Friday, February 26, 2021

Hàng loạt công ty tốt nhất Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực đang nằm trong tay người Thái, chủ sở hữu gồm cả hoàng gia và các tỷ phú giàu nhất châu Á


Hàng loạt công ty tốt nhất Việt Nam thuộc nhiều lĩnh vực đang nằm trong tay người Thái, chủ sở hữu gồm cả hoàng gia và các tỷ phú giàu nhất châu Á

Tập đoàn SCG, thuộc sở hữu của hoàng gia Thái Lan; C.P Group nhà Chearavanont; TTC Group của ông chủ Charoen Sirivadhanabhakdi; Central Group nhà Chirathivat đều đang nắm trong tay những khoản đầu tư lớn tại Việt Nam, doanh thu mỗi năm của họ hàng tỷ USD.

Big C - hệ thống siêu thị lớn nhất Việt Nam; Sabeco – thương hiệu Việt thành công nhất trong lĩnh vực sản xuất bia; Redbull – công ty nước tăng lực bán 2 đồng lãi 1; C.P Group – thống trị lĩnh vực 3F tại một quốc gia thế mạnh nông nghiệp; Long Sơn – nhà máy lọc hoá dầu lớn nhất Việt Nam khi hoàn thành; hay tại Bến Tre, thủ phủ dừa, công ty lớn nhất mang tên Viet World…

Tất cả những doanh nghiệp kể trên có một điểm chung là đều thuộc sở hữu của những ông chủ Thái Lan. Các nhà đầu tư xứ sở chùa vàng tỏ ra rất hứng thú với việc đầu tư vào lĩnh vực tiêu dùng của Việt Nam, nơi mà tăng trưởng cao và dư địa rộng lớn.

Trên thực tế, người Thái đang nắm trong tay nhiều công ty tốt nhất Việt Nam trên nhiều lĩnh vực, thông qua cả đầu tư trực tiếp và mua bán sáp nhập.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 1.

Mô hình từ nông trại đến bàn ăn của C.P Group giúp doanh nghiệp này thu về hàng tỷ USD doanh thu tại Việt Nam. Như năm 2019, họ đạt gần 65.000 tỷ đồng. Ở vị thế này, chưa một công ty nội địa nào có thể vươn tới. 

Ứng cử viên sáng giá nhất, Masan MEATLife năm ngoái doanh thu mới ở mức trên 16.100 tỷ đồng. Thành viên của Tập đoàn Masan đang trong giai đoạn đầu của tiến trình 3F, phần lớn doanh thu của MEATLife đang đến từ mảng thức ăn chăn nuôi. Trang trại tại Nghệ An và hai nhà máy chế biến thịt mát mới chỉ hoàn thành trong vài năm gần đây.

Thông qua M&A, Tập đoàn SCG tạo nên một hệ sinh thái các lĩnh vực vật liệu xây dựng, nhựa, giấy, hóa dầu lớn nhất Việt Nam.

Nhiều cái tên nổi tiếng gồm nhà sản xuất gạch - gốm sứ Prime Group; nhựa Bình Minh, nhựa Duy Tân, nhựa TPC Vina; xi măng StarCemt; giấy Kraft Vina; bao bì Sovi, Batico… Đây đều là những công ty có hiệu quả sinh lời rất tốt, đồng loạt báo lãi năm 2019, trường hợp của Prime Group lãi gần 1.000 tỷ đồng, Kraft Vina và Nhựa Bình Minh lãi trên 400 tỷ đồng. Tổng doanh thu của nhóm SCG Việt Nam theo tính toán đạt gần 26.600 tỷ đồng năm 2019.

SCG đang trong quá trình đầu tư nhà máy lọc dầu Long Sơn sau nhiều năm đình trệ. Đây là dự án có tổng mức đầu tư 5,4 tỷ USD, dự kiến hoàn thành trong năm 2021. 

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 2.

