Friday, November 23, 2018

Đừng quá lo lắng khi bị HbsAg (+)!

Xét nghiệm HBsAg dương tính (+) là trường hợp rất hay gặp. Đã có nhiều người mất ăn mất ngủ, tốn tiền vô ích chỉ vì kết quả xét nghiệm HBsAg (+) khi gặp phải thầy thuốc không có tâm trong khi HBsAg (+) chưa phải là đã dính bệnh viêm gan siêu vi (VGSV) B.


Cứ 10 người xét nghiệm, thì 2 người có HBsAg (+)
 
Hầu như những đợt khám sức khỏe tổng quát tại đơn vị, cơ quan nào đó, thì cũng có một số người có kết quả xét nghiệm HBsAg (+). Anh Nguyễn Đức Liên (ngụ ở TPHCM) tỏ ra khá lo lắng khi mới đây cơ quan anh tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, và kết quả xét nghiệm máu của anh có HBsAg (+).
 
Lo lắng, nhưng cũng nghi ngờ với kết quả xét nghiệm ấy, anh Liên đã đến Viện Pasteur TP.HCM để xét nghiệm kiểm tra lại, và thật bất ngờ lần xét nghiệm này (cách lần xét nghiệm trước không bao lâu) lại cho kết quả HBsAg âm tính (-)! Nhờ vậy, anh an tâm đi tiêm ngừa, với lòng nhẹ nhõm không còn lo lắng nữa.
 
Còn anh Tr. V. Th., có vợ là nhân viên y tế đang công tác tại một bệnh viện ở TPHCM, nhưng khi qua xét nghiệm, anh cũng dương tính với HBsAg. Sau đó, anh đã xé phần báo kết quả vì sợ bị... vợ biết!
 
"Nhiều trường hợp thầy thuốc không có tâm, đã lạm dụng trong việc điều trị VGSV B, chỉ tội nghiệp người bệnh "oằn mình" chịu một khoản tiền thuốc khá lớn hằng tháng" - đó là lời cảnh báo của các bác sĩ chuyên khoa!
 
Theo Bác sĩ Trương Hữu Khanh - Trưởng khoa Nhiễm (Bệnh viện Nhi đồng 1, TP.HCM): "Kết quả xét nghiệm HBsAg (+) là rất thường gặp ở người dân trong nước, bình quân, cứ xét nghiệm máu trên 10 người, thì có 2 người cho kết quả HBsAg (+).
 
Tuy nhiên, đây chỉ là những người lành mang trùng; đó là chưa nói đến độ tin cậy về xét nghiệm của một số nơi, có thể cho kết quả dương tính giả (có thể do kỹ thuật làm; do kíp - loại test dùng trong xét nghiệm không tốt...)!  Chính vì vậy, khi làm xét nghiệm cần chọn nơi đáng tin cậy (như Viện Pasteur, hay các cơ sở y tế lớn...)"!
 
Tương tự, bác sĩ Bành Vũ Điền - Trưởng khoa Viêm gan (Bệnh viện Chợ Rẫy, TPHCM) cũng cho biết: "HBsAg (+) chiếm khoảng 15% - 20% dân số trong nước. Nhưng đây chỉ là một xét nghiệm tầm soát, chỉ nói lên người đó có nhiễm siêu vi B thôi, chứ chưa hẳn đã là mắc bệnh VGSV B".
 
Theo bác sĩ Trương Hữu Khanh: "Một người có HBsAg (+) thì cần làm tiếp xét nghiệm men gan. Nếu men gan tăng trong vòng 6 tháng (làm lần đầu men gan tăng, theo dõi, mấy tháng sau làm lại cũng tăng) thì mới gọi là VGSV B mãn. Còn nếu men gan tăng, rồi giảm lại ở lần xét nghiệm sau trong vòng trước 6 tháng, thì đó chỉ là VGSV B cấp". Còn theo bác sĩ Bành Vũ Điền, kỹ hơn cần làm thêm xét nghiệm sinh học phân tử (định lượng HBV DNA).
 
