Thursday, September 22, 2016

Ngân hàng bán lẻ hãy "dè chừng" với mô hình kinh doanh này!

Tâm lý tiêu cực của khách hàng khi phải trải qua quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe của Ngân hàng thương mại là tiền đề giúp mô hình này sẽ trở nên là đối thủ rất "nặng ký" với các ngân hàng bán lẻ truyền thống.

Ngân hàng bán lẻ hãy


Thế giới bùng nổ cho vay ngang hàng

Sàn giao dịch cho vay ngang hàng (Peer to Peer – P2P) là cơ chế cho vay trực tiếp và tín chấp, giúp người đi vay uy tín mượn tiền từ nhà đầu tư mà không cần qua trung gian. Đây là phương thức kết nối người có vốn và người cần vốn thông qua nền tảng trực tuyến mới cùng với hệ thống công nghệ tiên tiến. Các khoản vay thường là nhỏ (từ 5 triệu đến 300 triệu đồng) từ nhiều nhà cho vay khác nhau, với thời hạn trung bình từ 1 tháng đến 2 năm và mức lãi suất từ 10% đến 25%/năm tuỳ vào từng loại khách hàng.

Mô hình cho vay ngang hàng lần đầu tiên xuất hiện ở Anh, bùng nổ mạnh mẽ tại thị trường Mỹ và phát triển đạt đỉnh tại Trung Quốc.

Tháng 3/2005, Zopa là 1 sàn giao dịch P2P, được sáng lập tại Anh và được coi là website cho vay P2P đầu tiên trên thế giới, chuyên dành cho các cá nhân và đơn vị kinh doanh nhỏ lẻ. Đến 2006 và 2007, hai nhà cung cấp sàn giao dịch P2P khác tại Mỹ là Prosper và Lending Club ra đời, chiếm lĩnh thị phần khổng lồ tại thị trường cho vay ngang hàng tại Mỹ (khoảng 10 tỷ USD).

Tại Châu Á, Trung Quốc được biết đến là quốc gia đầu tiên phát triển mô hình cho vay mới mẻ này, ngay từ năm 2007. Tuy nhiên phải đến 2012, thị trường P2P Trung Quốc mới thực sự phát triển vượt bậc trong mọi khía cạnh, từ số lượng nhà đầu tư, đến nền tảng cho vay và lợi nhuận kinh doanh và đạt khoảng 17 tỷ USD về doanh số giao dịch. Tuy nhiên, Ủy ban Điều tiết Ngân hàng Trung Quốc cho biết đến cuối năm 2015 đã có hơn 400 tỷ nhân dân tệ đầu tư từ hơn 3.600 công ty giao dịch ngang hàng P2P và hơn 1.000 công ty trong số này là có vấn đề.

Còn tại Việt Nam thì sao?

Tâm lý tiêu cực của khách hàng khi phải trải qua quá trình xét duyệt phức tạp và yêu cầu khắt khe của Ngân hàng thương mại (NHTM) cũng như các Tổ chức tín dụng (TCTD) khác là tiền đề giúp mô hình này sẽ trở nên là đối thủ rất "nặng ký" với các ngân hàng bán lẻ truyền thống tại Việt Nam trong thời gian tới. Tuy nhiên, trong thời gian qua tại Việt Nam, hình thức cho vay không thông qua ngân hàng cũng đã phổ biến tại Việt Nam nhưng không thông qua sàn giao dịch trực tuyến, ví dụ như tín dụng "đen", cầm đồ hay các doanh nghiệp cho nhân viên tạm ứng/vay tiền.

Theo số liệu từ Ngân hàng thế giới (WB), tại Việt Nam, cứ trong 3 người thì chỉ có ít hơn 1 người tiếp cận và sử dụng dịch vụ ngân hàng và có xấp xỉ 53 triệu người lao động gặp nhiều khó khăn trong việc tiếp cận các khoản vay tiêu dùng cá nhân hoặc phục vụ vốn kinh doanh nhỏ. Đây cũng chính là cơ hội của cho vay tiêu dùng thông qua hình thức trực tuyến của P2P.

