Friday, April 8, 2016

Vua châu Phi kiêm thợ cơ khí Đức



Vị vua là thủ lĩnh tinh thần của hơn hai triệu người dân tộc Ewe tại quốc gia Tây Phi, "cai trị" thần dân từ xa qua Skype trong khi vẫn làm thợ cơ khí ở Đức.
 Vua Cephas Bansah, 67 tuổi, được coi là "thủ lĩnh tinh thần của người dân tộc Ewe" tại Togo, đất nước Tây Phi giáp biên giới Ghana.
 
Ông lớn lên ở Ghana và tới Đức năm 1970, khi ông nội - vua Togo lúc bấy giờ, động viên cháu trai đi học ngành cơ khí.
Sau khi học xong, ông lấy quốc tịch Đức, cưới vợ, sinh con và mở xưởng cơ khí riêng ở Ludwigshafen. 
 
Ông sống cuộc đời bình dị ở Đức cho tới năm 1987, khi nhận được tờ fax thay đổi cuộc sống. 
 
Ông nội qua đời, bố và anh trai của Bansah không phù hợp làm vua bởi họ đều thuận tay trái - người Ewe coi đó là "không sạch sẽ", thế là Bansah về nước nhận ngôi vua.
 
Sau khi đăng quang, mọi người đều nghĩ rằng ông sẽ từ bỏ cuộc sống ở Đức, ở lại Togo làm vua. Tuy nhiên, Bansah vẫn quyết định quay lại Đức, tiếp tục làm nghề cơ khí.
 
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, ông thường dùng Skype liên lạc về quê, "cai trị" hơn hai triệu người dân tộc Ewe sinh sống ở Ghana và Togo.
 
Nhiếp ảnh gia người Đức Christina Czybik đã dành cả ngày đến thăm nhà Bansah. "Ông ấy mời tôi tham dự đoàn đại biểu tới thăm Ghana vào tháng 9 này. Tôi đã đặt vé", Czybik cho biết.
 
Ghana giờ là một nước cộng hòa, có chính phủ dân chủ. Tuy nhiên, trên danh nghĩa, vua vẫn đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng.
 
Hồng Hạnh (theo Carters News)

http://vnexpress.net/photo/cuoc-song-do-day/vua-chau-phi-kiem-tho-co-khi-duc-3383408.html

Tuesday, April 5, 2016

Bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng chống để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em (trên 90%). Bệnh có thể bị rải rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch nhỏ vào mùa hè ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và miệng. Rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán nhầm với các bệnh da khác như chốc, thuỷ đậu, dị ứng,... dẫn đến điều trị sai lầm và làm bệnh lan tràn.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do Enterovirus (nhóm virus đường ruột) gây ra, thường gặp nhất là chủng virus Coxsackie A16. Ngoài ra, một số chủng virus Coxsackie nhóm A khác (A4-A7, A9, A10) hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Trong những năm gần đây, ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á xuất hiện những vụ dịch bệnh tay chân miệng do Enterovirus typ 71 gây nên. Khác với các chủng Coxsackie cổ điển, chủng Enterovirus typ 71 có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong. Cần lưu ý là bệnh này không có liên quan gì đến bệnh lở mồm long móng ở gia súc, một bệnh gây ra bởi Aphthovirus.
Tính chất lây lan của bệnh
Virus có tính chất lây lan rất mạnh. Virus truyền trực tiếp từ người sang người. Người lành bị nhiễm virus do hít hay nuốt phải các giọt nhỏ chất tiết đường tiêu hoá, hô hấp được phát tán khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước hoặc tiếp xúc với phân của bệnh nhân. Trong vùng dịch, có rất nhiều trẻ em bị nhiễm và đào thải virus ra môi trường nhưng không phải tất cả trẻ đó có biểu hiện bệnh.
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.
Biến chứng của bệnh
Bệnh có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thường do chủng Enterovirus típ 71 gây ra.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các yếu tố dịch tễ. Các xét nghiệm virus chủ yếu sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.
Điều trị
Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.
Phòng ngừa
Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:
- Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.

