Sunday, April 10, 2016

CHECK IN KHÁCH SẠN

Kiểm tra bọ rệp dưới giường, các góc khuất trong phòng hay treo biển "không làm phiền" là một số hành động bạn nên làm trước khi dỡ đồ và nghỉ ngơi.

Tất cả những gì bạn muốn làm chỉ là quăng giầy đi và nghỉ ngơi thư giãn? Tuy nhiên còn có những việc quan trọng hơn cần phải làm trước khi thả mình xuống giường.
Kiểm tra bọ rệp dưới giường
Kiểm tra kỹ dưới đệm, đầu giường và cả khung giường xem có bọ rệp hay không. Hãy chắc chắn rằng bạn đã rà soát từng góc giường bởi bọ rệp chỉ là những đốm nhỏ màu nâu, rất khó nhìn thấy và thường lẩn trốn vào ban ngày nhưng lại biến mất nhanh như một tia chớp khi bị phát hiện. Chúng có thể cắn bạn, để lại những vết sưng tấy hay thậm chí là lây nhiễm những căn bệnh nguy hiểm.

Kiểm tra vệ sinh
Phòng của bạn trông có vẻ sạch sẽ nhưng điều này không có nghĩa là nó vệ sinh. Nhân viên dọn phòng có thể cọ nhà tắm nhưng không chắc chắn họ sẽ lau chùi thường xuyên những "ổ" vi khuẩn nhiều nhất như điều khiển tivi và điều hòa, công tắc đèn, tay nắm cửa... Chính vì thế, hãy dành ra một vài phút làm sạch những dụng cụ này để chắc chắn có thể yên tâm tận hưởng kỳ nghỉ của mình một cách an toàn và khỏe mạnh.
nhung-viec-nen-lam-truoc-tien-khi-o-khach-san
Trước khi thả mình xuống chiếc giường êm ái, hãy dành ra vài phút để làm những việc rất nhỏ nhưng lại có ý nghĩa quan trọng trong việc đảm bảo sức khỏe và an toàn cho chính bạn. Ảnh: Huffingtonpost
Kiểm tra góc khuất trong phòng
Trước khi dỡ bỏ hành lý trong phòng ở khách sạn đã chốt cửa, hãy kiểm tra những góc khuất này để đảm bảo chắc chắn chỉ có mình bạn ở đó: dưới giường, trong tủ quần áo, trong nhà tắm và cả sau rèm cửa. Một kẻ xấu nào đó có thể lẻn vào trước và nấp sẵn trong phòng hay thậm chí là những thứ nguy hiểm hơn cho cả tính mạng và tài sản của bạn. Đã có ghi nhận về một số trường hợp khách sau khi nhận phòng khách sạn phàn nàn về thứ mùi kinh dị và phát hiện ra xác chết dưới giường sau khi kiểm tra. Vì vậy, hãy làm việc này để đảm bảo an toàn.
Bỏ ga trải giường và chăn
Vỏ gối rất dễ giặt nhưng ga trải giường và chăn thì không như vậy. Nhân viên khách sạn thậm chí không làm vệ sinh chăn ga sau cả hàng chục khách, ngay cả ở những khách sạn sang trọng. Theo một cựu quản lý chuỗi khách sạn nổi tiếng ở Mỹ cho biết, đôi khi khách sạn chỉ thay ga gối và chăn khoảng 4 lần một năm. Thậm chí ngay cả đối với những loại chăn có vỏ ngoài thay được cũng không an toàn, vì thế trước khi nằm xuống giường, hãy bỏ những thứ đáng sợ này ra.

nhung-viec-nen-lam-truoc-tien-khi-o-khach-san-1
Mọi thứ không sạch sẽ như bạn nghĩ đâu. Ảnh: Elitecontractcleaning
Treo biển "Xin đừng làm phiền"
Trừ khi bạn muốn dọn dẹp phòng hoặc cần yêu cầu gì đột xuất, nếu không hãy đặt biển "Xin đừng làm phiền" lên cửa khi bạn vào phòng. Nhớ là bỏ xuống vào mỗi sáng trước khi ra ngoài để nhân viên có thể làm công việc vệ sinh cho bạn.
Ngọc Mai

Friday, April 8, 2016

Vua châu Phi kiêm thợ cơ khí Đức



Vị vua là thủ lĩnh tinh thần của hơn hai triệu người dân tộc Ewe tại quốc gia Tây Phi, "cai trị" thần dân từ xa qua Skype trong khi vẫn làm thợ cơ khí ở Đức.
 Vua Cephas Bansah, 67 tuổi, được coi là "thủ lĩnh tinh thần của người dân tộc Ewe" tại Togo, đất nước Tây Phi giáp biên giới Ghana.
 
