Showing posts with label Mầm non. Show all posts
Showing posts with label Mầm non. Show all posts

Monday, May 4, 2015

Cách Dạy Trẻ Tự Kỷ Phát Triển Ngôn Ngữ và Khả Năng Giao Tiếp


1/ Học Cách Nghe

- Sử dụng các dấu hiệu để gia tăng sự chú ý của trẻ, ví dụ chạm vào tai trẻ để "nghe" và chạm vào má để "nhìn".

- Khi bạn bắt đầu nói với trẻ, hãy sử dụng tên trẻ và đợi đến khi bạn nghĩ là bạn đã đạt được sự chú ý lớn nhất từ trẻ và trẻ đã có khả năng hiểu được câu "Huy nghe đây"

- Khi làm việc hoặc chơi với bé, cố giảm bớt tiếng ồn xung quanh hoặc những điều làm giảm sự tập trung.

- Hãy nói hoặc hát một cách lặng lẽ bên cạnh trẻ, trong khi làm các công việc hàng ngày của bạn, hãy sử dụng các bài hát quen thuộc và hàng ngày, hãy nói những điều có liên quan đến thời gian trong ngày (lúc ăn, lúc tắm, lúc ngủ) và những điều được nhắc đi nhắc lại hàng ngày.

- Giới thiệu cho trẻ một loạt các âm thanh của các tiếng động khác nhau và cường độ khác nhau.

- Sử dụng âm nhạc và các động tác để giúp bạn giao lưu với trẻ, hãy hát với trẻ. Tạo ra các bài hát về những điều mà bạn và trẻ thường cùng làm và sử dụng các nhịp điệu quen thuộc như " đây là cách chúng ta…" hãy khuyến khích trẻ phối hợp, nhảy hoặc lắc lư đúng nhịp của âm nhạc, hãy nhấc bổng trẻ lên và nhảy hoặc quay tròn bé.

- Hãy sử dụng các bài hát và nhịp điệu có tính chất hành động đơn giản rồi cố tạo ra sự tạm ngưng cho thời điểm thú vị nhất. Hãy kéo dài việc tạm ngưng để  trẻ có thể có sự phản ứng

- Hãy động viên trẻ ngồi yên, và nhìn, nghe trong các giai đoạn ngắn ( lúc đầu rất ngắn sau dài dần). trẻ có thể thích có một cái đệm để ngồi trong khi các bạn đang ngồi nghe băng hay trò truyện cùng nhau.

- Hãy đảm bảo cho trẻ sự thoải mái và làm tất cả những gì có thể để ngăn chặn các âm thanh làm trẻ buồn chán. cần thiết thì đưa trẻ đi chỗ khác đối với âm thanh bạn không thể kiểm soát được thì hãy thông báo cho trẻ khi tiếng động bắt đầu. Để bắt đầu, trước hết hãy để trẻ ở phòng khác với một ai đó, sau đó khi ban thấy trẻ đã quen thì hãy giúp trẻ chấp nhận nhiều hơn, mang trẻ lại gần hơn nơi có tiếng động, chỉ có thể dần dần chờ đợi ở trẻ sự cố gắng chấp nhận bởi bản thân trẻ. Đôi khi bạn có thể sử dụng các âm thanh mà trẻ không thích với cường độ nhẹ hơn, mềm hơn để trẻ chấp nhận dần. Bạn có thể sử dụng băng hoặc đĩa cho mục đích này.

- Khi bạn kiểm soát mức độ tiếng động cho trẻ, hãy sử dụng các câu như "quá ồn" hoặc "vặn khẽ đi" . Nếu trẻ có thể tự sử dụng các từ như vậy, hãy động viên trẻ khi trẻ bắt đầu bắt chước điều bạn nói. điều này tốn khá nhiều thời gian và hãy tin rằng mọt ngày nào đó trẻ tự nói được những từ như vậy.



2/ Nhìn Mặt Đối Mặt

- Tạo nên mối quan hệ với bé bằng mọi cách có thể, nên sử dụng cách nhìn, nghe, sờ mó.

