Sunday, November 6, 2022

Thông tin bất ngờ vụ kẻ gian chiếm đoạt sim điện thoại, thực hiện 25 lần giao dịch lấy hơn 5,3 tỉ đồng

Liên quan vụ chiếm đoạt sim điện thoại để trục lợi hơn 5,3 tỉ đồng, theo đơn trình báo của nạn nhân, kẻ gian thực hiện 25 lần giao dịch chuyển tiền trực tuyến và nhiều giao dịch nạp tiền điện thoại.

Ngày 2/11, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM cho biết đã ra quyết định khởi tố vụ án hình sự "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" theo Điều 174 Bộ Luật Hình sự năm 2015, sửa đổi, bổ sung năm 2017 để tiếp tục điều tra, truy xét đối tượng thực hiện hành vi phạm tội. 

Trước đó, Cơ quan CSĐT Công an TP HCM nhận được đơn tố giác của bà N.H.T.T. (SN 1984, quê Đồng Nai) về việc các đối tượng (chưa rõ lai lịch) đã làm giả CMND, đóng giả là bà T. rồi đến cửa hàng Viettel thực hiện đổi sim điện thoại của bà để đăng ký nhận mã OTP chiếm đoạt số tiền hơn 5,3 tỉ đồng trong tài khoản ngân hàng






Theo đơn tố giác tội phạm của bà T., sáng 1/12/2021, bà T. phát hiện điện thoại bị mất sóng nên gọi lên tổng đài Viettel thì được nhân viên cho biết sim điện thoại của bà bị khóa do đã cấp lại sim. Cửa hàng thực hiện việc cấp lại sim là tại một địa chỉ trên đường Lạc Long Quân (P.5, Q.11). Tuy nhiên, theo bà T., bà không phải là người yêu cầu cấp lại sim và thời điểm đó bà vẫn luôn giữ CMND bên mình.

Sau đó, bà T. hoảng loạn vì phát hiện toàn bộ tiền gửi trong tài khoản ngân hàng BIDV (chi nhánh Tân Bình), Viet Capital Bank (chi nhánh Tân Bình) và Vietcombank (chi nhánh Đông Đồng Nai) tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng đã bị chuyển đi cho các tài khoản lạ dưới hình thức chuyển khoản trực tuyến. 

"Tôi gọi điện đến NH thì không được giải quyết vì phía NH cho rằng các lệnh chuyển khoản do chính tôi xác lập và đã được xác thực bằng mã OTP gửi qua tin nhắn điện thoại. Tôi nghi ngờ kẻ gian đã dùng số điện thoại đã xin cấp lại của tôi và dùng chức năng quên mật khẩu để yêu cầu các NH cung cấp lại mật khẩu internet banking, hoặc đối tượng đã dùng số điện thoại của tôi cũng chính là số điện thoại nhận OTP đã đăng ký với NH để gọi lên NH yêu cầu gửi lại mật khẩu về tin nhắn SMS, từ đó chiếm đoạt tiền trong tài khoản mà tôi có", bà T. trình báo với PC02.

Thông tin bất ngờ vụ kẻ gian chiếm đoạt sim điện thoại, thực hiện 25 lần giao dịch lấy hơn 5,3 tỉ đồngThông báo kết quả giải quyết nguồn tin về tội phạm gửi nạn nhân và Viettel Post phúc đáp khách hàng

Đến ngày 2/12/2021, bà T. đến các NH để yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản vì 3 tài khoản của chị T. ở 3 NH bị kẻ gian thực hiện 25 lần giao dịch chuyển tiền trực tuyến tổng cộng hơn 5,3 tỉ đồng qua tài khoản tên Tran Minh Toan và Nguyen Thanh Phong.

Theo bà T., bà có đề nghị hỗ trợ cung cấp thông tin người yêu cầu cấp lại sim nhưng không được giải quyết. Đồng thời chị cũng đề nghị các NH cung cấp lịch sử giao dịch tài khoản internet banking của mình nhưng chỉ có một NH cung cấp thông tin. Theo đó, kẻ gian đã thực hiện rất nhiều yêu cầu như: đăng nhập, xác thực khi đăng nhập sai mật khẩu nhiều lần, lấy lịch sử tài khoản, lấy danh sách tài khoản, nạp tiền điện thoại… bằng thiết bị iPhone.