Cuối năm 2017, ThaiBev bỏ ra gần 5 tỷ trong thương vụ thâu tóm nhà sản xuất bia Sabeco. Người sáng lập ThaiBev, Charoen Sirivadhanabhakdi, cũng là ông chủ tập đoàn TCC Group, Fraser and Neave, từ lâu đã nổi tiếng với nhiều khoản đầu tư vào Việt Nam.

TCC Group sở hữu công ty thương mại Phú Thái, hệ thống siêu thị MM Mega Market, cổ phần trong liên doanh khách sạn Melia, một trong những khách sạn 5 sao nổi tiếng nhất Hà Nội. Fraser and Neave cũng đang là một trong những cổ đông lớn tại Vinamilk, công ty sữa số một Việt Nam, với gần 17,7%.

Khoản đầu tư vào Sabeco, một thương hiệu quốc gia khiến cho ThaiBev giành được sự quan tâm đặc biệt. Doanh thu của Sabeco tiếp tục tăng trưởng ổn định trong hai năm tiếp theo sau khi về tay người Thái, nhưng họ gặp phải cú sốc lớn trong năm 2020 khiến tổng doanh thu sụt giảm gần 10.000 tỷ đồng. Mặc dù vậy, lợi nhuận của Sabeco vẫn vươn lên đỉnh cao mới do giảm mạnh giá vốn, siết chặt chi phí quản lý và gia tăng hiệu quả hoạt động…

Central Group là công ty Thái sở hữu hệ thống siêu thị quy mô số một Việt Nam – Big C. Họ cũng là ông chủ của Nguyễn Kim Trading, nhà thương mại điện tử top đầu cả nước; và Lan Chi Mart - hệ thống siêu thị tập trung vào đô thị cấp 2 và khu vực nông thôn.

Doanh thu của Big C Việt Nam tăng lên trên 16.600 tỷ đồng trong năm 2019, trong khi quy mô của Nguyễn Kim Trading cũng cỡ 9.500 tỷ đồng.

Trong số các công ty Thái Lan doanh thu lớn còn có sự xuất hiện của Siam City Cement, một trong số những nhà sản xuất xi măng hàng đầu. Doanh thu năm 2019 của ông chủ thương hiệu Insee hơn 5.350 tỷ đồng.

Đứng sau đội "kỵ binh" chinh chiến xứ người, các ông chủ Thái Lan đều có tiềm lực đáng nể.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 3.

Quốc vương Thái Lan - Maha Vajiralongkorn

Tập đoàn SCG thuộc sở hữu phần lớn bởi hoàng gia Thái Lan. Quốc vương Maha Vajiralongkorn được cho là một trong những nhà cầm quyền giàu có nhất thế giới, tài sản của ông ước tính giá trị 40 tỷ USD.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 4.

Dhanin Chearavanont - Chủ tịch cấp cao của C.P Group, người giàu nhất Thái Lan

Chủ sở hữu C.P Group, đế chế nông nghiệp không chỉ ở Thái Lan mà trên toàn Châu Á là gia đình Chearavanont. Tổng tài sản của gia tộc này được Forbes ước tính khoảng 36,6 tỷ USD, xếp thứ 4 trong số những gia tộc giàu có nhất châu Á năm 2017.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 5.

Charoen Sirivadhanabhakdi - Chủ tịch TCC Group

Chủ tịch của TCC Group, ông Charoen Sirivadhanabhakdi nắm trong tay đế chế đồ uống lớn mạnh nhất khu vực Đông Nam Á. Tài sản của ông này đang ở mức 13,3 tỷ USD, tỷ phú giàu thứ 3 Thái Lan.

Nhiều công ty tốt nhất Việt Nam doanh thu hàng tỷ USD đang nằm trong tay người Thái, ông chủ đứng sau gồm cả hoàng gia và các tỷ phú hàng đầu châu Á - Ảnh 6.

Tos chirathivat - Người điều hành Central Group

Nhà bán lẻ Central Group được sở hữu bởi gia đình Chirathivat, ước tính tổng giá trị tài sản 9,5 tỷ USD. Họ là nhà phát triển trung tâm thương mại lớn nhất Thái Lan, và xếp thứ 4 nước này về độ giàu có.

