Sunday, April 7, 2024

CẢNH BÁO LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN VỚI NHIỀU CHIÊU THỨC MỚI

Ngày 7.4, Cục An toàn thông tin (Bộ Thông tin và Truyền thông) đưa ra hàng loạt cảnh báo liên quan đến các chiêu trò lừa đảo trực tuyến nở rộ thời gian vừa qua.

Một số đối tượng gửi các tin nhắn email đi kèm với một liên kết độc hại nhằm chiếm thông tin, tài sản. Ảnh: Cục an toàn thông tin

Lừa đảo qua mã độc gửi vào email

Mới đây, một phiên bản cập nhật của phần mềm độc hại đánh cắp thông tin có tên Rhadamanthys đang được sử dụng trong các chiến dịch lừa đảo nhằm vào lĩnh vực dầu khí.

Theo thông tin, các tin nhắn email đi kèm với một liên kết độc hại tận dụng lỗ hổng chuyển hướng mở để đưa người nhận đến một liên kết lưu trữ tài liệu PDF, nhưng trên thực tế khi nhấp vào lại là một hình ảnh, dưới dạng tệp zip.

Trước thông tin trên, Cục An toàn thông tin khuyến cáo các doanh nghiệp, tổ chức cần cẩn trọng hơn trong việc quản lý hệ thống bảo mật.

Các doanh nghiệp cần thường xuyên rà soát, kiểm tra và đánh giá đảm bảo an toàn hệ thống thông tin. Nâng cao trình độ chuyên môn để kịp thời ứng phó, giải quyết, khắc phục những nguy cơ, lỗ hổng, điểm yếu của các hệ thống mục tiêu khi bị tấn công.

Lừa đảo đăng ký học kỳ công an miễn phí cho trẻ

Trên mạng xã hội Facebook xuất hiện nhiều trang đăng tin giới thiệu sẽ tổ chức chương trình trại hè cho học sinh trên địa bàn.

Các đối tượng lừa đảo tư vấn các cháu sẽ được miễn phí, bao ăn, bao ở. Đổi lại, học viên tham gia phải tập đặt thử vé máy bay trực tuyến và được hoàn lại tiền, hoặc đặt cọc trước một khoản tiền từ 5 - 10 triệu đồng để đăng ký.

Tuy nhiên sau khi chuyển tiền xong thì đối tượng chiếm đoạt và chặn liên lạc.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân khi nhận được thông tin từ các trang Facebook có nội dung tương tự như trên, cần điện thoại liên hệ và gặp trực tiếp yêu cầu cơ quan, tổ chức cung cấp giấy tờ tài liệu chứng minh họ là tổ chức hợp pháp và được phép tổ chức các sự kiện trên để đăng ký.

Chiếm đoạt mã giảm giá trên sàn thương mại điện tử

Bằng thủ đoạn chính là đặt đơn hàng ảo, một số đối tượng tạo ra các giao dịch ảo với giá trị hàng chục tỉ đồng và thông qua đó tiến hành chiếm đoạt giá trị các mã giảm giá mà sàn thương mại điện tử tài trợ cho những người mua hàng.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân không nên tham gia các hội nhóm đặt đơn ảo trên Facebook, Zalo, Telegram hay các nền tảng mạng xã hội khác để tránh tiếp tay cho các nhóm tội phạm lừa đảo các sàn thương mại điện tử hoặc chính mình có thể trở thành nạn nhân bị lừa đảo chiếm đoạt tài sản thông qua thủ đoạn tuyển người làm "việc nhẹ lương cao".

Giả danh thanh tra sở y tế để lừa đảo

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân nên đặc biệt cẩn trọng khi thực hiện giao dịch mua bán trên mạng xã hội đặc biệt đối với các mặt hàng liên quan đến sức khoẻ và tính mạng người sử dụng. Tuyệt đối không nghe tư vấn trên các trang web hay cuộc gọi giả mạo khi không xác định được mức độ uy tín và sự an toàn.