Ngay sau đó, bà T. gửi đơn trình báo đến PC02 Công an TP.HCM. Ngoài ra, bà cũng gửi đơn đề nghị cung cấp thông tin cấp đổi sim đến Công ty CP Bưu chính Viettel (Viettel Post).

Ngày 11/10/2022, Viettel Post có văn bản trả lời bà T. rằng, nhân viên thực hiện cấp đổi sim tại cửa hàng Viettel trên đường Lạc Long Quân, quá trình thực hiện thủ tục cấp đổi sim mới, người yêu cầu đã cung cấp được giấy tờ tùy thân phù hợp với thông tin người đăng ký thuê bao. Hệ thống của Viettel nhận diện trùng khớp thông tin của người yêu cầu cấp đổi sim, nên nhân viên thực hiện việc cấp đổi sim theo đúng quy định. Hồ sơ thực hiện việc cấp đổi sim gồm: CMND hai mặt, chụp ảnh chân dung khách hàng, phiếu yêu cầu thay đổi dịch vụ trả trước.

Về dữ liệu camera mà bà T. yêu cầu cung cấp, Viettel Post trả lời Viettel Post không còn lưu dữ liệu camera tại thời điểm cấp đổi sim của bà T. Vì vậy không thể cung cấp theo yêu cầu.

Ngân hàng từng cảnh báo thủ đoạn tinh vi

Thủ đoạn chiếm quyền SIM điện thoại, từng được cả ngân hàng thương mại lẫn cơ quan quản lý liên tục cảnh báo.




Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) đã cảnh báo việc các đối tượng mạo danh nhân viên nhà mạng liên hệ và đề nghị hỗ trợ chuyển sim 3G lên 4G qua điện thoại và hướng dẫn cú pháp để chuyển đổi. Trên thực tế, đây là cú pháp yêu cầu chuyển đổi từ sim 3G của khách hàng lên sim 4G của đối tượng lừa đảo nhằm chiếm đoạt quyền kiểm soát điện thoại cá nhân của khách hàng.

Trong trường hợp khách hàng đăng ký dịch vụ thẻ, ngân hàng điện tử và nhận thông tin giao dịch, mã OTP qua số điện thoại này sẽ có rủi ro mất tiền trong thẻ cũng như tài khoản.

Trước đó, Bộ Công an cũng từng cảnh báo thủ đoạn lừa đảo này. Theo đó, đầu tiên đối tượng thu thập thông tin cá nhân của bị hại, những thông tin này do lộ lọt, mua bán trên không gian mạng...

Cụ thể, đối tượng gọi điện cho bị hại giả danh nhân viên chăm sóc khách hàng của nhà mạng đề nghị nâng cấp SIM điện thoại từ 3G lên 4G, 5G để nâng cao chất lượng... Đối tượng yêu cầu nạn nhân nhắn tin theo cú pháp, thực chất đây là cú pháp để người dùng dịch vụ của nhà mạng cho phép thuê bao di động chuyển hướng cuộc gọi đến một số điện thoại bất kỳ.

Sau khi làm theo yêu cầu, người dùng sẽ mất quyền kiểm soát SIM vì SIM của đối tượng lừa đảo trở thành SIM "chính chủ", mọi cuộc gọi đến thuê bao của người dùng lập tức được chuyển tiếp đến số điện thoại của đối tượng.

Đối tượng lừa đảo sẽ dễ dàng chiếm đoạt tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử... của nạn nhân bằng cách đăng nhập và chọn tính năng quên "Quên mật khẩu". Nhà cung cấp dịch vụ sẽ gửi mã xác thực (OTP) đến SIM điện thoại đối tượng vừa chiếm đoạt để lấy được tài khoản mạng xã hội, tài khoản ngân hàng, ví điện tử của nạn nhân.

Ngoài việc tuyệt đối bảo mật thông tin cá nhân, tài khoản ngân hàng, để hạn chế rủi ro từ việc chiếm quyền kiểm soát SIM điện thoại, các ngân hàng khuyến khích khách hàng đăng ký sử dụng phương thức xác thực Smart OTP khi thực hiện các giao dịch trực tuyến.

"Smart OTP là phương thức xác thực phát sinh ngay trên ứng dụng (app) tại thời điểm giao dịch, có hiệu lực trong vài phút, ngân hàng quản trị được rủi ro nên độ bảo mật cao hơn SMS và hoàn toàn miễn phí" – đại diện một ngân hàng nói.