- Khi bạn muốn trẻ nhìn bạn, hãy đứng trước tầm nhìn của trẻ mà nói: Như  hãy nhìn mẹ.

- Bạn có thể tạo sự giúp đỡ bằng việc sờ vào má trẻ và từ từ quay đầu trẻ về phía bạn, nếu trẻ nghe hãy gọi tên trẻ.

- Hãy khuyến khích trẻ nhận biết vẻ mặt, ngón chân, ngón tay cả của bạn và của trẻ. Hãy chơi trò chơi và hát bài hát nhấn mạnh những bộ phận của cơ thể.

- Khi bạn thấy rằng trẻ quan tâm đến chiếc hoa tai hay chiếc vòng bạn đeo trên cổ, hãy sử dụng vật đó để thu hút sự chú ý của trẻ, hãy di chuyển đầu của bạn từ từ để tạo ra sự giao tiếp bằng mắt nếu có thể.

- Hãy đội một cái mũ lạ thường hoặc đặt một cái gì đó ngộ nghĩnh lên đầu bạn, lấy chúng để trước mắt bạn sau đó nhìn về phía bé và mỉm cười.

- Thổi bọt xà phòng một cách nhẹ nhàng, khuyến khích trẻ nhìn bọt xà phòng bay nổi và vỡ ra.Cố gắng để bọt xà phòng bay thấp xuống dưới và bay qua mặt bạn, bạn có thể cố gắng hiểu được cách nhìn chằm chằm của trẻ khi bọt xà phòng bay qua.

- Nếu bạn thấy rằng trẻ đang nhìn cái gì đó, hãy nói với trẻ về cái đó và đưa vật đó vào tầm nhìn của trẻ khi bạn nói, nếu bạn thấy rằng trẻ nhìn bạn, hãy trả lời cùng với nụ cười thân thiện hoặc nói chuyện với trẻ, thay đổi một cách tự nhiên nhưng hãy cố gắng hiểu được cái nhìn của bé và lặp lại.

- Hãy cố gắng giao tiếp bằng mắt khi bạn chơi với trẻ, ngừng lại bất thình lình trong khi hi vọng rằng trẻ nhìn bạn, nếu trẻ làm như thế, bạn hãy xử sự như đó là dấu hiệu để kêu gọi, nếu có thể bạn hãy phát triển thành trò chơi quay người lại để nói chuyện.

- Nếu trẻ nhìn chằm chằm, hãy cố gắng đừng ngượng nghịu nhưng hãy quay lưng lại, chớp lấy cái nhìn của trẻ và sau đó nhìn đi chỗ khác, một lúc sau nhìn lại một cách tự nhiên.

- Hãy chơi trò đuổi bắt hoặc chơi trò chạy, dừng lại với câu nói: chuẩn bị, sẵn sàng; rồi ra hiệu''chạy'' khuyến khích trẻ nhìn bạn nếu bạn nhìn trẻ lúc trẻ chạy.

- Hãy vỗ nhẹ vào tay, lưng, vai của trẻ một cách kiên quyết để thu hút sự chú ý của trẻ, hãy lấy cái gì đó đằng sau bạn để chỉ cho trẻ hoặc xoè tay bạn ra để chỉ cho trẻ thấy cái bạn dấu trong tay.



3/ Thu Hút Sự Chú Ý

- Hãy chỉ cho trẻ thấy những điều bạn thấy thích thú dù rằng bạn có thể nhận được rất ít phản ứng từ trẻ. Hãy chú ý đến trẻ và nhận xét với những điều mà trẻ đang làm.

- Hãy liên hệ điều mà bạn khen ngợi, chú ý và các dấu hiệu ảnh hưởng một cách trực tiếp với những việc trẻ đang làm.

- Làm cho sự hiện diện của bạn rõ ràng và lý thú hơn, hãy chọn và làm những điều mà bạn cho rằng trẻ có thể thấy thích thú. Hãy mang những việc bạn đang làm đến gần trẻ để thu hút sự chú ý.