Trong những năm gần đây, các nhà đầu tư Thái Lan nổi lên với việc đầu tư hàng nghìn tỷ đồng vào các dự án năng lượng tái tạo ở Việt Nam. Những cái tên có thể để đến như Gunkul, Super Energy, Gulf, B.Grimm…

Bạch Mộc

Đổ xô đào Pi, người dùng thực sự không mất gì?


Số người tham gia đào Pi vẫn tăng nhanh theo từng ngày và cuộc thảo luận về đồng tiền ảo này vẫn hết sức sôi nổi. Đa số người chơi Pi đều có chung một tâm lý: "Miễn phí mà, không mất gì".

Dự án Pi Network khởi động từ ngày 14/3/2019 và sau 2 năm đến nay đã sở hữu một lượng người dùng "khủng" mà nhiều dự án tiền ảo khác mơ ước. 

Trang Fanpage của Pi Network vừa qua đã công bố đạt được 13 triệu người dùng trên toàn thế giới và ứng dụng này trên PlayStore đã có hơn 10 triệu lượt tải xuống.

Còn tại Việt Nam, đào Pi coin cũng hết sức rầm rộ khi không khó bắt gặp trên Facebook những hội nhóm có hàng trăm nghìn thành viên bàn luận về Pi, kêu gọi nhau đào Pi. Không chỉ ở thành thị mà tại nông thôn, trào lưu đào Pi coin và đầu tư các loại tiền ảo khác cũng đang rất sôi nổi. 

Theo lời giới thiệu trên sách trắng của dự án, Pi được xây dựng để trở thành "đồng tiền điện tử phổ biến nhất trên thế giới". Trong lộ trình phát triển được công bố, Pi chia làm ba giai đoạn, gồm giai đoạn thiết kế, thử nghiệm trên Testnet, và giai đoạn chính thức Mainnet. 

Điều đáng nói, người dùng có thể đào Pi từ điện thoại thông minh mà không cần đến dàn máy khủng giá trị hàng trăm triệu đồng để đào các đồng tiền điện tử khác như Bitcoin. Và chính điều này đã làm nên sức hút của Pi.

Bởi việc đào Pi hết sức đơn giản, không yêu cầu công sức hay chi phí. Người đăng ký thành công trên ứng dụng sẽ có 1 đồng Pi trong tài khoản, chỉ cần trong 24h vào ứng dụng một lần để "điểm danh" và số Pi sẽ tăng theo thời gian. Người dùng có thể tăng tỷ lệ nhận Pi bằng cách mời thêm bạn bè cộng đồng và tăng thu nhập bằng cách xây dựng vòng tròn bảo mật.

Hiện tại, Pi chưa thể đổi ra tiền và người đào cũng chưa thể rút Pi. Song cộng đồng đào Pi đã không khỏi xôn xao trước thông tin đã có người dùng Pi để trao đổi hàng hóa, với 500 Pi đổi lấy một chiếc xe mô tô Triumph 900 cc, tương đương với khoảng 100 triệu đồng. Chưa rõ thực hư vụ trao đổi này, nhưng nhiều người đã truyền tai nhau càng xem đó là cơ sở để củng cố niềm tin về tương lai của Pi. 

Giá trị của Pi hiện tại là 0. Nhưng nhiều người kỳ vọng Pi sẽ trở thành Bitcoin thứ hai, cũng từ một đồng tiền ảo giá trị bằng 0 sau 13 năm đã lên tới hơn 50.000 USD/BTC. Tất nhiên đến nay, giá trị và tương lai thật sự của Bitcoin vẫn là điều gây tranh cãi từ nhà đầu tư cho đến chuyên gia, chính trị gia. 

Anh Quý (Bình Dương), một người tham gia đào Pi cho biết: "Ngày xưa đã để mất cơ hội với Bitcoin, nên giờ cứ thử với Pi xem sao. Nếu sau này Pi lên giá thì quá tốt, còn không thì chơi cho vui. Đằng nào cũng không mất gì". Nói xong, người dùng này cũng không quên đọc code giới thiệu để kéo thêm người tham gia vào vòng tròn bảo mật.  

