Saturday, December 25, 2021

Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà: Sử dụng sao cho đúng

 Chiều 30/8/2021, tại cuộc họp báo cung cấp thông tin tuyên truyền về công tác phòng chống dịch COVID-19 trên địa bàn TP. Hồ Chí Minh, bà Phạm Khánh Phong Lan, Trưởng ban quản lý an toàn thực phẩm Thành phố, thành viên Ban Chỉ đạo phòng chống dịch COVID-19 TP. Hồ Chí Minh cho biết hiện nay Thành phố đã triển khai phát các túi thuốc cho bệnh nhân F0 đang điều trị tại nhà và có những lưu ý cho người bệnh khi sử dụng túi thuốc này.



Các lưu ý khi dùng các gói thuốc A, B, C

Túi thuốc phát cho F0 đang điều trị tại nhà sẽ bao gồm 3 gói A, B, C và sử dụng tùy thuộc vào triệu chứng của bệnh nhân. Trong đó, gói thuốc A là những thuốc thông dụng bao gồm thuốc hạ sốt và vitamin nâng cao thể trạng. Thuốc hạ sốt sẽ được dùng khi người bệnh sốt trên 38,5C, có thể lặp lại mỗi 4 -6 giờ nếu vẫn còn sốt. Các loại vitamin uống ngày 2 lần, mỗi lần 1 viên. Gói thuốc này dùng trong 7 ngày.


Gói thuốc B bao gồm các loại thuốc kháng viêm có chứa corticoid và thuốc chống đông, đủ dùng trong 3 ngày. Đây là những loại thuốc đặc trị, phải có ý kiến chỉ định của bác sĩ. Đối với thuốc ở gói B, người bệnh cần lưu ý chỉ sử dụng trong một số tình huống đặc biệt, có triệu chứng sớm của suy hô hấp như cảm thấy khó thở, thở hụt hơi, khó thở tăng lên khi vận động, nhịp thở khi nghỉ ngơi trên 20 lần mỗi phút hoặc đo SpO2 dưới 95%. Nếu chưa liên hệ được bác sĩ, người bệnh có thể tự uống thuốc kháng viêm và thuốc chống đông nhưng không quá 3 ngày. Trong thời gian này người bệnh cần tiếp tục liên hệ bác sĩ để được hỗ trợ.


Ảnh: Túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà, trong đó có gói thuốc A, B


Cuối cùng là gói thuốc C có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus đang ở trong giai đoạn thử nghiệm trong chương trình nghiên cứu của Bộ Y tế. Thuốc hiện chưa được Cục quản lý Dược của Bộ Y tế cấp phép lưu hành. Thuốc đã được thử nghiệm lâm sàng tại bệnh viện Thống Nhất và đã cho những kết quả khả quan.


Trong chương trình cấp thuốc cho F0 điều trị tại nhà, gói thuốc C được sự chỉ đạo của Bộ Y tế thêm vào túi thuốc dành cho F0 điều trị tại nhà và phải có những điều kiện khi sử dụng thuốc. Người bệnh cần phải ký “Phiếu chấp thuận tham gia chương trình sử dụng thuốc Molnupiravir có kiểm soát tại cộng đồng cho người mắc COVID-19 nhẹ” trước khi được cấp phát và sử dụng.


Gói thuốc C chỉ dành cho F0 đã có kết quả dương tính với SARS-COV-2 dương tính sau khi xét nghiệm test nhanh hoặc RT-PCR, có triệu chứng nhẹ, thể hiện qua nhịp thở dưới 20 lần/ phút, nồng độ SpO2 cao hơn hoặc bằng 96%. Gói thuốc C có lượng thuốc đủ dùng trong 5 ngày. Mỗi ngày uống 4 viên, chia làm 2 lần, mỗi lần 2 viên. Tổng liều là 1.600mg cho 1 ngày. Theo các nghiên cứu, bệnh nhân sẽ có sự cải thiện rõ rệt, giảm tải lượng virus rõ rệt ở bệnh nhân mắc COVID-19 vừa và nhẹ sau 5 ngày điều trị, nhờ đó giảm tỉ lệ nhập viện, giảm tử vong.

Ảnh: Gói thuốc C vô cùng đặc biệt, có thuốc Molnupiravir. Đây là thuốc kháng virus, có tác dụng tiêu diệt SARS-COV-2.