- Chỉ cho trẻ những vật đặc biệt, nếu bạn có thể chạm vào chúng khi bạn và trẻ đang chơi ở ngoài hãy cố gắng làm việc này thật đơn giản mỗi khi chỉ một vật hãy nói một cách đơn giản về những điều mà bạn và trẻ đang nói tới. Hãy giúp trẻ hiểu ý nghĩa bằng các cử chỉ và hành động.

- Nếu trẻ đang đứng trước bạn với một món đồ chơi với các cử chỉ như muốn khoe hoặc đưa cho bạn thì hãy cầm lấy vật đó. Hãy thể hiện một sự thích thú và nói về vật trước khi trả lai cho trẻ hãy nhớ rằng trẻ thấy là bạn đang chia sẻ với trẻ .

- Rất tốt khi sử dụng các cuốn sách với các vật được dấu sau các nếp gấp, hãy cho trẻ thấy bạn rất thích cuốn sách. Hãy nói về những cái mà bạn tìm thấy và hỏi " cái bì thư trốn ở đâu nhỉ ? "

- Hãy cố gắng để trẻ chỉ tay hoặc có các hành động. Hãy cùng nhau nhìn các vật và nói "Đây là cái…" bạn có thể bắt đầu việc này với việc nhẹ nhàng nắm tay trẻ hoặc ngược lại. hãy giảm dần sự giúp đỡ hướng dẫn của bạn để trẻ tự làm sau đó.

- Khi trẻ đã thành thục hãy để cho trẻ chỉ cho cả người khác điều mà bạn và trẻ cùng làm.

- Nếu trẻ đã làm xong điều gì đó  thì hãy động viên trẻ khoe với điều đó với mọi người xung quanh.

- Hãy dạy trẻ cách khoe một vật với người khác. Nếu trẻ hiểu được mệnh lệnh đơn giản, hãy nói "Khoe với cha đi". nếu trẻ cần sự giúp đỡ, hãy giúp trẻ, hướng dẫn tay của trẻ để chỉ các vật cho mọi người.



4/ Bắt Chước Việc Tạo Ra Các Âm Thanh

- Để giúp trẻ biết cách lấy hơi, hãy chơi các trò chơi như thổi bong bóng, thổi bóng bay hoặc các mảnh giấy nhỏ. Hãy sử dụng các nhạc cụ, nếu trẻ không sẵn sàng bắt chước bạn, hãy quan sát xem trẻ có nhìn bạn không. Hãy xem trẻ có cố gắng làm điều bạn đã làm khi bạn không nhìn bé hay không.

- Hãy khuyến khích hoạt động của môi trẻ. Nếu trẻ cảm thấy vui thích khi nhìn vào gương, hoặc ngồi trên đùi bạn và ngồi đối mặt với bạn, hãy khuyến khích trẻ phát hiện môi và mặt của bạn bằng cách va chạm hoặc quan sát. Hãy biến đổi khuôn mặt của bạn, thay đổi hình dạng môi của bạn. Hãy thè lưỡi ra và thụt lưỡi vào và quan sát xem trẻ có bắt chước bạn hay không.

- Để khuyến khích trẻ sử dụng đầu lưỡi, hãy thử các động tác liếm các kẹo mút, hoặc sử dụng các tờ giáy có độ dính để làm thí dụ.

- Để để khuyến khích trẻ sử dụng giọng nói của trẻ, hãy sử dụng các trò chơi hành động âm thanh như con vẹt biết nói, con nhộng trong quả táo... Hãy sử dụng một cái kèn đồ chơi. Hát một cách thường xuyên với trẻ và thi thoảng lại dừng lại để trẻ hát tiếp nếu có thể. Hãy làm một cuộn băng về các âm thanh của trẻ hoặc sự phát âm của bạn để trẻ bắt chước.

- Đừng quên rằng bạn phải sử dụng âm vực cao hơn hoặc thấp hơn, mạnh hơn hoặc êm ái hơn để kích thích sự chú ý của trẻ.

