Thành phố biển Nha Trang không chỉ sở hữu nhiều thắng cảnh, đảo du lịch lớn nhỏ mà còn chiêu đãi du khách các món ăn ngon miệng.
1. Bún chả cá
Đây là món ăn nổi tiếng của thành phố biển Nha Trang, món ăn đơn giản với nước dùng trong, chả cá và những sợi bún loại nhỏ xíu. Chả cá ngon và nổi tiếng do làm từ cá tươi, đảm bảo độ dai. Nguyên liệu là cá thu, cá mối, cá cờ… thường được chế biến thành hai loại là chả hấp và chả chiên.
Bên cạnh đó, nước dùng luôn có vị ngọt thanh do được nấu từ xương cá tươi, thường là xương cá thu, cá cờ hoặc những loại cá nhỏ nổi tiếng của vùng biển miền Trung như cá chỉ vàng, cá liệt… Ăn bún chả cá phải ăn kèm với tương ớt. Vị ngọt, cay nồng của tương ớt tăng thêm hương vị cho chả cá, để sự ngon miệng gần như được thể hiện trọn vẹn.
2. Bún sứa
Sứa nấu bún phải chọn loại nhỏ bằng đầu ngón tay cái, màu trắng đục, mình dày, nhìn giống như cơm trái dừa nước. Bún sứa ngon còn ở nước dùng được nấu bằng cá liệt, loại cá chỉ lớn chừng ba ngón tay với phần đuôi thắt lại trông như cái nơ, không xương nhỏ và ngọt lừ. Ăn thấy thanh và không ngán. Thành phần nước dùng còn có vị ngọt của chả cá tiết ra. Khi thưởng thức, thực khách sẽ có cảm nhận trọn vẹn nước dùng ngọt thanh, sứa giòn giòn, mát lạnh và vị cay ở ớt tạo nên cái ngon tuyệt vời.
3. Bún cá dầm
Thành phần chính của món ăn là cá dầm, đây là đặc sản nổi tiếng của Khánh Hòa rất được ưa thích. Ngoài ra, bát bún còn có chả cá và nước dùng. Không nấu từ xương heo như các loại bún khác, nước dùng bún cá dầm được nấu từ chính xương của loại cá này nên có vị ngọt thanh rất tự nhiên. Ăn kèm là đĩa rau sống được thái nhỏ đặc trưng của người dân Nha Trang.
4. Nem Ninh Hòa
Thành phần chính của nem là thịt lợn tươi vừa mới mổ xong, lạng bỏ hết gân, rửa sạch, lau khô bằng vải sạch và thái từng lát mỏng. Sau đó cho thịt và gia vị như: muối, tiêu, đường, bột ngọt vào cối quết thật nhuyễn, quết càng nhanh tay thịt càng săn chắc lại thì nem càng ngon. Trong công đoạn chế biến nem người ta không quên thêm da heo thái mỏng vào. Nem Ninh Hòa được gói bằng lá chùm ruột hoặc lá khế… Lựa những chiếc lá còn non xanh để để tạo mùi thơm. Nem sau khi gói xong được để nơi thoáng mát qua hôm sau là có thể dùng được.
5. Bánh căn
Có hình dáng gần giống với chiếc bánh khọt của người miền Nam. Nguyên liệu chính để làm bánh căn là gạo. Gạo được ngâm mềm, xay thành bột và đổ chín trên những chiếc khuôn bánh bằng đất nung. Nhân của bánh căn rất phong phú và đa dạng, có nhiều loại như: thịt, trứng, nấm, mực, tôm… mỗi loại nhân mang đến cho người ăn cảm giác ngon miệng khác nhau. Nước chấm bánh căn có màu đỏ tươi, được pha hơi sánh và có vị chua ngọt hơi cay rất ngon miệng. Bánh căn được ăn chung với các loại rau sống như xà lách, rau cải, húng quế, diếp cá và xoài xanh thái thành sợi nhỏ.
6. Bánh ướt
Nổi tiếng và được nhiều người biết đến nhất là bánh ướt Diên Khánh, một huyện giáp ranh với thành phố Nha Trang. Người dân Khánh Hòa thường ăn bánh ướt không với nước mắm chua ngọt, tuy nhiên, bạn có thể thưởng thức món ăn này với thịt nướng, thịt heo quay, lòng heo, tôm, nem…
7. Bánh bèo
Cũng như bánh ướt, bánh bèo cũng được làm từ bột gạo. Ăn bánh bèo không thể thiếu tôm cháy. Màu vàng của tôm tăng thêm sự đẹp mắt, thơm ngon cho món ăn. Bánh bèo hấp dẫn với màu trắng của bột gạo, màu vàng rộm của tôm cháy sẽ tròn vị hơn với chén nước mắm ngọt cay xé lưỡi, là chất xúc tác làm cho món ăn dân dã này trở nên ngon miệng.
8. Bánh đập
Món ăn là sự kết hợp giữa bánh tráng nướng, bánh ướt, ăn kèm với thịt nướng hoặc bạn có thể ăn với thịt luộc hay lòng lợn… Ăn bánh đập không thể thiếu chén mắm nêm với vị cay đặc trưng của người dân miền biển. Ghép một miếng bánh tráng nướng và bánh ướt lại, thoa lên bề mặt một ít mỡ hành, tôm cháy, sau cùng là thịt nướng hay thịt luộc… gập đôi, chấm vào chén mắm nêm và thưởng thức. Cái giòn rụm của bánh tráng, cái mềm dẻo của bánh ướt hòa quyện vào nhau trong cái đậm đà của mắm nêm, miếng thịt nướng chín vàng, thơm phức đem lại cảm giác ngon miệng rất thích thú.
No comments:
Post a Comment