sẽ tiếp tục sử dụng lại phong cách hùng biện mà ông đã sử dụng trong suốt chiến dịch.
- "Tổng thống Trump" sẽ thương lượng lại về Hiệp định Mậu dịch Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) cũng như các thỏa thuận giao thương quan trọng khác của Mỹ và trì hoãn việc tham gia vào Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP). Ông sẽ tiến hành một số thay đổi nho nhỏ đối với các thỏa thuận thương mại trên và tuyên bố rằng ông đã thay thế bằng các "thỏa thuận tuyệt vời". Bên cạnh đó, "Tổng thống Trump" cũng có thể áp đặt thuế suất cao đối với hoạt động nhập khẩu từ Trung Quốc để cho thấy ông rất nghiêm túc về "chiến thắng" và mang việc làm trở lại nước Mỹ.
- "Tổng thống Trump" sẽ tiết lộ các kế hoạch cá nhân đối với "bức vạn lý trường thành" ở phía Nam nước Mỹ. Và quan trọng hơn, tiền xây dựng đều xuất phát từ tiền đóng thuế của người dân Mỹ. Ông Trump tự hào khi nói rằng bức tường này sẽ tạo thêm việc làm và làm giảm tội phạm.
- "Tổng thống Trump" sẽ đề xuất 1 ngàn tỷ USD để chi tiêu cho cơ sở hạ tầng tại Mỹ. Ít nhất thì Quốc hội sẽ hỗ trợ một phần cho kế hoạch này. Rõ ràng, những dự án trên sẽ tác động tích cực đến Mỹ, ngay cả khi điều này sẽ làm gia tăng khoản nợ Chính phủ. Bên cạnh đó, "Tổng thống Trump" cũng duy trì bảo hiểm y tế và xã hội. Ông sẽ thông qua một đợt cắt giảm thuế và điều này phần lớn đều mang lại lợi ích cho tầng lớp giàu có.
- Đáng chú ý hơn, "Tổng thống Trump" sẽ không bao giờ công bố lợi nhuận thuế.
Những điều lớn lao hơn:
- "Tổng thống Trump" sẽ cố gắng điều chỉnh Đạo luật Sửa đổi Thứ nhất và hạn chế quyền tự do báo chí.
- "Tổng thống Trump" sẽ mất kiên nhẫn với việc "kiểm soát và cân bằng" về quyền lực Tổng thống và cố gắng bành trướng quyền lực của mình. Nếu nền kinh tế Mỹ tiếp tục tăng trưởng mạnh và không xuất hiện bất kỳ cuộc tấn công khủng bố hoặc khủng hoảng địa chính trị nào, thì việc nới rộng quyền lực Tổng thống rất khó thực hiện. Tuy nhiên, nếu nền kinh tế rơi vào tình trạng suy thoái hoặc xuất hiện khủng hoảng thì việc này lại trở nên dễ dàng hơn rất nhiều.
Các hậu quả khác:
- Thị trường chứng khoán sẽ giảm khoảng 10%-20% (trong thời gian đầu). Việc ông Trump lên chức Tổng thống Mỹ sẽ gia tăng đáng kể rủi ro cũng như mức độ bất ổn, qua đó làm nản lòng nhà đầu tư và những người đưa ra quyết định kinh doanh. Các công ty Mỹ sẽ tạm thời đóng băng các kế hoạch trong lúc tìm hiểu các động thái sắp tới của "Tổng thống Trump", qua đó sẽ làm giảm tốc độ tăng trưởng kinh tế trong ngắn hạn. Tuy nhiên, ông Trump sẽ đổ lỗi cho việc điều hành của chính quyền Obama và từ đó yêu cầu Quốc hội đưa ra những động thái khẩn cấp. Cuộc tấn công rõ ràng của ông Trump lên nhiều công ty Mỹ - như Ford, Amazon, Macy's, Nabisco, Apple – và cam kết ép buộc một vài công ty trong nhóm này đem lại một số hoạt động sản xuất cho Mỹ cũng sẽ làm nản lòng những người đưa ra quyết định. Hầu như chẳng có CEO chủ chốt nào ủng hộ ông Trump cả và nhiều người trong số họ đã lên tiếng chống lại ông.
- Thâm hụt tài khóa và nợ công sẽ nhảy vọt. Kế hoạch cắt giảm thuế của ông Trump sẽ không kích thích tăng trưởng, cũng giống như kế hoạch hạ thuế suất của ông Geogre Bush (vì thuế đánh trên tầng lớp giàu có không thực sự kìm hãm đà tăng trưởng mà xuất phát từ sự thiếu hụt khả năng chi tiêu từ tầng lớp trung lưu). Tuy nhiên, việc cắt giảm thuế suất sẽ làm gia tăng thâm hụt ngân sách cũng như khoản nợ Chính phủ. Tương tự, "Tổng thống Trump" cũng quy điều này cho Quốc hội và chính quyền của ông Obama.
- Tại một số thời điểm trong suốt nhiệm kỳ đầu tiên của "Tổng thống Trump", sẽ xuất hiện một cuộc suy thoái trầm trọng và thị trường chứng khoán sẽ tụt dốc 30-50% so với đỉnh hiện tại. Chính sách của "Tổng thống Trump" có thể châm ngòi cho một cuộc suy thoái. Chẳng hạn, cuộc chiến thương mại có thể gây tổn thương cho nền kinh tế đồng thời làm giảm số lượng việc làm tại Mỹ. Cho dù điều gì xảy ra đi chăng nữa, "Tổng thống Trump" cũng sẽ đổ lỗi cho những người phản đối ông và tận dụng điều này để bành trướng quyền lực của mình.
Tác giả của bài viết này, nhà bình luận Herry Blodget tại Business Insider hy vọng phần lớn những điều trên sẽ không xảy ra. Bên cạnh đó, ông cũng kỳ vọng Donald Trump sẽ trở thành một vị Tổng thống mà những người ủng hộ ông mong muốn.
Tuy nhiên, khi xem xét mối quan hệ giữa những hành động và tuyên bố trước đó của ông Trump trong vòng 18 tháng qua, Herry Blodget cho rằng có thể những gì chúng ta đã thấy cũng chính là những gì chúng ta sẽ nhận được trong tương lai./.