- Hãy khuyến khích trẻ tiếp thu và đối thoại, bắt đầu bằng cách bắt chước các âm thanh do trẻ tạo ra càng giống càng tốt. Làm việc này ngay cả khi trẻ đánh trống hoặc gõ bàn. Hãy dừng lại một chút đẻ trẻ làm lại một lượt khác, cố gắng để tạo ra sự lần lượt, thỉnh thoảng hãy cố thử các âm thanh mới thí dụ vỗ tay, hay đánh trống với nhịp điệu khác và hãy quan sát xem trẻ có bắt chước bạn không.

- Nếu trẻ đang bập bẹ, hãy bắt chước âm thanh của bé và đôi khi hãy tạo ra các âm thanh khác xem trẻ có bắt chước hay không. Hãy cười và dừng lại xem trẻ có nhìn bạn không. Hãy thử các âm thanh hoàn toàn khác với âm thanh mà trẻ đã tạo ra hoặc các âm thanh gần giống như cũ. Ví dụ P và S là hoàn toàn khác nhau, B và P là gần giống nhau. Hãy thay đổi cường độ và độ cao của âm thanh. Hãy luôn luôn chuẩn bị sẵn sàng quay trở lại để bắt chước trẻ nếu trẻ không bắt chước bạn.

- Nếu trẻ thích các từ và chữ cái, hãy sử dụng các cái đó để khuyến khích trẻ tạo ra âm thanh. Hãy thử nói ra âm thanh hơn là tên của chữ cái khi bạn viết chữ.



Welcome: https://m.youtube.com/user/phungthanhtuan

MỘT SỐ ĐẶC ĐIỂM ĐẶC TRƯNG NHẬN BIẾT TRẺ TỰ KỶ

                                                       
 Ngô Xuân Điệp (Chuyên viên tâm lý)
Trẻ tự kỷ (TTK) có bề ngoài như bình thường. Các chỉ số phát triển vận động như: lẫy, ngồi, bò, trườn, đứng, đi, chạy... giống như trẻ bình thường cùng tuổi. Khác với một số bệnh cơ thể và bệnh tinh thần khác, trẻ bị rối loạn tự kỷ (TK) có tuổi thọ trung bình như người bình thường. Đồng thời, theo mô tả của Kanner, dường như TTK nói chung lại có bề ngoài khôi ngô tuấn tú. Nhưng hầu hết các mô tả về mặt chức năng tâm lý cho thấy có vấn đề rõ rệt.

Tuổi khởi phát

Kanner nhấn mạnh triệu chứng TK có thể phát hiện được ngay khi trẻ ra đời hoặc trong khoảng 30 tháng đầu sau sinh. Những bất thường ở trẻ em trong giai đoạn đầu đời từ 0 - 6 tháng tuổi cho phép phát hiện sớm: như thiếu những cử chỉ trao đổi vui mừng với mẹ; Không tỏ thái độ thích thú, quan tâm khi có người chăm sóc; Thái độ lạnh lùng, lãnh đạm, bình lặng đối với lời nói và khuôn mặt của người mẹ hoặc người thân; Có dấu hiệu né tránh, ngoảnh mặt đi nơi khác khi người khác ở tư thế đối diện với bé; Lặng im cả ngày, ít cử động, khi thì quá ngoan, khi thì quá phá phách; Trương lực cơ quá cứng hoặc quá mềm; Rối loạn giấc ngủ; Thiếu phản xạ bú, mút; Không phát âm bi bô; Không có nụ cười xã hội ở khoảng 4 - 6 tháng tuổi…



Ở vào khoảng 6 tháng tuổi đến một năm, trẻ không có những cử chỉ vui mừng và thích thú khi có mẹ hay người thân ở gần; Các cử chỉ, điệu bộ không phù hợp với tình huống giao tiếp; Thái độ lãnh đạm với âm thanh và hình ảnh hoặc những kích thích từ môi trường; Nhìn chằm chằm như bị hút vào những vật thể quay tròn, nhìn các ngón tay ve vẩy; Không quan tâm đến đồ chơi nhưng lại chú tâm đặc biệt vào những vật thể lạ như khe hở, hạt bụi, lỗ rách; Không có biểu hiện lo sợ, khóc khi đối diện với người lạ; Không phản ứng khi nghe gọi tên.

