|
Wednesday, October 26, 2022
VNINDEX - BỨC TRANH TOÀN CẢNH MỐC 1000 ĐIỂM
Tuesday, October 25, 2022
Vì sao có căn cước công dân gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử?
TTO - Theo Bộ Công an, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm...
Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thắc mắc tại sao có căn cước công dân gắn chip rồi vẫn cần tài khoản định danh điện tử, điều này có gây lãng phí, phát sinh thêm nhiều thủ tục phiền hà hay không...?
Về việc này, Bộ Công an cho hay, hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.
Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng.
Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.
Mặt khác, Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.
Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.
Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước.
Ngoài ra, công dân khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần như trước đây.
Việc này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.
Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế...
Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…).
Theo Bộ Công an, danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân (mã số trên căn cước công dân), họ, tên đệm và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký thường trú; ảnh chân dung và vân tay.
Tài khoản định danh điện tử bao gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này đã được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.
Khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử, công dân cần chuẩn bị căn cước công dân gắn chip còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất căn cước công dân gắn chip hoặc căn cước công dân quá hạn thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp căn cước công dân gắn chip tại cơ quan công an.
Công dân cần chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ mà công dân muốn đăng ký tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cung cấp cho cơ quan công an.
DANH TRỌNG
Bộ Công an cảnh báo 8 thủ đoạn lừa đảo qua mạng
Theo Cục Cảnh sát hình sự Bộ Công an, tội phạm lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng chiếm tỷ lệ ít trong cơ cấu tội phạm hình sự nhưng gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, chiếm đoạt hàng ngàn tỉ đồng mỗi năm.
Lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, phức tạp
Trao đổi với Thanh Niên, đại diện Cục Cảnh sát hình sự (C02) Bộ Công an cho biết, thời gian qua, tình hình tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến hoạt động lừa đảo chiếm đoạt tài sản vẫn diễn biến phức tạp, với thủ đoạn tinh vi, xảy ra tại nhiều địa phương, trên nhiều lĩnh vực và đặc biệt là lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng có chiều hướng gia tăng.
Theo thống kê, hàng năm, toàn quốc xảy ra khoảng 2.000 vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Tuy chỉ chiếm tỷ lệ khoảng 4% trong cơ cấu tội phạm hình sự, nhưng loại tội phạm lừa đảo này gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, số tiền bị chiếm đoạt lên tới hàng ngàn tỉ đồng; có vụ số người bị hại lên đến hàng chục ngàn người, hoặc một người bị chiếm đoạt hàng chục tỉ đồng chỉ trong thời gian ngắn.
Gần đây, Công an tỉnh Thanh Hóa triệt phá băng nhóm lừa đảo chiếm đoạt tài sản với thủ đoạn sử dụng công nghệ cao, lập sàn giao dịch tiền ảo trên trang web tradenew.io với tổng số tiền giao dịch trên 1.000 tỉ đồng, chiếm đoạt tiền của người đầu tư. Công an Thanh Hóa cũng triệt phá nhóm đối tượng lập sàn thương mại điện tử Bigbuy24h.com để chiếm đoạt tài sản do Nguyễn Văn Anh (40 tuổi, trú Q.Long Biên, Hà Nội) cầm đầu, với tổng số tiền chiếm đoạt hơn 517 tỉ đồng…
Hay Công an Hà Tĩnh đấu tranh triệt phá đường dây lừa đảo chiếm đoạt tài sản qua mạng bằng hình thức tuyển cộng tác viên bán hàng online, bắt giữ, triệu tập 83 đối tượng, khởi tố 41 bị can...
Công an tỉnh Bắc Ninh phối hợp với C02 phá chuyên án, bắt nam sinh lớp 12 cầm đầu cùng 7 đồng phạm có hành vi hack, chiếm quyền sử dụng tài khoản Facebook, sau đó lừa các nạn nhân là người quen của chủ tài khoản chuyển tiền vào tài khoản do nhóm đối tượng chỉ định. Chuyên án này, các đối tượng đã lừa hơn 10 tỉ đồng của hơn 100 bị hại trên cả nước.
Đây là những vụ án lớn mới được triệt phá, cho thấy tình trạng tội phạm lừa đảo qua mạng hoạt động ngày càng tinh vi và diễn biến phức tạp.
Tội phạm lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, nguy hiểm, gây thiệt hại lớn TN |
Vì sao tội phạm lừa đảo có xu hướng gia tăng?
Đại diện C02 cho biết, nguyên nhân tội phạm lừa đảo vẫn tồn tại và có xu hướng gia tăng là do công tác tuyên truyền chưa được sâu, rộng dẫn đến việc người dân chưa hiểu biết, cập nhật đầy đủ, chính xác thông tin về quy hoạch, chế độ, chính sách xã hội, đầu tư sản xuất... Một số bộ phận người dân nhận thức pháp luật còn hạn chế, nhất là ở vùng sâu, vùng xa thiếu hiểu biết về chủ trương, chính sách và nhẹ dạ cả tin, hám lợi… để tội phạm có cơ hội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.
Bên cạnh đó, một số văn bản quy phạm pháp luật trên một số lĩnh vực liên quan còn chưa đầy đủ, thiếu đồng bộ, chưa phù hợp với thực tiễn nên tội phạm lừa đảo lợi dụng hoạt động.
Ngoài ra, công tác quản lý nhà nước trong một số lĩnh vực như tài chính, ngân hàng, an ninh mạng, đất đai, công chứng… còn tồn tại sơ hở, thiếu sót. Quy định của pháp luật về xử lý tội phạm và vi phạm pháp luật liên quan đến lừa đảo chiếm đoạt tài sản còn một số khó khăn, vướng mắc trong việc áp dụng, xử lý chưa được hướng dẫn, sửa đổi, bổ sung kịp thời.