Ông lớn lên ở Ghana và tới Đức năm 1970, khi ông nội - vua Togo lúc bấy giờ, động viên cháu trai đi học ngành cơ khí.
Sau khi học xong, ông lấy quốc tịch Đức, cưới vợ, sinh con và mở xưởng cơ khí riêng ở Ludwigshafen. 
 
Ông sống cuộc đời bình dị ở Đức cho tới năm 1987, khi nhận được tờ fax thay đổi cuộc sống. 
 
Ông nội qua đời, bố và anh trai của Bansah không phù hợp làm vua bởi họ đều thuận tay trái - người Ewe coi đó là "không sạch sẽ", thế là Bansah về nước nhận ngôi vua.
 
Sau khi đăng quang, mọi người đều nghĩ rằng ông sẽ từ bỏ cuộc sống ở Đức, ở lại Togo làm vua. Tuy nhiên, Bansah vẫn quyết định quay lại Đức, tiếp tục làm nghề cơ khí.
 
Trong thời buổi công nghệ thông tin phát triển, ông thường dùng Skype liên lạc về quê, "cai trị" hơn hai triệu người dân tộc Ewe sinh sống ở Ghana và Togo.
 
Nhiếp ảnh gia người Đức Christina Czybik đã dành cả ngày đến thăm nhà Bansah. "Ông ấy mời tôi tham dự đoàn đại biểu tới thăm Ghana vào tháng 9 này. Tôi đã đặt vé", Czybik cho biết.
 
Ghana giờ là một nước cộng hòa, có chính phủ dân chủ. Tuy nhiên, trên danh nghĩa, vua vẫn đóng vai trò quan trọng trong cộng đồng.
 
Hồng Hạnh (theo Carters News)

http://vnexpress.net/photo/cuoc-song-do-day/vua-chau-phi-kiem-tho-co-khi-duc-3383408.html

