Tuesday, August 18, 2015

Tổng khởi nghĩa tháng Tám 1945, nước Việt Nam dân chủ cộng hòa ra đời (2-9-1945)

Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ tổng khởi nghĩa Từ cuối tháng 4 đầu tháng 5-1945, từng tháng, từng ngày, lịch sử chứng kiến sự diệt vong của chủ nghĩa phát xít, sự thắng lợi của loài người tiến bộ và các lực lượng dân chủ chống phát xít.

1. Nhật đầu hàng Đồng minh, thời cơ tổng khởi nghĩa

Từ cuối tháng 4 đầu tháng 5-1945, từng tháng, từng ngày, lịch sử chứng kiến sự diệt vong của chủ nghĩa phát xít, sự thắng lợi của loài người tiến bộ và các lực lượng dân chủ chống phát xít.

Ngày 9-8-1945, sau khi chiến thắng hoàn toàn quân Đức, Hồng quân Liên Xô bắt đầu tiến công quân Nhật. Trong vòng không đầy một tuần lễ, quân đội Liên Xô đánh tan gần một triệu quân Nhật tại Mãn Châu (Trung Quốc), buộc Nhật đầu hàng Liên Xô và Đồng minh không điều kiện. Chiến tranh Thái Bình Dương, Chiến tranh thế giới lần thứ hai chấm dứt.

Việc gần một triệu quân Quan Đông thiện chiến nhất của Nhật bị tiêu diệt đã tác động mạnh đến tinh thần quân Nhật ở Đông Dương. Chính phủ bù nhìn Trần Trọng Kim cùng với các hạng tay sai khác của Nhật đều hoang mang tan rã.

Điều kiện khách quan cho cuộc khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền đã hoàn toàn chín muồi, "thời cơ ngàn năm có một" đã đến, trong lúc điều kiện chủ quan của ta hết sức thuận lợi.

Ngày 13-8-1945 Ủy ban khởi nghĩa toàn quốc được thành lập, liền ra "Quân lệnh số 1" hạ lệnh tổng khởi nghĩa.

Từ ngày 13 đến ngày 15-8-1945, tại Tân Trào diễn ra Hội nghị toàn quốc của Đảng. Hội nghị nhận định: "Những điều kiện khởi nghĩa ở Đông Dương đã chín muồi... Quân lính Nhật tan rã, mất tinh thần, hàng ngũ chỉ huy Nhật ở Đông Dương chia rẽ đến cực điểm, bọn Việt gian thân Nhật hoảng sợ. Toàn dân tộc đang sôi nổi đợi giờ khởi nghĩa giành chính quyền độc lập. Từ nhận định đó, Hội nghị đi đến quyết định phát động toàn dân nổi dậy khởi nghĩa giành chính quyền trước khi quân Anh, quân Tưởng Giới Thạch vào Đông Dương tước khí giới quân Nhật và thực dân Pháp chưa kịp tập hợp lực lượng, điều quân vào xâm lược nước ta lần nữa. Hội nghị 496 còn quyết định những vấn đề quan trọng về chính sách đối nội, đối ngoại trong thời kỳ đầu sau khi giành được chính quyền.

Hội nghị toàn quốc của Đảng bế mạc thì Đại hội quốc dân do Tổng bộ Việt Minh triệu tập họp ngay ở Tân Trào (Tuyên Quang) trong hai ngày 16 và 17-8-1945. Tham dự Đại hội có hơn 60 đại biểu của các giới, các đảng phái chính trị, các đoàn thể quần chúng, các dân tộc, các tôn giáo trong nước và đại biểu kiều bào ở nước ngoài. Đại hội tán thành hoàn toàn chủ trương tổng khởi nghĩa của Đảng, nhất trí thông qua 10 chính sách của Việt Minh, coi đó là chính sách cơ bản của cách mạng, cử ra ủy ban dân tộc giải phóng do Hồ Chí Minh làm Chủ tịch. Đại hội còn quyết định lấy lá cờ đỏ sao vàng làm Quốc kỳ, lấy bài Tiến quân ca làm Quốc ca.

Đại hội quốc dân vừa bế mạc, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư kêu gọi đồng bào cả nước đứng lên khởi nghĩa giành chính quyền:

Giờ quyết định cho vận mệnh dân tộc ta đã đến. Toàn quốc đồng bào hãy đứng dậy đem sức ta mà tự giải phóng cho ta... chúng ta không thể chậm trễ. Tiến lên! Tiến lên! Dưới lá cờ Việt Minh đồng bào hãy dũng cảm tiến lên?.

