Vợ cố nhạc sĩ Văn Cao, bà Nghiêm Thúy Băng, đã bước vào tuổi 94. Bà tâm sự, ở tuổi này bà không còn tha thiết gì, thế mà khi nhắc đến thơ/ nhạc Văn Cao bao ký ức trong bà lại tràn về, những ngày xanh như trở lại. Bà bảo, ông viết cho bà nhiều thơ lắm, trong đó có bài "Khuôn mặt em": "Giữa những ngày dài dằng dặc/ Chỉ còn khuôn mặt em/Sáng trong và bình lặng…".
Nhưng tôi có cảm giác, bài "Thời gian" được nhiều độc giả yêu thích của Văn Cao, cũng có hình bóng bà. Bà không khẳng định hay phủ định cảm giác của tôi, chỉ chậm rãi đọc: "…Riêng những câu thơ còn xanh/Riêng những bài hát còn xanh/Và đôi mắt em như hai giếng nước".
1/. Quen nhau từ "Thiên thai".
Bà Nghiêm Thúy Băng không nắm rõ gia tài ca khúc của chồng có số lượng ra sao. Tôi nói: Hình như ca khúc nào của cố nhạc sỹ cũng đều nổi tiếng? Bà nhẹ nhàng bảo: "Cũng có bài được phát hành nhưng không được thích". Tôi lại hỏi bà: "Nhiều nhạc sĩ thích tự thể hiện bài hát của mình, nhạc sĩ Văn Cao thì sao?". Phu nhân cố nhạc sĩ không hài lòng: "Cô không nên hỏi câu ấy. Nhạc sĩ sáng tác ra bài hát là mong muốn quần chúng hát nó". Tôi xin lỗi bà và chuyển đề tài: "Cố nhạc sĩ có nhiều tác phẩm vang danh, bà thích nhất bài hát nào?". Bà Nghiêm Thúy Băng vui vẻ trở lại: "Tôi thích nhiều bài nhưng bài ấn tượng nhất với tôi là "Đàn chim Việt". Bà còn nhắc để tôi nhớ, "Đàn chim Việt" còn có lời 1 là "Bến xuân": "Nhà tôi bên chiếc cầu soi nước/Em đến tôi một lần/Bao lũ chim rừng hợp đàn trên khắp bến xuân…". Bà nói thêm: "Tôi cũng rất thích bài Suối mơ". Nhưng bài hát đưa bà đến với nhạc sĩ tài danh lại là "Thiên thai".
Bà Nghiêm Thúy Băng là con gái của ông chủ nhà in Rạng Đông, Nghiêm Xuân Huyến. Nhạc sĩ Văn Cao vẫn tới đây để in báo Độc Lập: "Ông thường vào trong buồng, nơi người ta sắp chữ in báo. Ông phải làm việc với họ để ra tờ báo. Ông tự "mi" (trình bày báo). Còn tôi hồi đó ngồi ở quầy bán báo, bán đủ mọi loại báo. Tôi vừa bán, vừa viết hóa đơn", bà kể. Nhưng phải đến thời điểm Văn Cao tới in bài "Thiên thai" họ mới chính thức quen nhau. Bà vẫn nhớ cảm xúc của mình khi lần đầu tiên cầm trên tay bản thảo bài hát "Thiên thai": "Tôi thấy có những câu rất là mơ mộng". Phóng viên hỏi: "Cụ thể câu nào mơ mộng nhất, theo bà?". Bà Nghiêm Thúy Băng từ chối chia sẻ: "Thôi, tôi không nói".
Một nhạc sĩ, một hoạ sĩ nghèo như Văn Cao khi ấy làm sao chinh phục được con gái xinh đẹp của ông chủ nhà in? Bà kể: "Ông ấy chỉ cầm đàn guitar và đánh thôi, tôi chỉ nghe tiếng đàn". Mở cửa trái tim người con gái yêu âm nhạc bằng tiếng đàn guitar thay vì những lời đường mật là cách của Văn Cao. Sau này, Văn Cao vẫn hâm nóng tình cảm vợ chồng theo cách của riêng mình. Ông vẽ chân dung vợ, làm thơ, viết nhạc tặng vợ. Chỉ cần đọc bài "Khuôn mặt em" đủ thấy tình yêu của ông với người bạn đời của mình: "Trên đường đi/Khuôn mặt em làm giếng/Để anh tìm đáy ngọc châu/Ôi khuôn mặt sáng trong và bình lặng/Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùng". Bà bồi hồi nhớ: "Bài thơ được chồng tôi viết năm 1962, khi ấy chúng tôi đã có gái út rồi".