Hiện nay ở Việt Nam, các hình thức cung cấp sản phẩm tài chính đã bắt đầu phát triển trên các kênh phi truyền thống, tuy nhiên số lượng vẫn còn rất khiêm tốn. Điển hình như, sản phẩm cho vay mua hàng trả góp lãi suất 0% của Công ty MobiVi (là một loại hình của công ty kinh doanh dịch vụ tài chính dựa trên nền tảng công nghệ - Fintech) đang được hưởng ứng mạnh mẽ trong cộng đồng công nhân ở các doanh nghiệp phía Nam và thu hút lượng vốn lớn từ 4 quỹ đầu tư nước ngoài (bao gồm: Công ty Experian Châu Á Thái Bình Dương, Quỹ Kusto Tiger tại Việt Nam, Công ty Unitus Impact của Mỹ và Ngân hàng Sumitomo Mitsui Banking Corporation của Nhật Bản).

Sản phẩm cho vay ngang hàng trực tuyến của một Fintech khác là Loanvi (LoanVi là sản phẩm thuộc Công ty Cổ phần Finsom) được thành lập năm 2015 và đang trong quá trình thử nghiệm và vận hành nội bộ. Một công ty khác có tên là Wingoinvest cũng đang trong giai đoạn thử nghiệm. Sản phẩm cho vay tín chấp trực tuyến này hiện chưa có công ty Fintech Việt Nam nào tham gia nhưng cũng đã hoạt động bán trực tuyến tại các Công ty tài chính.

Theo thống kê của Viện Chiến lược Ngân hàng - Ngân hàng Nhà nước (NHNN), cuối năm 2010, cho vay tiêu dùng chỉ chiếm khoảng 2,3% tổng dư nợ tương đương 16.000 tỷ đồng. Nhưng đến cuối 2015, con số này đã tăng lên 6,8% tương đương 90.000 tỷ đồng, trong đó chủ yếu là cho vay tiêu dùng theo phương thức truyền thống (không trực tuyến) thông qua các công ty tài chính, các TCTD. Còn doanh số cho vay trực tuyến và tín chấp thông qua hình thức P2P thì không đáng kể và chỉ mới ở giai đoạn thử nghiệm.

Quy trình giao dịch của sàn cho vay ngang hàng

Quy trình cho vay này thường thông qua 4 bước phổ biến. Đầu tiên khách vay chọn khoản vay và kỳ hạn vay mong muốn, sau đó điền thông tin vào đơn đăng ký trên website đã được thiết kế theo mẫu có sẵn. Sau khi tiếp nhận đơn đăng ký vay, nhân viên công ty sẽ liên hệ với khách hàng vay để và hoàn tất hợp đồng vay. Tiếp theo là hai bên thực hiện việc ký kết hợp đồng và nhận thông tin xét duyệt. Cuối cùng, khách hàng vay nhận tiền vay qua tài khoản hoặc tại các điểm giao dịch đối tác của công ty Fintech.

Tương lai nào cho sàn P2P tại Việt Nam trong thời gian tới?

Hình thức cho vay ngang hàng hiện nay có rất nhiều tiện ích vượt trội và điều đó sẽ giúp cho mô hình này sẽ ngày càng phát triển hơn tại Việt Nam trong thời gian tới, điển hình như:

Giúp cho các đối tượng là cá nhân và doanh nghiệp nhỏ, không đủ điều kiện tiếp cận với ngân hàng, sẽ tiếp cận được với nguồn vốn vay thông qua P2P. Nhà đầu tư sẽ có được lãi suất cao hơn lãi suất tiền gửi vào ngân hàng (mức lãi suất đầu tư trung bình của sàn P2P là 16%/năm, trong khi mức lãi suất tiền gửi cao nhất vào ngân hàng hiện nay cũng chỉ khoảng 8,2%/năm) và người vay cũng có lãi suất vay thấp hơn lãi suất vay của các công ty tài chính (mức lãi suất vay trung bình của sàn P2P là từ 10% đến 25%/năm, trong khi lãi suất vay của công ty tài chính có khi lên trên 60%/năm).