Việc đào Pi quá dễ và tương tự một mô hình đa cấp khi khuyến khích người dùng kêu gọi bạn bè tham gia đã khiến nhiều chuyên gia nghi ngờ về tính minh bạch và dấu hiệu lừa đảo của Pi Network.

Trên trang The Coins Post, chuyên gia M.Ali đánh giá, Pi Network giống một mô hình lừa đảo đa cấp. Người dùng không thể tự vào mạng lưới khai thác Pi mà phải thông qua mã giới thiệu. Và Pi cũng không phải là đồng tiền ảo đầu tiên đào được trên điện thoại thông minh như giới thiệu của dự án này, uPlexa và Electroneum đã làm trước đó.

Trên trang cá nhân của mình, TS. Đặng Minh Tuấn - chuyên gia Blockchain đã có nhiều bài viết nhấn mạnh sự thiếu minh bạch của Pi Network. "Một nguyên tắc bất di bất dịch trong blockchain là minh bạch, Mainnet cuối năm mới có nhưng dự án hiện đã có app mobile (PI Network) và backend server thì tại sao không mở mã nguồn để cộng đồng xem xét? Tại sao phải đóng?", ông Tuấn cho biết. 

Vị chuyên gia này cũng đặt ra câu hỏi, nếu mã nguồn đóng thì chủ dự án có thể tự thưởng cho mình hàng tỷ PI, thì ai biết được? Ngoài ra toàn bộ tiền của tất cả 13 triệu người đang nằm trong tay 1 hay 1 nhóm người, không ai kiểm soát được dự án của họ, cũng không có pháp luật nào bảo vệ cho người đào số tiền đó.

Ông Tuấn cho rằng đồng tiền Pi có nhiều vấn đề vì người dùng Pi có tài khoản, nhưng không có địa chỉ ví và khóa bí mật, như vậy, sau này sẽ không thể chuyển tiền hay tiêu được. Tiền chỉ được lưu trên điện thoại hoặc server tập trung, người quản trị có thể thay đổi và tạo ra bao nhiêu tiền tùy theo ý muốn. "Khi đó, đồng tiền cũng không còn giá trị gì", ông Tuấn nói.

Thế nhưng, số người tham gia đào Pi vẫn tăng theo từng ngày và cuộc thảo luận về đồng tiền này vẫn hết sức sôi nổi. Đa số người chơi Pi đều có chung một tâm lý là "Miễn phí mà, không mất gì". 

Quả thật, hiện tại người tham gia không mất gì về mặt tiền bạc mà chỉ phải trải qua KYC (định danh khách hàng) và họ chấp nhận rủi ro khi cung cấp thông tin người dùng. Bởi thực tế, những thông tin cá nhân cơ bản cũng đã cung cấp cho nhiều mạng xã hội và ứng dụng khác chứ không riêng Pi Network.

Song cũng phải lưu ý, ngoài quy trình KYC, Pi Network còn yêu cầu thu thập một lượng dữ liệu lớn của người dùng như Sửa đổi hoặc xóa nội dung trong bộ lưu trữ USB, Xem ID thiết bị và thông tin cuộc gọi, Đọc danh bạ hay Nhận dữ liệu từ Internet...

Luật sư Trương Thanh Đức cho biết, về pháp luật, để kết luận là 100% lừa đảo thì là phải lúc vỡ nợ ra, không thanh toán được, thất thoát, chiếm đoạt,...gây thiệt hại cho nhiều người. "Tuy nhiên, thông tin là tài sản quý giá, dữ liệu chính là tiền. Và vấn đề an ninh thông tin như chúng ta cũng biết là đã xảy ra nhiều nạn lừa đảo, tin tặc từ việc bị lộ dữ liệu cá nhân", ông nói. Dữ liệu được thu thập có thể bị bán cho bên khác mà không ai hay biết, và họ thể sử dụng dữ liệu đó cho những hành vi phạm pháp. Không chỉ Việt Nam mà trên thế giới, hành lang pháp lý với tiền ảo còn rất mơ hồ. Hiện nay, pháp luật không cấm mua bán tiền ảo, nhưng dùng tiền ảo để thanh toán thì không được phép. 