Giao tiếp và quan hệ xã hội của Trẻ Tự Kỷ

Sự hạn chế trên bình diện quan hệ

Trẻ bị suy giảm nhiều trong ứng xử qua lại với mọi người, hầu hết TTK biểu hiện sự cô lập, thích chơi một mình, tránh giao tiếp với các bạn… số đông phụ huynh cho rằng trong năm đầu tiên trẻ rất ngoan, yên tĩnh, thích chơi một mình, không thích giao tiếp mắt, không có dấu hiệu dang tay khi ai muốn bế bồng, không biết chỉ ngón trỏ và nhìn theo hướng chỉ tay của người khác, không sợ người lạ và cũng không thân thiện với người chăm sóc, không biết cười ở tháng thứ 3, không biết khóc hay biểu hiện sợ hãi ở tháng thứ 8, không phản ứng khi được gọi tên, tránh né giao tiếp bằng mắt nhưng lại có thể nhìn chăm chú vào một điểm bất thường, khả năng gắn bó với người thân rất kém.

Sự hạn chế trong việc hiểu lời nói của TTK

Một trong những lý do mà các phụ huynh có con bị TK đưa trẻ tới bệnh viện khám bệnh là trẻ hầu như không có phản ứng khi được gọi tên, trẻ không quan tâm và làm theo những hướng dẫn của người khác. Các phụ huynh cảm thấy rằng trẻ hoàn toàn không hiểu ngôn ngữ của họ cho dù trẻ vẫn có khả năng nghe bình thường.

Sự suy giảm trong giao tiếp không lời

Hầu hết những trẻ TK đều có khó khăn trong ngôn ngữ biểu cảm, đa số trẻ không hiểu và đồng thời cũng không biết thể hiện ra ngoài những hành vi phi ngôn ngữ, điều này thể hiện khá rõ thông qua việc trẻ không muốn giao tiếp bằng mắt và không biết sử dụng ngón trỏ để chỉ các đồ vật. Cụ thể là khi muốn điều gì, trẻ không nhìn vào mặt người khác và không sử dụng các tín hiệu cử chỉ để báo cho người khác biết mà thường đến kéo tay họ đến chỗ bé cần (đối với trẻ, bàn tay quan trọng hơn khuôn mặt).

Chậm phát triển ngôn ngữ

Có thể đây là dấu hiệu dễ nhận thấy nhất đối với các phụ huynh có con bị TK, trẻ có biểu hiện sự mất ngôn ngữ hay chậm trễ trong phát triển ngôn ngữ. Ngay cả khi trẻ có ngôn ngữ thì ngôn ngữ đó cũng có dấu hiệu bất thường: giọng nói đều đều, không biết biểu cảm qua giọng nói; Không biết nói thầm, nói tiếng gió; Thích độc thoại hoặc không giữ vững cuộc đối thoại; Khó khăn trong việc dùng đại từ nhân xưng; Nhiều khi nói không liên quan đến tình huống giao tiếp, đến môi trường xung quanh; Lời nói tự phát, không có sự khởi đầu khi giao tiếp; Tiếng nói có khuynh hướng lặp đi lặp lại các từ, đoạn, câu.


Hành vi bất thường

Hành vi định hình

Theo Kanner, hành vi định hình là biểu hiện điển hình của TTK. Quan sát lâm sàng cho thấy TTK có hững hành vi rập khuôn, lặp đi lặp lại: trẻ thích đi đi lại lại trong phòng, thích xếp các đồ vật thành hàng thẳng; Vặn, xoắn các ngón tay và bàn tay; Thích chạy vòng vòng và quay vòng vòng; Thích chơi các đồ chơi phát ra tiếng động; Thích bật tắt các nút điện hay điện tử… Những trẻ khác nhau, sở thích về các hành vi định hình khác nhau.