Việc thẩm định hồ sơ vay của các công ty Fintech này luôn được thực hiện thông qua hệ thống thông tin lớn và quy trình kiểm soát nghiêm ngặt nên sẽ đảm bảo được số tiền của nhà đầu tư cũng như trong trường hợp có rủi ro thì các sàn P2P sẽ bồi thường tiền cho chủ đầu tư và điều này được quy định chặt chẽ trên hợp đồng. Sàn P2P cũng hạn chế đến mức thấp nhất sự chênh lệch kỳ hạn giữa huy động và cho vay vốn, vốn là đặc trưng của ngân hàng truyền thống, do phần lớn các khoản cho vay tối đa là 2 năm.

Mô hình cho vay này cũng đầy rủi ro

Hoạt động của sàn giao dịch cho vay ngang hàng trên thế giới vẫn chưa cho thấy có những rủi ro lớn nào xảy ra. Tuy nhiên, nhìn vào cách hoạt động và quy trình quản trị của mô hình này vẫn có thể có một số rủi ro tiềm tàng xảy ra nếu các cơ quan chức năng không kiểm soát tốt và những người điều hành doanh nghiệp này không tuân thủ nghiêm ngặt quy trình quản trị doanh nghiệp.

Rủi ro đầu tiên là trong trường hợp sàn giao dịch sau khi huy động tiền từ nhà đầu tư mà không tiến hành cho vay, thậm chí đem số tiền đó sử dụng vào mục đích khác rồi thua lỗ và dẫn đến việc sàn giao dịch sụp đổ, tương tự như việc phá sản của nhiều sàn giao dịch bitcoin của một số nước trên thế giới, qua đó xóa sạch niềm tin của các nhà đầu tư vào lĩnh vực còn non trẻ này. Do đó, các cơ quan chức năng cần có quy định yêu cầu các doanh nghiệp P2P "phong tỏa" nguồn vốn chưa được giải ngân từ những người gửi tiền tiết kiệm/đầu tư và sắp xếp cho bên thứ ba quản lý dư nợ cho vay nếu họ ngừng giao dịch, hoặc có thể tiến hành cho mua bảo hiểm các khoản tiền gửi của chủ đầu tư.

Một rủi ro khác là hoạt động này chưa được pháp luật Việt Nam quy định một cách rõ ràng trong các văn bản pháp luật hiện hành. Do đó, khi có rủi ro xảy ra từ phía khách hàng hay chủ sàn P2P, thì các bên rất khó giải quyết với nhau cũng như cơ quan chức năng cũng thiếu cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp.

Ngoài ra, các nội dung cam kết trên các trang web của các sàn đang giao dịch P2P thử nghiệm hiện nay tại Việt Nam cũng chưa thật sự chi tiết và quyền lợi của khách hàng cũng chưa được đề cập khi các tranh chấp xảy ra.

Tóm lại, bên cạnh các lợi ích vượt trội của mô hình cho vay P2P này so với các NHTM truyền thống như: thời gian xét duyệt cho vay nhanh, số tiền cho vay nhỏ, giao dịch trực tuyến… và so với các công ty tài chính như: lãi suất cho vay rẻ hơn nhiều, được các nhà đầu tư lớn tin tưởng và rót vốn…, hoạt động này cũng mang lại nhiều rủi cho khách hàng. Do đó, trong thời gian tới, Nhà nước cần sớm ban hành các quy định pháp luật nhằm điều chỉnh hiệu quả hoạt động giao dịch thông qua sàn P2P này nhằm từ đó giúp cho khách hàng có thêm các kênh để lựa chọn vay khi cần vốn cho mục đích tiêu dùng hay sản xuất kinh doanh.


TS. Bùi Quang Tín

Theo Trí thức trẻ

Ngân hàng bán lẻ bước vào cuộc cách mạng lớn nhất trong 200 năm

Công nghệ bùng nổ với internet, smartphone, giao dịch trực tuyến hứa hẹn sẽ tạo ra bộ mặt mới cho ngành ngân hàng bán lẻ vốn không mấy thay đổi trong suốt nhiều năm qua.

