Saturday, December 17, 2016

Sổ đỏ, sổ hồng khác nhau như thế nào?

Do nhu cầu công việc, tôi muốn mua nhà tại TP HCM. Tuy nhiên quá trình tìm hiểu, tôi thấy có người bán xem sổ đỏ, có người lại đưa sổ hồng.Tôi muốn biết với người mua nhà thì sổ đỏ và sổ hồng, cái nào có giá trị pháp lý hơn? Hai loại khác nhau như thế nào?
Đinh Văn Biển
Luật sư trả lời:
Trên thực tế sổ đỏ, sổ hồng không phải là loại giấy tờ được pháp luật quy định mà đây chỉ là tên gọi do người dân dựa trên màu sắc của mỗi loại giấy để tự đặt ra để nói cho ngắn gọn cũng như để phân biệt giữa các loại giấy chứng nhận.
Cụ thể:
- Sổ đỏ là mẫu do Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành, bìa có màu đỏ, với nội dung ghi nhận quyền sử dụng đất (có thể là đất ở, đất sản xuất nông nghiệp, vườn, ao, đất rừng…) nên mẫu này có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất”. Theo quy định tại khoản 20 Điều 4 Luật đất đai 2003: “Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất là giấy chứng nhận do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho người sử dụng đất để bảo hộ quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất”.
- Sổ hồng là mẫu do Bộ Xây dựng ban hành, bìa có màu hồng với nội dung là ghi nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở nên mẫu có tên gọi là “Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở”. Theo Điều 11 Luật nhà ở năm 2005, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở giấy chứng nhận quyền sở hữu đối với nhà ở được cấp cho chủ sở hữu theo quy định sau đây:
a) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở đồng thời là chủ sử dụng đất ở, chủ sở hữu căn hộ trong nhà chung cư thì cấp một giấy chứng nhận là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở.
b) Trường hợp chủ sở hữu nhà ở không đồng thời là chủ sử dụng đất ở thì cấp Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở. Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở quy định tại khoản này được gọi chung là Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở.
Tuy nhiên, để thống nhất thành một loại Giấy chứng nhận, ngày 19/10/2009 Chính phủ ban hành Nghị định số 88/2009/NĐ-CP và ngày 21/10/2009 Bộ Tài nguyên và Môi trường ban hành Thông tư số 17/2009/TT-BTNMT về cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Theo đó, hai loại Giấy chứng nhận nói trên sẽ do Bộ Tài nguyên và Môi trường phát hành theo một mẫu thống nhất và được áp dụng trong phạm vi cả nước đối với mọi loại đất, nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất...
Kế thừa quy định nói trên, Điều 97 Luật Đất đai 2013 cũng quy định: “1. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất được cấp cho người có quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở, quyền sở hữu tài sản khác gắn liền với đất theo một loại mẫu thống nhất trong cả nước. Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường quy định cụ thể về Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất.
2. Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và quyền sử dụng đất ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở, Giấy chứng nhận quyền sở hữu công trình xây dựng đã được cấp theo quy định của pháp luật về đất đai, pháp luật về nhà ở, pháp luật về xây dựng trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 vẫn có giá trị pháp lý và không phải đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Trường hợp người đã được cấp Giấy chứng nhận trước ngày 10 tháng 12 năm 2009 có nhu cầu cấp đổi thì được đổi sang Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất theo quy định của Luật này”.
Như vậy, theo như các quy định vừa trích dẫn ở trên, sổ đỏ hay sổ hồng đều là giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, hoặc quyền sở hữu nhà ở do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp. Thực tế hiện nay vẫn đang lưu hành cả 3 loại giấy tờ là Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở và Giấy chứng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu nhà ở và tài sản khác gắn liền với đất. Cả 3 đều có giá trị pháp lý như nhau.
Luật sư, Thạc sĩ Phạm Thanh Bình