Monday, March 28, 2016

Đặt ống thông (catheter) tĩnh mạch trung tâm

Marin Kollef, Warren Isakow
The Washington Manual of Critical Care
Người dịch: Ths. Bs. Phạm Thế Thạch

Ống thông tĩnh mạch trung tâm chủ yếu được thực hiện tại các khoa hồi sức cấp cứu. Chỉ định đặt bao gồm: dùng các thuốc vận mạch, dinh dưỡng đường tĩnh mạch hoặc các thuốc cần dùng đường tĩnh mạch lớn (tĩnh mạch trung tâm), theo dõi áp lực tĩnh mạch trung tâm, trong các trường hợp cần truyền một lượng lớn dịch hoặc các chế phẩm máu trong thời gian ngắn, và cần một đường truyền chắc chắn trong các tình huống cấp cứu. Chống chỉ định bao gồm: có huyết khối tĩnh mạch trung tâm cần đặt ống thông hoặc nhiễm trùng tại vị trí cần đặt ống thông. Không có các chống chỉ định tuyệt đối trong các trường hợp rối loạn đông máu hoặc các bệnh nhân có giảm tiểu cầu, mặc dù thường được sử dùng các kim nhỏ để đặt và/hoặc truyền các huyết tương tươi đông lạnh và/hoặc tiểu cầu cho các bệnh nhân này trước khi làm thủ thuật.

Biến chứng thường gặp nhất khi đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm là chọc vào động mạch, tràn khí màng phổi, tràn dịch màng phổi, tràn máu màng phổi, tắc mạch khí, chẩy máu khoang sau phúc mạc, nhiễm trùng (nhiễm trùng máu liên quan đến ống thông, nhiễm trùng tại vị trí đặt, viêm mô tế bào), và các bệnh lí tắc mạch huyết khối. Nhìn chung, tỉ lệ biến chứng tùy thuộc vào vị trí đặt, đặt tại vị trí tĩnh mạch dưới đòn ít biến chứng hơn so với tĩnh mạch cảnh trong, đặt tại vị trí tĩnh mạch đùi sẽ có nhiều biến chứng nhất. Đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm dưới hướng dẫn của siêu âm, đặc biệt là tại vị trí tĩnh mạch cảnh trong, có thể làm giảm tỉ lệ biến chứng, làm giảm số lần chọc vào tĩnh mạch và giảm thời gian làm thủ thuật.

Trước khi làm thủ thủ thuật, cần phải lấy cam kết (informed consent) tùy thuộc vào quy định của mỗi viện/bệnh viên. Phải tuân thủ quy tắc vô khuẩn bao gồm rửa tay bằng cồn/ hoặc dung dịch sát khuẩn, trải săng vô khuẩn, găng vô khuẩn, đội mũ đem khuẩn trang, tất cả các nhân viên trong phòng thủ thuật phải đội mũ và đem khẩu trang. Điều này có ích trong các trường hợp cần những trợ giúp không vô khuẩn.

Hướng dẫn này cho phép sử dụng các dụng cụ đặt ống thông tĩnh mạch trung tâm có sử dụng dây dẫn theo phương pháp Seldinger. 

ĐẶT ỐNG THÔNG TĨNH MẠCH DƯỚI ĐÒN
1. Để bệnh nhân tư thế Trendelenburg, và kê gối dưới vai. Quay đầu sang bên đối diện.

2. Mặc áo mổ, đi găng vô khuẩn, đeo khẩu trang, đội mũ.

3. Làm sạch da bằng các dung dịch sát khuẩn ( chlorhexedine hoặc betadine)

4. Toàn bộ phẫu trường, đầu, mặt bệnh nhân phải được trải săng vô khuẩn, chỉ trừ một lỗ hở tại vị trí cần đặt

5. Kiểm tra các đầu của đường truyền tĩnh mạch để chắc chắn có thể dùng được

6. Đặt ngón trỏ của tay không thuận vào hõm ức và ngón cái của tay này trên xương đòn tại vị trí xương đòn uốn cong tiếp giáp với xương sườn 1( tương ứng với vị trí nối giữa 1/3 ngoài với 1/3 giữa của xương đòn). Tĩnh mạch dưới đòn đi qua điểm giữa ngón trỏ và ngón cái ( hình 71.1)



Hình 71.1: giải phẫu tĩnh mạch dưới đòn và đặt ống thông tĩnh mạch (Trích từ Lin Tl, Mohart JM, Sakurai KA. The Washington Manual Internship Survival Guide, 2e. Philadelphia: Lippincott Williams &Wilkins; 2001 :191.)

