Monday, June 5, 2017

HOANG TƯỞNG- RỐI LOẠN SUY NGHĨ

1.Khái niệm về  hoang tưởng :
Hoang tưởng  ( rối loạn suy nghĩ) là những ý tưởng, phán đoán sai lầm, không phù hợp với thực tế khách quan, do bệnh tâm thần gây ra nhưng người bệnh cho là hoàn toàn chính xác, không thể giải thích phê phán được. Hoang tưởng chỉ mờ nhạt hay mất đi khi nào bệnh thuyên giảm hay khỏi.
2. Hoang tưởng có những đặc tính cơ bản sau:
- Tính lập luận sai lầm: trong ý nghĩ hoang tưởng của mình, người bệnh có lập luận nhưng cơ sở logic đã bị rối loạn, những nguyên tắc đã được xác định sai lầm, dẫn đến kết luận sai lầm.
- Sự tin tưởng vững chắc, tính cố định: mặc dù những ý tưởng , phán đoán rất mâu thuẫn với thực tế nhưng người bệnh có sự tin tưởng vững chắc như một chân lý không thể bác bỏ được.
- Sự chi phối của hoang tưởng: hoang tưởng chiếm toàn bộ ý thức người bệnh, chi phối mạnh mẽ hành vi của họ.
3. Hoang tưởng được hình thành và tiến triển như sau:
- Khí sắc hoang tưởng: người bệnh lo lắng, chờ đợi một cái gì bất thường sẽ đến với mình, một mối nguy hiểm đang đe doạ tính mạng và cuộc đời họ, mà họ không tự giải thích được.
- Tri giác hoang tưởng: người bệnh nhìn thấy những sự vật, những người xung quanh có một cái gì đặc biệt khác thường liên quan đến số phận họ.
- Suy đoán hoang tưởng: dần dần người bệnh tìm thấy cái gì đặc biệt khác thường đó có ý nghĩa ngày càng rõ ràng và giải thích nó theo suy đoán của mình.
- Hoang tưởng kết tinh: hoang tưởng hình thành và ngày càng được củng cố thành hệ thống vững vàng, cố định.
- Hoang tưởng tan biến: hoang tưởng có thể biến đi một cách tự phát hay do điều trị hoặc tan rã trong trí tuệ sa sút.
Nguồn gốc của hoang tưởng có thể từ định kiến hay ám ảnh trở thành, từ ảo giác mà hình thành hoặc hiện tượng duy nhất của một bệnh loạn thần còn sót lại (hoang tưởng di chứng). Hoang tưởng suy đoán thường kéo dài và làm biến đổi sâu sắc nhân cách của người bệnh, ảnh hưởng rất nhiều đến các thành phần hoạt động tâm thần khác.
4. Phân loại hoang tưởng:
Có hai cách phân loại chính: theo nguồn gốc phát sinh và theo phương thức kết cấu.
-         Theo nguồn gốc phát sinh:
. Hoang tưởng tiên phát: hoang tưởng phát sinh không liên quan đến rối loạn tri giác. Ngày trước còn gọi là “ điên trí tuệ đơn chứng”. Nội dung loại hoang tưởng này rất đa dạng, thường là những hoang tưởng phát minh, hoang tưởng cải cách, hoang tưởng ghen tuông, hoang tưởng kiện cáo, hoang tưởng bị theo dõi, hoang tưởng nghi bệnh…
. Hoang tưởng thứ phát: hoang tưởng xuất hiện trên cơ sở rối loạn tri giác, rối loạn cảm xúc hay rối loạn ý thức.
Nổi bật là các khái niệm hình tượng, các tính chất bị động về trí tuệ vốn là bản chất của những ước mơ. Đó là đặc trưng của loại hoang tưởng này.
-        Theo phương thức kết cấu:
.  Hoang tưởng suy đoán:
Rối loạn chủ yếu là quá trình nhận thức lýtính, tức là rối loạn khả năng nhận thức các mối liên hệ bên trong của sự vật, hiện tượng, trong khi đó nhận thức cảm tính không bị rối loạn.
Đặc điểm của hoang tưởng này là bền vững và tiến triển, nó phát triển thành hệ thống và làm biến đổi nhân cách một cách sâu sắc.
. Hoang tưởng cảm thụ:
ở đây không những nhận thức lý tính mà cả nhận thức cảm tính cũng bị rối loạn. hoang tưởng xuất hiện sau các rối loạn tri giác, cảm xúc hay rối loạn ý thức. ở người bệnh có ý tưởng rời rạc không kế tục, cảm xúc căng thẳng, bàng hoàng ngơ ngác. Nhân cách người bệnh không bị hoang tưởng làm biến đổi nhiều.
