Tuesday, December 7, 2021

Thưởng cổ phiếu cho nhân viên hay chiêu móc túi nhà đầu tư nhỏ lẻ?


Các chuyên gia tài chính nhận định nhiều doanh nghiệp đang bóp méo mục đích của việc phát hành cổ phiếu ESOP cho người lao động, dẫn đến phản ứng của nhà đầu tư nhỏ lẻ.

Chương trình phát hành cổ phiếu cho người lao động (ESOP) với giá mua thấp hơn nhiều so với giá trị thị trường ngày càng được nhiều doanh nghiệp đại chúng lựa chọn. Tuy nhiên, ESOP cũng là một vấn đề thường xuyên được nhà đầu tư chất vấn lãnh đạo doanh nghiệp tại các kỳ đại hội cổ đông. 

Gần đây, Đất Xanh thông báo phát hành 7 triệu cổ phiếu ESOP giá 0 đồng nhưng nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường. Sau đó, công ty này phải điều chỉnh giá mua ESOP thành 10.000 đồng. Hay công ty bất động sản DIC Corp (mã cổ phiếu DIG) thông báo phát hành 15 triệu cổ phiếu ESOP giá 15.000 đồng nhưng 4 thành viên trong hội đồng quản trị (HĐQT) được quyền mua tới hơn 90% lượng cổ phiếu ưu đãi này.

Lý do cổ đông nhỏ khó chịu

Ông Huỳnh Minh Tuấn, Giám đốc Môi giới Công ty Chứng khoán Mirae Asset, chia sẻ phương án phát hành ESOP thường đi kèm điều kiện hạn chế chuyển nhượng trong nhiều năm để giữ chân nhân sự. Nếu nhân viên nghỉ việc trong thời gian này, công ty sẽ mua lại ESOP với giá bằng giá phát hành.

Do đó, muốn thật sự nhận được khoản tiền thưởng bằng việc bán cổ phiếu ESOP, nhân viên phải cam kết gắn bó lâu dài với công ty.

Phương án này cũng giúp người lao động tránh một phần thuế. Vì khác với tiền thưởng, sở hữu cổ phiếu không phải nộp thuế thu nhập cá nhân. Nhân viên chỉ bị đánh thuế khi bán cổ phiếu. 

Tuy nhiên, việc doanh nghiệp phát hành thêm cổ phiếu với giá rẻ cho nhân viên sẽ dẫn tới hiện tượng pha loãng giá, gây hại cho nhà đầu tư nhỏ lẻ. Kèm theo đó là hiệu ứng tăng cung cổ phiếu khiến giá có xu hướng sụt giảm sau thông tin ESOP.

Ông Huỳnh Minh Tuấn nêu nhiều lý do khiến cổ đông nhỏ lẻ thường phản ứng trước các kế hoạch ESOP. Tại nhiều doanh nghiệp Việt, ban lãnh đạo, nhóm đối tượng nhận ESOP nhiều nhất cũng đồng thời là cổ đông lớn của doanh nghiệp. 

"Lúc này, ESOP trở thành phương án ném tiền từ túi này sang túi khác, nhưng tránh được thuế và móc túi cổ đông nhỏ lẻ qua việc phát hành giá rẻ", chuyên gia chứng khoán này phân tích. 

Ông Tuấn cũng đánh giá cơ chế phát hành ESOP của nhiều doanh nghiệp không minh bạch, đa phần là ủy quyền cho HĐQT. Kết quả là nhiều doanh nghiệp chỉ phát hành ESOP tập trung cho lãnh đạo và không có thời gian hạn chế chuyển nhượng. Cổ đông nhỏ khó có thể tác động quyết định vì chỉ chiếm tỷ lệ biểu quyết thấp.

Thưởng cổ phiếu cho nhân viên hay chiêu móc túi nhà đầu tư nhỏ lẻ?
Cổ phiếu Đất Xanh nhận phản ứng tiêu cực từ thị trường sau thông tin phát hành ESOP 0 đồng (Ảnh: DXG).

