Chỉ trong ngày 23-4, nhóm nhà đầu tư ở TP HCM đã tổng hợp và nộp lên cơ quan công an hơn 400 đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản do đầu tư sàn giao dịch Coolcat vừa bị sập.
Chiều tối 23-4, chị A.M, đại diện nhóm nhà đầu tư bị lừa mất tiền khi giao dịch qua sàn ảo Coolcat, cho biết hôm nay nhóm đã tới cơ quan công an ở TP HCM để nộp đơn tố cáo bị chiếm đoạt tài sản.
Số đơn này được gửi từ nhiều người trên khắp cả nước, trong đó nhiều nhất là ở TP HCM. Kể từ khi sàn kiếm tiền ảo Coolcat bị sập, ước tính số lượng nhà đầu tư bị lừa lên tới khoảng 65.000 người (dựa vào số ID của người chơi), thiệt hại lên tới vài ngàn tỉ đồng.
Chỉ riêng nhóm nhà đầu tư do chị A.M nhận đơn, đã có trên 400 đơn với người bị thiệt hại ít nhất là khoảng 11 triệu đồng và người nặng nhất lên tới 1,8 tỉ đồng.
"Sáng nay, nhóm các nhà đầu tư tập trung ở một quán cà phê tại quận 1, TP HCM để gom hơn 400 đơn tố cáo bằng giấy, trong khi nếu tính trên số lượng đơn online trong những ngày qua thì rất nhiều" – chị A.M nói.
Theo các nhà đầu tư, thời điểm lên cơ quan công an, đại diện cán bộ nhận đơn cho biết tuần trước, cơ quan công an cũng nhận được khoảng 60 đơn của nhà đầu tư bị lừa và đã thụ lý, bắt đầu điều tra vụ việc. Với số lượng đơn tiếp tục tăng như hiện nay, các nhà đầu tư kỳ vọng vụ việc sẽ được cơ quan chức năng đẩy nhanh tiến độ điều tra và họ lấy được phần nào vốn đã bỏ ra.
Như Báo Người Lao Động đã phản ánh, theo website quảng cáo hình thức kiếm tiền online https://www.coolcat.com.vn và https://coolcatvietnam.com (các trang này hiện không thể truy cập), khi người chơi nộp tiền và tham gia chơi trên thị trường giao dịch Bitcoin (vào thứ bảy và chủ nhật hằng tuần) và thị trường XAU (giá vàng quốc tế) từ thứ hai tới thứ sáu, mỗi ngày sẽ hưởng lãi trung bình 2%, tương ứng với số tiền đầu tư theo các gói bảo hiểm định sẵn.
Nhưng để được tham gia giao dịch có bảo hiểm 100% vốn, nhà đầu tư phải bỏ ra một số tiền đầu tư để đạt được một cấp độ trong các gói bảo hiểm mà Coolcat đưa ra. Để tạo sự tin tưởng cho các nhà đầu tư, sàn giao dịch này còn tổ chức sự kiện quảng bá ra mắt Coolcat ở Việt Nam vào cuối năm 2020 tại một khách sạn 5 sao ở TP HCM...
"Khi các nhà đầu tư tới địa chỉ văn phòng của Coolcat ở quận Bình Thạnh để tìm ông chủ thật sự, nhân viên bảo vệ nói họ chỉ thuê địa chỉ để lập văn phòng ảo, thực chất không hoạt động" – một nhà đầu tư buồn bã kể.
Không chỉ Coolcat, vài ngày trước, nhiều nhà đầu tư cũng bị mất tiền do ứng dụng Shopping Mall cũng không thể truy cập sau những hứa hẹn thu nhập cao, hoa hồng lớn. Một ứng dụng kiếm tiền khác là Pchome – app đặt đơn ảo liên kết với các sàn thương mại điện tử để nhận hoa hồng. Nhưng thực tế, các app này không liên kết với sàn nào mà mục đích chủ yếu là dụ dỗ, lừa gạt người chơi.
Chị Hồng, ngụ ở một chung cư trên địa bàn quận 12, TP HCM, cho biết chung cư chị đang bàn tán xôn xao khi có nhiều người sập bẫy app ảo Pchome và mất tiền. "Rất nhiều người khác trong chung cư mất vài chục triệu đồng vì tin tưởng có thể kiếm nhiều tiền qua app Pchome. Nhóm các nạn nhân trên zalo cũng lên tới cả trăm người" – chị Hồng kể.
Người lao động