7. Gây tê tại chỗ phía dưới xương đòn và ngón cái

8. Dùng kim thăm dò hướng mũi kim xiên lên trên, chọc phía ngoài ngón tay cái, phía dưới xương đòn ( dưới xương đòn khoẳng 2 cm và phía ngoài chỗ cong của xương đòn khoảng 2 cm). Mục đích của việc đặt ngón trỏ trên hõm ức để xác định thởi điểm bệnh nhân hít vào. Nó giữ cho kim được song song với mặt da trong quá trình đâm kim. Trong trường hợp chạm phải xương đòn, ấn toàn bộ kim và ngón cái xuống cho đến khi qua được phía dưới xương đòn, biện pháp này thường được ưa dùng hơn so với biện pháp thay đổi góc chọc kim

Khi chọc đúng tĩnh mạch sẽ thấy máu đen trào vào bơm tiêm. Nếu sau khi chọc kim sâu khoảng 5 cm mà không thấy máu ra cần phải rút kim ra nhưng vẫn tiếp tục hút chân không trong tay( thường các trường hợp chọc xuyên thành tĩnh mạch, khi rút kim ra sẽ thấy máu trào ra bơm tiêm). Chọc lại với mũi kim hướng lên phía trên

Thường không nên chọc đi chọc lại nhiều lần( hình 71.1). Thử chọc lại với mũi kim hướng xuống dưới

9. Giữ kim chắc chắn, rút bơm tiêm ( thường dùng 1 ngón tay để bịt đốc kim để làm giảm nguy cơ tắc mạch khí), và luồn dây dẫn. Dây dẫn thường vướng nhẹ, luồn nặng tay. Nếu khó luồn cần rút ngay dây dẫn, rút máu ra bơm tiêm để xác định kim vẫn nằm trong lòng tĩnh mạch và luồn lại dây dẫn. Đầu ngoài dây dẫn phải đủ dài so với chiều dài ống thông tĩnh mạch

10. Rút kim thăm dò trong khi vẫn giữ dây dẫn ( không được bỏ tay khỏi dây dẫn). Giữ nguyên dây dẫn tại vị trí chọc

11. Dùng dao mổ rạch da bằng một lỗ nhỏ tại vị trí chọc phía trên dây dẫn

12. Đưa ống nong qua dây dẫn, nong rộng và rút nó ra

13. Kiểm tra để chắc chắn đầu xa của ống thông tĩnh mạch đã được mở. luồn ống thông này qua dây dẫn. Khi ống thông gần đến vị trí rạch da rút dây dẫn ra dần cho đến khi nó vượt qua đầu xa của ống thông. Giữa nguyên dây dẫn, luồn ống thông vào tĩnh mạch đến vị trí thích hợp

14. Giữ ống thông tĩnh mạch tại chỗ, rút dây dẫn ra

15. Kiểm tra chức năng của các đầu ống thông

16. Cố định ống thông bằng chỉ khâu hoặc bằng các dụng cụ dán không phải khâu

17. Làm sạch bằng các dung dịch sát khuẩn và băng vô khuẩn

18. Chụp phim x quang phổi để kiểm tra vị trí. Đầu xa của ống nằm ở vị trí tĩnh mạch chủ trên.


Nguồn: NEJM

ĐẶT ỐNG THÔNG TĨNH MẠCH CẢNH TRONG (Chú ý: nếu có thể, đặt dưới hướng dẫn của siêu âm là thích hợp nhất)

1. Bệnh nhân nằm tư thế Trendelenburg, đầu quay 45 độ về phái đối diện

2. Đội mũ, đem khẩu trang, mặc áo mổ, đi găng vô khuẩn

3. Làm sạch da bằng dung dịch sát khuẩn (ví dụ: chlorhexidine hoặc betadin)

4. Toàn bộ phẫu trường, đầu, mặt bệnh nhân phải được trải săng vô khuẩn, chỉ trừ một lỗ hở tại vị trí cần đặt

5. Kiểm tra các đầu của đường truyền tĩnh mạch để chắc chắn có thể dùng được

6. Xác định tam giác được tao thành bởi hai đầu của cơ ức đòn chũm và xương ức, bắt mạch cảnh ( hình 71.2)


Hình 71.2: giải phẫu tĩnh mạch cảnh trong (Trích từ Lin Tl, Mohart JM, Sakurai KA. The Washington Manual Internship Survival Guide, 2e. Philadelphia: Lippincott Williams &Wilkins; 2001 :191.)