4.1 Các loại hoang tưởng suy đoán:
Nội dung vô cùng phong phú, tất cả ước mơ, khuynh hướng, lo lắng, sợ hãi của con người đều có thể trở thành chủ đề hoang tưởng  suy đoán.
- Nhóm hoang tưởng bị truy hại, bị chi phối:
. Hoang tưởng liên hệ: thường phát sinh sớm trước hoang tưởng bị hại, người bệnh nghĩ rằng mọi việc xung quanh đều có mối liên hệ mật thiết với mình. Khi thấy hai người nói chuyện với nhau thì cho rằng đang bàn tán về mình, nghĩ rằng người ta nhìn mình một cách đặc biệt, xem thường mình, chế diễu mình... Những thái độ, lời nói của người xung quanh, người bệnh đều suy diễn cho là ám chỉ mình.
. Hoang tưởng bị hại: người bệnh khẳng định một người nào đó, một nhóm người nào đó theo dõi và tìm cách ám hại mình như bỏ thuốc độc vào thức ăn, nước uống, tổ chức bắt giam, ám sát, lấy hết của cải,v.v.
Đối tượng mà người bệnh nghi ám hại thường là những người thân cận nhất như: cha mẹ, vợ chồng, các con, bạn đồng nghiệp, thủ trưởng,v.v.
. Hoang tưởng bị chi phối: người bệnh cho rằng có người nào đó dùng quyền thế, phù phép hay một phương tiện nào đó để chi phối toàn bộ tư tưởng, hành vi, cảm xúc của mình. ý tưởng bị chi phối thường là thành phần chủ yếu của hội chứng tâm thần tự động và kèm theo ảo giác giả.
Hoang tưởng bị chi phối thông qua các phương tiện vật lý như dòng điện, tia tử ngoại, quang tuyến, siêu âm,  tia lare,v.v. Hoang tưởng này thường kèm theo ảo giác xúc giác, nội tạng.
. Hoang tưởng ghen tuông: người bệnh dựa vào những hiện tượng vô lý hay những bằng chứng không rõ rệt, khẳng định vợ hay chồng mình có quan hệ bất chính với người khác, phản bội mình. Hành vi của họ luôn luôn bị lôi cuốn vào sự tìm tòi những biểu hiện về sự bội bạc đó (kiểm tra thư từ, ảnh, ví, áo quần, bố trí người theo dõi...).
- Nhóm hoang tưởng tự ty, tự phủ định:
. Hoang tưởng tự buộc tội: người bệnh tự cho mình phạm sai lầm lớn, có phẩm chất xấu, có nhiều tội lỗi... đáng bị trừng phạt. Hoang tưởng tự buộc tội thường đưa đến ý tưởng và hành vi tự sát.
. Hoang tưởng nghi bệnh: người bệnh tự cho mình bị bệnh lây nhiễm (giang mai, lao, HIV/AIDS...) bệnh ung thư,v.v.Và đưa ra một loạt bằng chứng về các bệnh này. Họ liên tục đi khám bệnh, làm các xét nghiệm và mỗi lần thấy kết quả âm tính, họ không tin vào sự thăm khám đó.
- Nhóm hoang tưởng khuyếch đại:
. Hoang tưởng tự cao: người bệnh cho mình thông minh, tài giỏi, xuất chúng, việc gì cũng làm được, có sức lực mạnh mẽ không ai bằng ... Họ cho mình có thể chỉ huy được quân đội trên thế giới, có địa vị cao, quyền lực lớn, giầu có nhất trên đời, vàng bạc vô kể,v.v...
. Hoang tưởng phát minh: người bệnh luôn luôn nghĩ ra những phát minh mới, độc đáo, kỳ lạ về khoa học, triết học, y học, cải cách xã hội.v.v đem trình bày với mọi người, tìm cách thuyết phục họ thừa nhận.
. Hoang tưởng được yêu: người bệnh cho rằng có nhiều người yêu mình say mê đắm đuối, tìm mọi cách để biểu lộ tình yêu với mình một cách tượng trưng, nhưng người bệnh không yêu ai.
4.2. Các loại hoang tưởng cảm thụ:
- Hoang tưởng nhận nhầm: nhận người lạ là người thân hoặc người thân là người lạ. Khi bố mẹ đến thăm, người bệnh không thừa nhận mà cho rằng đó là người lạ, giả dạng bố mẹ mình. Ngược lại, người lạ đến bệnh viện thì người bệnh cho là bố mẹ mình. Đôi khi họ nhận nhân viên, bệnh nhân khác là những người thân thích.
