Showing posts with label cccd. Show all posts
Showing posts with label cccd. Show all posts

Tuesday, October 25, 2022

Vì sao có căn cước công dân gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử?


TTO - Theo Bộ Công an, việc sử dụng tài khoản định danh điện tử sẽ đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm...

Vì sao có căn cước công dân gắn chip vẫn cần tài khoản định danh điện tử? - Ảnh 1.

Công an làm thủ tục cấp căn cước công dân cho người dân - Ảnh: DANH TRỌNG

Hiện nay, nhiều người dân vẫn còn thắc mắc tại sao có căn cước công dân gắn chip rồi vẫn cần tài khoản định danh điện tử, điều này có gây lãng phí, phát sinh thêm nhiều thủ tục phiền hà hay không...?

Về việc này, Bộ Công an cho hay, hiện nay việc định danh và xác thực cá nhân khi thực hiện các giao dịch ngoài đời thực chủ yếu dựa trên một số giấy tờ nhân thân đã được quy định như chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân, hộ chiếu.

Trong khi đó, việc giải quyết thủ tục hành chính trên môi trường điện tử hiện nay cũng chưa có cơ chế để định danh, xác thực thông tin người dùng bảo đảm tính chính xác, đồng nhất, có kiểm chứng.

Điều này ảnh hưởng trực tiếp đến hiệu quả cung cấp và sử dụng dịch vụ hành chính công trực tuyến.

Mặt khác, Bộ Công an với vai trò là cơ quan quản lý dân cư nhận thấy cần có trách nhiệm trong việc xác thực, định danh công dân trên môi trường điện tử, góp phần xác định chính xác thông tin công dân, phục vụ công tác quản lý, phòng chống tội phạm, phòng chống dịch bệnh.

Bên cạnh đó, việc ứng dụng định danh và xác thực điện tử đối với cá nhân còn đáp ứng yêu cầu quản lý đối với giao dịch điện tử trên môi trường mạng nhằm hạn chế hoạt động lừa đảo, chiếm đoạt tài sản, xâm phạm danh dự, nhân phẩm, uy tín gây mất an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội.

Công dân có thể ngồi tại nhà để thực hiện nhiều dịch vụ công (đã được tích hợp trên ứng dụng định danh điện tử), mà không cần phải trực tiếp đến trụ sở các cơ quan nhà nước.

Ngoài ra, công dân khi sử dụng danh tính điện tử, hệ thống sẽ tự động điền thông tin của công dân vào các đăng ký mà không phải khai báo, điền thông tin nhiều lần như trước đây. 

Việc này giúp tiết kiệm được nhiều thời gian, chi phí cho các loại biểu mẫu kê khai, giảm nhiều khâu thủ tục cần giải quyết.

Công dân có thể thay thế căn cước công dân vật lý và các loại giấy tờ mà công dân đăng ký tích hợp hiển thị trên ứng dụng định danh điện tử quốc gia như: giấy phép lái xe, đăng ký xe, thẻ bảo hiểm y tế...

Công dân có thể thực hiện các giao dịch tài chính (thanh toán hóa đơn điện, nước, đóng bảo hiểm xã hội, y tế, chuyển tiền…).

Theo Bộ Công an, danh tính điện tử của công dân Việt Nam gồm số định danh cá nhân (mã số trên căn cước công dân), họ, tên đệm và tên, ngày, tháng, năm sinh, giới tính, quốc tịch, nơi đăng ký thường trú; ảnh chân dung và vân tay.

Tài khoản định danh điện tử bao gồm tên đăng nhập (là mã số định danh cá nhân của công dân) và mật khẩu (được gửi qua tin nhắn SMS cho mỗi cá nhân). Tài khoản này đã được Bộ Công an xác thực thông qua hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư, đảm bảo tính chính xác, duy nhất và không thể giả mạo.

Khi thực hiện các thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử, công dân cần chuẩn bị căn cước công dân gắn chip còn thời gian hiệu lực. Trường hợp công dân mất căn cước công dân gắn chip hoặc căn cước công dân quá hạn thì có thể thực hiện thủ tục đăng ký cấp tài khoản định danh điện tử kèm cấp căn cước công dân gắn chip tại cơ quan công an.

Công dân cần chuẩn bị thông tin về các loại giấy tờ mà công dân muốn đăng ký tích hợp vào tài khoản định danh điện tử để cung cấp cho cơ quan công an.

DANH TRỌNG


Tuesday, July 5, 2022

Có được dùng song song CMND còn hạn khi đã được cấp CCCD gắn chip?

Có được dùng song song CMND còn hạn khi đã được cấp CCCD gắn chip?