Sẽ có thêm 34.000 liều thuốc kháng virus Molnupiravir

Thành phố hiện đã chuẩn bị 150.000 túi thuốc trong đó có chứa gói thuốc A, B và đã cấp phát 74.000 túi thuốc này về cho các Trung tâm y tế Quận huyện, Thành phố Thủ Đức để chuyển đến cho các F0 đang điều trị tại nhà. Số lượng túi thuốc còn lại sẽ chuyển cho các bệnh nhân trong những ngày tới. Tính tới ngày 23/8/2021, Thành phố có gần 22.000 F0 đang điều trị tại nhà, do đó, với số thuốc đã phát cho các quận huyện đủ hoặc thậm chí có dư để cung ứng cho các bệnh nhân.


Riêng với gói thuốc C, tính đến thời điểm này Bộ Y tế mới cấp cho Thành phố 16.000 túi nên sẽ có tình trạng thiếu thuốc Molnupiravir. Dự kiến vài ngày tới sẽ bổ sung thêm 34.000 liều thuốc này.


Thuốc Molnupiravir là sản phẩm được nghiên cứu, phát triển bởi hãng dược phẩm Merck của Mỹ và Công ty Ridgeback của Đức. Tại TP. Hồ Chí Minh, một doanh nghiệp đã có được  nhượng quyền khai thác, sản xuất tại Việt Nam, nhà máy đạt chuẩn GMP và đang làm hồ sơ trình Bộ Y tế, bà Phong Lan thông tin thêm. Sắp tới, doanh nghiệp này cam kết tài trợ 2,3 triệu viên thuốc Molnupiravir, tương ứng với 116.000 liều để điều trị cho F0.

Yến Thư – Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật Thành phố (HCDC)


Saturday, December 18, 2021

Ngân hàng phát hành trăm triệu cổ phiếu ESOP giá rẻ: Ai được lợi chính, cổ đông bị ảnh hưởng ra sao?

 


Ngân hàng phát hành  trăm triệu cổ phiếu ESOP giá rẻ: Ai được lợi chính, cổ đông bị ảnh hưởng ra sao?

Một loạt ngân hàng thông báo phát hành lượng lớn cổ phiếu ESOP cho cán bộ nhân viên. Số cổ phiếu này đều được bán với giá thấp hơn rất nhiều giá thị trường và chủ yếu dành cho nhân sự cấp cao.



    ABBank mới đây cho biết sẽ phát hành hơn 11,4 triệu cổ phiếu ESOP với mức giá 13.000 đồng/cp, thấp hơn 40% thị giá hiện tại. Số cổ phiếu phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 1 năm kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

    Theo ABBank, người được quyền mua cổ phiếu ESOP là các cán bộ nhận viên của ngân hàng đáp ứng tiêu chí về hiệu quả công việc và phụ thuộc vào vị trí công tác cùng thâm niên làm việc. Trường hợp cán bộ nhân viên không mua hết số cổ phiếu phát hành có quyền bán số còn lại cho nhân viên khác với giá bán không thấp hơn 13.000 đồng/cp.

    Tương tự, LienVietPostBank cũng dự kiến phát hành 35 triệu cổ phiếu ESOP với giá không thấp hơn mệnh giá 10.000 đồng. Cổ phiếu ESOP phát hành sẽ bị hạn chế chuyển nhượng trong vòng một năm.

    HDBank cũng chuẩn bị phát hành 20 triệu cổ phiếu mệnh giá 10.000 đồng/cổ phiếu cho cán bộ nhân viên ngân hàng, qua đó, tăng vốn điều lệ thêm 200 tỷ đồng. Thời gian thực hiện dự kiến trong quý 4. Cổ phiếu ESOP sẽ bị hạn chế chuyển nhượng 3 năm theo quy định.

    Theo lãnh đạo ngân hàng này, việc phát hành cổ phiếu ESOP nhằm ghi nhận sự đóng góp của cán bộ nhân viên HDBank trong thời gian qua đồng thời khích lệ tinh lần làm việc và sự gắn bó lâu dài của người lao động góp phần nâng cao hiệu quả kinh doanh của ngân hàng.

    Trước đó, Techcombank đã phát hành xong hơn 6 triệu cổ phiếu ESOP trong tháng 9, tương đương 0,1714% tổng số lượng cổ phiếu đang lưu hành. Techcombank bán số cổ phiếu này cho cán bộ nhân viên với giá 10.000 đồng, chỉ bằng 1/5 thị giá hiện tại. Cổ phiếu ESOP sẽ hạn chế chuyển nhượng trong 1 năm theo quy định của pháp luật hiện hành và các điều kiện hạn chế khác nêu tại quy định kể từ ngày kết thúc đợt phát hành.

    Năm 2020, 2019 và 2018, ngân hàng đã phát hành lần lượt 4,76 triệu cp, 3,5 triệu cp và 17 triệu cp cho nhân viên với giá 10.000 đồng/cp theo chương trình lựa chọn cho người lao động.