Ngân hàng bán lẻ bước vào cuộc cách mạng lớn nhất trong 200 năm

Ngành tài chính đã chứng kiến quá nhiều sự kịch tính trong những năm gần đây. Tuy nhiên, còn một thứ vẫn kiên định ít nhất là trong suốt 1 thế kỷ qua : hệ thống chi nhánh của ngân hàng. Ở hầu hết các ngân hàng lớn của châu Âu, mỗi ngân hàng có hàng ngàn chi nhánh bành trướng ở các thị trường. Ở Mỹ, sau thời kỳ Đại suy thoái, các luật lệ đã kìm hãm sự tăng trưởng của các ngân hàng mang tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, ở cấp độ bang, cấu trúc của các ngân hàng vẫn không hề thay đổi. Trong khi các lĩnh vực khác đã được cải tiến, mở rộng và sau đó lại sụp đổ, ngân hàng bán lẻ vẫn không thay đổi.

Giờ đây, sự thay đổi to lớn đang đến dưới sự dẫn dắt của công nghệ với sự bùng nổ internet trên smartphone, quá trình xử lý dữ liệu nhanh chóng với khối lượng lớn trên máy tính và các khách hàng sẵn sàng tiến hành các thao tác trực tuyến phức tạp. Những bước tiến này hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn hoạt động kinh doanh cũng như tổ chức của các ngân hàng.

Cuộc cách mạng có thể được nhìn thấy rõ nhất ở các đường phố lớn trung tâm. Các chi nhánh đã trở nên ít quan trọng hơn và số lượng cũng giảm bớt. Những chi nhánh được giữ lại có diện mạo hoàn toàn khác. Thay vì bước vào một chi nhánh để thanh toán séc hay lấy hóa đơn, hầu hết mọi người làm việc này thông qua điện thoại di động. Thay vì mở ví để trả tiền và lưỡng lự giữa việc thanh toán bằng  tiền mặt hay bằng thẻ, người tiêu dùng chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại của mình. Trên điện thoại có tích hợp ví ảo được cung cấp bởi các hãng như Google, PayPal, Square. Nếu bạn quên điện thoại ở nhà, chỉ cần cung cấp số điện thoại và mã bảo mật và sau đó có thể tiếp tục công cuộc mua sắm.

Nếu đây chỉ là một cách để gia tăng tiện lợi trong thanh toán, có lẽ các ngân hàng sẽ chỉ nhún vai. Tuy nhiên, điều này hứa hẹn thúc đẩy quan hệ tài chính hiện có của bạn. Thay vì dùng thẻ để trả 2 USD cho một tách cà phê và có nguy cơ phải chịu mức phí 35 USD vì chi vượt mức, chiếc điện thoại sẽ chọn cách thanh toán tốt nhất. Thẻ tín dụng có mức lãi suất cao cùng với chế độ thưởng dè dặt sẽ bị gạt ra khỏi chiếc ví thông minh này. Thanh toán bù trừ sẽ tự động được áp dụng để bù đắp cho những khoản nợ đắt đỏ nhất trước tiên. Tiền phạt vi phạm đối với  khoản thấu chi sẽ trở thành thứ chỉ tồn tại trong quá khứ.

Những sự thay đổi này cho phép khách hàng có nhiều quyền lực hơn, người dùng có thể có được các giao dịch tốt nhất mà không mất nhiều công sức, tất nhiên là phù hợp với lợi nhuận của ngân hàng. Một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là những người di cư, vốn trước đây thường phải chịu phí 20% trên tổng số tiền họ thường gửi về nhà. Những người có xếp hạng tín dụng xấu chắc chắn sẽ không phải chịu lãi suất 1,000%/năm cho các khoản vay trong ngày nữa.