"Đây là tình huống gây khó chịu nhất cho cổ đông nhỏ vì ngay lập tức có một lượng cổ phiếu từ trên trời rơi xuống sẵn sàng chốt lời trên đầu mình, thẳng tay móc túi mình", ông Tuấn nói. 

Chuyên gia này nhận định kể cả trong trường hợp phương án ESOP phát huy vai trò giữ chân nhân tài với quy mô nhân sự được thưởng cổ phiếu đủ lớn và thời gian hạn chế chuyển nhượng dài vẫn có thể làm cổ đông khó chịu. Vì không phải nhà đầu tư nhỏ lẻ nào cũng đủ kiên nhẫn theo đuổi giá trị dài hạn của doanh nghiệp. Trong khi họ khó chấp nhận những hiệu ứng tiêu cực ngắn hạn của ESOP.

"Lợi ích dài hạn là khái niệm vô chừng"

Trao đổi với phóng viên Dân trí, Tiến sĩ Hồ Quốc Tuấn (Đại học Bristol, Anh) nhận định ESOP luôn là một chủ đề nhạy cảm và gây tranh cãi ngay cả ở nước ngoài. Về mặt tốt, ESOP là cách để doanh nghiệp thưởng xứng đáng cho đội ngũ nhân sự để giữ chân họ, đặc biệt với những công ty nơi nguồn nhân lực giữ vai trò chủ chốt như trong các lĩnh vực công nghệ, khởi nghiệp. 

"Nếu nguồn nhân lực được nuôi dưỡng tốt, cổ đông có thể chấp nhận đánh đổi lợi ích trước mắt để lấy tăng trưởng dài hạn. Tuy nhiên, lợi ích dài hạn là một khái niệm vô chừng và phụ thuộc hoàn toàn vào cách thiết kế ESOP", Tiến sĩ Tuấn nêu quan điểm.

Ông chia sẻ nếu những khoản thưởng cổ phiếu ESOP chỉ tập trung trong tay một số lãnh đạo doanh nghiệp, nhà đầu tư đương nhiên sẽ đặt dấu hỏi về mục đích của ESOP để giữ chân nhân tài hay là cách lãnh đạo, cổ đông lớn "rút ruột" công ty, gây tổn hại cho cổ đông nhỏ.

"Người ta có thể mượn chiêu bài công ty cổ phần không chỉ phục vụ mục tiêu cao nhất là mang lại giá trị cho cổ đông mà còn phải phục vụ khách hàng, nhân viên, xã hội, môi trường để bóp méo thành công ty chuyên phục vụ lợi ích ban lãnh đạo công ty. Đây là điều đã diễn ra ở nước ngoài và đang được cảnh báo", Tiến sĩ Tuấn cho hay.

Theo ông, ở nhiều nước, ESOP là phương án rất phổ biến, đặc biệt với các công ty công nghệ. Vấn đề kế toán của ESOP và tác động của nó đến giá trị doanh nghiệp là chủ đề nóng. Các doanh nghiệp quốc tế cũng đang nâng dần tính minh bạch và các tiêu chí để phát hành ESOP. Một giải pháp cụ thể là thành lập ủy ban lương thưởng có cổ đông độc lập thật sự và đại diện của người lao động. 

"Cách này giúp lập ra các tiêu chí công việc (KPI) hợp lý cho lãnh đạo cũng như cấu trúc lương thưởng hợp lý. Nhờ đó, tránh được hiện tượng lãnh đạo công ty tự quyết việc trả lương và thưởng cho mình vô tội vạ, rút ruột công ty làm giàu cho mình", TS Tuấn phân tích. 

(Theo Dân Trí)

Sunday, December 5, 2021

Theo dõi, trộm xe bằng AirTags

Thiết bị theo dõi đồ vật tránh thất lạc AirTags của Apple đang được sử dụng ngày càng nhiều trong các vụ trộm xe có chủ đích ở Canada, nhắm chủ yếu đến các xe hạng sang.

Theo cảnh sát khu vực York (Canada), AirTag được tội phạm sử dụng như một phương thức mới nhằm theo dõi vị trí xe.