Mạo danh VTV tổ chức cuộc thi ảnh

Trong thời gian qua, nhiều đối tượng đã có hành vi lợi dụng hình ảnh, uy tín của Đài Truyền hình Việt Nam (VTV), mạo danh các cá nhân, đơn vị của VTV để lừa đảo, chiếm đoạt tài sản của không ít nạn nhân.

Cục An toàn thông tin đã nhiều lần khuyến cáo người dân cần thực hiện xác minh và tìm hiểu kỹ các thông tin về chương trình tuyển mẫu thời trang trên các trang mạng xã hội để tránh bị lừa đảo. Tuyệt đối không tham gia các hội thi, lễ hội quảng bá trên mạng khi chưa trực tiếp xác minh, kiểm tra thông tin ngoài đời thực.

Hack kênh YouTube của người nổi tiếng

Mới đây, hàng loạt các kênh mạng xã hội của nghệ sĩ, người nổi tiếng, nhà sáng tạo nội dung bị hacker tấn công.

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dùng cần tuyệt đối cẩn trọng trong việc bảo mật tài khoản và thông tin cá nhân. Các nhà sáng tạo nội dung nên cẩn trọng với "stream key" (mã sự kiện phát trực tiếp), tránh bị lộ lọt tạo cơ hội cho hacker.

Lừa đảo việc nhẹ lương cao trên WhatsApp

Cục An toàn thông tin khuyến cáo người dân cần tuyệt đối nâng cao cảnh giác, đồng thời tuyên truyền đến người thân, bạn bè về thủ đoạn trên, tránh mắc bẫy của đối tượng xấu.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Wednesday, April 3, 2024

Xử trí khi nghe tiếng vo ve trong tai


Câu chuyện của Thạc sĩ, bác sĩ CKI Trương Trí Tường

Tôi hay nghe thấy tiếng vo ve trong tai, đây là biểu hiện của bệnh gì, chẩn đoán và điều trị ra sao? (Phùng Đô, Long An)



Trả lời:

Nghe tiếng vo ve trong tai là biểu hiện của chứng ù tai. Ngoài tiếng vo ve, người bệnh còn nghe nhiều âm thanh khác nhau như tiếng chuông reo, tiếng nước chảy, tiếng sóng biển...

Âm thanh thường rõ hơn trong môi trường yên tĩnh, nhất là vào ban đêm khiến người bệnh khó ngủ, mệt mỏi, không thể tập trung làm việc hay sinh hoạt bình thường, giảm chất lượng sống...

Có nhiều nguyên nhân gây nên tiếng vo ve trong tai như tiếp xúc với âm thanh lớn trong thời gian dài làm tổn thương tế bào lông ốc tai. Mạch máu ở ốc tai co thắt làm thiếu máu nuôi đến ốc tai.

Người lớn tuổi, quá trình lão hóa khiến tế bào lông ở ốc tai suy giảm, nhiều ráy tai gây tắc nghẽn, thần kinh căng thẳng, thiếu máu, cảm cúm, bị rối loạn tự miễn... có thể gây ù tai.

Đây còn là triệu chứng của một số bệnh lý như viêm tai ngoài, viêm tai giữa, thủng màng nhĩ, khối u ở dây thần kinh tiền đình ốc tai, bất thường về mạch máu trong tai... Các bệnh này cần được phát hiện và điều trị dứt điểm sớm, hạn chế một số biến chứng như giảm thính lực, chảy mủ tai.

Trường hợp của bạn nên đi khám ngay để chẩn đoán nguyên nhân, điều trị sớm, hiệu quả. Tùy vào nguyên nhân, bác sĩ chỉ định phương pháp điều trị phù hợp. Bạn có thể được hướng dẫn các biện pháp tự nhiên để giảm khó chịu do tiếng vo ve trong tai như sử dụng tiếng ồn trắng (tiếng sóng vỗ, tiếng mưa), tập luyện thể thao, giảm căng thẳng, bổ sung các loại thực phẩm giàu kẽm, kali, magie.

Thạc sĩ, bác sĩ CKI Trương Trí Tường

Trung tâm Tai Mũi Họng, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP HCM