    VPBank cũng vừa kết thúc đợt chào bán 15 triệu cổ phiếu ESOP năm 2021 từ nguồn cổ phiếu quỹ với giá 10.000 đồng.

    Số cổ phiếu này sẽ bị hạn chế chuyển nhượng tối đa 3 năm kể từ ngày kết thúc đợt chào bán. Cụ thể, kể từ ngày kết thúc đợt chào bán, sau 1 năm sẽ giải tỏa 30% số cổ phần, sau 2 năm sẽ giải tỏa tiếp 35% số cổ phần và sau 3 năm sẽ giải tỏa 35% số cổ phần còn lại. Các quyền lợi phát sinh từ số cổ phần được mua (nếu có) sẽ không bị hạn chế chuyển nhượng.

    Ai được hưởng lợi chính từ các chương trình ESOP?

    Mặc dù các ngân hàng liên tục triển khai các chương trình ESOP trong những năm gần đây nhưng chính sách này chủ yếu dành cho một số ít nhân sự cấp cao.

    Thực tế, tại đợt phát hành ESOP năm 2021 của VPBank, chỉ 299 trong tổng số 9.785 nhân sự làm việc tại ngân hàng mẹ được phân phối cổ phiếu. Trong đó, riêng 14 nhân sự cấp cao chưa bao gồm Tổng Giám đốc Nguyễn Đức Vinh đã mua gần 1,5 triệu đơn vị, tương đương 10% lượng chào bán.

    Trong năm 2020 và 2019, VPBank đã phân phối lần lượt 17 triệu và 31 triệu cổ phiếu ESOP cho nhân viên với giá 10.000 đồng .Trong đó, ông Nguyễn Đức Vinh được mua lần lượt 33,5% và gần 50% lượng chào bán.

    Hay trường hợp của Techcombank, chỉ có 237 trong tổng hơn 11.600 nhân sự của ngân hàng này mua ESOP. Trong đó, riêng 9 vị trí cấp cao mua hơn 1,2 triệu cổ phiếu, tương đương gần 20% lượng ESOP chào bán.

    Việc chào bán ESOP được cho là một món quà giá trị dành cho các "sếp" ngân hàng, bởi mức giá bán cổ phiếu ưu đãi đều thấp hơn rất nhiều giá thị trường.

    Điển hình như Techcombank, giá thị trường của cổ phiếu TCB trong thời gian thực hiện ESOP vào khoảng hơn 50.000 đồng/cp, gấp 5 lần mức giá mà các cán bộ, nhân viên của ngân hàng phải bỏ ra. Hay như trường hợp của VPBank, mức giá bán cổ phiếu ESOP cũng chỉ bằng 1/4 thị giá.

    Lợi và hại như thế nào đối với cổ đông?

    Mục tiêu của ESOP là tạo động lực cho người lao động, khuyến khích, nâng cao vai trò, trách nhiệm và quyền lợi của cán bộ, nhân viên công ty... Ngoài ra, chương trình này còn giúp những nhân sự này này giảm đáng kể thuế thu nhập cá nhân phải nộp khi so sánh với thưởng bằng tiền. Chính vì vậy, ESOP sẽ thúc đẩy năng suất cũng như níu kéo và thu hút nhân tài, qua đó tác động tích cực đến hiệu quả kinh doanh ngân hàng.

    Tác dụng từ những chương trình ESOP là không thể phủ nhận tuy nhiên hoạt động này cũng tạo ra những mâu thuẫn lợi ích không nhỏ giữa ban lãnh đạo công ty và các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ.

    Theo giới phân tích, ESOP sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới lợi ích của các cổ đông, đặc biệt là cổ đông nhỏ lẻ. Bởi hiểu nôm na, ESOP là việc doanh nghiệp sử dụng một phần tiền của cổ đông để thưởng cho cán bộ nhân viên. Cùng với đó, khi phát hành quá nhiều ESOP cũng sẽ làm gia tăng lượng cung cổ phiếu trên thị trường, gây áp lực giảm giá.

    Băn khoăn về việc ngân hàng liên tục phát hành ESOP trong những năm gần đây, nhiều cổ đông đã đặt câu hỏi cho ban lãnh đạo các ngân hàng trong các kỳ đại hội cổ đông thường niên. Và câu trả lời nhận được hầu hết là chương trình ESOP không những giúp giữ chân nhân tài trong giai đoạn làm việc mà còn gắn quyền lợi của họ với giá trị của tổ chức, từ đó tạo động lực để họ tạo giá trị tốt hơn cho tổ chức trong thời gian làm việc.

