Wednesday, January 8, 2025

Công nghệ mới 'biến tế bào ung thư trở lại bình thường'

 

Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) công bố phát triển thành công công nghệ chuyển đổi tế bào ung thư đại tràng thành tế bào bình thường.



Các nhà nghiên cứu tại Viện Khoa học và Công nghệ Tiên tiến Hàn Quốc (KAIST) phát triển một công nghệ mới này "hứa hẹn thay đổi phương pháp điều trị ung thư". Theo Interesting Engineering, công nghệ này có thể chuyển đổi tế bào ung thư đại tràng thành tế bào bình thường, thay vì tiêu diệt chúng. Nghiên cứu được công bố trên tạp chí Advanced Science ngày 7/1, do Giáo sư Kwang-Hyun Cho thuộc Khoa Kỹ thuật Sinh học và Não bộ dẫn đầu.



Nhóm nghiên cứu tạo ra một mô hình máy tính về mạng lưới gene chịu trách nhiệm cho sự phát triển tế bào. Sử dụng mô hình này, họ đã xác định các công tắc phân tử quan trọng có thể chuyển đổi tế bào ung thư đại tràng trở lại trạng thái bình thường.

Không giống như các liệu pháp thông thường, vốn nhắm mục tiêu tiêu diệt tế bào ung thư, nhóm KAIST có cách tiếp cận hoàn toàn khác. Bằng cách giải quyết các tế bào thoái triển trong quá trình biệt hóa khi chuyển đổi thành ung thư, họ nhắm chính xác vào nguyên nhân gốc rễ của căn bệnh.

Sử dụng "bản sao số" của mạng lưới gene liên quan đến biệt hóa tế bào, các nhà nghiên cứu mô phỏng và phân tích các tương tác gene phức tạp. Từ đó, họ có thể xác định công tắc phân tử chủ chốt, có khả năng chuyển đổi tế bào ung thư về trạng thái tương tự tế bào bình thường. Kết quả đưa ra sau thời gian dài thực hiện thí nghiệm phân tử, nghiên cứu tế bào và thử nghiệm trên động vật.



"Chuyển đổi tế bào ung thư trở lại bình thường là điều đáng kinh ngạc. Nghiên cứu chứng minh rằng chúng ta có thể làm điều đó một cách có hệ thống", giáo sư Cho nhận xét.


Thực tế, các phương pháp điều trị ung thư truyền thống thường gây ra tác dụng phụ nghiêm trọng và ung thư có thể tái phát. Phương pháp mới hướng đến việc giải quyết những vấn đề này.

Các nhà nghiên cứu tin rằng phương pháp này cũng hiệu quả với các loại ung thư khác. Bằng cách sử dụng công nghệ mô hình máy tính tương tự trên các mạng lưới gene ung thư khác nhau, họ hy vọng tìm thấy các công tắc phân tử tương tự.

"Nghiên cứu giới thiệu khái niệm mới về liệu pháp ung thư. Nó cũng là công nghệ nền tảng để xác định mục tiêu cho sự chuyển đổi thông qua phân tích quỹ đạo biệt hóa các loại ung thư bình thường", giáo sư Cho giải thích về tác động tiềm năng.


Công nghệ mới này có thể dẫn đến các liệu pháp điều trị ung thư mới với ít tác dụng phụ hơn và giảm nguy cơ tái phát ung thư.



Thục Linh (Theo Economic Time)

 

Friday, January 3, 2025

Mưa nhân tạo giảm bụi trên đường phố

 Sinh viên trường Đại học Tài nguyên Môi trường đã có ý tưởng tạo ra cơn mưa nhân tạo trên các đường phố, nhằm hạn chế bụi gây ô nhiễm nghiêm trọng.

Ý tưởng trên của Lưu Văn Tuấn xuất phát từ thực trạng ô nhiễm không khí do bụi gây ra có thể gây ung thư và biến đổi gene, cùng nhiều bệnh khác ở con người. Các hạt bụi dễ xâm nhập vào cơ thể qua đường hô hấp và có khả năng tồn tại lâu. Các hạt bụi này luôn trong trạng thái lơ lửng và sẽ giảm hoạt động khi trời mưa.

“Nhưng không phải lúc nào trời cũng mưa, nên cần phải “tạo mưa” để giảm bớt sự hoạt động của bụi trong không khí cũng như những tác hại mà nó có thể gây ra”, Lưu Văn Tuấn nói.

Hà Nội là một trong những nơi ô nhiễm bụi lớn nhất châu Á
Hà Nội là một trong những nơi ô nhiễm bụi lớn nhất châu Á

Tuấn cho biết, có thể tạo nên một nguồn mưa sương (hơi sương) nhân tạo được lắp trên mỗi cột đèn, chủ yếu là những nơi có số liệu quan trắc bụi ô nhiễm nặng nề như các ngã tư, các khu dân cư tập trung, các cụm công nghiệp.