Friday, November 4, 2022

Thanh tra toàn diện các nhà mạng về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân



NHÓM PVLDO  04/11/2022 14:09

Tiếp tục chương trình kỳ họp thứ 4, chiều 4.11, dưới sự điều hành của Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương, Quốc hội tiếp tục chất vấn nhóm vấn đề thuộc lĩnh vực thông tin và truyền thông.

14h45: Kết thúc phiên chất vấn Bộ TTTT, 33 đại biểu đặt câu hỏi, 10 đại biểu tranh luận

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương phát biểu kết luận cho biết, lĩnh vực thông tin và truyền thông có vai trò rất quan trọng trong đời sống. Sự phát triển vượt bậc của công nghệ thông tin đã có tác động rất lớn tới đời sống người dân và toàn xã hội. Tại phiên chất vấn, có 33 đại biểu Quốc hội đặt câu hỏi, 10 đại biểu phát biểu tranh luận. Còn 54 đại biểu Quốc hội đăng ký phát biểu, 3 đại biểu đăng ký tranh luận nhưng chưa được đặt câu hỏi, đề nghị gửi câu hỏi bằng văn bản theo quy định.

 Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương điều hành phiên chất vấn chiều 4.11. 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương nhấn mạnh, phiên chất vấn diễn ra sôi nổi, trách nhiệm, thẳng thắn và xây dựng, các câu hỏi của các vị đại biểu Quốc hội đã bám sát nội dung thuộc phạm vi chất vấn cụ thể, rõ ràng, ngắn gọn theo tinh thần đổi mới hoạt động chất vấn của Quốc hội.

Phó Chủ tịch Quốc hội đánh giá cao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã nắm rõ các vấn đề, thể hiện kinh nghiệm quản lý lĩnh vực, có sự chuẩn bị khá tốt về nội dung, trả lời thẳng thắn các vấn đề mà đại biểu Quốc hội quan tâm. Giải trình đầy đủ các vấn đề còn bất cập, đề xuất một giải pháp nhằm khắc phục những tồn tại, hạn chế thời gian qua.

14h30: Chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính mà là thay đổi tư duy, phương pháp

Phó Thủ tướng Chính phủ Vũ Đức Đam giải trình, làm rõ một số nội dung. Ông trân trọng cảm ơn các đại biểu đã luôn đồng hành và quan tâm đặc biệt đến lĩnh vực thông tin truyền thông, nhất là lĩnh vực chuyển đổi số. Qua nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội cho thấy các đại biểu đã thể hiện sự quan tâm và tầm nhìn dài hạn đối với chuyển đổi số. Theo đó, chuyển đổi số không chỉ là dùng máy tính, dùng thông tin mà đã đến lúc khẳng định chuyển đổi số là thay đổi tư duy, phương pháp, mô hình quản lý nhà nước, doanh nghiệp, xã hội…

Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội trường chiều 4.11.Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam phát biểu tại hội trường chiều 4.11.

Phó Thủ tướng Chính phủ cũng cho biết, dù có nhiều nỗ lực, tuy nhiên, việc xây dựng văn bản pháp luật chưa đáp ứng kịp với sự phát triển của khoa học thông tin, chưa phù hợp với đặc tính của công nghệ hiện đại. Trong các trường hợp cụ thể, câu hỏi đặt ra là có dám triển khai kể cả khi trái với quy định hiện hành chưa phù hợp hay không?

Phó Thủ tướng cho rằng, cần tích cực thực hiện công tác xây dựng, bổ sung, chỉnh lý văn bản pháp luật phù hợp với sự phát triển của khoa học công nghệ. Về dịch vụ công, Phó Thủ tướng Chính phủ nêu rõ, một trong những điểm sáng gần đây là vận hành Cổng dịch vụ công quốc gia. Chúng ta đã đưa lên Cổng dịch vụ công quốc gia trên 6.000 thủ tục hành chính, xác định được những thủ tục nào nhiều người sử dụng, thủ tục nào ít người sử dụng, qua đó giảm bớt được rất nhiều thời gian, công sức và các công đoạn không cần thiết…

Chia sẻ về động lực thực hiện ứng dụng công nghệ thông tin trong quản trị xã hội, quản lý nhà nước, Phó Thủ tướng Chính phủ cho biết, động lực quan trọng chủ yếu là sự quan tâm của Chính phủ, của người dân, động lực cải cách hành chính, cải cách dịch vụ công trực tuyến để hạn chế tham nhũng vặt, thể hiện Chính phủ hoàn toàn minh bạch, đảm bảo trách nhiệm giải trình. Đây là động lực chủ yếu của các nước trên thế giới. Đặc biệt, nước ta nhấn mạnh động lực cải cách để đảm bảo Chính phủ minh bạch, qua các dữ liệu thu thập được để có mô hình sản xuất, kinh doanh mới.