Không thích sự thay đổi

Hầu như TTK muốn tất cả mọi điều phải quen thuộc, gần gũi, trẻ rất ghét sự thay đổi, xáo trộn: từ những đồ dùng cá nhân, đồ dùng học tập cho đến nơi chốn sinh hoạt hàng ngày. Đối với TTK, sự không quen thuộc đồng nghĩa với sự thiếu an toàn, trẻ sẽ cảm thấy bất an khi có một người lạ, đồ vật lạ hay đến một nơi xa lạ. Do đó, việc báo trước cho trẻ chuẩn bị tư tưởng để đón nhận những điều mới lạ là một việc hết sức quan trọng.

Thiếu nhạy cảm hoặc quá nhạy cảm

Ngày nay, những chuyên gia dạy TTK rất quan tâm đến giác quan của trẻ. Theo quan sát của chúng tôi, hầu hết TTK ít nhiều đều có vấn đề về giác quan, biểu hiện việc trẻ hay đưa các đồ vật lên ngửi, liếm. Các rối loạn khác như ăn muối không thấy mặn, ăn chanh không chua, quay tròn lâu không chóng mặt, thích leo trèo cao, thích lộn đầu xuống đất, đập đầu vào tường không biết đau, bịt tai khi nghe thấy âm thanh thông thường. Do đó, trị liệu cảm giác (sensory therapy) cho TTK là một công việc rất được quan tâm hiện nay.

Những gắn bó bất thường

TTK ở một giai đoạn nào đó có những gắn bó với đồ vật theo cách không bình thường như: hàng ngày chỉ sưu tầm các tờ báo, vỏ chai, đồ hộp, tờ lịch, sợi dây, cọng cỏ, bao nilon. TTK thích những đồ vật trong sinh hoạt gia đình như: chén, bát, xoong, chảo, dĩa nhưng hoàn toàn không thích đồ chơi bình thường.



Hành vi gây phiền toái nơi công cộng

Thường TTK ít quan tâm đến các chuẩn mực xã hội, muốn làm theo sở thích cá nhân nên rất dễ có những hành vi trái ngược với sự mong đợi của người khác như: la khóc khi người lớn không đáp ứng sở thích của trẻ, chụp nhanh những đồng tiền từ tay nhân viên bán hàng hay một món đồ chơi từ tay đứa trẻ bên cạnh, tự lấy đồ ở giỏ sách của người khác mà không mắc cỡ, ngượng ngùng. Do TTK có những hành vi khác thường gây phiền toái cho những người xung quanh nên các bậc phụ huynh rất ngại khi cho con đi đến chỗ đông người. Nhưng theo các chuyên gia nghiên cứu về TTK, dù trẻ có làm vậy đi nữa, phụ huynh vẫn nên cho trẻ đến nơi công cộng, điều này giúp trẻ sống hòa nhập với mọi người và lâu dài sẽ có lợi cho sự phát triển của trẻ.

La hét, giận dữ

TTK có những sở thích, thói quen kỳ lạ nên trẻ thường ứng xử không đúng với những chuẩn mực xã hội thông thường. Khi người lớn thấy vậy và ngăn chặn hành vi bất thường đó sẽ làm trẻ rất khó chịu và có những hành vi nổi cáu, gây hấn. Đồng thời do TTK gặp khó khăn về ngôn ngữ, không biểu đạt được những ý nghĩ của mình ra ngoài nên người lớn không hiểu trẻ và không hiểu nhu cầu của trẻ. Vì vậy, sự khó chịu của trẻ xuất hiện khá thường xuyên so với trẻ bình thường.

Những hành vi liên quan khác

Những cá nhân bị TK cũng có thể phát triển những triệu chứng đa dạng khác nhau, những rối loạn tinh thần xuất hiện bao gồm rối loạn tăng động kém chú ý, (chứng) loạn tâm thần, sự buồn chán, rối loạn ám ảnh cưỡng bức và những rối loạn lo âu khác. Những cá nhân bị TK cũng có thể có biểu hiện những hành vi phá phách. Trẻ có thể tấn công lại bản thân hay những người khác. Trên đây là những đặc điểm cơ bản về hội chứng TK, điều này giúp chúng ta có cách nhìn toàn diện, khái quát về TTK, trên cơ sở đó sẽ giúp cho các giáo viên tại các nhà trẻ, những nhà tâm lý trị liệu, các bác sĩ nhi khoa và toàn thể phụ huynh phát hiện sớm và đưa trẻ đi khám kịp thời