2. Tổng khởi nghĩa tháng Tám, nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời

Hưởng ứng lệnh tổng khởi nghĩa của Đảng, lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đồng bào cả nước, triệu người như một, nhất tề đứng lên với tinh thần "Dù hi sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn, cũng phải kiên quyết giành cho được độc lập".

Chiều 16-8-1945, theo lệnh của Uỷ ban khởi nghĩa, một đơn vị quân giải phóng do Võ Nguyên Giáp chỉ huy, xuất phát từ Tân Trào, nơi Đại hội quốc dân đang họp, tiến về thị xã Thái Nguyên, mở đầu cuộc tổng khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền trong cả nước.

Ở nhiều tỉnh xa, lệnh tổng khởi nghĩa của Trung ương đến chậm, nhưng nhờ thấm nhuần các chỉ thị, nghị quyết của Đảng trước đó, nhất là tinh thần chỉ thị "Nhật-Pháp bắn nhau và hành động của chúng ta", đồng thời căn cứ vào tình hình thực tế ở địa phương, khi được tin Nhật đầu hàng Đồng minh, lãnh đạo Đảng, Mặt trận dã kịp thời, chủ động phát động quần chúng nổi dậy.

Từ ngày 14 đến ngày 18-8-1945, Ở hầu hết các tỉnh miền Bắc, quần chúng cách mạng đã nổi dậy giành chính quyền ở cấp xã và cấp huyện, rồi tiến lên giành chính quyền ở tỉnh.

Ngày 18-8-1945, nhân dân Bắc Giang, Hải Dương, Hà Tĩnh,Quảng Nam giành được chính quyền ở tỉnh lỵ sớm nhất trong cả nước.

Ngày 19-8-1945, cả Hà Nội đỏ rực màu cờ. Hàng chục vạn quần chúng cách mạng ở nội và ngoại thành mang theo gậy dao, súng, mã tấu... tiến về quảng trường Nhà hát thành phố dự cuộc mít tinh do Việt Minh tổ chức. Cuộc mít tinh bắt đầu lúc 11 giờ. Sau loạt súng chào cờ và bài Tiến quân ca vang lên, đại biểu Uỷ ban quân sự cách mạng đọc lời hiệu triệu khởi nghĩa của Việt Minh. Cuộc mít tinh phát triển nhanh chóng chuyển thành cuộc biểu tình tuần hành vũ trang. Quần chúng biểu tình chia thành nhiều đoàn, có các đơn vị tự vệ chiến đấu, tiến về các ngả đường, chiếm các cơ quan của chính quyền bù nhìn: Phủ Khâm sai, Toà Thị chính, Sở cảnh sát, Trại bảo an binh... Trước khí thế sục sôi của quần chúng khởi nghĩa, Nhật dù có hơn một vạn quân cũng không thể làm gì được. Binh lính và cảnh sát ngụy cũng bất lực và cuối cùng ngả theo cách mạng. Chính quyền hoàn toàn về tay nhân dân.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa ở Hà Nội (ngày 19 tháng 8) đã có tiếng vang nhanh trong cả nước, có tác dụng cổ vũ mạnh mẽ các tỉnh và các thành phố khác, làm tăng thêm cuộc khủng hoảng trong hàng ngũ kẻ thù, tạo điều kiện thuận lợi cho cuộc tổng khởi nghĩa.

Ở Huế, ngày 23-8-1945, quần chúng các huyện ngoại thành đã giành được chính quyền cùng phối hợp với công nhân, thanh niên, sinh viên, học sinh và các tầng lớp lao động khác trong nội thành, tiến hành cuộc biểu dương lực lượng. Bộ máy chính quyền bù nhìn hoàn toàn tê liệt. Quân đội Nhật nằm im. Quần chúng khởi nghĩa lần lượt chiếm các công sở của địch mà không có sự kháng cự nào đáng kể.

Được tin cách mạng thắng lợi ở Hà Nội, Đảng bộ miền Nam và Sài Gòn quyết định phát động quần chúng khởi nghĩa giành chính quyền ở Sài Gòn và các tỉnh. Đêm 24-8-1945, từng đoàn quân khởi nghĩa của công nhân, nông dân,thanh niên, sinh viên, học sinh và các tầng lớp lao động khác, trong tay gậy tầm vông vót nhọn và giáo mác, từ các tỉnh xung quanh rầm rập kéo về Sài Gòn. Sáng 25-8-1945, hơn một triệu người biểu tình tuần hành thị uy. Quân khởi nghĩa lần lượt chiếm các công sở quan trọng của địch. Quân đội Nhật "án binh bất động". Cuộc khởi nghĩa giành được thắng nhanh chóng.