 

Theo Phó Thủ tướng Chính phủ, Đề án cơ sở dữ liệu của ngành công an là trọng điểm, được đầu tư quy mô, bởi cơ sở dữ liệu về dân cư đã được luật định, là cơ sở dữ liệu do Bộ Công an quản lý với lực lượng chính quy hóa đến cấp xã. Đây cũng là cơ sở dữ liệu đã được đầu tư nhiều thời gian, nguồn lực, cơ sở vật chất, nhân lực. Cơ sở dữ liệu này không chỉ phục vụ cho riêng Chính phủ, mà cho toàn bộ hệ thống chính trị.

Đề án này khi thực hiện cũng đã bộc lộ ra nhiều khó khăn, vướng mắc chúng ta cần giải quyết, trước hết là đả thông tư tưởng của tất cả các Bộ, ngành, các cấp. Kết quả ban đầu cho thấy, chúng ta đã thực hiện đúng hướng, và đạt được các mục tiêu cơ bản. Nhấn mạnh chuyển đổi số là cơ hội, thể hiện rõ ở quyết tâm của người đứng đầu, Phó Thủ tướng cho rằng, người đứng đầu cần ra "đầu bài" thật cụ thể để bài toán chuyển đổi số được thực thi hiệu quả.

Về không gian mạng, các cơ quan nhà nước và doanh nghiệp cần chủ động đưa thông tin chính thống một cách nhanh nhất. Bên cạnh đó, cần khuyến khích cơ quan tổ chức bảo vệ quyền lợi của người dân đối với thông tin xấu độc; tăng cường tuyên truyền nâng cao nhận thức, hành vi văn hóa của người dân.

14h28: Nghiên cứu tài khoản số để người dân có cơ hội học tập, hòa nhập

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương cho biết, có ý kiến cho rằng, mỗi người dân Việt Nam cần có một tài khoản số để học tập suốt đời trên nền tảng học liệu mở và miễn phí. Và chính sách khuyến khích học tập liên tục, học tập nâng cao nhằm nâng cao kiến thức về mọi mặt cho người dân, nhất là thanh thiếu niên có cơ hội học tập, hội nhập mạnh mẽ với thế giới cũng như rút ngắn khoảng cách cho người dân vùng sâu, vùng xa, vùng đồng bào dân tộc thiểu số, miền núi có cơ hội hòa nhập, hội nhập với các địa phương phát triển trong nước một cách tích cực. Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và giải pháp về vấn đề này?

Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.Đại biểu Nguyễn Hoàng Bảo Trân - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Dương.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đánh giá ý tưởng này rất hay. Ông giả sử, nếu Nhà nước chi tiền cho mỗi người dân một triệu đồng, thì với số tiền này có thể xây dựng được một nền tảng siêu tuyệt vời để phục vụ người dân học tập cả đời. "Sau khi tôi nghe ý tưởng này, trưa nay rà soát trên mạng thì một số nước đã thực hiện. Đây là ý tưởng rất đáng suy ngẫm", ông Hùng nói và cho biết Bộ sẽ nghiên cứu, sớm đề xuất Chính phủ xây dựng nền tảng trực tuyến phục vụ học tập cả đời tại Việt Nam.

14h25: Làm rõ về việc cung cấp dịch vụ định danh xác thực điện tử

Tại phiên chất vấn, đại biểu Đồng Ngọc Ba (đoàn Bình Định) gửi câu hỏi tới Bộ trưởng Bộ trưởng Bộ Thông tin Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng và các Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ Tư pháp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư câu hỏi liên quan đến cái quy định trong Nghị định của Chính phủ mới ban hành. Theo đó, trong thời gian vừa qua, Bộ Công an cùng các Bộ đang rất nỗ lực trình Chính phủ ban hành Nghị định 59 ngày 5.9.2022 về định danh và xác thực điện tử.