- Hoang tưởng gán ý: người bệnh gán cho sự vật hiện tượng tự nhiên một ý nghĩa riêng: báo hiệu cho tương lai số phận của mình. Ví dụ: trên đường đi gặp một cái hố thì họ cho rằng hố là tượng trưng cho huyệt chôn người và báo hiệu rằng họ sẽ chết trong một ngày gần đây...
Hoang tưởng gán ý khác với hoang tưởng liên hệ ở chỗ: hoang tưởng gán ý là một hoang tưởng cảm thụ xây dựng trên một hiện tượng, một sự việc của thực tại, nhưng tri giác điều đó như một dấu hiệu tượng trưng chứ không liên hệ suy đoán theo một lôgich lệch lạc như trong hoang tương liên hệ (hoang tưởng suy đoán). Người bệnh có hoang tưởng liên hệ khi gặp cái hố trên đường, nghi ngờ rằng có ai đào hố làm cho mình rơi xuống gẫy chân.
Hoang tưởng gán ý thuộc loại hoang tưởng cảm thụ, còn hoang tưởng liên hệ thuộc loại hoang tưởng suy đoán.
- Hoang tưởng đóng kịch (còn gọi là hoang tưởng đổi dạng): người bệnh thấy xung quanh như những cảnh trên sân khấu, trong phim ảnh, đóng kịch ... những người xung quanh là những nhân vật luôn thay đổi vai.
Ba loại hoang tưởng nhận nhầm, gán ý và đóng kịch có liên quan mật thiết với nhau.
- Hoang tưởng biến hình bản thân: người bệnh cảm thấy cơ thể mình đã biến thành hình chim, hình thú vật hay cây cỏ. Hoang tưởng này thường kèm theo rối loạn cảm giác bản thể, ảo giác giả và liên quan với hoang tuởng bị chi phối.
Thường  gặp  trong hội chứng tâm thần tự động.
- Hoang tưởng kỳ quái:
.Nội dung khuếch đại với tính chất hưng cảm; người bệnh ở trạng thái cảm xúc hưng phấn, khí sắc vui vẻ. Người bệnh như đang hưng phấn, khí sắc vui vẻ. Người bệnh như đang sống trong cảnh thần tiên, sống trong một thế giới giầu sang vô kể, đang đứng ra giàn xếp những mâu thuẫn quốc tế, v.v...
Gặp trong hội chứng Paraphrenia cấp và có thể gặp trong liệt toàn thể tiến triển.
.Nội dung phủ định có tính chất trầm cảm: kèm theo cảm xúc buồn rầu, lo lắng; cũng xây dựng trên những hình tượng, biểu tượng kỳ quái, rộng lớn. Thường gọi là hội chứng Cotard với các nội dung sau đây:
Đau khổ vô biên: tất cả người thân đều chết, nhà cửa tan nát, người bệnh đau khổ hàng thế kỷ,v.v...
Phủ định ngoại cảnh: toàn thế giới bị ngập lụt, hàng loạt thành phố bị sụp đổ, tất cả đều tan hoang,v.v...
Phủ định bản thân ( hoang tưởng hư vô): nội tạng bị hư hỏng, không có tim, óc, dạ dày, v.v...
Thường gặp trong bệnh tâm thần phân liệt, có thể gặp trong loạn thần trước tuổi già, loạn thần do tai biến mạch máu não, v.v...
5. Hoang tưởng  di chứng:
Là  những hoang tưởng còn sót lại sau những trạng thái loạn thần cấp, khi các triệu chứng tâm thần khác đã mất. Thường gặp sau các trạng thái rối loạn ý thức: mê sảng, mê mộng, lú lẫn,v.v...
Hoang tuởng di chứng không phát triển thêm, nhưng cứ tồn tại cho đến khi nào người bệnh đột nhiên phê phán được trạng thái sai lệch trong tư duy mình thì lúc ấy hoang tưởng mới mất.
Kết luận: hoang tưởng là một triệu chứng loạn thần của một bệnh tâm thần nào đó ví dụ như : tâm thần phân liệt, trầm cảm, rối loạn cảm xúc, loạn thần do rượu, ngáo đá (loạn thần do ma tuý đá), động kinh tâm thần... Khi xuất hiện triệu chứng hoang tưởng, gia đình nên đưa bệnh nhân đến Bs chuyên khoa tâm thần để khám và có phác đồ điều trị thích hợp.

