Thursday, February 10, 2022

Nỗi lo trước tác động của công nghệ đọc não người



Công nghệ đọc não con người đang hình thành, nhưng luật pháp lại chưa sẵn sàng bảo vệ chúng ta.

Công nghệ đọc não

Tác giả người Anh George Orwell trong cuốn tiểu thuyết "1984" có viết: "Không có gì là của bạn ngoại trừ vài centimet khối bên trong hộp sọ của bạn". Bình luận này nói về việc nhân vật bị chính phủ giám sát gắt gao và may mắn là duy nhất bộ não còn được riêng tư.

Trong mấy tuần qua, Facebook và công ty Neuralink của tỷ phú công nghệ Elon Musk đã thông báo họ đang xây dựng công nghệ để đọc suy nghĩ con người. Facebook đang rót tiền để nghiên cứu giao diện máy tính-não (BIC) có thể "nhặt" suy nghĩ trực tiếp từ nơ-ron tế bào thần kinh và dịch thành từ. Các nhà nghiên cứu cho biết họ đã xây dựng được một thuật toán có thể giải mật các từ ngữ từ hoạt động não theo thời gian thực.

Cần có luật bảo vệ dữ liệu não trước công nghệ đọc não.

Công ty Neuralink đã tạo ra được các "sợi chỉ" linh hoạt có thể cấy vào não và một ngày nào đó có thể cho phép bạn kiểm soát điện thoại, máy tính chỉ bằng ý nghĩ. Tỷ phú Musk muốn bắt đầu thử nghiệm ở người vào cuối năm 2020.

Các công ty khác như Kernel, Emotive và Neurosky cũng đang nghiên cứu công nghệ não. Họ cho biết đang xây dựng công nghệ này vì mục đích đạo đức, như giúp người bị liệt kiểm soát các thiết bị.

Việc này nghe có vẻ như khoa học viễn tưởng nhưng nó đã bắt đầu thay đổi cuộc sống của con người. Trong hơn chục năm qua, một số bệnh nhân liệt đã được cấy thiết bị vào não để có thể di chuyển chuột máy tính hoặc điều khiển cánh tay robot. Thiết bị được cấy vào não có thể đọc suy nghĩ vẫn còn phải nhiều năm nữa mới có thể được bán ra thị trường nhưng nghiên cứu lĩnh vực này đang tiến nhanh hơn những gì chúng ta nghĩ.

Não của con người, mặt trận riêng tư cuối cùng, có thể không còn riêng tư nữa khi xuất hiện công nghệ đọc não. Các nhà đạo đức thần kinh học lý luận rằng khả năng sử dụng sai lầm những công nghệ này lớn tới mức chúng ta cần phải sửa lại luật nhân quyền để bảo vệ chính chúng ta. Công nghệ có thể can thiệp vào các quyền cơ bản mà có thể chúng ta thậm chí không nghĩ là quyền.

4 quyền mới cần bổ sung vào luật

Một số quốc gia đã tính tới biện pháp xử lý "quyền nơ-ron". Ở Chile, hai dự luật sẽ coi bảo vệ dữ liệu não là một quyền con người sẽ được đưa ra trình quốc hội bỏ phiếu vào tháng 11 tới. Ở châu Âu, Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế trong năm nay sẽ phát hành một bộ nguyên tắc mới để quản lý sử dụng dữ liệu não.

Một trong những người chủ chốt thúc đẩy các quyền con người mới này là nhà đạo đức thần kinh học Marcello Ienca, một nhà nghiên cứu tại ETH Zurich, một đại học khoa học và công nghệ hàng đầu châu Âu. Năm 2017, ông đã công bố nghiên cứu trong đó vạch ra 4 quyền cụ thể trong thời đại công nghệ thần kinh mà ông cho rằng cần đưa vào luật.

Công nghệ giao diện máy tính-não gồm các hệ thống "đọc" hoạt động thần kinh để giải mã điều đã được nói ra với sự hỗ trợ của phần mềm xử lý trí tuệ nhân tạo và các hệ thống "viết" vào não, cho phép phần mềm có khả năng nhập thông tin mới để thực sự thay đổi cách não hoạt động. Một số hệ thống thực hiện cả hai điều.

Quyền tự do nhận thức

Đây là quyền con người được tự do quyết định muốn sử dụng công nghệ thần kinh hay không.

Ở Trung Quốc, một số nhân viên đã phải đội một loại mũ có thể quét sóng não để phát hiện dấu hiệu trầm cảm, lo lắng, giận dữ hoặc mệt mỏi. Ông Ienca cho rằng nếu cấp trên yêu cầu nhân viên đội mũ này để theo dõi mức độ tập trung trong công việc thì đó là hành vi vi phạm nguyên tắc tự do nhận thức. Ngay cả khi nhân viên có thể chọn đội mũ hoặc không thì nhân viên đó cũng cảm thấy áp lực vô hình phải đội mũ vì không muốn rơi vào thế bất lợi với cấp trên.

