Thursday, March 17, 2016

Cuộc chiến biên giới 17-2-1979: Mỹ-Trung đã mặc cả những gì?


(Quan hệ quốc tế) - Để giành chiến thắng trong cuộc chiến chống quân xâm lược ngày 17-2-1979, biết bao xương máu quân dân Việt Nam đã đổ xuống vì mưu đồ của những nước lớn.

Trung Quốc khởi xướng chiến tranh xâm lược Việt Nam
…Đến giữa tháng 1-1979, hơn một phần tư quân đội thường trực của Trung Quốc đã được đưa đến biên giới Trung-Việt, với tổng cộng khoảng hơn 320.000 quân núp dưới danh nghĩa bộ đội địa phương, cùng với khoảng 30 vạn dân binh và lực lượng hỗ trợ hậu cần.
Để thực hiện kế hoạch tác chiến theo kiểu “Biển người” này, Trung Quốc đã huy động tổng cộng tới 8 Quân đoàn và Tập đoàn quân tham gia tác chiến trực tiếp, một Tập đoàn quân được sử dụng làm lực lượng dự bị chiến lược, sẵn sàng chi viện cho các hướng.
Guồng máy khổng lồ hoạt động cho một cuộc xâm lược quy mô, núp dưới cái tên khêu gợi sự thương cảm của cộng đồng quốc tế là “Chiến tranh phản kích tự vệ” đã được chuẩn bị xong và sẵn sàng gieo tội ác xuống đất nước láng giềng nhỏ bé và thân thiện.
Từ trước đến nay, mọi người thường chỉ bàn về nguyên nhân Trung Quốc đánh Việt Nam là do Trung Quốc không đạt được mục đích chi phối đường lối đối ngoại của Việt Nam, lo ngại Việt Nam tự lực tự cường lớn mạnh, trở thành một quốc gia có ảnh hưởng bao trùm Đông Dương.
Hai nữa là Trung Quốc muốn ngăn chặn ảnh hưởng quá lớn của Liên Xô với Việt Nam và Đông Nam Á, tránh bị vây ép từ 2 phía, đồng thời thử độ bền vững của Hiệp ước hợp tác toàn diện mà Việt Nam và Liên Xô mới ký năm 1978.
Cuoc chien bien gioi 17-2-1979: My-Trung da mac ca nhung gi?
Quân Trung Quốc bắn pháo phản lực sang lãnh thổ Việt nam
Ngoài ra còn có những vấn đề khác như mâu thuẫn Việt Nam-Trung Quốc trong vấn đề người Hoa, xuất phát từ việc Việt Nam cải tạo tư sản ở miền Nam sau giải phóng và những khúc mắc không thể tháo gỡ về chủ quyền biên giới-hải đảo những thập niên 70-80 của thế kỷ trước.
Ngày nay, với sức mạnh của truyền thông, hầu như ai trong số chúng ta cũng đã nhận thức rất rõ những “cái mất” của Trung Quốc sau cuộc chiến tranh xâm lược tháng 2 năm 1979, nhưng cơ bản vẫn còn mơ hồ về những điều Bắc Kinh đạt được, hay nói cách khác, chỉ ra tính mục đích của họ khi tiến hành cuộc chiến tranh phi nghĩa này.
Ban đầu, ý định xâm lược Việt Nam của Đặng Tiểu Bình vấp phải sự phản đối của phần lớn thành viên Quân ủy trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc, bởi tất cả đều nhận định Quân giải phóng nhân dân Trung Quốc (PLA) "không được chuẩn bị đầy đủ cho chiến tranh".
Một số lãnh đạo của Đảng Cộng sản Trung Quốc cũng hết sức hoài nghi, cho rằng quyết định tấn công Việt Nam, "đổ các nguồn tài nguyên khan hiếm trong giai đoạn hiện đại hóa mới cất bước vào một mục đích khác" là hành động không hợp lý.
Cuoc chien bien gioi 17-2-1979: My-Trung da mac ca nhung gi?
Một ổ hỏa lực của quân xâm lược Trung Quốc
Giới lãnh đạo chính trị Trung Quốc nói chung cho rằng PLA chưa phục hồi sau Đại cách mạng văn hóa (1966-1976), kỷ luật lỏng lẻo, huấn luyện yếu kém. Lần cuối cùng mà quân đội Trung Quốc "thực sự đánh trận" là chiến tranh biên giới với Ấn Độ năm 1962.
