Bài thuyết trình là sơ lược kết quả nghiên cứu của nhóm cô về yếu tố chung quyết định thành công của nhiều người thuộc các lĩnh vực khác nhau.
Angela Lee Duckworth hiện là Tiến sĩ Tâm lý học ở ĐH Pennsylvania và đang là giáo sư ở khoa Tâm lý của trường.
Khi tôi 27 tuổi, tôi từ bỏ một công việc yêu cầu rất khắt khe trong ngành tư vấn quản lý để làm một công việc còn đòi hỏi khắt khe hơn: dạy học. Tôi dạy toán lớp 7 ở các trường công của thành phố New York. Và giống như những giáo viên khác, tôi làm các bài kiểm tra, trắc nghiệm. Tôi giao bài tập về nhà, chấm điểm.
Điều khiến tôi ấn tượng là IQ không phải là khác biệt duy nhất giữa những học sinh xuất sắc nhất và những học sinh kém nhất. Một số học sinh xuất sắc nhất của tôi không có chỉ số IQ cao vót. Một số đứa thông minh nhất thì lại không phải là những học sinh xuất sắc nhất. Và điều đó khiến tôi suy nghĩ. Những thứ mà bạn cần học trong môn toán lớp 7, dĩ nhiên là khó: tỷ số, số thập phân, diện tích hình bình hành. Tuy vậy, những kiến thức này không phải là không thể học được. Tôi tin chắc rằng tất cả học sinh của mình đều có thể tiếp thu được những kiến thức này nếu chúng học tập đủ chăm chỉ và đủ lâu.
Sau vài năm dạy học, tôi rút ra kết luận rằng, thứ mà chúng ta cần trong giáo dục là việc học sinh hiểu bài và học tập tốt hơn. Trong giáo dục, có một thứ mà chúng ta có thể đo lường chính xác nhất là IQ. Nhưng điều gì sẽ xảy ra nếu việc thành công ở trường học và thành công trong cuộc sống phụ thuộc vào một yếu tố khác thay vì khả năng học tập nhanh và dễ dàng?
Vì thế tôi đã rời bục giảng để học tập và trở thành một nhà tâm lý học. Tôi bắt đầu nghiên cứu cả những đứa trẻ và người lớn đang học tập và làm việc ở những nơi thách thức nhất. Và trong mọi nghiên cứu, câu hỏi của tôi là ai là người thành công ở đây và tại sao.
Nhóm nghiên cứu của tôi đã tới Học viện Quân đội West Point. Chúng tôi cố gắng đoán xem học viên nào sẽ theo học đến cùng và học viên nào sẽ bỏ giữa chừng. Chúng tôi tới National Spelling Bee và thử đoán xem đứa trẻ nào sẽ tiến xa nhất trong cuộc thi. Chúng tôi tìm hiểu những giáo viên trẻ đang làm việc ở những khu vực khó khăn, hỏi xem giáo viên nào tiếp tục dạy cho đến cuối năm học, và ai là người làm việc hiệu quả nhất? Chúng tôi hợp tác với các công ty tư nhân, khảo sát xem những nhân viên bán hàng nào gắn bó với công việc, ai là người có thu nhập cao nhất?
Và điểm chung của những người thành công trong tất cả những công việc này không phải là IQ, không phải là ngoại hình đẹp, không phải là thể chất hay khả năng hoạt động xã hội, mà là sự bền bỉ.
Sự bền bỉ là niềm đam mê, là tính kiên trì với những mục tiêu dài hạn. Bền bỉ là sức chịu đựng. Bền bỉ là gắn bó với công việc, không phải tính theo tuần, tháng, mà là năm. Bền bỉ là làm việc chăm chỉ để biến tương lai trở thành sự thật. Bền bỉ là sống một cuộc đời giống như một cuộc chạy marathon, chứ không phải là chạy nước rút.
Cách đây vài năm, tôi bắt đầu nghiên cứu về sự bền bỉ trong các trường công của Chicago. Tôi đã hỏi hàng ngàn học sinh trung học để xác định sự bền bỉ của họ, sau đó đợi hơn 1 năm sau để xem ai sẽ tốt nghiệp.
Với tôi, điều gây “sốc” nhất là việc chúng ta biết quá ít về nó, khoa học biết quá ít về nó và cách để phát triển đức tính này. Hằng ngày, các bậc phụ huynh và giáo viên hỏi tôi rằng “Tôi phải làm gì để phát triển tính cách này ở trẻ?”. Câu trả lời thành thật là, tôi không biết.
(Cười)
Điều mà tôi biết chắc chắn là tài năng không giúp bạn thành người bền bỉ. Dữ liệu của chúng tôi cho thấy rất rõ rằng có nhiều cá nhân tài năng không đủ kiên trì thực hiện những cam kết của mình. Thực tế, theo dữ liệu của chúng tôi, tính bền bỉ thường không liên quan hoặc thậm chí trái ngược với mức độ tài năng.
Cho đến nay, ý tưởng hay nhất mà tôi từng nghe về việc xây dựng tính bền bỉ ở trẻ nhỏ là cái gọi là “tư duy trưởng thành” (growth mindset) - một ý tưởng được phát triển ở ĐH Stanford bởi Carol Dweck và đó chính là niềm tin khẳng định rằng khả năng học tập là không giới hạn, rằng nó có thể thay đổi nhờ nỗ lực của bạn.
Tiến sĩ Dweck đã chỉ ra rằng khi trẻ đọc và học về bộ não và cách mà nó thay đổi, phát triển để đáp ứng những đòi hỏi, trẻ sẽ kiên trì hơn nếu chúng thất bại, bởi vì chúng không tin rằng thất bại là một tình trạng vĩnh viễn.
Vì thế “tư duy trưởng thành” là một ý tưởng hay để xây dựng tính bền bỉ. Nhưng chúng ta cần nhiều hơn thế. Đó là việc mà chúng ta phải làm. Chúng ta cần đưa ra những ý tưởng hay nhất của mình, những trực giác mạnh nhất của mình và chúng ta cần kiểm tra chúng. Chúng ta cần phải biết mình có thành công hay không, có sẵn sàng thất bại hay sai lầm hay không để bắt đầu lại với những bài học được rút ra.
Nói cách khác, chúng ta cần bền bỉ trong việc giúp trẻ xây dựng tính cách bền bỉ.
Cảm ơn các bạn.
- Nguyễn Thảo(Theo TED)
- http://vietnamnet.vn/vn/giao-duc/289887/bai-thuyet-trinh-8-trieu-luot-xem-ve-chia-khoa-cua-thanh-cong.html
No comments:
Post a Comment