Quân đội Mỹ cũng đang tìm các công nghệ thần kinh để khiến binh sĩ phù hợp hơn với nhiệm vụ. Điều này có thể khiến họ bị áp lực phải chấp nhận can thiệp. Các dự án do quân đội Mỹ tài trợ đang tìm cách giám sát mức độ giảm tập trung chú ý bằng công nghệ BCI.

Quyền riêng tư tinh thần

Con người cần có quyền giữ kín hoặc công khai chia sẻ dữ liệu não. Công nghệ thần kinh có ảnh hưởng lớn tới thực thi luật và quá trình giám sát của chính phủ. Nếu thiết bị đọc não có khả năng đọc nội dung suy nghĩ, trong những năm tới, các chính phủ sẽ muốn dùng công nghệ này để thẩm vấn hoặc điều tra.

Quyền im lặng và nguyên tắc không tự tố giác được ghi trong Hiến pháp Mỹ có thể trở nên vô nghĩa trong một thế giới mà chính quyền có thể nghe lén những gì não bạn nghĩ mà bạn không hề biết.

Quyền toàn vẹn tinh thần

Con người cần có quyền không bị gây tổn hại về thể chất và tâm lý bằng công nghệ thần kinh.

BCI có chức năng "viết" có thể tạo điều kiện cho một số hình thức tẩy não mới. Về mặt lý thuyết, nó có thể cho mọi loại người kiểm soát tâm trí người khác: Giới chức tôn giáo muốn truyền bá tôn giáo, chế độ chính trị muốn dẹp bất đồng, các nhóm khủng bố muốn tuyển mộ thành viên…

Các thiết bị như Facebook và Neuralink đang phát triển có thể dễ bị xâm nhập. Điều gì xảy ra nếu bạn sử dụng công nghệ đó và một nhân tố xấu chặn tín hiệu Bluetooth, tăng hoặc giảm dòng điện chạy vào não, khiến bạn trầm cảm hơn hoặc nghe lời hơn?

Các nhà đạo đức thần kinh học gọi đó là kiểm soát thiết bị cấy vào não (brainjacking). Đây vẫn mang tính giả thiết nhưng khả năng này đã được chứng minh trong các nghiên cứu học thuật.

Quyền liên tục về mặt tâm lý

Con người có quyền được bảo vệ khỏi những thay đổi cảm nhận về bản thân mà mình không cho phép.

Trong một nghiên cứu, một phụ nữ liệt đã được dùng giao diện máy tính-não và đã cảm thấy có sự cộng sinh cực đoan với thiết bị đó đến mức nói: "Nó đã trở thành tôi". Khi công ty cấy thiết bị này vào não phá sản và bệnh nhân buộc phải tháo nó ra, bà đã khóc và nói: "Tôi đã mất bản thân mình".

Một mối đe dọa khác với tính liên tục về mặt tâm lý xuất phát từ lĩnh vực tiếp thị thần kinh mới xuất hiện, trong đó các nhà quảng cáo tìm cách tìm hiểu xem não đưa ra quyết định mua hàng như thế nào và cách để hối thúc họ. Điều này không can thiệp thần kinh xâm lấn nên có thể xảy ra với chúng ta mà không hay biết.

Với tất cả những rủi ro trên, ông Ienca cho rằng nên cấm công ty tư nhân kiểm soát công nghệ thần kinh để ngăn chặn các công ty gây tổn thương cho con người và ngăn họ kiếm lời với khách hàng giàu có.

Nhật Minh

Cạm bẫy mang tên “cộng tác viên online” bủa vây người thất nghiệp


Mặc dù không còn mới, nhưng trong thời gian gần đây, các hoạt động lừa đảo núp bóng tuyển cộng tác viên (CTV) bán hàng, CTV đăng bài online lại bắt đầu nở rộ. Đối tượng bị nhắm tới lại chính là những người đang gặp hoàn cảnh khó khăn do đại dịch COVID-19.

Trò lừa không mới

Trò lừa từ việc tìm CTV online đã xuất hiện từ trước đây rất lâu với đủ các loại hình khác nhau, thường gặp nhất đó là tuyển CTV bán quần áo, mỹ phẩm online. Nạn nhân bị nhắm tới là những người có thu nhập thấp, các bà mẹ không có thu nhập hay sinh viên có hoàn cảnh khó khăn muốn kiếm thêm tiền trang trải.

