Tuesday, September 13, 2022

SỰ THẬT MỘT KIẾP NGƯỜI



(Dù là ai cũng nên đọc ít nhất 1 lần)


Một ngày rất ngắn, ngắn đến mức chưa nắm được cái sáng sớm thì đã tới hoàng hôn.


Một năm thật ngắn, ngắn đến mức chưa kịp thưởng thức sắc màu đầu xuân thì đã tới mùa đông giá lạnh.


Một cuộc đời rất ngắn, ngắn tới mức chưa kịp hưởng thụ những năm tháng đẹp thì người đã già rồi.


Sự việc luôn luôn đến quá nhanh mà hiểu ra thì quá muộn, cho nên chúng ta phải học cách trân trọng: Trân trọng tình thân, tình bạn, tình đồng nghiệp, tình yêu, tình vợ chồng, tình phụ mẫu, tình đồng loại...


Vì một khi đã lướt qua, thì khó có thể gặp lại.


Sau 20 tuổi thì đất khách và quê nhà giống nhau vì đi đến đâu cũng có thể thích ứng.


Sau 30 tuổi thì ban ngày và ban đêm giống nhau vì mấy ngày m.ấ.t ngủ cũng không sao.


Sau 40 tuổi thì trình độ học vấn cao thấp giống nhau, học vấn thấp có khi kiếm tiền nhiều hơn.



Sau 50 tuổi thì đẹp và xấu giống nhau vì lúc này có đẹp đến mấy cũng xuất hiện nếp nhăn và tàn nhang.


Sau 60 tuổi thì làm quan lớn và quan bé giống nhau vì nghỉ hưu rồi cấp bậc giống nhau.


Sau 70 tuổi thì nhà to và nhà nhỏ giống nhau vì xương khớp thoái hóa không thể đi được hết những nơi muốn đi.


Sau 80 tuổi thì tiền nhiều và tiền ít giống nhau vì có tiêu cũng chẳng tiêu được bao nhiêu tiền.


Sau 90 tuổi thì nam và nữ giống nhau vì không thể làm nổi chuyện gì nữa.


Sau 100 tuổi thì nằm và đứng giống nhau vì đứng dậy cũng chẳng biết làm gì?!


Vậy nên: Trước hay sau, trẻ hay già, giàu hay nghèo, sang hay hèn, quan hay dân dù là bất cứ ai đều giống nhau.


Hãy sống và giữ cho mình thứ tồn tại bất biến là: Niềm tin, tình người yêu thương và nhân nghĩa


Cre: Trải nghiệm sống

Ai cũng là thiên tài

 


Có một chàng trai, không thi vào đại học, cha mẹ đã tìm một người vợ cưới về cho anh. Sau khi kết hôn, anh dạy học tại một trường tiểu học trong làng. Vì không có kinh nghiệm, nên chưa đầy một tuần anh đã bị học sinh tẩy chay, khiến anh bị sa thải.


Trở về nhà, người vợ khẽ khàng lau nước mắt cho anh, an ủi nói: “Những việc không vừa ý mình thì có đầy ra đó, có người trút ra được, cũng có người trút không được, anh không cần phải thương tâm như vậy, cũng sẽ có nhiều việc thích hợp hơn đang chờ anh kia mà”.


Về sau, anh ra ngoài làm công cho người ta, lại bị ông chủ đuổi về nhà vì anh làm việc quá chậm.


Lúc đó, vợ nói với anh: “Động tác luôn có nhanh có chậm, người ta đã làm việc nhiều năm như vậy, còn anh thì chỉ là học sinh đọc sách, sao có thể nhanh như họ được?”.


Anh lại trải qua rất nhiều công việc, nhưng cũng vẫn thế, phần lớn là bỏ dở nửa chừng.


Thế nhưng, mỗi lần anh chán nản thất vọng trở về, người vợ lại luôn luôn an ủi anh, chưa bao giờ than trách một câu.


Lúc hơn 30 tuổi, anh nhờ vào khả năng thiên phú về ngôn ngữ, làm trợ giảng tại trường khuyết tật. Về sau, anh xây dựng được một trường khuyết tật khác. Sau đó, tại rất nhiều thành phố, anh lại xây dựng được rất nhiều phân hiệu khác.


Từ đó, anh đã là ông chủ có ngàn vạn tài sản rồi.

-------------

Một ngày, khi đã công thành danh toại, anh hỏi vợ rằng: “Mỗi lúc anh cảm thấy tiền đồ vô vọng, điều gì đã khiến em lúc nào cũng có lòng tin với anh như vậy?”


Cô trả lời mộc mạc, đơn giản: “Một mảnh đất, không hợp cho việc trồng lúa mạch, có thể trồng thử đậu; nếu đậu cũng không thích hợp, có thể thử trồng dưa leo; nếu cả dưa leo cũng không được… thì rải lên một ít kiều mạch nhất định cũng có thể nở hoa.