Điều này làm xói mòn mô hình ngân hàng bán lẻ kiểu cũ. Định giá trở nên minh bạch hơn, khó có thể giả bộ rằng dịch vụ ngân hàng là miễn phí khi trong thực tế, ngân hàng phải dựa vào khách hàng cho ngân hàng vay không tính lãi dưới dạng tiền gửi chứ không phải là kiếm được lợi nhuận từ các khách hàng bị thấu chi. Các ngân hàng có thể sẽ phải chap nhận mức lãi thấp hơn đối với thẻ tín dụng, các khoản vay cá nhân và vay thế chấp.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn cho các ngân hàng. Họ có thể giảm chi phí do đóng cửa rất nhiều chi nhánh và khai thác nguồn doanh thu mới có được từ nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ. Một ngân hàng có thể biết mọi động thái mua sắm của khách hàng có thể đưa ra được mức chiết khấu hấp dẫn đúng thời điểm đối với sản phẩm có liên quan. Điều này tương tự như trường hợp của Google, thực hiện quảng cáo dựa trên các hoạt động tìm kiếm của khách hàng. Cuộc cách mạng cũng tạo cho các ngân hàng tốt nhất cơ hội mở rộng phạm vi với nền tảng IT.

Trong hầu hết các cuộc cách mạng ngành bán lẻ, các chính trị gia thường không làm được việc gì khác ngoài đứng tránh sang một bên. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng lại là chuyện khác: với vai trò trung tâm trong nền kinh tế, chính phủ cần phải đảm bảo hoạt động của các ngân hàng là an toàn và dễ dàng tiếp cận.

Xét về khía cạnh tiếp cận, một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng nếu ngân hàng hướng đến trực tuyến nhiều hơn thì người già, người nghèo và những người ít hiểu biết về máy tính sẽ bị loại ra khỏi hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các hệ thống mobile-banking với chi phí thấp được triển khai thành công ở Kenya, Ấn Độ hay Brazil là một tín hiệu tích cực.

An toàn là một vấn đề khó giải quyết hơn. Các hãng độc quyền tạo ra thặng dư khổng lồ khiến các ngân hàng ít có lợi thế hơn phải chọn rủi ro.  Các ngân hàng phải tích hợp hệ thống phòng trừ rủi ro, và đương nhiên khách hàng phải chịu các chi phí này. 

Rất nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại sự thay đổi này cùng với sự cạnh tranh gay gắt sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn và sẽ có khuynh hướng cản trở sự thay đổi bằng cách bóp nghẹt các công ty khởi nghiệp hoặc không cho các định chế nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước. Tuy nhiên, họ nên cưỡng lại ý muốn đó. Nền tảng của sự ổn định tài chính là phải đảm bảo được các ngân hàng có đủ vốn và thanh khoản để có thể tiếp tục kinh doanh khi tình hình xấu đi. Nếu họ làm như vậy, các ngân hàng sẽ chỉ còn cách cạnh tranh gay gắt với nhau.


Anh Thư


Theo Trí thức trẻ/TTVN

Ngân hàng bán lẻ (1): Thời của “sáng tạo mới nổi”

Khi nguồn kiếm lợi nhuận dễ dàng từ mảng ngân hàng đầu tư bị các cơ quan điều tiết động đến, giới ngân hàng nay quay sang tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ.

Ngân hàng bán lẻ (1): Thời của "sáng tạo mới nổi"

Thắng hay bại là ở trận này

Khi nguồn kiếm lợi nhuận dễ dàng từ mảng ngân hàng đầu tư bị các cơ quan điều tiết động đến, giới ngân hàng nay quay sang tập trung vào mảng ngân hàng bán lẻ. Đây là một mảng cực lớn trong ngành ngân hàng.

Ở Mỹ, các nghiệp vụ ngân hàng thương mại và ngân hàng bán lẻ mang lại 750 tỷ đôla doanh thu mỗi năm, tương đương khoảng trên 20% tổng doanh thu ngành ngân hàng toàn cầu. Và tại Châu ÂU, nơi thị trường vốn vẫn kém phát triển hơn so với ở Mỹ, lợi nhuận của phần lớn các tập đoàn ngân hàng lớn trong vài năm tới sẽ phụ thuộc vào thành tích của bộ phận ngân hàng bán lẻ.