7. Gây tê da và tỗ chức dưới da

8. Bắt mạch cảnh. Chọc bên ngoài động mạch cảnh bằng kim 22 G ( kim thăm dò), góc xiêm lên 30 – 45 độ so với bệnh nhân, hươngd về núm vú cùng bên trong khi vừa đi vừa hút chân không trong tay. Nếu không có máu trào ra bơm tiêm, rút ki ra và chọc hướng ra ngoài hoặc vào giữa hơn so với ban đầu. Lấy tay giữ nguyên động mạch cảnh . Khi có máu trào ra, đánh dấu hướng và độ sâu của kim, rút kim thăm dò. (Nếu chọc phải động mạch cảnh hoặc có máu đỏ trào ra bơm tiêm phải rút ngay kim, ép động mạch 10 – 15 phút)

9. Chọc kim dẫn đường tại vị trí chọc và góc chọc vào tĩnh mạch cảnh trong cho đến khi có máu tĩnh mạch đen trào ra bơm tiêm( hình 71.3)


Hình 71.3: đặt ống thông tĩnh mạch cảnh trong (Trích từ Lin Tl, Mohart JM, Sakurai KA. The Washington Manual Internship Survival Guide, 2e. Philadelphia: Lippincott Williams &Wilkins; 2001 :191.)

10.Tiếp theo thực hiện các bước từ 9 – 18 như đặt đường tĩnh mạch dưới đòn


Nguồn: NEJM

ĐẶT ỐNG THÔNG TĨNH MẠCH ĐÙI
1. Bệnh nhân nằm ngửa, đùi cùng bên dang rộng và quay ra ngoài

2. Mặc áo mổ, đi găng vô khuẩn, đeo khẩu trang, đội mũ

3. Làm sạch da bằng các dung dịch sát khuẩn ( chlorhexedine hoặc betadine)

4. Toàn bộ phẫu trường, đầu, mặt bệnh nhân phải được trải săng vô khuẩn, chỉ trừ một lỗ hở tại vị trí cần đặt

5. Kiểm tra các đầu của đường truyền tĩnh mạch để chắc chắn có thể dùng được 6. Bắt mạch đùi phía dưới dây chằng bẹn. Tĩnh mạch đùi nằm phía trong của động mạch đùi( hình 71.4)


Hình 71.4: Giải phẫu tĩnh mạch cảnh đùi (Trích từ Lin Tl, Mohart JM, Sakurai KA. The Washington Manual Internship Survival Guide, 2e. Philadelphia: Lippincott Williams &Wilkins; 2001 :191.)

7. Gây tê da và tổ chức dưới da, hút máu kiểm tra trước khi tiêm thuốc tê

8. Bắt mạch đùi. Dùng kim chọc phía trong động mạch đùi 1 cm, phía dưới cung đùi, hướng kim 30 – 45 độ ( hình 71.5). Tiếp tục hút chân không trong tay cho đến khi có máu tĩnh mạch trào vào bơm tiêm. Nếu chọc sâu quá 5 cm không thấy máu trào ra, rút kim ra nhưng vẫn hút, hướng góc kim vào phái trong hơn và chọc lại. Nếu chọc vào động mạch đùi ( máu đỏ hoặc có máu phụt ra) , ép giữ động mạch đùi 10 – 15 phút

9. Tiếp theo thực hiện các bước 9 – 17 như trong khi đặt đường dưới đòn. 


Hình 71.5: Giải phẫu tĩnh mạch cảnh đùi (Trích từ Lin Tl, Mohart JM, Sakurai KA. The Washington Manual Internship Survival Guide, 2e. Philadelphia: Lippincott Williams &Wilkins; 2001 :191.)

Nguồn: NEJM

Tài liệu tham khảo
1. Hind D, Calvert N, McWilliams R, et al. Ultrasonic locating devices for central venous cannuation: meta-analysis. BMJ. 2003;327:361
Meta-analy.sis examining the utility and benefit of two dimensional ultrasound and doppler guidance for central venous catheter placement
2. Lim TL, Mohart JM, Sakurai KA. The Washington Manual Internship Survival Guide, 2e. Philadenphia: Llppmcott WIllIams & Wilkins; 2001:157-164.
Concise Instructions on the indications, complications, and placement ofcentral venous catheters
3. McGee DdC, Gould MK. Preventing complications of central venous catheterization N Engl JMe .2003;348:1123-1133. .
Review of central venous catheter placement, and the various intervention and practice
techniques avaIlable to reduce and/or prevent complications ofcentral venous catheterization.

http://bacsinoitru.vn/f21/dat-ong-thong-catheter-tinh-mach-trung-tam-479.html