Cụ thể, khi những xe này đỗ ở bãi đỗ xe hay trung tâm thương mại, kẻ gian tiếp cận và gắn AirTag ở vị trí khuất tầm nhìn, chẳng hạn nắp bình xăng, nắp của móc kéo... để chủ xe không phát hiện. Thiết bị định vị của  Apple giúp kẻ gian có thể biết điểm đến của xe hay nhà của chủ nhân, từ đó thực hiện các vụ trộm

Các đối tượng sau khi biết vị trí chiếc xe sẽ lên kế hoạch cụ thể, cũng như các phương pháp để lọt qua hệ thống an ninh ngôi nhà và "bẻ khóa" chiếc xe.

Kể từ tháng 9.2021, chỉ riêng các sĩ quan cảnh sát ở vùng York đã điều tra 5 vụ việc nghi phạm sử dụng thẻ AirTags trong các vụ trộm xe cao cấp.

Saturday, December 4, 2021

Xóa ngay những ứng dụng di động này nếu không muốn mất tài khoản ngân hàng


Một nghiên cứu được thực hiện bởi công ty an ninh mạng ThreatFainst cho thấy những mã độc này đã xuất hiện từ tháng 6 đến nay. Theo các chuyên gia bảo mật tại ThreatFainst, những mã độc này thuộc loại "trojan droppers". Vì thế, hệ thống quét virus của CH Play đã không thể phát hiện ra chúng.

Những mã độc này được ngụy trang thành một số loại phần mềm như ứng dụng quét mã QR, ứng dụng đọc tập tin PDF hay ví tiền điện tử. Ước tính, có hơn 300.000 thiết bị đã bị ảnh hưởng bởi các mã độc này. 

Xóa ngay những ứng dụng di động này nếu không muốn mất tài khoản ngân hàng - 1

Thời gian gần đây, nhiều công ty an ninh mạng liên tục phát hiện ra các ứng dụng độc hại trên CH Play (Ảnh: PhoneArena).

Các báo cáo cho biết những mã độc này có thể lấy cắp mật khẩu ngân hàng hoặc mã xác thực của nạn nhân. Chúng thậm chí còn ghi lại thao tác từ bàn phím và âm thầm chụp ảnh màn hình thiết bị.

Dưới đây là danh sách một số ứng dụng có chứa các loại mã độc trên:

Two Factor Authenticator (package name com.flowdivision)

Protection Guard (com.protectionguard.app)

QR Scanner 2021 (com.qr.code.generate)

QR Scanner (com.qr.barqr.scangen)

PDF Document Scanner - Scan to PDF (com.xaviermuches.docscannerpro2)

PDF Document Scanner (com.docscanverifier.mobile)

QR CreatorScanner (com.ready.qrscanner.mix)

Master Scanner Live (com.multifuction.combine.qr)

PDF Document Scanner Free (com.doscanner.mobile)

CryptoTracker (cryptolistapp.app.com.cryptotracker)

Gym and Fitness Trainer (com.gym.trainer.jeux)

Master Scanner Live (leaf.leave.exchang)

Gym and Fitness Trainer (gesture.enlist.say)

PDF AI: Text Recognizer (com.uykxx.noazg)

QR CreatorScanner (com.cinnamon.equal)

QR CreatorScanner (com.tag.right)

Thời gian gần đây, các công ty bảo mật đã phát hiện ra rất nhiều ứng dụng, phần mềm độc hại trên nền tảng Android. Trước đó, công ty phần mềm an ninh mạng Avast cũng đưa ra cảnh báo về một chiến dịch lừa đảo có tên UltimaSMS.

Chiến dịch này bao gồm 151 ứng dụng lừa đảo, tấn công vào các smartphone Android. Những ứng dụng này đã ngụy trang thành các phần mềm như trình chỉnh sửa ảnh, bộ lọc máy ảnh, trò chơi hoặc công cụ quét mã QR. Những ứng dụng này sẽ tự động đăng ký các dịch vụ SMS với chi phí đắt đỏ.

Thế Anh

Theo PhoneArena


See more: 

https://phungthanhtuan.blogspot.com/2021/10/10-trieu-smartphone-android-bi-nhiem-ma.html