Welcome: https://m.youtube.com/user/phungthanhtuan

Friday, April 10, 2015

CÁC HOẠT ĐỘNG VUI GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN KỸ NĂNG NGHE

Bạn có nói chuyện với con bạn nhiều không? Hình như nó chỉ nghe được phần cuối của câu nói. Cũng như cơ bắp, kỹ năng nghe cần được tập luyện thường xuyên để khoẻ mạnh và phát triển hơn:

Thường xuyên nói chuyện với trẻ:

Kể cho con nghe những câu chuyện hay mà bạn đọc được trên báo. Kể lại chuyện bạn nói với những người ở cơ quan. Khi đi mua sắm, bạn nên kể cho trẻ nghe ngày xưa bạn đi mua sắm với bố mẹ mình thế nào. Hãy giữ thói quen kể chuyện mỗi ngày nếu bạn và trẻ cùng có mặt trong nhà bếp khi nấu cơm tối, bạn có thể nói “Lấy thêm cho mẹ một ly nước”. Đừng ngạc nhiên khi nghe con mình lặp lại điều mà bạn vừa nói với người khác. Nên nhớ trẻ con rất hay bắt chước, nên khi nói phải cẩn thận.

Khi đọc sách cho con nghe:

Phải ngừng đọc trước khi qua trang và hỏi xem chuyện gì xảy ra tiếp. Yêu cầu con giải thích xem nó có nghe và hiểu những điều bạn vừa đọc như thế nào không. Nếu trẻ chưa nắm bắt được, hãy cố đọc lại một lần nữa. Hỏi xem trẻ tiên đoán câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào. Bạn phải đọc lớn tiếng và dừng lại trước khi kết thúc. Yêu cầu trẻ đoán xem câu chuyện sẽ kết thúc như thế nào, dựa trên những gì trẻ vừa được nghe. Rồi bạn kết thúc câu chuyện và thảo luận với con bạn xem kết thúc đó gây ngạc nhiên không.
Nghe nhạc:

Một giáo viên mẫu giáo đề nghị cho các em nghe kỹ lời của bài nhạc, đó là cách luyện tập rất hay.
Cùng nấu ăn:

Hãy đưa ra một công thức nấu ăn, đọc lớn những hướng dẫn, và để cho trẻ tự cân đo, trộn, quậy, và đổ vào.
Ghi âm:

Sử dụng máy ghi âm để ghi lại những hướng dẫn. Có thể con bạn làm ngơ khi bạn sai nó lau nhà, nhưng sẵn sàng làm khi được yêu cầu đi lấy con búp bê hay cuốn băng mà nó thâu. Có lẽ nó rất ngạc nhiên khi mở cuốn băng ra và từ trong băng giọng của bạn phát ra “xếp gọn những con búp bê ở trên kệ lại, cất quần áo và dọn giường...”

Kể chuyện nối tiếp:

Trò chơi này rất phù hợp với những gia đình có đông người hay khi bạn phải tổ chức cho con mình và bạn nó cùng chơi: Yêu cầu một người bắt đầu kể chuyện ( ví dụ: “Ngày xửa ngày xưa có một cậu bé sống trong một lâu đài...”) rồi người khác kể tiếp câu chuyện này, mỗi người chỉ nói một câu hay một ý ngắn và luân phiên hết người này đến người khác. Vì người nào cũng phải lắng nghe xem người trước kể cái gì, cho nên trò chơi này sẽ làm tăng thêm kỹ năng nghe.
Cùng dò theo lời bài hát:

Mua một cuốn băng và một quyển sách có lời của các bài nhạc đó để con bạn có thể dò theo lời của bài nhạc.
Cùng xem video hoặc ti vi:

Khi xem bạn giả vờ không nghe thấy gì cả và hỏi con mình xem đã nghe được những gì.


Lượm Internet

Sunday, April 5, 2015

7 điều mọi đứa trẻ phải biết



Biết nói xin lỗi khi phạm sai lầm, tôn trọng người khác khi muốn người khác tôn trọng mình, không phải có tiền là có tất cả….là những bài học mà bất kỳ bậc phụ huynh nào cũng cần dạy cho con mình để trẻ phát triển đúng hướng.