Những lời mời chào hấp dẫn thế này tràn lan trên mạng.

Để tìm con mồi, các đối tượng không ngần ngại đăng bài, chạy quảng cáo trên các nền tảng mạng xã hội, quảng cáo google với các từ khóa khá giống nhau đó là "tuyển CTV tuyến dưới đăng bài bán sản phẩm", "không cần ôm hàng", "không cần bỏ vốn", "được phép trả hàng"… Một công việc khá dễ dàng và tưởng như ăn chắc.


Sau khi đăng ký tham gia, nạn nhân phải cung cấp đầy đủ số điện thoại, Facebook cá nhân sẽ đăng bài và địa chỉ nơi sinh sống. Với những người cảnh giác, chỉ nhận ảnh và bài viết có sẵn rồi đăng tải, sau đó để "công ty" tự chuyển hàng để ăn hoa hồng thì chỉ sau vài đơn hàng, họ sẽ bị "công ty" chặn Facebook và liệt vào con mồi không có tiềm năng.


Nhưng dường như đa phần nạn nhân của hình thức lừa đảo này đều bị mờ mắt trước cách kiếm tiền dễ dàng. Họ sẽ bị các đối tượng liên tục hỏi mua, thậm chí gợi ý đặt các đơn hàng lớn để tặng người thân, gia đình để thêm tin tưởng vào tiềm năng của hình thức kiếm tiền này. Khi đã để lòng tham lấn át lý trí, các nạn nhân sẽ đi vay mượn, xoay xở lấy vốn nhập hàng từ "công ty" để chuyển cho các đơn đã đặt sẵn từ trước đó.


Tuy nhiên, sau khi mất công đóng gói rồi gửi hàng đi, dĩ nhiên đơn hàng đó sẽ không có ai nhận và được trả về cho nạn nhân. Lúc này, nạn nhân sẽ lo sợ và liên lạc với "công ty" để trả hàng. Điều diễn ra tiếp theo đó khá dễ đoán, "công ty" này biến mất không một dấu vết, Facebook thì đã bị chặn và nạn nhân mới nhận ra mình đã bị lừa. Với hình thức này, nạn nhân có thể mất từ hàng triệu đồng cho đến hàng trăm triệu đồng tùy theo sự u mê và khả năng xoay xở tiền bạc của mình.

Bình mới rượu cũ

Sau nhiều năm sử dụng chiêu thức cũ đã bị nhìn rõ, các đối tượng lừa đảo đã bắt đầu xoay sang các hình thức lừa CTV online mới, đó là lợi dụng hình thức thuê người đặt hàng ảo để tăng lượng đơn hàng, nhận đánh giá tốt trên các sàn thương mại điện tử như Shopee, Lazada, Tiki, Sendo…


Cụ thể, để có được nhiều đơn hàng bán thành công, nhiều đánh giá 5 sao và nhận vị trí tốt trong bảng bán hàng của sàn điện tử, một số cửa hàng đã sử dụng cách thuê người dùng nhiều tài khoản khác nhau để đặt đơn hàng. Họ sẽ mất tiền thuê và tiền ship với mục đích tăng số lượng đơn hàng thành công, tăng uy tín cho shop.




Cách kiếm tiền này là có thật và khá đơn giản, cũng có nhiều công ty hoạt động theo hình thức này để hỗ trợ các shop đang kinh doanh trên sàn thương mại điện tử, công việc này khá đơn giản nên cũng không quá thiếu người làm.


Theo chị N.P.A (Gia Lâm, Hà Nội) một người từng tham gia kiếm tiền nhờ hình thức này cho biết: "Cách thức đặt đơn hàng ảo đó là người đặt hàng sẽ chọn thanh toán trả trước và áp mã giảm giá của sản phẩm, sau đó vài giờ thì chuyển hình thức thanh toán sang COD – ship thu tiền hộ. Địa chỉ giao hàng sẽ được ghi theo yêu cầu của chủ shop. Như vậy chủ shop sẽ thanh toán đơn hàng đó cho mình và mình chỉ nhận % hoa hồng. Tuy nhiên % của công việc này rất thấp, vì chủ shop đã chịu chi phí trả cho sàn. Cách này thường được một số shop mới mở sử dụng để tăng tính cạnh tranh với các gian hàng đã hoạt động lâu".

Tuy nhiên không phải ai cũng hiểu rõ về cách thức hoạt động của nó. Đó cũng là kẽ hở mà các đối tượng lừa đảo lợi dụng để lừa tiền các nạn nhân, đặc biệt là với những người đang khó khăn, không có tiền trang trải khi bị thất nghiệp vì COVID-19.

