Monday, July 25, 2016
3 rủi ro phổ biến khi sử dụng chứng thư bảo lãnh
(ĐTCK) Khi phát hành hay nhận chứng thư bảo lãnh, cả doanh nghiệp và ngân hàng đều đối mặt với rủi ro không thu hồi được tiền và tranh chấp kéo dài.
Bảo lãnh không hủy ngang vẫn không nhận được tiền
CTCP Xuất nhập khẩu thép hình miền Bắc (“Công ty Thép hình” - bên A) và CTCP Đầu tư Văn Phú Building (“Công ty Văn Phú” - bên B) ký hợp đồng thuê cọc. Để bảo đảm nghĩa vụ thanh toán theo hợp đồng, bên A yêu cầu phải có bảo lãnh thanh toán của ngân hàng. Một ngân hàng TMCP lớn ở miền Bắc đã phát hành chứng thư bảo lãnh cam kết không hủy ngang và khẳng định chịu trách nhiệm thanh toán tối đa theo giá trị thư bảo lãnh ngay sau khi nhận được văn bản yêu cầu đầu tiên kèm theo hồ sơ chứng minh bên B đã vi phạm hoặc không thực hiện đúng, đủ nghĩa vụ thanh toán.
Nhận được bảo lãnh, Công ty Thép hình yên tâm thực hiện hợp đồng với Công ty Văn Phú. Sau thời gian thực hiện hợp đồng, đến thời hạn thanh toán, Công ty Văn Phú không thực hiện nghĩa vụ thanh toán. Đến thời hạn cuối cùng bảo lãnh có hiệu lực, Công ty Thép hình gửi văn bản yêu cầu ngân hàng thực hiện nghĩa vụ bảo lãnh. Trong vòng 7 tháng kể từ ngày Công ty Thép hình gửi văn bản yêu cầu thực hiện bảo lãnh, ngân hàng không trả tiền cũng không có văn bản trả lời.
Đây không phải là trường hợp hiếm hoi phát sinh tranh chấp về bảo lãnh. Bảo lãnh là một loại bảo đảm nghĩa vụ thanh toán theo Bộ luật Dân sự và là một nghiệp vụ của ngân hàng. Đặc điểm của hình thức bảo lãnh là bên được bảo lãnh không đưa tài sản cụ thể nào để đảm bảo sẽ thanh toán. Khi bên được bảo lãnh không thực hiện nghĩa vụ thanh toán, bên đứng ra bảo lãnh, ở đây là ngân hàng, sẽ thực hiện việc thanh toán. Vì lý do không có tài sản cụ thể được đưa vào để đảm bảo nên các ngân hàng thường thận trọng khi sử dụng biện pháp này. Thông thường, ngân hàng chỉ phát hành bảo lãnh khi DN vay là khách hàng tốt hạng A đến AAA, có phương án vay vốn khả thi và bên bảo lãnh là một trong những đối tượng ngân hàng lựa chọn, bao gồm bảo lãnh từ các ngân hàng, những tập đoàn, tổng công ty nhà nước lớn, một số tổ chức định chế tài chính lành mạnh khác được ngân hàng lựa chọn.
CTCP Dược phẩm Viễn Đông (DVD) từng bảo lãnh cho một công ty khác vay ngân hàng 100 tỷ đồng, nhưng chính DVD sau đó đã phá sản, khiến ngân hàng khó đòi khoản nợ này
Ba rủi ro phổ biến
Trên thực tế, biện pháp bảo lãnh nêu trên vẫn tiềm ẩn nhiều rủi ro.
Thứ nhất, rủi ro đến từ điều kiện thanh toán của bảo lãnh không khả thi. Như trường hợp nêu trên, chứng thư bảo lãnh yêu cầu bên nhận bảo lãnh phải gửi hồ sơ chứng minh bên được bảo lãnh vi phạm nghĩa vụ. Điều khoản như trên thường dẫn tới bế tắc cho cả 3 bên: ngân hàng, khách hàng bên thụ hưởng bảo lãnh và khách hàng bên được bảo lãnh. Ngay cả khi bên thụ hưởng bảo lãnh cung cấp hồ sơ đầy đủ và yêu cầu thanh toán bảo lãnh, thì bên được bảo lãnh cũng cho rằng, họ chưa vi phạm nghĩa vụ thanh toán. Trong khi đó, cơ quan duy nhất có thể đưa ra phán quyết họ có vi phạm hay không là tòa án. Nếu chỉ dừng ở mức tranh chấp giữa 2 bên, ngân hàng không thể biết được có vi phạm hay không. Nếu không được khách hàng chấp nhận là đã vi phạm, thì ngân hàng không thể thực hiện thanh toán bảo lãnh, bởi sau đó ngân hàng sẽ không thể buộc khách hàng nhận nợ được. Như vậy, ngân hàng tự đưa mình vào thế “trở đi mắc núi, trở lại mắc sông”, thanh toán bảo lãnh thì không đòi nợ khách hàng được, mà không thanh toán bảo lãnh thì bên thụ hưởng sẽ đòi tiền và dễ dẫn đến tranh chấp, khiếu nại.
