Sunday, April 12, 2015

VAI TRÒ QUAN TRỌNG CỦA PHÁT TRIỂN NGÔN NGỮ CHO TRẺ

Khi bé tròn một tuổi là giai đoạn “ngôn ngữ hoạt động” do hệ thống phát âm đã trưởng thành, biểu hiện sự phát triển cao nhất của chức năng não bộ. Sự phát triển ngôn ngữ sẽ giúp bé học hỏi, tư duy và đóng vai trò quyết định đối với sự nghiệp của bé sau này. Bố mẹ cần gần gũi, động viên và kiên nhẫn tập luyện với bé trong những năm đầu tiên.


  • Giúp bé chơi trò phát âm “ba” “mẹ” “bà”  và những người thân thuộc trong gia đình. Luôn khích lệ để phản ứng này được củng cố.
  • Chỉ những vật dụng hàng ngày quen thuộc và yêu cầu bé gọi tên.
  • Cho bé tập nói chuyện với người thân qua điện thoại.
  • Nói chuyện với bé thường xuyên trong sinh hoạt hàng ngày, giải thích cho bé biết mình đang làm gì. Nói rõ và chậm, luôn giữ khoảng cách để bé có thể nghe rõ từng âm.
  • Sai khiến bé với những mệnh lệnh đơn giản như ngồi xuống, đứng lên, lấy ly, muỗng, chén... với những lời cám ơn và khen ngợi bé để giúp bé phối hợp nhuần nhuyễn giữa động tác và ngôn ngữ.
  • Dùng từ ngữ dễ hiểu, đơn giản, nhấn các trọng âm quan trọng khi nói chuyện với bé.
  • Phát âm chậm, rõ và yêu cầu bé lập lại khi bé phát âm sai.
  • Đọc sách cho bé nghe vào mỗi buổi tối trước khi đi ngủ (chú ý chọn truyện tranh về các loài vật, cổ tích...) để giúp bé tư duy và làm quen với vốn từ ngữ rộng hơn.
  • Kể chuyện với âm điệu truyền cảm cho bé nghe lúc rảnh rỗi, cuốn hút bé vào câu chuyện với những âm điệu trầm bổng giúp bé phát triển trí nhớ.
  • Cho bé xem hoặc nghe các chương trình ca nhạc thiếu nhi, chỉ cho bé hát theo giúp bé làm quen với lời hát và cường độ âm thanh khác nhau. Sự tiếp nhận âm thanh, ngôn ngữ là nền tảng cho kỹ năng nghe và học các loại ngôn ngữ khác nhau của bé sau này.
Dinh dưỡng cũng đóng một vai trò quan trọng trong phát triển ngôn ngữ. Bé cần có một chế độ dinh dưỡng tốt để cơ thể và nhất là chức năng não bộ có thể hoạt động tốt giúp bé phát triển tối ưu khả năng nghe, hiểu và nói ở giai đoạn này.
Theo Tập san “Nuôi con thông minh”


For new day!

***

Friday, April 10, 2015

CÁC HOẠT ĐỘNG VUI GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NGHE

Bạn có nói chuyện với con bạn nhiều không? Hình như nó chỉ nghe được phần cuối của câu nói. Cũng như cơ bắp, kỹ năng nghe cần được tập luyện thường xuyên để khoẻ mạnh và phát triển hơn:

Thường xuyên nói chuyện với trẻ:

Kể cho con nghe những câu chuyện hay mà bạn đọc được trên báo. Kể lại chuyện bạn nói với những người ở cơ quan. Khi đi mua sắm, bạn nên kể cho trẻ nghe ngày xưa bạn đi mua sắm với bố mẹ mình thế nào. Hãy giữ thói quen kể chuyện mỗi ngày nếu bạn và trẻ cùng có mặt trong nhà bếp khi nấu cơm tối, bạn có thể nói “Lấy thêm cho mẹ một ly nước”. Đừng ngạc nhiên khi nghe con mình lặp lại điều mà bạn vừa nói với người khác. Nên nhớ trẻ con rất hay bắt chước, nên khi nói phải cẩn thận.

Khi đọc sách cho con nghe:

Phải ngừng đọc trước khi qua trang và hỏi xem chuyện gì xảy ra tiếp. Yêu cầu con giải thích xem nó có nghe và hiểu những điều bạn vừa đọc như thế nào không. Nếu trẻ chưa nắm bắt được, hãy cố đọc lại một lần nữa. Hỏi xem trẻ tiên đoán câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Bạn phải đọc lớn tiếng và dừng lại trước khi kết thúc. Yêu cầu trẻ đoán xem câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào, dựa trên những gì trẻ vừa được nghe. Rồi bạn kết thúc câu chuyện và thảo luận với con bạn xem kết thúc đó gây ngạc nhiên không.
Nghe nhạc:

Một giáo viên mẫu giáo đề nghị cho các em nghe kỹ lời của bài nhạc, đó là cách luyện tập rất hay.
Cùng nấu ăn:

Hãy đưa ra một công thức nấu ăn, đọc lớn những hướng dẫn, và để cho trẻ tự cân đo, trộn, quậy, và đổ vào.
Ghi âm:

Sử dụng máy ghi âm để ghi lại những hướng dẫn. Có thể con bạn làm ngơ khi bạn sai nó lau nhà, nhưng sẵn sàng làm khi được yêu cầu đi lấy con búp bê hay cuốn băng mà nó thâu. Có lẽ nó rất ngạc nhiên khi mở cuốn băng ra và từ trong băng giọng của bạn phát ra “xếp gọn những con búp bê ở trên kệ lại, cất quần áo và dọn giường...”

Kể chuyện nối tiếp:

Trò chơi này rất phù hợp với những gia đình có đông người hay khi bạn phải tổ chức cho con mình và bạn nó cùng chơi: Yêu cầu một người bắt đầu kể chuyện ( ví dụ: “Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé sống trong một lâu đài...”) rồi người khác kể tiếp câu chuyện này, mỗi người chỉ nói một câu hay một ý ngắn và luân phiên hết người này đến người khác. Vì người nào cũng phải lắng nghe xem người trước kể cái gì, cho nên trò chơi này sẽ làm tăng thêm kỹ năng nghe.
Cùng dò theo lời bài hát:

Mua một cuốn băng và một quyển sách có lời của các bài nhạc đó để con bạn có thể dò theo lời của bài nhạc.
Cùng xem video hoặc ti vi:

Khi xem bạn giả vờ không nghe thấy gì cả và hỏi con mình xem đã nghe được những gì.


Lượm Internet