Trong khi đó, quân đội Việt Nam được tôi luyện nhiều thập kỷ trong hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ. Do đó, có quan điểm lo sợ rằng nếu thua trong cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam có thể khiến Bắc Kinh bị "bẽ mặt" trong một thời gian rất dài.
Một mối lo ngại khác mà các nhà quyết sách Trung Quốc nêu ra là khả năng quân đội hùng mạnh của Liên Xô sẽ can thiệp nếu PLA dám hành động càn rỡ. Tuy nhiên, Đặng Tiểu Bình vẫn quyết định tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược này. Vì sao?
Tại sao chúng ta lại phải đưa vấn đề “Đặng Tiểu Bình và cuộc chiến quyền lực” vào phần mục đích của Trung Quốc khi tiến hành cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979? Điều này xuất phát từ 2 nguyên nhân chính.
Một là: Quyết định xâm lược của Trung Quốc xuất phát từ phần lớn các quyết định cá nhân của Đặng Tiểu Bình, với mục đích thâu tóm quyền lực lãnh tụ tối cao từ tay Hoa Quốc Phong - nhà lãnh đạo thuộc trường phái thủ cựu, vẫn trung thành với lí luận của Mao Trạch Đông.
Hai là: Cuộc chiến năm 1979 gắn liền với tư tưởng cải cách mở cửa của Đặng Tiểu Bình được sự giúp đỡ đắc lực của Hoa Kỳ. Cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam là sự ngã giá của Bắc Kinh với Washington, đổi lấy 10 năm Mỹ hỗ trợ Trung Quốc cải cách và phát triển lớn mạnh.
…tháng 10-1976, sau khi lãnh đạo xóa bỏ Cách mạng Văn hóa Trung Quốc, Hoa Quốc Phong đã thâu tóm tất cả các chức vụ lãnh đạo cao nhất của Trung Quốc là Chủ tịch Ban chấp hành Trung ương đảng Cộng sản Trung Quốc (Chủ tịch Đảng), Thủ tướng Quốc vụ viện và Chủ tịch Quân ủy Trung ương.
Hoa Quốc Phong đã trở thành vị lãnh đạo Trung Quốc duy nhất cùng lúc đảm nhận vị trí lãnh đạo tối cao của đảng, chính phủ và quân đội, kể từ năm 1949 và nhận được sự ủng hộ của Chủ tịch nước-Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương Diệp Kiếm Anh (nhân vật số 2) và Phó Chủ tịch Đảng Uông Đông Hưng (nhân vật số 5).
Ông Hoa Quốc Phong chính là người đã đề xướng phương châm “kết thúc đấu tranh giai cấp, chuyển dịch trọng điểm công tác sang kiến thiết kinh tế” tại Đại hội đảng Cộng sản Trung Quốc lần 3 khóa XI (Tháng 12-1978), mở đường cho cuộc cải cách kinh tế mà Đặng Tiểu Bình cũng đang ấp ủ.
Sau Đại hội ĐCSTQ lần thứ XI (năm 1977), Đặng Tiểu Bình mới được phục chức (sau khi bị cách hết chức vụ vào đầu năm 1976) và chỉ là nhân vật lãnh đạo số 3 của Trung Quốc (sau Hoa Quốc Phong và Diệp Kiếm Anh) và đang ấp ủ giấc mộng nắm quyền lãnh đạo để thay đổi Trung Quốc.
Lúc đó Đặng Tiểu Bình nắm giữ các chức vụ Phó Chủ tịch Đảng, Phó Chủ tịch Quân ủy Trung ương, Chủ tịch Hội nghị Chính trị Hiệp thương Nhân dân Toàn Quốc, Phó Thủ tướng kiêm Tổng Tham mưu trưởng Quân Giải phóng Nhân dân Trung Quốc.
Một trong những quyết định quan trọng đầu tiên của ông ta cũng được công bố tại Hội nghị TW 3 là chuyển ưu tiên quốc gia của Trung Quốc sang hiện đại hoá kinh tế và mở cửa ra thế giới bên ngoài, nhưng Đặng đi xa hơn Hoa là muốn “Cải cách, mở cửa” mà trọng tâm là bắt tay với Mỹ.