Hệ thống ống dẫn nước là một hệ thống chịu lực và bền, được gắn phía ngoài cột điện bằng các ốc vít, và đường dẫn ống nước từ cột này sang cột khác sẽ được đặt ở mép gờ đường giao thông, bên ngoài là một lớp bê tông che phủ. Hệ thống sẽ sử dụng loại máy bơm ly tâm để tạo cho áp suất nước có thể bơm lên cao.

Hệ thống này sẽ được điều khiển từ trung tâm môi trường thành phố và được cài mặc định. Cứ 40 phút sẽ phun mưa nhân tạo một lần. Hệ thống chỉ hoạt động vào những ngày không có mưa trong khoảng thời gian từ 7h đến 19h hàng ngày.

"Với biện pháp này, khi xử lý từ trên cao sẽ làm tăng hiệu quả hơn các biện pháp làm giảm bụi trước đó như xe vệ sinh môi trường phun nước trên các đường phố - các biện pháp này chỉ có thể làm giảm bụi dưới mặt đất mà không làm giảm bụi trên không".

Tuấn cũng thừa nhận, ý tưởng cần có vốn đầu tư lớn và công sức nhiều, nhưng lợi ích mang lại cho con người một bầu không khí mát lành là rất lớn.

Theo đánh giá của Hội đồng giám khảo cuộc thi Ý tưởng Kinh tế xanh, đây là lần đầu tiên có biện pháo làm giảm lượng bụi trong không khí ở các đô thị lớn - một bài toán mà ngay đến các nhà quản lý và nhà khoa học phải đau đầu.

Theo Vnexpress

Chuyến bay cất cánh năm 2025 và hạ cánh năm 2024

Các hành khách bay từ Hong Kong tới Los Angeles có cơ hội đón năm mới hai lần do bay qua vài múi giờ và Đường đổi ngày quốc tế.





Chuyến bay CX880 của Cathay Pacific cất cánh từ Sân bay quốc tế Hong Kong vào 12h21 ngày 1/1/2025 và bay hơn 12 giờ trước khi hạ cánh ở Los Angeles vào 20h33 ngày 31/12/2024 giờ địa phương, theo Flightstats. Đây là kết quả do chênh lệch múi giờ và Đường đổi ngày quốc tế (IDL), một đường tưởng tượng chạy dọc kinh tuyến 180 độ ở Thái Bình Dương. Khi đi qua IDL từ tây sang đông, chúng ta sẽ "lùi" một ngày, dẫn tới tình huống có chuyến bay dường như hạ cánh trước khi khởi hành, theo IFL Science.



Tuy nhiên, không nhất thiết phải bay qua IDL để trải qua hiệu ứng này. Vào năm 1999 - 2000, hãng hàng không Air France cung cấp cho hành khách cơ hội kỷ niệm thiên niên kỷ hai lần với một chuyến bay Concorde rời sân bay Charles de Gaulle ở Paris vào 1 giờ sáng ngày 1/1/2000 và hạ cánh tại sân bay John F. Kennedy ở New York vào 23 giờ ngày 31/12/1999 giờ địa phương. Do máy bay Concorde di chuyển ở tốc độ siêu thanh, nó có thể bay đủ nhanh để "đuổi" theo múi giờ sớm hơn.


Dù được công nhận rộng rãi, IDL không có tính bắt buộc và các quốc gia có thể tự do lựa chọn ngày giờ. Kinh tuyến 180 độ cắt ngang qua một số vùng đất, bao gồm mũi cực đông của Nga và vài hòn đảo Fiji. Tuy nhiên, việc đi qua đường tưởng tượng ở những lãnh thổ này không liên quan tới bất kỳ thay đổi nào về ngày.


Nhiều khía cạnh của múi giờ và lịch do con người quy định, dựa trên hiện tượng thiên văn như vòng quay và quỹ đạo của Trái Đất, nhưng được điều chỉnh cho mục đích thực tế như lịch trình di chuyển và tiêu chuẩn hóa liên lạc trên toàn cầu. Tốc độ quay của Trái Đất có thể bị ảnh hưởng bởi Mặt Trăng và sự phân bố khối lượng trên hành tinh, dẫn tới ngày dài hơn hoặc ngắn hơn vài micro giây so với mốc tiêu chuẩn 24 giờ. Từ năm 1972 đến năm 2020, một ngày trung bình mất khoảng 3 mili giây. Tuy nhiên, trong 4 năm qua, các ngày trở nên dài hơn một chút mà chưa rõ nguyên nhân.




An Khang (Theo IFL Science)