Bởi vì một mảnh đất, luôn luôn có một hạt giống thích hợp với nó, cuối cùng cũng sẽ có thành quả thu hoạch trên mảnh đất đó thôi”.


"Trên thế gian này không ai là vô dụng cả, chỉ có điều chúng ta không đặt họ đúng vị trí mà thôi."

Saturday, August 13, 2022

Lẩy Kiều điều khiển Trâu

Giai thoại truyền tụng rằng có anh thư sinh nọ quanh năm học ở tỉnh thành, nhân dịp năm cũ sắp hết được nghỉ học nên về quê ăn Tết. Đi qua một cánh đồng thấy mấy cô thôn nữ đang cho trâu ăn vừa cười đùa vui vẻ, chàng thư sinh liền tiến đến làm quen.

    Thấy anh chàng thư sinh lững thững tiến đến, một cô trong bọn ngâm một câu Kiều:

    Trông chừng thấy một văn nhân...

    Rồi cô bỏ lửng, chàng thư sinh hí hửng, vuốt vạt áo the đứng ngóng nghe câu tiếp theo. Chợt một cô khác cất giọng:

    Mày râu nhẵn nhụi áo quần bảnh bao...

    Tưởng mình được mấy cô ví là Kim Trọng không dè các cô cắc cớ lại ví mình với Mã Giám Sinh nên anh ta vừa thẹn vừa tức. Tuy nhiên thấy các cô xinh xinh lại ngâm Kiều mà Kiều là sở trường của mình, anh chàng liền lên mặt thách thức:

    - Chà, các cô thuộc truyện Kiều lắm đấy nhỉ?

    Một cô nhanh nhẩu đáp:

    - Chúng em quê mùa, ít học đâu dám khoe tài. Còn anh chắc giỏi Kiều lắm nên mới hỏi thế chứ gì? Vậy nhờ anh đọc một câu Kiều bảo con trâu đang đi ở chỗ kia đứng lại dùm tụi em xem nào.


    Chàng thư sinh hơi chột dạ, tự nhủ: "Chết chửa, xưa nay mình có dùng Kiều để điều khiển trâu bao giờ đâu?" Tuy thế anh ta cũng tìm được hai câu Kiều và tin chắc rằng sẽ điều khiển con trâu đứng lại nên anh chàng mạnh dạn đọc:

    Tần ngần "đứng" suốt giờ lâu,
    Dạo quanh chợt thấy mái sau có nhà.

    Anh ta cố ý đọc to chữ "đứng" để con trâu đứng lại nhưng con trâu vẫn lững thững bước đi khiến các cô cười ầm. Tưởng con trâu chưa nghe, anh lại đọc hai câu khác:

    Trong vòng tên đá bời bời,
    Thấy Từ còn "đứng" giữa trời trơ trơ.

    Lần này anh thư sinh hét to chữ "đứng" nhưng con trâu vẫn tiếp tục đi. Một cô liền nói:
    - Thôi, anh chả bảo nó được đâu, để em bảo dùm cho. Đoạn cô ngâm:

    "Họ"... Chung có kẻ lại già,
    Cũng trong nha dịch lại là từ tâm.

    Cô đọc to và kéo dài chữ "Họ", quả nhiên con trâu đứng lại ngay. Kế đó, một cô khác lại thách:
    - Bây giờ đố anh bảo con trâu đi rẽ sang phải đấy?
    Bị "xệ" quá, muốn gỡ thẹn, anh thư sinh liền đọc luôn:

    Nàng rằng: Phận gái chữ tòng,
    Chàng "đi" thiếp cũng một lòng xin "đi".

    Chàng thư sinh nhấn mạnh hai tiếng "đi", con trâu đi thật nhưng lại đủng đỉnh đi thẳng chứ không rẽ bên phải. Anh ta bèn chạy theo con trâu đọc lại lần nữa nhưng nó cũng cứ đi thẳng. Chợt nhớ ra một câu khác, tin chắc lần này thế nào cũng có kết quả, anh chàng dõng dạc ngâm:

    Rẽ cho để thiếp bán mình chuộc cha.

    Chàng ta cố ý kéo dài chữ "rẽ", nhưng con trâu vẫn chậm rãi đi thẳng khiến các cô lại ôm bụng cười một lần nữa. Anh chàng tiu nghỉu, thẹn tím cả mặt. Bấy giờ một cô trong bọn mới cất giọng ngâm:

    Một vùng cỏ mọc xanh rì,
    Nước ngâm trong "vắt" thấy gì nữa đâu.

    Cô nhấn mạnh chữ "vắt", quả nhiên con trâu ngoan ngoản rẽ sang bên phải. Tiếng "họ" và tiếng "vắt" là những tiếng mà người miền quê dùng để điều khiển trâu bò, "họ" là đứng lại, còn "vắt" là rẽ sang phải.

    (Theo nguoibanduong.net