Một người có kết quả HBsAg (+) thì các thành viên trong gia đình cần làm xét nghiệm kiểm tra xem có bị nhiễm bệnh chưa, có kháng thể chưa. Chỉ tiêm ngừa khi chưa bị nhiễm (HBsAg âm tính) hoặc bị nhiễm (HBsAg (+)) nhưng chưa có kháng thể. Còn xét nghiệm có HBsAg (+) nhưng đã có kháng thể rồi thì không cần tiêm ngừa.
 
VGSV B lây qua đường máu, đường tình dục, từ mẹ sang con (nhiều nhất là trong lúc sinh và sau khi sinh). Nếu bà mẹ đang mang thai, phát hiện bị nhiễm bệnh, thì con sinh ra phải được tiêm thuốc trong vòng 12 giờ đầu sau sinh và không được cho trẻ bú mẹ để tránh bị lây nhiễm bệnh. Đây là điều rất quan trọng, bởi nhiều bà mẹ mang thai không biết mình bị bệnh, nên không có biện pháp phòng cho con khiến trẻ bị lây nhiễm (70% trẻ bị lây nhiễm trong năm đầu).
 
Người lành mang trùng cũng có thể lây bệnh cho người khác, vì thế cần phải dùng bàn chải đánh răng riêng, dao cạo râu riêng... Ăn uống chung, tiếp xúc không làm lây bệnh, trừ khi bị chảy máu. Đối tượng dễ bị lây nhiễm là nhân viên y tế (gặp nhiều nhất), cô giáo nhà trẻ.
 
Khi nào mới cần điều trị?
 
Bác sĩ Trương Hữu Khanh cho rằng, đối với những trường hợp bị VGSV B cấp, triệu chứng bệnh biểu hiện bao gồm: vàng da, nước tiểu vàng, sốt nhẹ, chán ăn, rối loạn tiêu hóa... chỉ cần nhập viện để được theo dõi. Cần nghỉ ngơi, dùng ít thuốc bổ, ăn uống làm nhiều bữa để dễ dung nạp; hạn chế dùng một số loại thuốc, thực phẩm (bia, rượu...) có hại đến gan. Đa phần ở thể cấp, bệnh sẽ tự lui.
 
Còn theo bác sĩ Bành Vũ Điền: "Có một điểm đặc biệt là, những người trên 20 tuổi nếu mắc bệnh, thì diễn tiến bệnh thường lành tính hơn. Nghĩa là, bệnh thường ở thể cấp tính, không cần chữa thuốc đặc hiệu, bệnh cũng sẽ tự khỏi. Chỉ độ 10% trường hợp có thể diễn tiến sang bệnh mãn tính.
 
Tuy nhiên, thực tế hiện nay có quá nhiều bác sĩ vì không nắm chuyên môn hay vì lý do khác đã lạm dụng trong việc điều trị, điều trị không đúng, chỉ khổ cho người bệnh. Nguy hiểm nhất là mắc bệnh ở trẻ sơ sinh: hơn 90% sẽ diễn tiến sang mãn tính vì nhiều trường hợp mắc bệnh nhưng không có biểu hiện lâm sàng rõ (chỉ qua xét nghiệm mới biết). Đây mới thực sự là mối nguy, bởi không những bệnh dẫn đến mãn tính nặng, mà còn là mầm bệnh làm lây lan cho người khác". 
 
Việc điều trị VGSV B mãn tính có rất nhiều phác đồ, tuy nhiên đây là những thuốc rất đắt tiền và thời gian điều trị rất lâu, tính bằng năm, phần lớn là điều trị ngoại trú. Nếu bị bệnh mãn tính cần chọn thầy thuốc có chuyên môn để được theo dõi, điều trị lâu dài, nhiều khi suốt đời.
 
Nếu bệnh mãn tính mà không chữa trị có thể dẫn đến xơ gan, ung thư gan (tỷ lệ dẫn đến xơ, ung thư gan dưới 20%). Cũng có trường hợp bệnh mãn tính, nhưng cũng tự hết.
 
Theo Thanh Tùng
 Thanh niên

No comments:

Post a Comment