Theo Investing, Bitcoin đang có một ngày giao dịch sóng gió. Bắt đầu phiên giao dịch, giá Bitcoin giao động ở mốc 60.000 USD/coin. Tuy nhiên, vào khoảng 10 giờ sáng theo giờ Hà Nội, cú sập bắt đầu xảy ra. Đồng tiền số giá trị vốn hóa lớn nhất thế giới nhanh chóng sụt giảm nghiêm trọng, có lúc chỉ còn 52.058,5 USD/coin. Sau đó, giá Bitcoin chậm chậm tăng lên và đang được giao dịch ở mức 55.769,5 USD/coin vào lúc 12h10 theo giờ Hà Nội.
Dẫu vậy, ở mức giá này, Bitcoin vẫn đang giảm 10,37% so với giá đầu phiên. Nó cách xa đỉnh 65.000 USD mà đồng tiền số này xác lập vào ngày 12/4. Hiện tại, chưa thể xác định nguyên nhân của cú sập giá vừa xảy ra.
Việc Bitcoin cắm đầu lao dốc ngay lập tức kéo theo cú sập của các đồng tiền số khác. Đồng Ethereum hiện đang được giao dịch ở mức 2.175,23 USD/coin, giảm 12,34% so với đầu phiên. Đồng Binance Coin cũng mất 12,98% trong khi XRP chịu thiệt hại nặng nhất với gần 20% giá trị bị thổi bay.
Chỉ vài ngày sau khi đạt kỷ lục, Bitcoin đã ghi nhận mức giảm tồi tệ nhất trong gần 2 tháng qua. Một số báo cáo trực tuyến cho rằng sự sụt giảm lần này bắt nguồn từ nguy cơ Bộ Tài chính Mỹ có thể trấn áp hoạt động rửa tiền được thực hiện qua các tài sản số.
Sự chấp nhận ngày càng rộng rãi với tiền số đã thúc đẩy sự tăng giá của Bitcoin cũng như khiến nhiều mã khác chạm giá kỷ lục. Mối quan tâm tới tiền số tăng trở lại sau khi các công ty từ PayPal đến Square bắt đầu cho phép giao dịch bằng Bitcoin trên hệ thống của họ. Trong khi đó, các công ty chính thống như Morgan Stanley cũng bắt đầu cởi mở hơn với tiền số.
Những cú tăng giá đã làm lu mờ những lo ngại kéo dài về tính biến động và sự hữu ích của tiền số như một phương thức thanh toán. Thậm chí, Dogecoin, một loại tiền số ra đời dựa trên cảm hứng ảnh chế một chú chó, cũng đã tăng giá điên cuồng. Sự ủng hộ từ CEO Tesla Elon Musk và nhà đầu tư nổi tiếng Mark Cuban đã góp phần khiến Dogecoin tăng giá kỷ lục.
Thậm chí, nhu cầu về tiền số tăng mạnh tới mức hệ thống giao dịch của Robinhood đã bị sập trong một khoảng thời gian trước khi được sửa lại sau đó.
Tuy nhiên, tiền số vẫn gặp phải những tiếng nói phản đối. Chủ tịch Cục Dự trữ Liên bang Jerome Powell nói rằng Bitcoin "hơi giống vàng" ở chỗ nó là phương tiện đầu cơ chứ không phải thanh toán. Hồi tháng Giêng, Chủ tịch Ngân hàng Trung ương châu Âu Christine Lagarde đã nhắm mục tiêu vào Bitcoin với cáo buộc nó tạo điều kiện cho giới tội phạm hoạt động.
Ngân hàng trung ương của Thổ Nhĩ Kỳ đã cấm sử dụng tiền số làm phương thức thanh toán từ ngày 30/4 vì cho rằng mức độ ẩn danh của nó mang lại nhiều rủi ro. Ấn Độ thì ban hành luật cấm tiền số và phạt bất cứ ai giao dịch hoặc nắm giữ các tài sản đó, Reuters đưa tin hồi tháng 3.