    Xem thêm: lượm lặt chút kinh nghiệm sống!: Thưởng cổ phiếu cho nhân viên hay chiêu móc túi nhà đầu tư nhỏ lẻ? (phungthanhtuan.blogspot.com)

    Quốc Thuỵ

    Theo Trí thức trẻ

    ---


    Friday, December 17, 2021

    Hàng loạt mối nguy khi CMND bị lộ

     Người dân bị lộ CMND có thể bị tội phạm lấy thông tin để mạo danh vay tiền, lừa đảo, vu khống tình ái... hay thực hiện nhiều động cơ mờ ám khác.

    "Đừng nghĩ hình chụp chứng minh nhân dân, căn cước công dân (CMND/CCCD) bị lộ không đáng ngại bằng việc bị mất chúng. Bởi thực tế, tội phạm chỉ cần hình chụp đó là sử dụng được cho mục đích phạm pháp", trung tá Đào Trung Hiếu (chuyên gia tội phạm học, Bộ Công an) đánh giá về vụ 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp CMND/CCCD của hàng nghìn người đang bị rao bán trên mạng.

    Theo ông Hiếu, có ít nhất 5 mối nguy người dân có thể gặp phải khi hình ảnh CMND lọt vào tay kẻ xấu. Đầu tiên, tội phạm sẽ sao chép thông tin CMND thật để làm phiên bản giả với dãy số và tên nạn nhân giữ nguyên, nhưng thay ảnh của chính mình vào. Sau đó, chúng dùng CMND giả này đến ngân hàng chiếm đoạt tiền trong tài khoản của nạn nhân (đã nghiên cứu trước).

    Chiêu thức này được Lê Văn Nam, 29 tuổi, áp dụng lấy tiền thành công tại chi nhánh ngân hàng ở huyện Bình Chánh, TP HCM, hồi tháng 3. Anh ta dùng CMND giả tên Lê Quốc Tín (hình Nam) đến mở tài khoản mới, sau đó đề nghị ngân hàng chuyển 45 triệu đồng trong tài khoản cũ của Lê Quốc Tín sang tài khoản này. Khi anh Tín khiếu nại, ngân hàng mới biết bị lừa nên báo công an. Sáng 26/3, khi Nam tiếp tục mang CMND tên Võ Hoàng Long nhưng gắn hình mình đến ngân hàng lặp lại chiêu cũ thì bị bắt.

    Hiện, một số app vay tiền trực tuyến áp dụng công nghệ eKYC (Know Your Customer - định danh không gặp trực tiếp) cho phép người dùng xác thực tài khoản vay vốn bằng cách cần tải hình CMND/CCCD hoặc hình chân dung đang cầm giấy tờ trên tay. Kẻ gian sẽ lấy hình CMND người khác, hoặc in thành phiên bản giả thay hình chân dung mình vào để vượt qua bước này.

    Như đầu tháng 3, anh Nguyễn Ngọc Minh bất ngờ được một công ty tài chính thông báo có khoản nợ 35 triệu đồng. Hợp đồng vay đứng tên và CMND của anh nhưng hình người vay lại là nữ. Tài khoản được giải ngân cũng trùng với họ tên anh nhưng lại được mở tại một ngân hàng khác và không phải tài khoản thật hay dùng.

    CMND giả mạo chỉ có dãy số và tên là trùng khớp với thông tin anh Minh. Ảnh: NVVC.

    CMND giả mạo có số và tên anh Minh nhưng ảnh lại là nữ, cùng địa chỉ khác. Ảnh: Nhân vật cung cấp.

    Bằng cách nghiên cứu thông tin trên CMND/CCCD như hình ảnh, tên tuổi, quê quán, nơi ở, giới tính... tội phạm công nghệ cao có thể biết được số điện thoại liên hệ, tài khoản ngân hàng của khổ chủ. Sau đó chúng giả công an, kiểm sát viên, thanh tra, tòa án gọi điện đến hù dọa người này đang bị điều tra vì "liên quan đến vụ án".

    Nghe chúng đọc vanh vách những thông tin về mình, thậm chí cả tài khoản ở các ngân hàng, người dân rất dễ tin đây là người của cơ quan pháp luật nên thực hiện theo các yêu cầu. Khi đó, họ bị cảnh sát giả hăm dọa "nếu không muốn bị bắt tạm giam" phải chứng minh bản thân trong sạch, tiền đang có không liên quan đến băng nhóm tội phải. Để làm được việc này, người dân phải chuyển tiền đến tài khoản của "cơ quan điều tra" (do chúng cung cấp), khi làm rõ công an sẽ lập tức chuyển trả.