Theo sách lược này, Hoa Kỳ được xem là tấm gương để học tập các ý tưởng và công nghệ tiên tiến, đồng thời là tấm gương thích hợp nhất về hiện đại hoá. Đặng tin rằng, nếu Bắc Kinh mở cửa với các nước khác nhưng cự tuyệt Wasghington thì chính sách mới sẽ không có hiệu quả.
Do đó, muốn “Cải cách, mở cửa” có hiệu quả thì phải bắt tay với Mỹ, cắt đứt quan hệ với Khối Xã hội Chủ nghĩa.
Hoa Quốc Phong (trái) và Đặng Tiểu Bình năm 1987. (Ảnh: Nhân Dân Nhật Báo)
Tư tưởng của Đặng Tiểu Bình cũng đã khởi đầu cho việc Trung Quốc quyết định chấm dứt Hiệp định Xô - Trung có thời hiệu 30 năm, về quan hệ Liên minh, Hợp tác hữu nghị và giúp đỡ lẫn nhau, được ký vào ngày 14-2-1950, hết thời hiệu ngày 15-2-1979 và mở đường cho quá trình bình thường hóa quan hệ Trung-Mỹ (chính thức vào tháng 1-1979).
Tuy nhiên, khi đó nhóm lãnh đạo cao nhất trong Trung ương ĐCSTQ của Hoa Quốc Phong vẫn chủ trương tiếp tục duy trì lý luận của Mao Trạch Đông. Trong quân đội Trung Quốc cũng có không ít cán bộ cao cấp tỏ ra không thông với đường lối chính trị và chính sách kinh tế của họ Đặng.
Trong bối cảnh có nhiều tư tưởng “chống đối”, nếu chỉ dựa vào chức vụ của Đặng Tiểu Bình khi đó thì khó có thể xoay chuyển được tình thế, mà phải cần đến một phương thức cực đoan để có thể quét sạch được mọi chướng ngại của thế lực cực tả đối với “Cải cách, mở cửa”.
Trải qua 3 lần mất chức, thậm chí phải đi cải tạo, Đặng Tiểu Bình hiểu rằng, muốn thực hiện giấc mộng lớn “Cải cách, mở cửa” thì phải xác lập quyền lực tuyệt đối trong Đảng. Để xây dựng uy tín và thực quyền phải thông qua quân đội, cách nhanh nhất là gây chiến tranh.
Việc Trung Quốc xâm lược Việt Nam xuất phát từ ý đồ thâu tóm quyền lực để thực hiện sách lược “Cải cách, mở cửa” của Đặng Tiểu Bình, đồng thời cũng là lời tuyên cáo đoạn tuyệt với Khối xã hội Chủ nghĩa của Bắc kinh, tạo lòng tin với người Mỹ để Washington trợ giúp trong quá trình cải cách.
Ngày 10-5-2010, Trung tướng Lưu Á Châu, Chính ủy Đại học Quốc Phòng Trung Quốc đã có bài phát biểu tại căn cứ Không quân Côn Minh - Vân Nam. Bài phát biểu này cũng đã được một số tờ báo của Việt Nam trích dẫn đoạn nói lên những nhược điểm của Trung Quốc.
Thế nhưng, trong bài nói chuyện này, tướng Lưu có nhấn mạnh rằng, đối với cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam năm 1979 (Trung Quốc gọi là “Chiến tranh phản kích tự vệ”), ngay cả nhiều cán bộ cao cấp trong và ngoài quân đội của nước này cũng chưa nhận thức được hết ý nghĩa to lớn của cuộc chiến đó.
Mở đầu đoạn nói về chiến tranh Trung-Việt 17-2-1979, ông Lưu phát biểu: “…khi ấy có người nói rằng, chúng ta đánh nhau với người Việt Nam, những người hy sinh hiện nay được coi là liệt sĩ, sau khi quan hệ hai nước trở lại tốt đẹp, họ sẽ là gì? Tôi trả lời: “Vẫn là liệt sĩ!”.
Viên tướng Trung Quốc cho rằng, việc nước này tiến hành chiến tranh xâm lược năm 1979 phải nhìn nhận từ góc độ chính trị, bởi ý nghĩa nó nằm bên ngoài cuộc chiến. “Cuộc chiến này của đồng chí Đặng Tiểu Bình là đánh để hai người xem, một là Đảng Cộng sản Trung Quốc, hai là người Mỹ” - tướng Lưu nhận định.