2/. Không muốn nợ tình.
Về thú uống rượu của cố nhạc sĩ, vợ ông bảo: "Người ta mang đến cho một cút này (bà chỉ vào chai nước khoáng 500 ml) thì phải 10 người uống. Các ông ấy nghiện cà phê hơn. Sáng dậy ông nhà tôi thường uống cà phê cho tỉnh. Nhà có cà phê, ông ấy tự pha".
Nói về gia tài tranh của cố nhạc sĩ, vợ ông tiết lộ: "Ở nhà hiện nay cũng chỉ giữ được một ít". Hồi ấy, nhà thơ Nguyễn Đình Thi mỗi lần đi nước ngoài đều mua vật phẩm cho Văn Cao vẽ. Con trai của cố nhạc sĩ, hoạ sĩ Nghiêm Thành chia sẻ: "Bố tôi học dự thính Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương một năm. Bố tôi bày tranh sơn dầu từ năm 1943, 1944. Ông nhờ một người bạn giữ tranh giúp nhưng người ta không giữ mà bán đi. Hoà bình lập lại, người ta ngượng, không muốn gặp bố tôi".
Hoạ sĩ Nghiêm Thành kể: "Nhà sưu tập Đức Minh từng đến nhà trao đổi, muốn mua tranh của bố tôi nhưng bố tôi không muốn bán. Khi bà nội tôi mất, ông ấy đến đặt trên bàn thờ chiếc phong bì chứa một số tiền lớn. Bố tôi dùng tiền ấy tổ chức tang lễ cho bà nội tôi, sau đó gọi nhà sưu tập đến và tặng lại bức tranh cho nhà sưu tập, vì không muốn nợ tình". Câu chuyện này cũng được nhà sưu tập Nguyễn Thiều Quang xác nhận. Hiện tại bức tranh đang trong bảo tàng tư nhân Quang San. Ông Thiều Quang cho biết, bức tranh qua tay các nhà sưu tập khác, trước khi về tay ông.
Nhạc sĩ Văn Cao và vợ sinh được 5 người con, trong đó có hai con gái. Trong 5 người con của ông, có người theo âm nhạc (dạy piano), có người theo hội hoạ. Sinh thời nhạc sĩ không ép con theo nghiệp của mình, để các con tự do lựa chọn.
3/. "Ông ấy rất thực tế, không như trong lời hát đâu".
Nhiều nhạc phẩm của Văn Cao mở ra một khung trời lãng mạn, không vương bụi trần. Từ cõi thiên thai với "ánh trăng mơ tan thành suối trần gian" đến suối mơ với "dòng nước trôi lững lờ ngoài nắng"… Tôi hỏi bà Nghiêm Thúy Băng: "Ngoài đời, nhạc sĩ có lãng mạn không?". Bà không trả lời trực tiếp câu hỏi mà nói chung: "Người sáng tác bao giờ cũng sống với trí tưởng tượng phong phú". Tôi lại hỏi: "Làm vợ một người tài năng, tâm hồn bay bổng như nhạc sĩ Văn Cao có khó cho bà?". Câu trả lời của bà khiến tôi bất ngờ: "Ông ấy rất thực tế, không như trong lời hát đâu". Bà "bật mí", nhạc sĩ Văn Cao không đứng ngoài chuyện cơm áo của gia đình: "Ông cũng kiếm tiền bằng cách vẽ tranh, làm trang trí sân khấu, làm nhạc phim, nhạc kịch, nhạc rối, nhạc chèo…". Trong bài thơ "Khuôn mặt em" viết tặng vợ, nhạc sĩ Văn Cao cũng đã nói về cuộc sống của hai vợ chồng, tuy không dễ dàng song họ vẫn vượt qua được nhờ tình yêu: "Dù hai đứa chúng ta/Chưa lúc nào sung sướng/Những ngày đau khổ ấy/Khuôn mặt em/Như mảnh trăng những đêm rừng cháy".