Một nguyên nhân cũng không kém phần quan trọng khiến giới ngân hàng đột ngột quan tâm tới cái công việc nhận tiền gửi và thực hiện thanh toán buồn tẻ là họ sẽ không còn có thể dựa vào thị trường tiền tệ để tài trợ cho phần lớn các hoạt động của mình vì nếu thị trường đột ngột đóng băng, họ sẽ rất dễ bị tổn thương.

Những ngân hàng dựa vào nguồn vốn ngắn hạn từ doanh nghiệp (wholesale funding) sẽ buộc phải trả lãi cao hơn, có xếp hạng tín dụng thấp hơn và bị cơ quan điều tiết giám sát ngặt nghèo.

Bên cạnh yêu cầu ngân hàng tăng vốn chủ sở hữu (VCSH), Basel 3 cũng sẽ khuyến khích họ huy động vốn từ những nguồn ổn định hơn so với thị trường tiền tệ. Trong đó, tốt nhất là tiền tửi từ khách hàng cá nhân.

Cơ quan điều tiết thích tiền gửi vì khách gửi tiền bình thường ít khi chuyển tài khoản của mình sang ngân hàng khác. Vì thế ngân hàng nào muốn "hòa", chứ chưa nói đến "phát", sẽ phải tích cực cạnh tranh hơn để tiếp cận được với tiền gửi và tài khoản séc của hàng triệu khách hàng nhỏ lẻ.

"Chi nhánh đây này"

Các thị trường mới nổi có nhiều kinh nghiệm đáng để họ học tập, đây là một trong những khu vực ngành ngân hàng bán lẻ phát triển sôi động nhất trong những năm gần đây. Các ngân hàng trong nhóm nước này đang vượt qua những đối thủ từ các nước giàu về tính hiệu quả, công nghệ và cả sáng tạo.

"Chi nhánh đây này," Om Prakash Bhatt vừa nói vừa rút điện thoại di động ra khỏi túi. Mới tháng 4 năm nay ông vẫn còn là Chủ tịch của Ngân hàng nhà nước Ấn Độ (State Bank of India, SBI), một trong những tổ chức tài chính thuộc sở hữu của nhà nước có quy mô lớn đến nỗi số chi nhánh thuộc ngân hàng này tương đương với 1/6 số chi nhánh ngân hàng trên toàn nước Mỹ.

Một thập kỷ trước, SBI còn là hiện thân đáng xấu hổ cho các ngân hàng nhà nước lớn tại các nước nghèo. Dù cho tôn chỉ có là phục vụ người nghèo nhưng phần lớn khách hàng của SBI là dân thành thị. Khi mà các ngân hàng trên toàn cầu đang cho lắp đặt các máy chủ khổng lồ thì SBI cân đối sổ sách bằng tay. Mất gần một tháng quy trình thanh toán mới hoàn thành, bên cạnh đó là hàng tá giấy tờ được gửi từ chi nhánh này tới chi nhánh nọ.

Giờ SBI đang dạy cho cả thế giới cách sử dụng điện thoại di động, thẻ ATM và internet để hạ chi phí bộ phận ngân hàng bán lẻ. "Những phát minh thực sự tuyệt diệu đang ào tới từ các thị trường mới nổi," Noel Gordon từ công ty tư vấn Accenture, nói. "Họ dùng những người chưa được tiếp cận với dịch vụ ngân hàng làm một phòng thí nghiệm khổng lồ để tìm ra các phương pháp mới."

Ngân hàng ở các thị trường mới nổi đang hưởng lợi nhờ chậm đầu tư cho công nghệ. Phần lớn họ đều lỡ nhịp trong cái thời sử dụng hệ thống máy chủ, vốn từng khiến nhiều ngân hàng ở các nước giàu khốn khổ vì hệ thống máy tính lỗi thời và kém linh hoạt. Thay vào đó họ bắt đầu tiêu tiền đúng lúc máy tính rẻ hơn và tích hợp vào các hệ thống thông tin như internet và điện thoại di động tốt hơn.

