Showing posts with label người già. Show all posts
Showing posts with label người già. Show all posts

Saturday, February 5, 2022

Nỗi trăn trở về hàng ngàn ‘con mắt’ luôn dõi theo người già Nhật Bản



TTO - Khi bước sang tuổi 70, ông Koji Uchida, người Nhật Bản bắt đầu đi lạc. Lần đầu tiên, cảnh sát tìm thấy ông đang ngồi trước một máy bán hàng tự động cách nhà 27 km.

Nỗi trăn trở về hàng ngàn 'con mắt' luôn dõi theo người già Nhật Bản - Ảnh 1.

Ông Koji Uchida tại nhà dưỡng lão nơi ông đang sống. Ảnh: NYT

Những năm sau đó, ông biến mất thường xuyên hơn. Một lần còn đi lang thang suốt hai ngày trước khi đến căn hộ của một người lạ. Ông đói lả và hầu như không thể nhớ tên của mình. Tâm trí ông mờ mịt vì chứng mất trí nhớ.

Không biết phải làm gì, gia đình ông Uchida yêu cầu chính quyền địa phương đưa ông vào danh sách giám sát kỹ thuật số.

Tại Itami, tỉnh Hyogo, nơi gia đình Uchida sinh sống, có hơn 1.000 thiết bị cảm biến xếp dọc các con phố. Mỗi thiết bị được trang trí bằng một nhân vật hoạt hình tươi cười, bao quanh bởi các vạch sóng Wi-Fi. 

Mỗi lần ông Uchida ra ngoài đi dạo, hệ thống đã ghi lại vị trí của ông cụ thông qua một đèn hiệu ẩn trong ví của ông và liên tục gửi cảnh báo cho gia đình. Khi ông đi lạc hướng, gia đình có thể dễ dàng tìm thấy ông ấy.

Itami là một trong số các địa phương ở Nhật Bản đã chuyển sang theo dõi điện tử khi quốc gia già hoá này đối mặt với đại dịch mất trí nhớ. Các chương trình này nhằm bảo vệ những người bị suy giảm nhận thức.

Chi phí cho người... sống lâu 

Những nỗ lực giám sát của Nhật Bản đặt ra câu hỏi hóc búa mà các quốc gia trên toàn cầu phải đối mặt khi dân số của họ già đi nhanh chóng: làm thế nào để quản lý chi phí chăm sóc khổng lồ cho những người sống lâu hơn, cũng như là chi phí xã hội cho gia đình và những người thân yêu khác.

Nỗi trăn trở về hàng ngàn 'con mắt' luôn dõi theo người già Nhật Bản - Ảnh 2.

Một trong số 1.200 máy giám sát kỹ thuật số gắn trên cột đèn ở Itami. Ảnh: NYT

Chính phủ Nhật Bản coi nhiệm vụ này là quan trọng đối với sự ổn định trong tương lai của đất nước. Tuy nhiên, hệ thống giám sát bị cho là một trong những ví dụ cực đoan về sự thích ứng này. 

Nhiều người đưa ra những lo ngại nghiêm trọng về việc theo dõi kỹ thuật số. Họ cảnh báo rằng sự tiện lợi và yên tâm do giám sát mang lại có thể đe dọa nhân phẩm cùng sự tự do của những người bị theo dõi.

Vấn đề giám sát những người lớn tuổi đã đặt ra câu hỏi về sự đồng ý sâu sắc hơn khi các hệ thống giám sát điện tử đã trở thành một vật cố định trên toàn thế giới, được áp dụng rộng rãi ở cả các quốc gia giàu có, cởi mở như Mỹ và Anh, hay như cường quốc châu Á Trung Quốc.

Theo dõi ít xâm phạm

Người Nhật Bản rất quan tâm đến quyền riêng tư cá nhân của họ nên nhiều thành phố đã áp dụng các hình thức theo dõi điện tử ít xâm phạm hơn.

Là quốc gia có dân số già nhất thế giới, Nhật Bản dễ bị tổn thương nhất bởi sự tàn phá của chứng sa sút trí tuệ: mất trí nhớ, lú lẫn, suy giảm thể chất và đau lòng nhất là sự tan rã không thể cưỡng lại của bản thân cùng các mối quan hệ với người khác.

Đáng chú ý, Nhật Bản có tỷ lệ người mắc chứng sa sút trí tuệ cao nhất thế giới, với 4,3% dân số, theo ước tính của Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). 

Một nghiên cứu của chính phủ Nhật Bản năm 2012 cho thấy hơn 4,62 triệu cư dân mắc chứng sa sút trí tuệ. Một số nhà nghiên cứu ước tính rằng 1/4 dân số Nhật Bản sẽ mắc chứng bệnh này vào năm 2045.

Nỗi trăn trở về hàng ngàn 'con mắt' luôn dõi theo người già Nhật Bản - Ảnh 3.

Một đoạn đường ở Itami có sự hiện của máy theo dõi. Ảnh: NYT

Sa sút trí tuệ là nguyên nhân hàng đầu của các trường hợp mất tích ở Nhật Bản. Hơn 17.000 người mắc chứng sa sút trí tuệ đã mất tích vào năm 2020, tăng từ 9.600 người vào năm 2012.

Năm đó, chính phủ đã ban hành chính sách quốc gia đầu tiên về chứng mất trí nhớ, và kể từ đó, chính phủ đã phải vật lộn với việc xây dựng một khuôn khổ pháp lý để đáp ứng tốt hơn cho những người mắc chứng bệnh này.