Tuesday, April 5, 2016

Bệnh tay chân miệng và cách phòng ngừa

Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, cùng tìm hiểu nguyên nhân và cách phòng chống để hạn chế những biến chứng nguy hiểm.
Bệnh tay chân miệng là một bệnh truyền nhiễm cấp tính do virus gây nên, bệnh thường gặp ở trẻ em (trên 90%). Bệnh có thể bị rải rác hoặc bùng phát thành các vụ dịch nhỏ vào mùa hè ở những nơi đông dân cư, điều kiện vệ sinh kém. Biểu hiện của bệnh là những mụn nước, bọng nước ở tay, chân và miệng. Rất nhiều bệnh nhân được chẩn đoán nhầm với các bệnh da khác như chốc, thuỷ đậu, dị ứng,... dẫn đến điều trị sai lầm và làm bệnh lan tràn.
Nguyên nhân gây bệnh
Bệnh do Enterovirus (nhóm virus đường ruột) gây ra, thường gặp nhất là chủng virus Coxsackie A16. Ngoài ra, một số chủng virus Coxsackie nhóm A khác (A4-A7, A9, A10) hoặc virus Coxsackie nhóm B (B1-B3, và B5) cũng có thể là nguyên nhân gây bệnh. Trong những năm gần đây, ở khu vực Đông Á và Đông Nam Á xuất hiện những vụ dịch bệnh tay chân miệng do Enterovirus typ 71 gây nên. Khác với các chủng Coxsackie cổ điển, chủng Enterovirus typ 71 có thể gây ra các biến chứng nguy hiểm như viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi và có thể dẫn đến tử vong. Cần lưu ý là bệnh này không có liên quan gì đến bệnh lở mồm long móng ở gia súc, một bệnh gây ra bởi Aphthovirus.
Tính chất lây lan của bệnh
Virus có tính chất lây lan rất mạnh. Virus truyền trực tiếp từ người sang người. Người lành bị nhiễm virus do hít hay nuốt phải các giọt nhỏ chất tiết đường tiêu hoá, hô hấp được phát tán khi bệnh nhân ho, hắt hơi. Virus cũng có thể lây lan qua tiếp xúc trực tiếp với dịch của mụn nước, bọng nước hoặc tiếp xúc với phân của bệnh nhân. Trong vùng dịch, có rất nhiều trẻ em bị nhiễm và đào thải virus ra môi trường nhưng không phải tất cả trẻ đó có biểu hiện bệnh.
Triệu chứng của bệnh
Triệu chứng bắt đầu xuất hiện sau khi nhiễm virus từ 3-6 ngày. Biểu hiện sớm nhất của bệnh là mệt mỏi, sốt nhẹ (38 - 38,5oC), đau họng, sổ mũi diễn ra trong vài ngày. Sau đó bệnh sang giai đoạn toàn phát. Đầu tiên là sự xuất hiện các mụn nước ở niêm mạc miệng, thường là ở mặt trong má, lợi, mặt bên của lưỡi; các mụn nước có kích thước nhỏ (2-3mm) nằm trên một nền niêm mạc viêm đỏ. Các mụn nước trong miệng thường dập vỡ rất nhanh tạo ra các vết trợt loét rất đau rát làm bệnh nhân khó ăn uống. Tiếp theo, xuất hiện các mụn nước, bọng nước ở bàn chân, bàn tay, đôi khi gặp cả mụn nước, bọng nước ở mông. Các mụn nước, bọng nước này thường không gây đau rát; chúng tồn tại trong vòng 7 đến 10 ngày rồi xẹp xuống và tự mất đi kể cả khi không được điều trị. Bệnh nhân có khả năng lây bệnh cho người khác qua đường hô hấp trong 1 tuần đầu bị bệnh. Bệnh nhân còn có khả năng đào thải virus qua phân trong vòng vài tuần sau. Sau khi khỏi bệnh, cơ thể bệnh nhân có miễn dịch với chủng virus gây bệnh, nhưng một người có thể bị bệnh tay chân miệng nhiều lần nếu lần sau bị nhiễm các chủng virus khác với những lần trước. Bệnh thường gặp ở trẻ dưới 10 tuổi, tuy nhiên người lớn chưa có miễn dịch với bệnh cũng có thể mắc bệnh.
Biến chứng của bệnh
Bệnh có thể gây biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi. Đây là một biến chứng rất hiếm gặp nhưng rất nguy hiểm, có thể gây tử vong, thường do chủng Enterovirus típ 71 gây ra.
Chẩn đoán bệnh
Chẩn đoán bệnh chủ yếu dựa vào triệu chứng lâm sàng, tiền sử bệnh và các yếu tố dịch tễ. Các xét nghiệm virus chủ yếu sử dụng nhằm mục đích nghiên cứu khoa học.
Điều trị
Cần đưa bệnh nhân đến khám và điều trị tại các cơ sở y tế chuyên khoa da liễu hoặc truyền nhiễm, không được tự mua thuốc điều trị để tránh các biến chứng. Hiện không có thuốc đặc hiệu diệt virus gây bệnh tay chân miệng. Các biện pháp điều trị chủ yếu là chăm sóc bệnh nhân. Cho bệnh nhân dùng các loại thuốc hạ sốt, giảm đau; bù đủ nước cho bệnh nhân nếu có sốt cao. Bệnh nhân cần được ăn đủ dinh dưỡng, ăn thức ăn lỏng, dễ tiêu; vệ sinh miệng thường xuyên bằng các dung dịch sát khuẩn. Tại các thương tổn ngoài da, bôi các dung dịch sát khuẩn để tránh bội nhiễm. Khi có biến chứng viêm não, màng não, viêm cơ tim, viêm phổi phải nhập viện để có biện pháp điều trị tích cực.
Phòng ngừa
Hiện tại vẫn chưa có vaccin phòng bệnh chân tay miệng. Trong vùng dịch, biện pháp hữu hiệu nhất để khống chế dịch là phòng lây lan bệnh sang người lành. Các biện pháp phòng ngừa là:
- Người lành, nhất là trẻ em nên hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân nếu không thực sự cần thiết.
- Sau khi chăm sóc bệnh nhân, cần rửa tay kỹ với xà phòng.
- Không được chọc vỡ các mụn nước bọng nước trên da bệnh nhân.
- Giặt các đồ dùng của bệnh nhân và lau phòng ở của bệnh nhân bằng các dung dịch sát khuẩn có chlor.
- Cần theo dõi chặt chẽ những trẻ có biểu hiện sốt trong vùng dịch.
- Cho trẻ nghỉ học cho đến khi khỏi bệnh.