Thắng lợi của cuộc khởi nghĩa Sài Gòn có ý nghĩa quyết định đến cuộc khởi nghĩa của các tỉnh còn lại ở miền Nam.

Trừ mất thị xã do Tưởng Giới Thạch và tay sai chiếm đóng từ trước (Móng Cái, Hà Giang, Lào Cai, Lai Châu, Vĩnh Yên), cuộc khởi nghĩa giành được thắng lợi trên cả nước trong vòng nửa tháng, từ ngày 14 đến ngày 28-8-1945.

Ngày 25-8-1945, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng với Trung ương Đảng và Uỷ ban dân tộc giải phóng từ Tân Trào về đến Hà Nội. Theo đề nghị của Người, Uỷ ban dân tộc giải phóng Việt Nam do Đại hội quốc dân Tân Trào cử ra được cải tổ thành chính phủ lâm thời nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.Chính phủ lâm thời thể hiện chính sách đại đoàn kết của Đảng, đoàn kết rộng rãi mọi tầng lớp nhân dân, các đảng phái yêu nước, các nhân sĩ tiến bộ.

Ngày 28-8-1945, một phái đoàn của Chính phủ lâm thời từ Hà Nội vào Huế dự lễ thoái vị của vua Bảo Đại. Chiều 30 tháng 8,ở Ngọ Môn, dưới rừng cờ đỏ sao vàng, diễn ra cuộc mít tinh của hàng vạn nhân dân cố đô Huế, chứng kiến Bảo Đại - ông vua cuối cùng của chế độ phong kiến Việt Nam, đọc lời thoái vị và trao ấn, kiếm cho cách mạng. Đại diện Chính phủ lâm thời Việt Nam dân chủ cộng hoà tuyên bố xoá bỏ chế độ quân chủ ở Việt Nam.

Ngày 2-9-1945, tại Quảng trường Ba Đình (Hà Nội), trước cuộc mít tinh lớn của hàng chục vạn nhân dân đủ các tầng lớp ở thủ đô và các vùng lân cận, Chủ tịch Hồ Chí Minh thay mặt Chính phủ lâm thời trịnh trọng đọc Tuyên ngôn Độc lập, tuyên bố với toàn thể quốc dân và thế giới: Nước Việt Nam dân chủ cộng hoà ra đời.

Bản Tuyên ngôn Độc lập khẳng định quyền thiêng liêng, bất khả xâm phạm của nhân dân Việt Nam được hưởng tự do độc lập mà tự mình giành lại từ tay Nhật: "Một dân tộc đã gan góc chống ách nô lệ của Pháp hơn 80 năm nay, một dân tộc đã gan góc đứng về phía Đồng minh chống phát xít mấy năm nay, dân tộc đó phải được tự do, dân tộc đó phải được độc lập?... Và sự thật đã thành một nước tự do độc lập".

Bản Tuyên ngôn đồng thời khẳng định ý chí sắt đá không gì lay chuyển nổi của nhân dân Việt Nam quyết giữ vững quyền thiêng liêng ấy: "Toàn thể dân tộc Việt Nam quyết đem tất cả tinh thần và lực lượng, tính mạng và của cải để giữ vững quyền tự do, độc lập ấy".

Tuyên ngôn Độc lập là văn kiện lịch sử trọng đại, và ngày 2-9-1945 mãi mãi ghi vào lịch sử Việt Nam là ngày hội lớn của dân tộc Việt Nam - ngày tuyên bố thành lập nước Việt Nam dân chủ cộng hoà.

Nguồn:Lương Ninh 2000, Chương XV – Cuộc vận động giành độc lập, tự do (Việt Nam 1930-1945), Lịch sử Việt Nam giản yếu, Hà Nội, Chính trị Quốc gia, Tr.495-501.

 

Theo:

 




The information contained in this communication and attachment is confidential and is for the use of the intended recipient only.
Any disclosure, copying or distribution of this communication without the sender's consent is strictly prohibited.
If you are not the intended recipient, please notify the sender and delete this communication entirely without using, retaining, or disclosing any of its contents.
This communication is for information purposes only and shall not be construed as an offer or solicitation of an offer or an acceptance or a confirmation of any contract or transaction.
All data or other information contained herein are not warranted to be complete and accurate and are subject to change without notice.
Any comments or statements made herein do not necessarily reflect those of An Binh Commercial Joint Stock Bank or any of its affiliates.
Internet communications cannot be guaranteed to be virus-free.
The recipient is responsible for ensuring that this communication is virus free and the sender accepts no liability for any damages caused by virus transmitted by this communication.

No comments:

Post a Comment