Thực tế có rất nhiều người hiện đang có hai giấy tờ tuỳ thân là Chứng minh nhân dân (CMND) còn nguyên vẹn, còn hạn sử dụng và Căn cước công dân (CCCD) gắn chip mới được cấp. Việc sử dụng song song cả hai loại giấy tờ này có được phép?

CMND còn hạn có phải đổi CCCD gắn chip không?

Hiện nay, người dân vẫn đang sử dụng cả Căn cước công dân mã vạch, Căn cước công dân gắn chip, Chứng minh nhân dân 9 số, Chứng minh nhân dân 12 số làm giấy tờ tuỳ thân chứng minh những đặc điểm riêng của mỗi công dân về lai lịch, nhân dạng gồm những nội dung:

- Họ và tên khai sinh, tên gọi khác (nếu có).

- Ngày tháng năm sinh.

- Đặc điểm nhân dạng, giới tính.

- Dân tộc, quê quán, nơi thường trú.

Tuy nhiên, hiện nay, trên cả nước đã thống nhất chỉ cấp CCCD gắn chip cho công dân nếu người dân yêu cầu đổi, cấp lại loại giấy tờ tuỳ thân này. Và với người đang sử dụng CMND, căn cứ Điều 5 Nghị định 05/1999/NĐ-CP, công dân phải làm CCCD trong trường hợp:

- CMND hết hạn.

- CMND hư hỏng đến mức độ không còn sử dụng được nữa.

- Khi công dân thay đổi họ tên chữ đệm hoặc ngày tháng năm sinh.

- Khi Công dân thay đổi nơi đăng ký hộ khẩu thường trú ra khỏi phạm vi tỉnh.

- Khi công dân thay đổi đặc điểm nhận dạng như tẩy xoá sẹo, nốt ruồi, phẫu thuật thẫm mỹ…

- Khi CMND cũ bị mất.

Bên cạnh đó, khoản 1 Điều 1 Nghị định 170/2007/NĐ-CP cũng nêu rõ, CMND có giá trị sử dụng trong vòng 15 năm kể từ ngày cấp. Đồng thời, khoản 2 Điều 38 Luật Căn cước công dân cũng khẳng định, CMND đã được cấp trước ngày 1/1/2016 vẫn còn hạn thì được sử dụng cho đến hết 15 năm kể từ ngày cấp.

Như vậy, có thể thấy, pháp luật không bắt buộc công dân đang sử dụng CMND còn thời hạn sử dụng phải đổi sang CCCD gắn chip. Hay nói cách khác, người dân có thể tiếp tục sử dụng CMND của mình cho hết khi hết hạn mới cần đi đổi hoặc nếu thuộc một trong các trường hợp nêu trên.

CMND còn hạn có được dùng song song với CCCD không?

Khoản 3 Điều 11 Thông tư 59/2021/TT-BCA nêu rõ, thu lại Chứng minh nhân dân, thẻ Căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.

Đồng thời, khoản 8 Điều 5 Thông tư 60/2021/TT-BCA cũng quy định, thu hồi Chứng minh nhân dân, Căn cước công dân cũ đối với trường hợp công dân làm thủ tục đổi từ Chứng minh nhân dân sang thẻ Căn cước công dân, đổi thẻ Căn cước công dân.

Như vậy, theo quy định này, khi đổi từ CMND sang CCCD thì người dân sẽ bị thu hồi thẻ CMND cũ nên sẽ không thể sử dụng song song cả CMND và CCCD gắn chip mới.

Do hai Thông tư này được áp dụng từ ngày 1/7/2021 nhưng trước đó, Bộ Công an đã triển khai cấp CCCD gắn chip cho công dân. Do đó, thời điểm trước, vẫn rất nhiều người khi đổi sang CCCD gắn chip thì chỉ bị cắt góc CMND cũ mà không bị thu hồi lại hoặc thậm chí còn bị "bỏ sót" không cắt góc.

Do đó, thực tế có rất nhiều người hiện đang có hai giấy tờ tuỳ thân là CMND còn nguyên vẹn, còn hạn sử dụng và CCCD gắn chip mới được cấp. Và nhiều người đã sử dụng song song cả hai loại giấy tờ này.

Tuy nhiên, theo quy định mới nhất ở trên, sau khi cấp CCCD sẽ phải thu hồi CMND. Đồng nghĩa, CMND sẽ không còn giá trị sử dụng dù còn nguyên vẹn và còn hạn sử dụng.

Do đó, nếu người nào vẫn có cả CMND và CCCD thì nên sử dụng CCCD để tránh trường hợp sau này phải thực hiện các thủ tục thay đổi thông tin thành số CCCD.