Lời giải cho chứng bệnh "nghe thấy giọng nói lạ" trong đầu

Người mắc chứng bệnh lạ này luôn nghe thấy tiếng nói lạ văng vẳng bên tai mặc dù họ đang ở một mình hay không có bất cứ ai nói ở bên cạnh.

Đã có khá nhiều trường hợp được ghi nhận trên thế giới về hiện tượng nghe thấy một giọng nói lạ ở trong đầu. 

Cụ thể hơn, những bệnh nhân gặp phải hội chứng này thường nghe thấy tiếng nói lạ văng vẳng bên tai, trong đầu dù khi đó họ đang ở một mình hay không có bất cứ ai nói ở bên cạnh.


Theo thường lệ, loại ảo giác này hay đi kèm với các rối loạn tâm thần và chúng có thể là triệu chứng của bệnh tâm thần phân liệt, rối loạn lưỡng cực hay suy nhược cơ thể. 

Theo các chuyên gia, đây được coi là một căn bệnh tâm thần, hay còn gọi là ảo giác thính giác. Tuy nhiên theo nghiên cứu của các nhà khoa học Hà Lan, nhiều người khỏe mạnh cũng gặp phải trường hợp này. 

Một vài thống kê cho thấy, số người nghe thấy tiếng nói trong đầu không hề ít, chiếm đến khoảng 4% dân số. Vậy chính xác “căn bệnh” này là như thế nào và tiếng nói ấy bắt nguồn từ đâu?


Có một cách giải thích phổ biến cho rằng, “tiếng nói trong tâm” của một người bằng cách nào đó có thể trở nên to hơn, dần biến thành một giọng nói vang vọng trong đầu. 

Cách này sẽ giải thích lý do tại sao không hề có một loại sóng âm nào tác động mà con người vẫn cảm nhận được tiếng nói. Tuy nhiên cách giải thích này lại không trả lời được trong các trường hợp mà giọng nói xuất phát từ một người hoàn toàn khác lạ.

Nhiều nhà tâm lý học đã đưa ra giả thuyết rằng, có lẽ chúng ta phải nghĩ xa hơn, bỏ qua âm thanh và nguyên lý “nghe” của con người mà cần tập trung vào khái niệm “giao tiếp”. 


Nhiều người bệnh bày tỏ rằng, những tiếng nói họ nghe thấy gần như là “vô thanh”. 

Ví dụ như một người gặp “ảo giác thính giác” đã chia sẻ, “Rất khó để có thể miêu tả làm sao tôi nghe được giọng nói đó nhưng các từ ngữ và cảm xúc tôi nhận được đều rất rõ ràng, mạch lạc và khó có thể nhầm lẫn được. Chúng thậm chí còn rõ hơn cả những tiếng nói bình thường”.

Một lý do khác để loại bỏ yếu tố âm thanh vật lý là bởi vì những “tiếng nói” cũng có thể xảy ra ở những người điếc bẩm sinh. 


Jo Atkinson - một nhà nghiên cứu ở London đã thực hiện nhiều nghiên cứu quan trọng liên quan đến “trường phái ngữ âm” của đa số bác sĩ về hiện tượng này. 