"Đa số đồng tiền ảo đều đánh vào lòng tham, ham muốn làm giàu nhanh chóng của con người. Chỉ khi mất tiền, bị thiệt hại thì có thể người tham gia mới dừng lại", ông Đức nói. 

Thị trường tiền ảo là thị trường vô cùng khó đoán và không có gì ràng buộc. Pi Network có phải là dự án lừa đảo hay không, và Pi có lên sàn thành công, trở thành "Bitcoin thứ hai" hay không, có lẽ chỉ thời gian mới cho người tham gia câu trả lời chính xác. 

Thu Thủy

Friday, February 19, 2021

Warren Buffett từng khẳng định Bill Gates có đi bán bánh mỳ kẹp thì cũng vẫn giàu, nguyên nhân nằm ở 2 bí quyết quản lý tài chính


Khi người đàn ông giàu nhất thế giới đang đong đếm sử dụng sao cho có lợi nhất từng đồng tiền của mình, thì những người bình thường như chúng ta đang làm gì? Của cải được tích lũy từ từng đồng từng hào, chỉ khi biết cách đỗi đãi với mỗi một đồng xu lẻ, chúng ta mới có thể "tích cát thành tháp" và tích lũy được cho mình khối tài sản khổng lồ.Cuối năm 2006, tạp chí Forbes của Mỹ công bố bảng xếp hạng hàng năm về giới siêu giàu trên thế giới, Chủ tịch Microsoft, Bill Gates trở thành người giàu nhất thế giới với tài sản ròng 50 tỷ USD. Bỏ học để thành lập Microsoft, trở thành người giàu nhất thế giới, Bill Gates chỉ mất 20 năm. Người được người Mỹ ca ngợi là "người ngồi trên đỉnh cao của thế giới", đã ngồi ở vị trí người giàu nhất thế giới suốt 12 năm liền.

Bill Gates rốt cuộc đã làm những gì trong suốt 20 năm để có được một sự nghiệp rực rỡ như vậy?

 Khi nói về Bill Gates, chuyên gia quản lý tài chính nổi tiếng thế giới, Warren Buffett đã nói rằng: "Nếu thứ mà Bill bán là bánh mì kẹp thịt thay vì phần mềm, Bill cũng dư sức trở thành ông vua bánh mì kẹp thịt của thế giới."

Ý của Warren Buffett là chính tài năng kinh doanh của Bill đã giúp ông trở thành người giàu nhất thế giới, bởi ông có những triết lý quản lý tài chính tuyệt vời riêng cho mình. Warren Buffett đã tóm tắt lại hai bí quyết tài chính của Bill Gates: một là không để trứng vào cùng một giỏ, hai là tận dụng tốt từng xu.

Warren Buffett từng khẳng định Bill Gates có đi bán bánh mỳ kẹp thì cũng vẫn giàu, nguyên nhân nằm ở 2 bí quyết quản lý tài chính - Ảnh 1.

Warren Buffett và Bill Gates

1. Không bỏ tất cả trứng vào cùng một giỏ

Bill Gates chắc chắn là một chuyên gia tài chính. Niềm tin vào tương lai của Microsoft đã mách bảo Bill Gates đầu tư phần lớn tài sản của mình vào cổ phiếu công ty, nhưng ông cũng vẫn sẽ khôn ngoan rút ra một số cổ phiếu ở mức giá tốt ở vào thời điểm thích hợp. Chẳng hạn, Bill Gates đã bán 1 triệu cổ phiếu Microsoft trên thị trường mở, thu về gần 27 triệu USD doanh thu. Không chỉ vậy, Bill Gates luôn quan niệm rằng quản lý tài chính luôn tồn tại rủi ro, và ông không bao giờ "bỏ trứng vào cùng một giỏ".

