Thursday, September 22, 2016

Ngân hàng bán lẻ bước vào cuộc cách mạng lớn nhất trong 200 năm

Công nghệ bùng nổ với internet, smartphone, giao dịch trực tuyến hứa hẹn sẽ tạo ra bộ mặt mới cho ngành ngân hàng bán lẻ vốn không mấy thay đổi trong suốt nhiều năm qua.

Ngân hàng bán lẻ bước vào cuộc cách mạng lớn nhất trong 200 năm

Ngành tài chính đã chứng kiến quá nhiều sự kịch tính trong những năm gần đây. Tuy nhiên, còn một thứ vẫn kiên định ít nhất là trong suốt 1 thế kỷ qua : hệ thống chi nhánh của ngân hàng. Ở hầu hết các ngân hàng lớn của châu Âu, mỗi ngân hàng có hàng ngàn chi nhánh bành trướng ở các thị trường. Ở Mỹ, sau thời kỳ Đại suy thoái, các luật lệ đã kìm hãm sự tăng trưởng của các ngân hàng mang tầm cỡ quốc gia. Tuy nhiên, ở cấp độ bang, cấu trúc của các ngân hàng vẫn không hề thay đổi. Trong khi các lĩnh vực khác đã được cải tiến, mở rộng và sau đó lại sụp đổ, ngân hàng bán lẻ vẫn không thay đổi.

Giờ đây, sự thay đổi to lớn đang đến dưới sự dẫn dắt của công nghệ với sự bùng nổ internet trên smartphone, quá trình xử lý dữ liệu nhanh chóng với khối lượng lớn trên máy tính và các khách hàng sẵn sàng tiến hành các thao tác trực tuyến phức tạp. Những bước tiến này hứa hẹn sẽ thay đổi hoàn toàn hoạt động kinh doanh cũng như tổ chức của các ngân hàng.

Cuộc cách mạng có thể được nhìn thấy rõ nhất ở các đường phố lớn trung tâm. Các chi nhánh đã trở nên ít quan trọng hơn và số lượng cũng giảm bớt. Những chi nhánh được giữ lại có diện mạo hoàn toàn khác. Thay vì bước vào một chi nhánh để thanh toán séc hay lấy hóa đơn, hầu hết mọi người làm việc này thông qua điện thoại di động. Thay vì mở ví để trả tiền và lưỡng lự giữa việc thanh toán bằng  tiền mặt hay bằng thẻ, người tiêu dùng chỉ cần thao tác trên chiếc điện thoại của mình. Trên điện thoại có tích hợp ví ảo được cung cấp bởi các hãng như Google, PayPal, Square. Nếu bạn quên điện thoại ở nhà, chỉ cần cung cấp số điện thoại và mã bảo mật và sau đó có thể tiếp tục công cuộc mua sắm.

Nếu đây chỉ là một cách để gia tăng tiện lợi trong thanh toán, có lẽ các ngân hàng sẽ chỉ nhún vai. Tuy nhiên, điều này hứa hẹn thúc đẩy quan hệ tài chính hiện có của bạn. Thay vì dùng thẻ để trả 2 USD cho một tách cà phê và có nguy cơ phải chịu mức phí 35 USD vì chi vượt mức, chiếc điện thoại sẽ chọn cách thanh toán tốt nhất. Thẻ tín dụng có mức lãi suất cao cùng với chế độ thưởng dè dặt sẽ bị gạt ra khỏi chiếc ví thông minh này. Thanh toán bù trừ sẽ tự động được áp dụng để bù đắp cho những khoản nợ đắt đỏ nhất trước tiên. Tiền phạt vi phạm đối với  khoản thấu chi sẽ trở thành thứ chỉ tồn tại trong quá khứ.

Những sự thay đổi này cho phép khách hàng có nhiều quyền lực hơn, người dùng có thể có được các giao dịch tốt nhất mà không mất nhiều công sức, tất nhiên là phù hợp với lợi nhuận của ngân hàng. Một trong những đối tượng hưởng lợi nhiều nhất chính là những người di cư, vốn trước đây thường phải chịu phí 20% trên tổng số tiền họ thường gửi về nhà. Những người có xếp hạng tín dụng xấu chắc chắn sẽ không phải chịu lãi suất 1,000%/năm cho các khoản vay trong ngày nữa.

Điều này làm xói mòn mô hình ngân hàng bán lẻ kiểu cũ. Định giá trở nên minh bạch hơn, khó có thể giả bộ rằng dịch vụ ngân hàng là miễn phí khi trong thực tế, ngân hàng phải dựa vào khách hàng cho ngân hàng vay không tính lãi dưới dạng tiền gửi chứ không phải là kiếm được lợi nhuận từ các khách hàng bị thấu chi. Các ngân hàng có thể sẽ phải chap nhận mức lãi thấp hơn đối với thẻ tín dụng, các khoản vay cá nhân và vay thế chấp.

Tuy nhiên, đây cũng là cơ hội lớn cho các ngân hàng. Họ có thể giảm chi phí do đóng cửa rất nhiều chi nhánh và khai thác nguồn doanh thu mới có được từ nguồn dữ liệu khách hàng khổng lồ. Một ngân hàng có thể biết mọi động thái mua sắm của khách hàng có thể đưa ra được mức chiết khấu hấp dẫn đúng thời điểm đối với sản phẩm có liên quan. Điều này tương tự như trường hợp của Google, thực hiện quảng cáo dựa trên các hoạt động tìm kiếm của khách hàng. Cuộc cách mạng cũng tạo cho các ngân hàng tốt nhất cơ hội mở rộng phạm vi với nền tảng IT.

Trong hầu hết các cuộc cách mạng ngành bán lẻ, các chính trị gia thường không làm được việc gì khác ngoài đứng tránh sang một bên. Tuy nhiên, đối với các ngân hàng lại là chuyện khác: với vai trò trung tâm trong nền kinh tế, chính phủ cần phải đảm bảo hoạt động của các ngân hàng là an toàn và dễ dàng tiếp cận.

Xét về khía cạnh tiếp cận, một số ý kiến tỏ ra lo ngại rằng nếu ngân hàng hướng đến trực tuyến nhiều hơn thì người già, người nghèo và những người ít hiểu biết về máy tính sẽ bị loại ra khỏi hệ thống tài chính. Tuy nhiên, các hệ thống mobile-banking với chi phí thấp được triển khai thành công ở Kenya, Ấn Độ hay Brazil là một tín hiệu tích cực.

An toàn là một vấn đề khó giải quyết hơn. Các hãng độc quyền tạo ra thặng dư khổng lồ khiến các ngân hàng ít có lợi thế hơn phải chọn rủi ro.  Các ngân hàng phải tích hợp hệ thống phòng trừ rủi ro, và đương nhiên khách hàng phải chịu các chi phí này. 

Rất nhiều nhà hoạch định chính sách lo ngại sự thay đổi này cùng với sự cạnh tranh gay gắt sẽ mang lại nhiều rủi ro hơn và sẽ có khuynh hướng cản trở sự thay đổi bằng cách bóp nghẹt các công ty khởi nghiệp hoặc không cho các định chế nước ngoài thâm nhập thị trường trong nước. Tuy nhiên, họ nên cưỡng lại ý muốn đó. Nền tảng của sự ổn định tài chính là phải đảm bảo được các ngân hàng có đủ vốn và thanh khoản để có thể tiếp tục kinh doanh khi tình hình xấu đi. Nếu họ làm như vậy, các ngân hàng sẽ chỉ còn cách cạnh tranh gay gắt với nhau.


Anh Thư


Theo Trí thức trẻ/TTVN

No comments:

Post a Comment