Trong Nghị định này cũng nhiều quyết định tốt nhưng có quy định tại Khoản 1, Điều 27 quy định chỉ có các tổ chức, doanh nghiệp trong ngành Công an thì mới được thực hiện dịch vụ cung cấp dịch vụ định danh xác thực điện tử. Đây là một ngành nghề đầu tư kinh doanh theo Luật Đầu tư, ngành nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện. Tuy nhiên, hiện nay, có nhiều ý kiến cho rằng, quy định trên không phù hợp, hạn chế quyền tự do đầu tư kinh doanh của các tổ chức, cá nhân theo quy định của Luật Đầu tư cũng như theo quy định của Hiến pháp. Đại biểu Đồng Ngọc Ba đề nghị Bộ trưởng cho biết quan điểm và hướng xử lý đối với quy định này?

Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.Đại biểu Đồng Ngọc Ba - Đoàn ĐBQH tỉnh Bình Định.

Trả lời, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, khi Chính phủ bàn vấn đề này đã cân nhắc rất kỹ lưỡng, nhiều chiều. Bộ Thông tin và Truyền thông, Bộ Kế hoạch đầu tư, Bộ Tư pháp đã đồng ý với đề xuất của Bộ Công an. Cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư do Bộ Công an quản lý, đơn vị này sẽ cấp xác thực.

Theo bộ trưởng, nếu để doanh nghiệp hoặc một đơn vị sự nghiệp làm thì phải có điều kiện. Ở đây quy định thuộc về Bộ Công an. Xác thực điện tử trên cơ sở dữ liệu dân cư là một phần nhỏ của tổng thị trường xác thực điện tử. Do vậy vẫn đảm bảo tính cạnh tranh theo cơ chế thị trường.

14h15: Khi nào hoàn thiện cơ sở dữ liệu về đất đai?

Đại biểu Đặng Thị Bảo Trinh (đoàn Quảng Nam) chất vấn: Trong hệ thống cơ sở dữ liệu quốc gia, cơ sở dữ liệu về đất đai là một trong những vấn đề được quan tâm hàng đầu. Quốc hội đang cho ý kiến sửa đổi Luật Đất đai với hàng loạt chính sách quan trọng. Việc triển khai cơ sở dữ liệu về đất đai là rất cấp thiết, nhưng công tác này còn rất chậm. Đại biểu đặt câu hỏi, đâu là trách nhiệm của Bộ trưởng trong vấn đề này, khi nào thì cơ sở dữ liệu về đất đai được hoàn thiện, có khả năng kết nối, chia sẻ đồng bộ, thông suốt từ trung ương đến địa phương?

Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.Đại biểu Huỳnh Thị Phúc - Đoàn ĐBQH tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu.

Trả lời câu hỏi này, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết: Trong 6 cơ sở dữ liệu quốc gia, 5 cơ sở đã hoàn thành, đưa vào khai thác, vận hành, còn cơ sở dữ liệu quốc gia đất đai chưa hoàn thành. Đây là cơ sở dữ liệu khó khăn nhất, đặc biệt vấn đề thu thập dữ liệu đất đai tới từng hộ gia đình, tới từng m2 đất và số hoá. Cũng có những khó khăn trong quan điểm việc phân tán hay tập trung dữ liệu này, tập trung mức nào, phân tán mức nào đến mức địa phương hay trung ương.

Hiện nay, 30% số huyện đã hoàn thành bản đồ địa chính số. Cuối năm 2022 trên 20% số huyện ở Việt Nam hoàn thành 4 hạng mục cơ bản của cơ sở dữ liệu quốc gia và đưa vào sử dụng được.

Trách nhiệm của Bộ TTTT theo quy định của pháp luật là đánh giá kỹ thuật, công nghệ và đánh giá an toàn thông tin của hệ thống. Bộ cũng đã đánh giá và khuyến nghị Bộ TNMT dùng nền tảng số Việt Nam, dùng công nghệ Việt Nam để xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Dữ liệu đất đai quan trọng.

  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng.

Bộ trưởng Hùng cho biết, 2 Bộ trưởng TNMT và TTTT thường xuyên phối hợp. Bộ TTTT thúc đẩy doanh nghiệp công nghệ số Việt Nam hỗ trợ 45 tỉ xây dựng cơ sở dữ liệu về đất đai. Sau khi các doanh nghiệp vào cuộc, tốc độ xây dựng dữ liệu đất đai đẩy nhanh mạnh.

Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng nói, việc chậm trễ xây dựng cơ sở dữ liệu quốc gia về đất đai có trách nhiệm của Bộ TTTT trong việc đôn đốc, tháo gỡ khó khăn. Ông cho hay, Thủ tướng cũng đã chỉ đạo và Bộ TTTT xin hứa thúc đẩy thật nhanh cơ sở dữ liệu này.

14h10: Cuộc gọi lừa đảo biết chính xác thông tin cá nhân, giải pháp nào để khắc phục?

Đặt vấn đề chất vấn tại hội trường, đại biểu Quốc hội Trình Lam Sinh (đoàn An Giang) nêu thực trạng gần đây nhiều người dân nhận được các cuộc gọi thông báo mình đã vi phạm pháp luật một số lĩnh vực như giao thông, xây dựng… và yêu cầu cung cấp thông tin tài khoản hoặc chịu khoản nộp phạt, nếu không thì sẽ chuyển cơ quan điều tra khởi tố.

Vấn đề ở đây, đại biểu băn khoăn tại sao những kẻ lừa đảo này lại biết chính xác tên tuổi, địa chỉ nơi làm việc, thậm chí là cả chức danh, chức vụ của người dân. Đại biểu Sinh cho rằng, bằng cách nào đó thông tin cá nhân của công dân đã bị lộ lọt để cho những kẻ xấu khai thác. Đại biểu đề nghị Bộ trưởng cho biết ý kiến của mình và giải pháp khắc phục vấn đề này?

Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.Đại biểu Trình Lam Sinh - Đoàn ĐBQH tỉnh An Giang.

Trả lời câu hỏi nhiều cuộc gọi đến biết rõ thông tin người dân, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc này xuất phát từ 2 nhóm nguyên nhân. Thứ nhất là nguyên nhân kỹ thuật. Một số tổ chức, doanh nghiệp thu thập thông tin cá nhân chưa đảm bảo an toàn nên bị hacker tấn công và lấy cắp được dữ liệu.

Hiện nay theo báo cáo của Bộ Công an, trên chợ đen bán dữ liệu Việt Nam có đến 1.300Gb, tính ra bằng hàng tỉ thông tin. Ở đây người dân dễ dãi trong việc cung cấp thông tin cá nhân, chưa coi là tài sản cần bảo vệ. Bên cạnh đó, một số doanh nghiệp quản lý nội bộ kém, để cho nhân viên lấy thông tin của khách hàng bán ra bên ngoài.

  Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời trước Quốc hội chiều 4.11.

Bộ đã ban hành một bộ cẩm nang về an toàn thông tin, trong đó có nội dung quan trọng về cách thức để người dân bảo vệ thông tin của mình. Bộ đã xây dựng một cơ sở dữ liệu về lộ lọt thông tin thông qua các doanh nghiệp, tổ chức quốc tế. Hiện nay, có 120 triệu thực thể thể thông tin người dân có thể tra cứu, để biết xem mình có bị lộ lọt thông tin không.

Bên cạnh đó, ông Hùng cho biết, một trong những giải pháp rất tốt là yêu cầu các cơ quan nhà nước yêu cầu các doanh nghiệp có chăm sóc khách hàng khi muốn tiếp cận người dân, khách hàng thì làm việc với nhà mạng để hiện tên chứ không hiện số điện thoại.

Bên cạnh đó, Bộ TTTT phối hợp với Bộ Công an điều tra, xử lý một số vụ mua bán thông tin, dữ liệu cá nhân để răn đe, truyền thông rộng rãi và thanh tra các nhà mạng toàn diện về vấn đề bảo vệ dữ liệu cá nhân.

14h00: Bắt đầu phiên chất vấn và trả lời chất vấn chiều 4.11 

Phó Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Phương cho biết, theo chương trình, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng trả lời chất vấn đại biểu đã nêu cuối giờ sáng ngày 4.11.

Trong phiên làm việc buổi sáng đã có 32 đại biểu đặt câu hỏi chất vấn, 13 đại biểu tranh luận, Bộ trưởng Nguyễn Mạnh Hùng đã trả lời và làm rõ nhiều vấn đề.

Đầu giờ chiều, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông tiếp tục trả lời chất vấn của một số đại biểu.

I'm sorry, I'm late