Một kết quả chính là sự tập trung ngày càng tăng vào việc giúp đỡ những người bị sa sút trí tuệ, thay vì đưa họ vào viện dưỡng lão, với hy vọng cải thiện chất lượng cuộc sống của họ và giảm bớt gánh nặng cho các cơ sở chăm sóc.

Nhưng dịch vụ chăm sóc sa sút trí tuệ tại nhà có thể là nguyên nhân chính gây lo lắng. Mặc dù nhiều địa phương ở Nhật Bản cung cấp dịch vụ trông giữ vào ban ngày đối với người lớn, nhưng nó có thể tốn kém và không đáp ứng nhu cầu giám sát đối với những người dễ đi lạc nhất.

Các gia đình đôi khi giấu giếm những người bị sa sút trí tuệ vì sợ rằng những hành vi thất thường có thể thu hút sự kỳ thị của xã hội hoặc gây bất tiện cho cộng đồng

Đối với những người nhiều lần đi lạc, cảnh sát có thể gây áp lực cho gia đình để giữ họ ở nhà hoặc theo dõi chặt chẽ hoạt động di chuyển của họ.

Năm 2007, một người đàn ông 91 tuổi mắc chứng mất trí nhớ đã lạc khỏi nhà ở miền Trung Nhật Bản và bị tàu hỏa đâm chết. Nhà điều hành tàu hoả đã kiện gia đình của ông cụ vì những thiệt hại phát sinh từ sự chậm trễ trong dịch vụ vận tải hành khách. Và tòa án khu vực đã ra phán quyết có lợi về phía công ty kia. Quyết định đã được đảo ngược trong phần kháng cáo.




Bà Miki Sato, 46 tuổi, người được chẩn đoán mắc chứng sa sút trí tuệ cách đây 3 năm, đã tham gia một công ty cung cấp cơ hội làm việc cho những người mắc chứng bệnh này. Bà Sato nói rằng những người mắc chứng sa sút trí tuệ muốn được tin cậy. 





Và bà cho biết thêm rằng trên thực tế, số người chủ động muốn sử dụng các thiết bị theo dõi GPS này khá thấp so với số người phải sử dụng chúng.

Nỗi trăn trở về hàng ngàn 'con mắt' luôn dõi theo người già Nhật Bản - Ảnh 4.

Bà Miki Sato. Ảnh: NYT

Đối với bà Sato - người đã giúp phát triển một ứng dụng có chức năng theo dõi vị trí để hỗ trợ những người bị sa sút trí tuệ khi họ mua sắm hàng tạp hóa, điều quan trọng nhất chính là lựa chọn của cá nhân người đó.

Tuy nhiên, nỗi sợ hãi bị lạc đường của bà là có thật, Vào những ngày tồi tệ, các nhà ga xe lửa và tên đường phố lẫn lộn với nhau, còn các địa chỉ thì nhảy múa trong ký ức của bà.

Khi những người mắc chứng sa sút trí tuệ mất tích, hầu hết các cộng đồng Nhật Bản vẫn áp dụng cách tiếp cận tương tự để tìm ra họ. Các đội tìm kiếm tình nguyện viên được kích hoạt và nhà chức trách phát thông báo trên đài phát thanh địa phương hoặc trên hệ thống công cộng ở hầu hết các khu vực lân cận.

Một số địa phương đã chọn các giải pháp công nghệ thấp hơn, chẳng hạn như móc khóa chứa thông tin của người đi lạc. Nhưng khi ngày càng nhiều người mắc chứng sa sút trí tuệ sống ở nhà riêng thì phương án kỹ thuật số càng trở nên hấp dẫn hơn.

Những điều đó gồm những thứ dễ xâm nhập hơn, chẳng hạn như camera an ninh và thiết bị theo dõi có thể bỏ vào trong giày, đến các tùy chọn thụ động hơn như mã QR có thể bám trên móng tay và cảnh báo người chăm sóc khi bị quét bằng thiết bị thông minh.

Mặc dù các địa phương và công ty đã đầu tư lớn vào việc phát triển và quảng bá các chương trình, nhưng chúng vẫn được sử dụng ít, một phần vì những lo ngại về đạo đức.

Đặc biệt, vấn đề về sự đồng ý được thông báo là một vấn đề phức tạp, nhất là trong những trường hợp khó đánh giá liệu một người bị sa sút trí tuệ có khả năng đồng ý hay không.

Con trai của ông Uchida, anh Shintaro - người làm việc trong tòa thị chính - đã đăng ký cho cha mình vào năm 2019. Gia đình anh đã đồng ý thảo luận về trường hợp của ông Uchida để công chúng hiểu thêm về chứng mất trí.

Cha anh là một người ưa thích sự bận rộn. Sau khi nghỉ hưu, ông lập tức nhận một công việc khác. Tuy nhiên, khi bước sang tuổi 70, ông bắt đầu gặp khó khăn trong việc lái xe. Trí nhớ ông mờ dần.

Ông Uchida, năm nay 78 tuổi, đã sống nhiều thập kỷ ở Itami. Nhưng giờ đây khi anh đi dạo hàng ngày, đường phố không còn quen thuộc nữa. Trong một tháng, ông Uchida đã đi lạc ba lần. 

Chương trình theo dõi đã giúp 'làm chậm' quá trình lang thang của ông nhưng không thể ngăn chặn nó. Vào tháng 3 năm ngoái, gia đình ông miễn cưỡng đưa cha mình vào một cơ sở điều dưỡng