Do đó, các ngân hàng có kỹ năng nghiệp vụ tốt thường phát hành bảo lãnh vô điều kiện, tức là chỉ cần nhận được văn bản yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán thì ngân hàng lập tức thanh toán cho bên thụ hưởng. Sau đó, ngân hàng buộc khách hàng nhận nợ, nếu không trả được nợ thì xử lý tài sản. Nội dung này thường được ngân hàng đưa vào hợp đồng cấp bảo lãnh ký với khách hàng. Cách làm này vừa bảo đảm việc thông suốt trong quan hệ bảo lãnh, vừa tôn cao uy tín ngân hàng, vì việc thanh toán đúng hạn.
Rủi ro thứ hai mà ngân hàng và DN gặp phải là người ký phát không đúng thẩm quyền. Về nguyên tắc, pháp luật chỉ khống chế hai nội dung cơ bản liên quan đến thẩm quyền mà người tham gia giao dịch buộc phải biết. Một là, đại diện theo pháp luật được ghi trên Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là người có thẩm quyền ký kết tối cao. Mọi văn bản phát ra phải do người này ký hoặc do người này ủy quyền. Một hợp đồng do chủ tịch HĐQT ký vẫn có thể vô hiệu nếu như không được người đại diện theo pháp luật ủy quyền. Hai là, thẩm quyền tối cao về quyết định của CTCP là HĐQT. Luật Doanh nghiệp quy định, những hợp đồng giao dịch vượt quá 50% tổng tài sản đều phải được HĐQT thông qua. Người tham gia giao dịch chỉ cần biết 2 điều cơ bản này. Các vấn đề khác thuộc về phân quyền nội bộ trong DN thì người tham gia tham gia giao dịch không buộc phải biết.
Rủi ro người ký phát không đúng thẩm quyền thường rơi vào trường hợp người ký không phải là đại diện theo pháp luật, không được người đại diện ủy quyền, phân cấp hoặc giao dịch có giá trị quá lớn. Do đó, bên phát hành bảo lãnh có quyền viện dẫn pháp luật để từ chối bảo lãnh.
Việc ký kết không đúng thẩm quyền thường xuất phát từ dấu hiệu cố ý làm trái để thu lợi bất chính đối với cán bộ ngân hàng. Đây là vụ việc đang được cơ quan công an điều tra ở một ngân hàng nhà nước lớn, trong đó giám đốc chi nhánh đã ký kết nhiều hợp đồng bảo lãnh không thực hiện đúng quy trình, hồ sơ nghiệp vụ, có khả năng vượt quá thẩm quyền.
Rủi ro thứ ba là bảo lãnh bị làm giả chữ ký, con dấu giả mạo người có thẩm quyền của bên phát hành bảo lãnh. Ngân hàng cho vay và nhận bảo lãnh thanh toán từ ngân hàng, nhưng chữ ký, con dấu của ngân hàng bạn bị làm giả. Người ký không có thật, dấu chưa từng đóng. Cũng có trường hợp, chữ ký thật, con dấu thật, nhưng thực tế người ký và con dấu đóng tại thời điểm cá nhân đó không có thẩm quyền ký. Nguyên nhân của các trường hợp này đều do ngân hàng nhận bảo lãnh chủ quan, làm tắt quy trình, không xác nhận lại với ngân hàng bạn về chứng thư bảo lãnh được làm trước.
Có trường hợp ngân hàng cấp tín dụng cho khách hàng để thi công công trình xây dựng trên cơ sở nhận được bảo lãnh từ phía ngân hàng bạn. Khi khách hàng không trả nợ, ngân hàng cho vay yêu cầu thanh toán bảo lãnh thì nhận được trả lời từ chối thanh toán, vì đã hết thời hạn. Xem lại chứng thư bảo lãnh thì do câu chữ không chặt chẽ, dẫn đến mỗi bên hiểu một kiểu. Ngân hàng phát hành ghi bảo lãnh có hiệu lực trong 180 ngày kể từ ngày phát hành bảo lãnh. Ngân hàng thụ hưởng bảo lãnh lại hiểu 180 ngày làm việc, trừ ngày nghỉ, thứ Bảy, chủ Nhật… Bởi vậy, khi ngân hàng thụ hưởng bảo lãnh yêu cầu thực hiện nghĩa vụ thanh toán, thì ngân hàng bảo lãnh cho rằng, đã hết hạn bảo lãnh.
Hơn nữa, dù là nhận bảo lãnh từ các DN lớn, có uy tín trên thị trường, song ngân hàng vẫn có nguy cơ không thu hồi được tiền khi DN phá sản. Thực tế, một ngân hàng đã nhận bảo lãnh từ DVD để cho một công ty vay trên 100 tỷ đồng. Thời điểm đó, DVD là doanh nghiệp lớn, có tiềm năng phát triển. Tuy nhiên, do vướng mắc các vấn đề nội bộ, một số thành viên chủ chốt của DVD ra tòa, doanh nghiệp phá sản là điều ngân hàng không ngờ. Cam kết bảo lãnh trở thành vô giá trị. Đây là nguy cơ phổ biến đối với các ngân hàng, vì đánh giá khách hàng đã khó, nhưng dù sao còn có phương án kinh doanh để xem xét, chứ đánh giá công ty bảo lãnh còn khó hơn, vì ngân hàng chỉ có thể dựa vào thông tin mà ngân hàng biết.
Luật sư Trần Minh Hải
Theo Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư
Chủ tịch HĐQT CTCP Đào tạo nghiệp vụ ngân hàng, Giám đốc Công ty Luật Ngân hàng - Chứng khoán - Đầu tư
Subscribe to:
Post Comments (Atom)
No comments:
Post a Comment