Công dân được chuyển bao nhiêu tiền ra nước ngoài

Pháp luật Việt Nam quy định thế nào về việc người Việt Nam được chuyển tiền ra nước ngoài hoặc mở tài khoản gửi tiền ở nước ngoài? Tôi muốn hỏi cá nhân là công dân Việt Nam được chuyển tối đa bao nhiêu tiền ra nước ngoài?
Nguyễn Hoài Nam
Luật sư trả lời:
Điều 7 Nghị định 70/2014/NĐ-CP hướng dẫn pháp lệnh ngoại hối quy định các trường hợp được chuyển tiền ra nước ngoài gồm:
"1. Người cư trú là tổ chức được thực hiện chuyển tiền một chiều ra nước ngoài để phục vụ mục đích tài trợ, viện trợ hoặc các mục đích khác theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam.
2. Người cư trú là công dân Việt Nam được mua, chuyển, mang ngoại tệ ra nước ngoài theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam cho các mục đích sau:
a) Học tập, chữa bệnh ở nước ngoài;
b) Đi công tác, du lịch, thăm viếng ở nước ngoài;
c) Trả các loại phí, lệ phí cho nước ngoài;
d) Trợ cấp cho thân nhân đang ở nước ngoài;
đ) Chuyển tiền thừa kế cho người hưởng thừa kế ở nước ngoài;
e) Chuyển tiền trong trường hợp định cư ở nước ngoài;
g) Chuyển tiền một chiều cho các nhu cầu hợp pháp khác".
Việc chuyển ngoại tệ ra nước ngoài để đầu tư được quy định tại Luật đầu tư và các văn bản hướng dẫn như sau:
Theo Điều 64 Luật đầu tư, cá nhân đầu tư ra nước ngoài cần có:
1/ Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (trừ trường hợp như để đàm phán hợp đồng, nghiên cứu thị trường, khảo sát thực địa... được quy định tại Điều 19 Nghị định 83/2015/NĐ-CP)
2/  Được cơ quan có thẩm quyền của nước tiếp nhận đầu tư chấp thuận hoặc cấp phép hoặc tài liệu có giá trị tương đương
3/ Có tài khoản vốn đầu tư.
Về tài khoản vốn đầu tư, đây là tài khoản mở tại một tổ chức tín dụng được phép tại Việt Nam và phải đăng ký tại Ngân hàng Nhà nước Việt Nam. Khi đăng ký tài khoản này phải đăng ký cả tiến độ chuyển vốn. Mọi giao dịch chuyển ngoại tệ từ Việt Nam ra nước ngoài và từ nước ngoài vào Việt Nam liên quan dự án đầu tư trực tiếp ra nước ngoài phải được thực hiện thông qua tài khoản này.
Đối với các trường hợp chuyển tiền ra nước ngoài để học tập, định cư, khám chữa bệnh, du lịch... thì thủ tục tương đối đơn giản. Công dân tham khảo Quyết định 676QĐ/TTG  ngày 15/6/2012 của Thủ tướng hoặc xem tại thủ tục tại bộ phận hướng dẫn của các ngân hàng. Ví dụ, để phục vụ mục đích học tập cần có: phiếu chuyển tiền, bản sao thông báo chi phí của cơ sở đào tạo, giáo dục ở nước ngoài...
Về giới hạn chuyển tiền: Pháp luật hiện hành chưa có quy định cụ thể, có một số quy định nhưng chỉ là tăng cường kiểm soát thông qua thủ tục hành chính. Ví dụ, chuyển tiền ra nước ngoài để định cư được quy định 50.000 USD một năm; nếu trên 50.000 USD phải có tài liệu chứng minh.
Luật sư Hoàng Văn Thạch

Khi nào được rẽ phải khi đèn đỏ?

Tôi thấy tại nhiều ngã tư có tín hiệu cho phép rẽ phải khi đèn đỏ, có phải giờ luật cho phép như vậy không? Vì thế tại những nơi không có đèn báo thì tôi vẫn được rẽ.
Hà Tuyến
Luật sư trả lời:
Căn cứ Luật giao thông đường bộ, khi có tín hiệu đèn đỏ, người điều khiển phương tiện được phép rẽ phải trong 2 trường hợp sau:
- Dựa vào hiệu lệnh của người điều khiển giao thông. Lúc này, bạn tuân theo hiệu lệnh mà không phải tuân thủ tín hiệu đèn giao thông.
- Dựa vào biển báo cho phép rẽ phải. Lúc này các phương tiện phải bật đèn tín hiệu xin đường và nhường đường cho người đi bộ.
Ngoài những trường hợp trên, nếu người tham gia giao thông cố tình rẽ phải khi có tín hiệu đèn đỏ thì bị coi như vượt đèn đỏ và bị xử phạt hành chính theo Nghị định 46.
Theo đó, mức tiền phạt với ôtô từ 1,2 đến 2 triệu đồng. Người đi môtô, xe gắn máy (kể cả xe máy điện), xe tương tự xe môtô và các loại xe tương tự xe gắn máy sẽ bị phạt từ 300.000 đến 400.000 đồng. Người đi xe đạp, xe đạp máy, người điều khiển xe thô sơ khác sẽ bị phạt 60.000-80.000 đồng.
Với người điều khiển máy kéo, xe máy chuyên dụng số tiền phạt từ 400.000 đến 600.000 đồng.
Cục Cảnh sát giao thông, Bộ Công an