Sau khi Đặng Tiểu Bình trở lại chính trường vào năm 1978, giữa tháng đó ông ta đi thăm Mỹ, sau khi 2 nước vừa bình thường hóa quan hệ vào ngày 1-1-1979. Và đến tháng 2-1979 thì Trung Quốc tấn công xâm lược Việt Nam. Đối với Đặng Tiểu Bình, cuộc chiến với Việt Nam phải nổ ra.
Đặng Tiểu Bình bên cạnh Tổng thống Mỹ Jimmy Carter trong chuyến thăm Washington năm 1979
Lí do thứ nhất là Đặng Tiểu Bình cần thâu tóm quyền lực tuyệt đối để thuận lợi tiến hành “Cải cách, mở cửa” nên phải nắm quân đội thông qua một cuộc chiến tranh với nước ngoài được tuyên truyền rầm rộ với vai trò “chính nghĩa” thuộc về Trung Quốc.
Lí do thứ 2 là Đặng Tiểu Bình muốn vạch rõ ranh giới với khối Xã hội Chủ nghĩa để “bày tỏ gan ruột” với Tổng thống Mỹ Jimmy Carter - người vốn không tin Trung Quốc có thể làm gì trước Liên Xô, khiến Mỹ thực sự tin tưởng và giúp đỡ Trung Quốc “Cải cách, mở cửa”.
Tướng Lưu Á Châu nhận định rằng, Đặng Tiểu Bình gây ra cuộc chiến tranh này chính là vì người Mỹ, để trả hận cho người Mỹ, mà bằng chứng là ngày hôm trước rời Nhà Trắng thì ngày hôm sau, Đặng Tiểu Bình ra quyết định bắt đầu xâm lược Việt Nam.
Ông ta cũng phân tích rằng, thực không phải Trung Quốc đánh Việt Nam vì Mỹ, mà là vì chính bản thân mình, vì công cuộc “Cải cách, mở cửa” đang bắt đầu triển khai. Trung Quốc không thể thực hiện được sách lược này mà không có viện trợ của các nước phương Tây, đứng đầu là Mỹ.
Sau cuộc chiến tranh xâm lược Việt Nam, bề ngoài các nước phương Tây bao vây, cô lập Trung Quốc về ngoại giao nhưng bên trong, Washington ngấm ngầm ồ ạt viện trợ kinh tế, kỹ thuật, khoa học kỹ thuật và cả viện trợ quân sự, tiền vốn cho Trung Quốc phát triển.
Tướng Lưu khẳng định, dù “Tuần trăng mật” giữa hai nước chỉ kéo dài trong một thập niên (sau sự kiện Trung Quốc đàn áp học sinh, sinh viên biểu tình trên Quảng trường Thiên An Môn ngày 4-6-1989) là tan vỡ, nhưng Trung Quốc đã hưởng lợi rất nhiều.
Đặng Tiểu Bình gặp Tổng thống Mỹ Jimmy Carter và cựu Tổng thống Nixon
“Cuộc chiến tranh Vệt Nam đã đem lại cho chúng ta những gì? Đó là một lượng lớn thời gian, tiền bạc và kỹ thuật. Nhờ những yếu tố này, Trung Quốc tiếp tục đứng vững sau khi Liên Xô sụp đổ. Đây thực sự là một thành công vĩ đại.” - ông Lưu Á Châu nhận định.
Viên tướng này còn cho rằng, ý nghĩa to lớn nhất của cuộc chiến xâm lược Việt Nam là ở chỗ, nó là yếu tố quyết định thắng lợi của “Cải cách, mở cửa” ở Trung Quốc!
Kết luận:
Như vậy có thể nhận thấy rằng, Trung Quốc xâm lược Việt Nam là một âm mưu lớn, đước chuẩn bị kỹ càng, nhằm thỏa mãn tư tưởng nước lớn, khát vọng bá quyền và phục vụ lợi ích quốc gia, dân tộc của họ, bất chấp trước đó 2 nước là anh em, đồng chí cùng ý thức hệ.
Máu xương của quân dân Việt Nam đã phải đổ xuống vì những cái bắt tay, những âm mưu móc ngoặc chống phá nhau của các nước lớn. Cùng với sự kiện Hoàng Sa, đây chính là bài học lớn nhất, có giá trị xuyên suốt chiều dài lịch sử về giữ vững đường lối độc lập, tự chủ trong bảo vệ tổ quốc của dân tộc ta.
Thiên Nam
http://baodatviet.vn

No comments:

Post a Comment