Chẳng hạn, Bill Gates bắt đầu đa dạng hóa đầu tư từ rất lâu trước khi bong bóng dot-com vỡ. Năm 1995, Bill Gates thành lập công ty đầu tư, theo thông tin thì đây là danh mục đầu tư do công ty quản lý trị giá 10 tỷ đô la Mỹ, và một phần lớn được đầu tư vào thị trường trái phiếu có thu nhập ổn định, chủ yếu là trái phiếu kho bạc.

Ngoài ra, Bill Gates cũng rất lạc quan về ngành kỹ thuật số và công nghệ sinh học, hai ngành đại diện cho nền kinh tế mới, nhưng ông cũng không loại trừ kinh tế truyền thống khi đầu tư, và ông đặc biệt coi trọng các lĩnh vực công nghiệp nặng ổn định. Bên cạnh đó, Bill Gates cũng thích đầu tư vào các công ty công ích có khả năng chịu đựng rủi ro thị trường mạnh. Sở thích sáng tạo khoa học của Bill Gates cũng khiến ông coi ngành dược phẩm và công nghệ sinh học là một hướng đầu tư quan trọng.

Warren Buffett từng khẳng định Bill Gates có đi bán bánh mỳ kẹp thì cũng vẫn giàu, nguyên nhân nằm ở 2 bí quyết quản lý tài chính - Ảnh 2.

2. Tận dụng tốt từng xu từng hào lẻ

Có người đã làm một tính toán như này: Tài sản của Bill Gates có thể mua 31,57 tàu con thoi hoặc 344 chiếc Boeing 747, có thể quay 268 bộ "Titanic", có thể mua 156.000 chiếc Rolls-Royce. Tuy nhiên, chi tiêu của Bill Gates lại khiến cả thế giới vô cùng kinh ngạc, vợ chồng ông rất tiết kiệm, thứ duy nhất có thể gọi là xa xỉ là căn biệt thự trị giá 53 triệu USD của họ ở ngoại ô Seattle. Nhưng dù vậy thì đồ đạc trong dinh thự cũng khá đơn giản, không lộng lẫy như người thường tưởng tượng. Nói về vấn đề này, Bill Gates chia sẻ: "Tôi muốn tiêu từng đồng tiền kiếm được sao cho thật đáng, tôi không muốn lãng phí dù chỉ là một xu".

Khi mua sắm, chúng ta phải tuân thủ nguyên tắc "thực dụng", không mua những thứ trước mắt không cần thiết, dù là đợt giảm giá lớn cũng không nên dao động. Nhiều người ham của rẻ, mua rau quả ăn không hết, mua quần áo giày dép rồi không mặc đến, kết quả chẳng nói cũng có thể tưởng tượng được. Có những thứ đắt tiền, bạn có thể chỉ sử dụng một hoặc hai lần, trong khi người khác lại cần dùng nó, vậy bạn có thể mua chúng cùng với hàng xóm, người thân hay bạn bè của mình, cách này không chỉ giúp tiết kiệm tiền mà còn giúp đồ đạc được tận dụng một cách tốt nhất.

Warren Buffett từng khẳng định Bill Gates có đi bán bánh mỳ kẹp thì cũng vẫn giàu, nguyên nhân nằm ở 2 bí quyết quản lý tài chính - Ảnh 3.

Người giàu có, họ sở dĩ giàu có không phải là không có lý do, tương tự, bạn mãi nghèo nàn cũng chẳng phải là ngẫu nhiên. Nếu bạn cảm thấy hài lòng với cuộc sống vừa đủ của mình, vậy thì bạn cứ sống như hiện tại là được, nhưng nếu muốn sống một cuộc đời vương giả, truyền kì, hãy bắt đầu thay đổi, lập kế hoạch và hành động ngay từ ngày hôm nay.

Hãy học hỏi từ những người thành công, nhớ rằng, đứng trên vai người khổng lồ bạn sẽ có thể nhìn xa hơn, bạn có thể không trở thành một Bill Gates version 2 nhưng bạn hoàn toàn có khả năng tạo ra một cuộc sống sung túc hơn hiện tại mà bạn hằng mong muốn.