    Hồi tháng 9/2020, người phụ nữ ở quận Hoàn Kiếm (Hà Nội) đã mất 13 tỷ đồng sau khi nhận cuộc gọi như trên. Bà cho biết, khi nghe "cán bộ công an" đưa ra nhiều thông tin cá nhân trùng khớp, kèm lời doạ bắt đi tù khiến bà hoảng sợ, vội ra ngân hàng lập tài khoản và chuyển 13 tỷ đồng theo yêu cầu. Khi được đề nghị cung cấp mã OTP phục vụ phong toả tài khoản, nạn nhân làm theo và bị chiếm đoạt hết tiền.

    Theo thống kê của Bộ Công an, thủ đoạn giả danh này chiếm hơn 65% số vụ lừa đảo trên không gian mạng năm 2020.

    Rắc rối khác mà nhiều người đã trở thành nạn nhân là bị kẻ xấu đăng ảnh CMND/CCCD lên mạng xã hội kèm thông tin gây sốc như: đang gặp tai nạn, vay tiền không trả, bán hàng dối trá, hoặc vu khống tình ái... "Đây có thể là thủ đoạn câu like của những tài khoản ảo, nhằm thu hút sự chú ý để bán hàng hay lừa đảo sau này", trung tá Hiếu nhận định.

    Thông tin CMND/CCCD bị đánh cắp có thể được bán cho một số công ty để tạo bảng lương khống, đăng ký mã số thuế trả lương lao động thời vụ; hoặc dùng để đăng ký sim hòa mạng, mở các tài khoản trực tuyến khác, mua vé tàu... Khi xảy ra sự cố, những người bị lộ lọt hình ảnh CMND/CCCD sẽ gánh chịu phiền phức.

    Một phần trong số các ảnh chụp chứng minh thư và căn cước công dân của người Việt đang bị rao bán.

    Một phần trong số các ảnh chụp chứng minh thư và căn cước công dân của người Việt đang bị rao bán.

    Theo các chuyên gia, nhằm tránh gặp những mối nguy trên, người dùng không nên cung cấp thông tin cá nhân, eKYC cho các dịch vụ chưa được đánh giá tín nhiệm một cách rõ ràng. Mỗi người cũng nên lường trước các kịch bản lừa đảo có thể xảy ra với mình và người thân, sẵn sàng thông báo cho cơ quan chức năng khi có những cuộc gọi, thư điện tử nghi ngờ gửi đến.

    Trường hợp gặp rắc rối từ CMND/CCCD bị lộ, luật sư Đỗ Ngọc Thanh (Đoàn Luật sư TP HCM) khuyên người dân liên hệ ngay với các tổ chức tín dụng có thông tin tài khoản để khoá và ngăn chặn giao dịch. Nếu thường sử dụng các ứng dụng (app) thanh toán có liên quan đến thông tin, hình ảnh cá nhân thì người dân cần liên lạc với các chuyên gia bảo mật hoặc các công ty về bảo mật có các dịch vụ cung ứng nhằm ứng cứu sự cố để được hỗ trợ nhanh nhất.

    Bên cạnh đó, người dân cần thông báo nội dung vụ việc đến các tổ chức, cá nhân liên quan và trình bày rõ mình là nạn nhân của hành vi lừa đảo; đồng thời lập vi bằng để có cơ sở bảo vệ lợi ích hợp pháp của mình...

    Về chế tài dân sự, nạn nhân có quyền tự mình hoặc được quyền yêu cầu tòa án buộc bên xâm phạm phải chấm dứt hành vi xâm phạm, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại và các yêu cầu khác theo Điều 34 BLDS.

    Đối với những người có hành vi xâm phạm, trao đổi thông tin riêng tư của người khác có thể bị truy cứu tội Xâm phạm bí mật hoặc an toàn thư tín, điện thoại, điện tín hoặc hình thức trao đổi thông tin riêng tư khác của người khác (Điều 159 BLHS) và tội Đưa hoặc sử dụng trái phép thông tin mạng máy tính, mạng viễn thông (Điều 288 BLHS).


    Hôm 13/5, một thành viên trên diễn đàn tin tặc đã rao bán 17 GB dữ liệu chứa ảnh chụp CMND/CCCD cả hai mặt của hàng nghìn người Việt. Các dữ liệu này được rao bán với giá 9.000 USD (207 triệu đồng) và thanh toán bằng tiền mã hóa Bitcoin hoặc Litecoin.

    Cục An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao (Bộ Công an) đã vào cuộc điều tra.

    Việt Anh.