Bà Thúy Băng nhớ về những năm tháng đất nước gian lao: "Gia đình tôi là gia đình tư sản. Khi vào cách mạng chúng tôi mang kiềng vàng, xuyến vàng, dây chuyền vàng và cả lạng vàng ủng hộ Tuần lễ Vàng. Chúng tôi vẫn còn lại một ít vàng, được đánh thành từng chiếc nhẫn tròn, khi cần chi dùng lại mang đi bán, bán cũng rất dễ. Nhưng khi tiêu hết vàng, chúng tôi phải lao động. Chúng tôi nuôi gà lấy trứng, rồi ấp để nở thành gà con. Nhà tôi có trại gà. Chính gà biến thành cơm gạo, áo quần. Hồi ấy, Tây chiếm nhà, chúng tôi làm trại gà ở Việt Bắc. Những người theo cụ Hồ lên đây đều lao động hăng say. Ai cũng phải trồng rau, nuôi gà, chặt tre, đan thúng, đan mẹt. Những người làm nghề thợ may cũng mang máy khâu để may quần áo cho bộ đội". Tôi tò mò, không biết người viết những ca khúc của cõi mộng như "Thiên thai", "Suối mơ", "Buồn tàn thu", "Trương Chi"… có biết nấu nướng? Bà Thúy Băng lại nói chung: "Tất cả những người theo Cụ Hồ đều có nét của bộ đội, đeo ba lô, đeo gạo lên người". Con trai của nhạc sĩ Văn Cao, anh Nghiêm Thành, lúc này lên tiếng: "Bố tôi nấu ăn giỏi lắm".
Dù cuộc sống vật chất như Văn Cao tự miêu tả "không sung sướng" song cảm hứng âm nhạc trong ông luôn dồi dào. Văn Cao không chỉ là chủ nhân của những ca khúc lãng mạn, man mác buồn, mà ông còn là tác giả của những ca khúc hào hùng, rộn ràng tình yêu xứ sở, tình yêu lao động như "Trường ca Sông Lô", "Bắc Sơn", "Làng tôi", "Ngày mùa"… "Khi tôi sinh người con đầu lòng được một tháng thì bài "Trường ca Sông Lô" ra đời", bà Nghiêm Thúy Băng nói.
Không kể đêm hay ngày, cứ có cảm hứng thì nhạc sĩ Văn Cao ngồi sáng tác. Nhưng chủ yếu ông làm việc về đêm: "Tôi có cái áo dài nhung, chồng tôi thường mang nó đệm vào cái đàn cho tiếng đỡ to, để mọi người ngủ. Hồi đó, ông có đàn guitar, về sau mới có đàn piano", bà Băng chia sẻ. Dù ca khúc của Văn Cao ra đời trong hoàn cảnh bất bình thường của cuộc sống nhưng ca từ vẫn đẹp, trau chuốt: "Sông Lô sóng ngàn Việt Bắc bãi dài ngô lau núi rừng âm u/Thu ru bến sóng vàng từng nhà mờ biếc chìm một màu khói thu/Sông Lô, sóng ngàn kháng chiến cháy bờ lau thưa đã tàn thôn trang/Ai qua bến nắng hồng lặng nhìn màu nước Sông Lô xưa" (Trường ca Sông Lô).
Văn Cao là một nhạc sĩ yêu sách vở. Theo bà Băng: "Ông ham đọc sách. Ngày xưa ở Việt Bắc ông vẫn có tủ sách tiếng Pháp mang từ Hà Nội lên. Chồng tôi giỏi tiếng Pháp". Khi viết nhạc, Văn Cao có dự cảm những ca khúc của ông sẽ sống mãi với thời gian? Phu nhân cố nhạc sĩ lắc đầu: "Khi sáng tác ông không nghĩ nhiều như thế". Theo bà, cố nhạc sĩ Văn Cao chưa từng bi quan, chán nản hay than thở về cuộc đời sáng tạo nghệ thuật. Ông say mê thi ca, hội họa, âm nhạc: "Lúc nào không làm nhạc ông lại vẽ tranh, không thích vẽ tranh thì làm thơ". Trước khi chia tay phu nhân cố nhạc sĩ, tôi nói: "Nếu không viết nhạc, chỉ chuyên tâm vẽ tranh, có lẽ nhạc sĩ Văn Cao cũng thành họa sĩ nổi tiếng?". Với bà Nghiêm Thúy Băng không có chuyện "nếu như", bà bình thản đáp: "Tôi gặp ông ấy trong âm nhạc, tôi biết ông ấy là trong âm nhạc".
Bài viết - Nông Hồng Diệu (Đăng trên trang Tiền Phong).
Nguyễn Thuỷ Nguyên - Hà Nội ngày tháng cũ
(*) Ảnh - Bức tranh Văn Cao vẽ vợ ông - Bà Nghiêm Thúy Băng.
No comments:
Post a Comment