Dù có kinh doanh cái gì thì dùng được hệ thống máy tính mới nhất cũng là một "lợi thế cực lớn", Vernon Hill nói. Ông thành lập Commerce Bancorp năm 1973 với một chi nhánh rồi lãnh đạo nó cho đến khi ngân hàng được bán cho TD Bank của Canada năm 2008, kấy nó có tới 435 chi nhánh. Gần đây ông mới khai trương Metro Bank tại Anh.

Phòng thí nghiệm khổng lồ

Các thị trường mới nổi sáng tạo đến thế cũng là vì có rất nhiều khách hàng đang muốn tiếp cận với dịch vụ ngân hàng. Ở vùng nông thôn Ấn Độ, nông dân chỉ có việc làm trong khoảng 5 tháng mỗi năm, vì thế họ cần phải tiết kiệm. Trước đây, họ sẽ mua các vật dụng trong bếp về rồi sau đó bán lại cho thương lái với giá chiết khấu 10% khi cần tiền mua thức ăn, Janmejaya Sinha từ Boston Consulting Group ở Mumbai nói. Giờ công nghệ đã thay thế cho vật dụng nhà bếp.

Để vươn tới những ngôi làng hẻo lánh, SBI tuyển dụng các đại lý có điện thoại di động gắn kèm đầu đọc thẻ. Khách hàng quẹt thẻ tiết kiệm của mình qua điện thoại rồi đưa cho đại lý số tiền mình muốn gửi. Khi muốn rút tiền, đại lý lại đưa tiền cho khách. Nghe có vẻ hơi lạ nhưng chi nhánh thực sự chính là chiếc di động, và chiếc di động ấy đang mang SBI tới 100.000 ngôi làng không có ngân hàng.

ICICI, ngân hàng lớn thứ hai Ấn Độ, cũng có một hệ thống tương tự. "Giá trị giao dịch và doanh thu ở Ấn Độ thấp hon nhiều, có lẽ chỉ bằng 1/10 so với các ngân hàng phương Tây," CEO của ICICI, ông Chanda Kochhar, nói. "Thế nên chúng tôi chẳng còn lựa chọn nào khác ngoài dùng tới công nghệ."

Ở Kenya, các công ty điện thoại còn đi trước cả ngân hàng. Khoảng 60% người trưởng thành sử dụng M-PESA, hệ thống cho phép họ chuyển tiền từ điện thoại này sang điện thoại khác. Dù vậy, chưa tới ¼ người Kenya có tài khoản ngân hàng.

Các nước đang phát triển cũng có một cách tiếp cận hoàn toàn mới đối với chi nhánh ngân hàng. Một trong những ngân hàng phát triển nhanh nhất Malaysia là RHB's Easy, mở cửa 7 ngày/tuần và không bắt khách hàng phải điền vào bất cứ giấy tờ gì. "Nó giống như McDonald's vậy," Sinha nói."Thực đơn chỉ có 5 món và nhưng đồ ăn được dọn ra bàn trong chưa tới 10 phút."

Sáng tạo ào ạt, lợi nhuận bùng nổ. Ngân hàng ở các thị trường mới nổi tăng trưởng 20-25%/năm, có khi còn hơn. Nhiều ngân hàng báo cáo tỷ lệ lợi nhuận trên vốn cổ phần (ROE) 20-25%, thế nên vốn lấy từ nguồn lợi nhuận giữ lại cũng đủ để họ đáp ứng các tiêu chuẩn của Basel 3.

Liệu các ngân hàng này có dùng những bài học có được ở quê nhà để mở rộng sang Mỹ và Châu Âu? Chưa phải bây giờ, chủ yếu là vì họ đang phải chạy hết tốc lực để bắt kịp nhịp độ tăng trưởng tại nước mình. "Sao phải đi đâu nếu ở đây tôi cũng đang tăng trưởng 35%/năm?" ông Puri từ ngân hàng HDFC nói.

Minh Tuấn
Theo Economist