Cô đã tìm ra rằng, người điếc bẩm sinh có thể đôi khi nhìn thấy những hình ảnh thị giác mơ hồ giống như đang có người giao tiếp bằng ngôn ngữ ký hiệu hay nói bằng môi với họ. 

Có lúc họ còn nhìn thấy chữ. Trong thế giới của người điếc thì đây cũng có thể coi là “tiếng nói trong đầu”.


Nhưng nhiều người lại nghi ngờ và đặt câu hỏi, vậy tại sao lại là “giao tiếp”? Điều kiện của một cuộc đàm thoại là có người nói và người nghe, hiểu. Tuy nhiên khái niệm này không chỉ bao gồm những tiếng động được phát ra mà còn cả mục đích giao tiếp.  

Liên kết điều này với những tiếng vọng, phải nhấn mạnh là thứ người bệnh nghe được là một phát ngôn, chứ không phải một câu nói bất kì. Có nghĩa là nó có mục đích giao tiếp. Phải chăng, đây là có một chủ thể khác đằng sau giọng nói và tiếng nói cất lên hoàn toàn có mục đích.


Trên thực tế, khi nghe thấy một giọng nói, con người sẽ ngay lập tức tìm cách để hiểu chúng. Đây chính là quá trình tự giải thích mà chúng ta thường sử dụng để tìm ra “người nói” đằng sau các tiếng vọng. 

Để làm điều này, người nghe phải xem xét mục đích giao tiếp của câu nói tại thời điểm nghe được. Chính vì thế mà giống như mục đích giao tiếp, một chủ thể của tiếng nói này luôn tồn tại.


Lấy ví dụ như khi một người nghe thấy trong đầu tiếng nói “Anh ta là kẻ thua cuộc”, nếu câu nói không có liên quan gì đến hoàn cảnh hay tình huống thực tế thì nó không phải là một “câu nói” và sẽ không để lại ấn tượng. 

Tuy nhiên với người gặp “ảo giác thính giác” thì những giọng nói này luôn có ý nghĩa nào đó và họ luôn ngầm hiểu được giọng nói muốn ám chỉ cái gì. 

Điều này cho thấy rằng, người nghe có thể đã tạo ra một “người nói”, cũng như ý định giao tiếp của giọng nói.


Với cách tiếp cận này, trải nhiệm nghe thấy tiếng nói ở đây được coi là một cuộc trò chuyện hơn là cảm giác về mặt thính giác. 

Và theo đó, giọng nói trong đầu luôn phải đến từ một chủ thể khác, với một mục đích giao tiếp cụ thể. Điều này chỉ ra rằng, các nhà tâm lý học cần phải có một cách tiếp cận khác trong việc chữa trị căn bệnh ảo giác thính giác này.

Trái ngược với nỗ lực làm cho những âm thanh này biến mất, việc các nhà tâm lý học cần làm đó là thay đổi mối quan hệ của người nghe với chủ thể của giọng nói. Bắt nguồn từ quan niệm này mà hai phương pháp tiếp cận mới đã được đưa ra. 


Phương pháp đầu tiên là đối thoại bằng giọng nói: bác sĩ tâm lý có thể khuyến khích người bệnh lặp lại những gì giọng nói phát ra nhằm tìm cách giao tiếp với giọng nói đó. 

Một phương pháp khác là phương pháp đại diện. Các bác sĩ tâm lý sẽ khuyến khích người nghe tạo ra một hình ảnh đại diện của chủ thể giọng nói, từ đó giao tiếp với nó như với một con người thực sự. Cả hai cách này đang cho thấy nhiều kết quả hứa hẹn.


Tuy nhiên cũng phải nhắc lại rằng, không chỉ có những người bệnh tâm thần mới trải nghiệm hiện tượng kì lạ này. Nghiên cứu đã cho thấy, bất kỳ ai cũng có thể nghe thấy những tiếng vọng, đặc biệt là khi bị stress. 

Vì vậy đừng hoảng loạn khi bạn gặp phải trường hợp này, bởi nó có thể là một tín hiệu thông báo rằng, cơ thể bạn đang trong trạng thái vô cùng mệt mỏi và cần thời gian nghỉ ngơi mà thôi.

(Nguồn: Io9, Livescience, Wikipedia...)