Chị L.T.T (Việt Trì, Phú Thọ) cho biết, do cần tiền nên chị T. đã tìm được công việc này trên Facebook. Khi liên lạc với người tuyển dụng qua mạng xã hội, các đối tượng cũng giải thích cho chị T. về cách hoạt động của hình thức đặt đơn ảo này. Tìm hiểu qua Internet, thấy hình thức này có thật nên chị T. yên tâm đăng ký tham gia với mức hoa hồng được hứa hẹn lên tới 10% sản phẩm.

"Họ nói rằng sau khi đặt hàng và thanh toán thì chụp hóa đơn gửi lại, họ sẽ hoàn tiền và trả thêm cho mình tiền hoa hồng. Do lần đầu thử kiếm tiền kiểu này nên tôi cũng chỉ đặt một đơn nhỏ, sau khi thanh toán xong thì không liên lạc được với người tuyển dụng nữa. Do chỉ thử tham gia để xem có kiếm được tiền thật không nên tôi cũng không mất nhiều tiền lắm, vì thế mà cũng cho qua, không làm lớn chuyện", chị T. cho biết.

Các tin nhắn tuyển dụng có dấu hiệu lừa đảo được gửi đến điện thoại nạn nhân, mạo danh cả sàn thương mại điện tử.

Mới đây, thủ đoạn mới xuất hiện này cũng được Công an TP Hà Nội cảnh báo. Sau khi chỉ rõ hình thức lừa đảo và nạn nhân các đối tượng nhắm đến, Công an TP Hà Nội đề nghị người dân nêu cao tinh thần cảnh giác trước thủ đoạn lừa đảo mới này.

Khi làm cộng tác viên cho các công ty, doanh nghiệp, đơn vị cung ứng hàng hóa, dịch vụ, người dân cần kiểm tra rõ các thông tin về hàng hóa và đơn vị cung cấp thông qua nhiều nguồn khác nhau để kiểm chứng tính chính xác.

Khi phát hiện ra trường hợp lừa đảo, người dân cần báo ngay cho cơ quan công an để nhanh chóng xác minh, ngăn chặn và xử lý các đối tượng vi phạm theo quy định của pháp luật.

Vẫn có thể bị khởi tố

Theo Luật sư Đặng Văn Cường (Trưởng Văn phòng luật sư Chính pháp, Đoàn luật sư Hà Nội), trước diễn biến dịch bệnh phức tạp, đời sống của nhiều người gặp khó khăn, nhiều người muốn kiếm việc làm thêm online nên các đối tượng xấu cũng lợi dụng điều đó để thực hiện các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng. Nhiều đối tượng cho rằng lừa đảo người khác số tiền dưới 2.000.000 đồng sẽ không bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Do nhận thức hạn chế như vậy nên các đối tượng càng củng cố niềm tin để thực hiện nhiều hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản với số tiền dưới 2.000.000 đồng đối với một nạn nhân.

Luật sư Đặng Văn Cường.

Tuy nhiên hành vi được xác định là "ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội" hoặc "đã bị phạt hành chính mà còn vi phạm" thì dù lừa đảo người khác tài sản dưới 2.000.000 đồng thì vẫn bị xử lý hình sự.

Cụ thể theo Khoản 1 - Điều 174 - BLHS năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017 quy định như sau:

Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ 6 tháng đến 3 năm: Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm; Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm; Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội; Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

Như vậy, trong trường hợp nêu trên nếu cơ quan chức năng có căn cứ cho thấy đối tượng đã lừa đảo chiếm đoạt tài sản của nhiều người, gây bức xúc trong dư luận, hành vi sẽ được xác định là ảnh hưởng xấu đến an ninh trật tự, an toàn xã hội nên dù mỗi nạn nhân bị mất chưa đến 2.000.000 đồng thì vẫn có thể khởi tố vụ án hình sự để xử lý các đối tượng này theo quy định của pháp luật.

Luật sư Đặng Văn Cường cũng cho rằng, trong thời gian dịch bệnh diễn biến phức tạp thì hoạt động lừa đảo trên không gian mạng ngày càng phát triển nhanh chóng hơn. Bởi vậy các cơ quan chức năng cần tuyên truyền phổ biến giáo dục pháp luật, giáo dục ý thức chấp hành pháp luật cho công dân, trang bị kiến thức, kỹ năng cần thiết cho công dân khi tham gia hoạt động trong môi trường mạng, đồng thời kịp thời phát hiện xử lý nghiêm minh các hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng để đảm bảo an ninh, an toàn mạng, đảm bảo môi trường lành mạnh cho các hoạt động dân sự, kinh tế, xã hội.

M. Trí