1. Tiền không mua được tất cả
Một đứa trẻ cần hiểu rằng có những thứ mà tiền không thể mua được, ví dụ như gia đình, hạnh phúc, tài năng hay sức khỏe…Tất cả những thứ này đều là những điều vô cùng quan trọng và có ý nghĩa trong cuộc sống của mỗi con người. Và chúng ta không bao giờ nên định giá những thứ đó bằng tiền. Trẻ cần phải hiểu rằng thành công không chỉ đơn giản là danh tiếng và sự giàu có.
Ảnh: solutionsmc.net.
2. Sự tôn trọng chỉ có được nhờ phấn đấu
Chỉ khi nào bạn tôn trọng người khác thì bạn mới có thể hy vọng người khác tôn trọng lại mình. Đó không phải là cái có thể đòi hỏi hay yêu cầu. Đó là điều mà chúng ta phải phấn đấu để đạt được. Một đứa trẻ cần phải hiểu về giá trị của sự tôn trọng và nhận thức được rằng đó là một loại tài sản mà chúng ta không thể mua được bằng tiền. Nếu ai đó tôn trọng bạn chỉ bởi vì bạn có nhiều tiền thì người đó sẽ không ở bên bạn khi tiền của bạn đã ra đi.
3. Các mối quan hệ cần được chăm sóc và nuôi dưỡng
Chỉ yêu thương một ai đó thôi thì không đủ. Nếu đủ thì một nửa các vụ ly dị trên thế giới này đã không diễn ra. Trẻ cần phải biết rằng để một mối quan hệ phát triển bền vững và lâu dài thì cần rất nhiều sự kiên nhẫn, đồng cảm, chăm sóc, và thường xuyên nuôi dưỡng. Trẻ cần phải nỗ lực và cố gắng thì mối quan hệ mới phát triển lâu bền.
4. Không được coi thường điều gì/ai đó
Chỉ khi bạn đã mất đi điều gì đó hay ai đó thì bạn mới nhận ra giá trị thực của điều đó/người đó. Một đứa trẻ cần phải hiểu rằng chúng ta nên trân trọng và đánh giá cao những gì chúng ta có bởi vì ta không thể biết rằng khi nào mình sẽ bị mất những điều đó. Hãy luôn biết ơn tất cả những gì chúng ta đang có trong tay và hiểu được tầm quan trọng của những thứ đó/ những người đó trong cuộc sống của chính mình.
5. Sự may mắn và chăm chỉ luôn song hành
Một đứa trẻ cần nhận thức được là nó không thể chỉ ngồi không rồi chờ đợi sự may mắn đến và mở ra cánh cửa của thành công. Chúng ta cần phải làm việc chăm chỉ hướng đến mục tiêu của mình. Có câu nói rằng: “bạn càng làm việc chăm chỉ thì bạn càng gặp được nhiều may mắn”; và một đứa trẻ cần phải hiểu rõ về điều này trong tất cả các lĩnh vực của cuộc sống.
6. Giá trị của kỷ luật
Việc một đứa trẻ hiểu được tầm quan trọng của kỷ luật trong cuộc sống là điều vô cùng quan trọng. Dù là trong thể thao, sức khỏe, sự nghiệp hay thành công, tất cả đều cần có những kỷ luật nhất định.
7. Tầm quan trọng của lời xin lỗi
Đôi khi, tất cả những gì cần thiết để đưa mọi việc trở lại bình thường là một lời xin lỗi đơn giản. Trẻ cần được dạy để không bao giờ nên né tránh việc thừa nhận sai lầm của mình. Nói lời xin lỗi sẽ giúp bạn và người xung quanh xích lại gần nhau hơn và có thể hàn gắn những mối quan hệ bị đổ vỡ. Đó là một dấu hiệu của sự khiêm tốn và cũng là một dấu hiệu cho thấy bạn quan tâm đến người khác.
Thanh Mai (theo magforwomen)