Wednesday, April 26, 2017

Nhật phát tài liệu hướng dẫn đề phòng Triều Tiên tấn công hạt nhân

Chính phủ Nhật Bản phát hành tài liệu hướng dẫn cư dân phản ứng trong trường hợp Triều Tiên tấn công phủ đầu bằng vũ khí hạt nhân.


nhat-phat-tai-lieu-huong-dan-de-phong-trieu-tien-tan-cong-hat-nhan
Nhật đang áp dụng nhiều biện pháp đề phòng tấn công hạt nhân. Ảnh: Daily Caller.
Chính phủ Nhật Bản đang áp dụng nhiều biện pháp nhằm bảo vệ cư dân trước mối đe dọa từ tên lửa và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Một trong số đó là phát hành tài liệu hướng dẫn cách phản ứng trong trường hợp Bình Nhưỡng sử dụng vũ khí hạt nhân để tấn công Nhật Bản, National Interest ngày 25/4 đưa tin.
Tài liệu này mở đầu bằng việc khẳng định Nhật Bản đang đối mặt với mối đe dọa nghiêm trọng tới nền hòa bình, bao gồm việc phổ biến các loại vũ khí hủy diệt hàng loạt và tên lửa đạn đạo. Quân đội Nhật Bản khẳng định rất khó xác định mục tiêu và loại vũ khí được sử dụng khi bị tấn công phủ đầu, khiến nước này có rất ít thời gian phản ứng.
Ngoài việc hướng dẫn cư dân trú ẩn, tài liệu cũng đề cập tới việc cấp cứu, điều trị người bị thương. Chính phủ Nhật cũng liệt kê từng hình thức tấn công như đột kích bởi lực lượng đặc nhiệm, tấn công phủ đầu bằng tên lửa đạn đạo và không quân, hoặc đổ bộ quy mô lớn của đối phương.
Tokyo khẳng định hệ thống cảnh báo "J-alert" có thể cho người dân 10 phút để phản ứng. Chính phủ Nhật Bản khuyên người dân sử dụng thời gian đó để tìm những tòa nhà kiên cố và công trình dưới lòng đất để trú ẩn. Tuy nhiên, chuyên gia quân sự Ryan Pickrell cho rằng lời khuyên này không thực sự hữu ích. Con số này sẽ bị rút ngắn đi nhiều trong một cuộc tấn công thực sự.
nhat-phat-tai-lieu-huong-dan-de-phong-trieu-tien-tan-cong-hat-nhan-1
Người dân được hướng dẫn cách sơ tán. Ảnh: Kokuminhogo.
"Tên lửa không thể được phát hiện cho đến khi rời bệ phóng. Tùy vào từng trường hợp, hệ thống cảnh báo chỉ có thể hoạt động trước khi tên lửa tiếp cận mục tiêu khoảng 4 đến 5 phút", Thị trưởng thành phố Osaka Hirofumi Yoshimura phát biểu.
Triều Tiên từng chứng minh khả năng tấn công Nhật Bản vào đầu tháng 3. Nước này phóng 4 tên lửa đạn đạo vào vùng biển ngoài khơi Nhật Bản. Bình Nhưỡng tuyên bố đó là đợt diễn tập tấn công căn cứ quân sự Mỹ tại Nhật.
Người dân Nhật Bản tỏ ra lo lắng về mối nguy hiểm từ Triều Tiên. Việc kinh doanh hầm trú bom nguyên tử đang bùng nổ. Một công ty sản xuất hầm trú ẩn cho biết họ thường chỉ nhận được 6 đơn hàng/năm, nhưng đã nhận tới 8 đơn hàng chỉ trong một tháng qua.  Nhiều người bắt đầu mua máy lọc không khí có khả năng chống lại bức xạ và khí độc.
Trang thông tin chính phủ Nhật về những việc cần làm nếu bị Triều Tiên tấn công nhận được hơn 2,6 triệu lượt xem trong tháng này, so với 450.000 lượt xem của tháng trước.
Hạ Vy
http://vnexpress.net/tin-tuc/the-gioi/quan-su/nhat-phat-tai-lieu-huong-dan-de-phong-trieu-tien-tan-cong-hat-nhan-3576154.html