Friday, November 8, 2024

Mất căn cước công dân có được cấp lại không, thủ tục ra sao?

 

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật (Đoàn luật sư TP.HCM) trả lời về việc làm lại căn cước công dân như sau:



Số định danh cá nhân được xác lập từ cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư dùng để kết nối, cập nhật, chia sẻ, khai thác thông tin của công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư và các cơ sở dữ liệu chuyên ngành (theo khoản 1 điều 12 Luật Căn cước công dân).

Số thẻ căn cước công dân là số định danh cá nhân (khoản 2 điều 19 Luật Căn cước công dân).

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật

Luật sư Nguyễn Ngô Quang Nhật

Các trường hợp công dân đã được cấp thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh đã có số định danh cá nhân thì sử dụng thông tin về số căn cước công dân, số định danh cá nhân trong giấy khai sinh và các thông tin trên thẻ căn cước công dân, giấy khai sinh để tiến hành các giao dịch với các cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan (theo khoản 1 điều 5 thông tư 59/2021/TT-BCA).

Theo điểm a khoản 2 điều 23 Luật Căn cước công dân, quy định thẻ căn cước công dân được cấp lại trong trường hợp bị mất thẻ căn cước công dân.

Như vậy, trước đây anh/chị đã được cấp thẻ căn cước công dân nhưng hiện tại bị mất thì anh/chị có thể xin cấp lại thẻ căn cước công dân mà không cần phải xin cấp lại số định danh cá nhân.

Trình tự cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân được quy định như sau:

1. Công dân đến cơ quan công an có thẩm quyền tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân nơi công dân thường trú, tạm trú để yêu cầu được cấp thẻ căn cước công dân (công an huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương;…) hoặc thông qua Cổng dịch vụ công quốc gia, Cổng dịch vụ công Bộ Công an để đăng ký thời gian, địa điểm làm thủ tục đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

2. Cán bộ công an nơi tiếp nhận đề nghị cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân thu nhận thông tin công dân: Tìm kiếm thông tin công dân trong cơ sở dữ liệu quốc gia về dân cư; lựa chọn loại cấp và mô tả đặc điểm nhân dạng; thu nhận vân tay; chụp ảnh chân dung; in phiếu thu nhận thông tin căn cước công dân.

Phiếu thu thập thông tin dân cư (nếu có), phiếu cập nhật, chỉnh sửa thông tin dân cư (nếu có) cho công dân kiểm tra, ký và ghi rõ họ tên; thu lệ phí theo quy định; cấp giấy hẹn trả kết quả giải quyết.

3. Thu lại chứng minh nhân dân, thẻ căn cước công dân đang sử dụng trong trường hợp công dân làm thủ tục chuyển từ chứng minh nhân dân sang thẻ căn cước công dân, đổi thẻ căn cước công dân.

4. Tra cứu tàng thư căn cước công dân để xác minh thông tin công dân (nếu có).

5. Xử lý, phê duyệt hồ sơ cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân.

6. Trả thẻ căn cước công dân và kết quả giải quyết cấp, đổi, cấp lại thẻ căn cước công dân. Trường hợp công dân đăng ký trả thẻ căn cước công dân đến địa chỉ theo yêu cầu thì cơ quan công an lập danh sách, phối hợp với đơn vị thực hiện dịch vụ chuyển phát để thực hiện và công dân phải trả phí theo quy định.




Xem thêm: Nguy cơ lộ thông tin, bị mạo danh khi mất Căn cước công dân



Với đội ngũ các luật sư và chuyên gia pháp lý dày dạn kinh nghiệm trên tất cả các lĩnh vực như hôn nhân - gia đình, kinh doanh - thương mại, mua bán đất đai, sở hữu trí tuệ, lao động, hộ tịch, thừa kế..., chuyên mục Tư vấn pháp luật trên Tuổi Trẻ Sao sẽ giải đáp thắc mắc của bạn một cách nhiệt tình, nhanh chóng, chính xác, hiệu quả.

Bạn đọc vui lòng gửi câu hỏi (gõ bằng tiếng Việt có dấu, font chữ UNICODE) về Tuổi Trẻ Sao qua địa chỉ tuvanphapluat@tuoitre.com.


LÊ NHƯ

No comments:

Post a Comment