Showing posts with label dạy con theo người Nhật. Show all posts
Showing posts with label dạy con theo người Nhật. Show all posts

Tuesday, April 21, 2015

33 BÀI "HỌC VÀ CHƠI" THEO PHƯƠNG PHÁP SHICHIDA GIÚP TRẺ PHÁT TRIỂN TRÍ TUỆ

Cảm ơn đến người dịch Nguyễn Thị Thu

Cuốn sách tham khảo:

「七田式」子どもの天才脳をつくる33のレッスン、七田厚 
子どもの無限の力を引き出すのはお母さんとお父さんです。子どもは06歳の時期が重要です!
“33 bài học theo phương pháp Shichida giúp trẻ phát triển trí não thiên tài”, tác giả Shichida Ko
Cha mẹ chính là người giúp trẻ phát huy được khả năng trí tuệ vô hạn của trẻ. Và giai đoạn từ 0 đến 6 tuổi là giai đoạn quan trọng nhất trong cuộc đời của trẻ để làm điều đó.

Đôi lời về tác giả Shichida Ko: Tác giả là con trai thứ của nhà giáo dục nổi tiếng Shichida Makoto. Hiện tại ông đang giữ chức giám đốc công ty Shichida và chủ tịch kiêm cố vấn của trường “Shichida Child Academy”. Nối tiếp sự nghiệp trồng người vĩ đại của người cha của mình, tác giả đã có rất nhiều đóng góp cho sự nghiệp phát triển giáo dục trẻ thơ.

Nhắn nhủ đến những cá nhân hay trang web, fanpage nào khi coppy note này của mình thì hãy trân trọng bản quyền và văn hóa trích dẫn nguồn để trích dẫn đầy đủ tựa đề của cuốn sách và tác giả. Mình ghi rõ ràng ra ở mỗi note tên nguồn sách, tác giả chính bởi vì mình muốn thể hiện sự trân trọng và biết ơn với những thành quả nghiên cứu cả đời của họ. 


Lời nói đầu

Điều thứ nhất:  Những bài học kết hợp với chơi cùng trẻ theo phương pháp Shichida này có thể không mới vì có những trò mà hồi nhỏ ai trong chúng ta cũng đã từng chơi qua, hoặc là bây giờ các bậc cha mẹ vẫn đang dạy cho con mình, chỉ có điều có thể không phải ai trong chúng ta cũng biết rõ những bài học đó có tác dụng như nào đến sự phát triển trí não của trẻ mà thôi.

Điều thứ hai:  Trước khi tham khảo hay áp dụng những điều được viết trong note này mình xin nhấn mạnh rằng các bậc cha mẹ đừng nên cầu toàn mong sẽ áp dụng hết những phương pháp này để dạy con mình. Bởi vì mỗi trẻ có sở thích và thiên hướng khác nhau nên cha mẹ chỉ nên tạo điều kiện cho trẻ tiếp xúc với những bài học đó, để từ đó xem trẻ có hứng thú với cái nào thì mình sẽ tích cực ủng hộ trẻ chơi trò đó. Bởi con cái có cuộc đời riêng của chúng, chứ không phải là vật sở hữu của chúng ta, nên cha mẹ chỉ là người giúp con tìm ra được thiên hướng và đam mê của con để giúp con duy trì đam mê và hứng thú đó.

Điều thứ ba:  Nếu bạn đọc 1 cuốn sách về nuôi dạy trẻ bạn sẽ nghĩ mình sẽ tham khảo và áp dụng hầu hết những phương pháp được ghi trong đó. Nhưng khi bạn đọc 10 cuốn sách bạn sẽ tự nhận ra rằng mình sẽ chỉ áp dụng một vài phương pháp đó để dạy con mình mà thôi. Việc mình tóm tắt nhiều cuốn sách để chia sẻ với mọi người chính là để cha mẹ có một cái nhìn rộng hơn với những kiến thúc, lượng thông tin về giáo dục sớm cho trẻ, để từ đó cha mẹ biết mình nên chọn cái nào phù hợp với sở thích và điều kiện gia đình. Mục đích sâu xa hơn thế nữa đó là việc cha mẹ biết được nhiều kiến thức cũng có nghĩa trẻ sẽ có cơ hội nhiều hơn được tiếp xúc với những phương pháp học và chơi để phát huy tính sáng tạo, và trí tuệ, để từ trong môi trường kích thích phong phú đó trẻ sẽ tìm ra được cái mà chúng thích. Mình mong nếu như thế sẽ có thêm nhiều trẻ em được hạnh phúc, được sống đam mê và sáng tạo phát huy được những khả năng mà trẻ có, từ đó tự mình sẽ tìm ra con đường mà chúng chọn chứ không phải con đường cha mẹ chọn cho chúng.

Điều thứ tư:  Bạn có thấy tất cả những nhà giáo dục sớm nổi tiếng của Nhật như Shichida, Kubota, Ibuka, Suzuki…có bao giờ lấy con cái mình ra làm ví dụ để chứng minh cho mọi người thấy rằng con họ đã được áp dụng phương pháp nuôi dạy sớm nên thông minh như này, như kia hay không. Đương nhiên bản thân họ là những người hiểu rõ nhất về những phương pháp đó để nuôi dạy con, cháu mình, nhưng không bao giờ họ lấy con cái mình ra làm ví dụ để “câu” sự ủng hộ của độc giả. Bởi bản chất của giáo dục sớm không phải để tạo ra thần đồng, và họ cũng không nuôi dạy con mình thành những thần đồng. Họ cũng không cần phải lấy sự thông minh của con mình ra làm ví dụ bởi cái gì là chân lý đúng đắn thì sẽ được kiểm chứng qua thực tế, chứ không cần những màn quảng cáo.

Điều thứ năm: tất cả các nhà giáo dục sớm đều khuyên việc “tâng” một đứa trẻ có trí tuệ phát triển nhanh là thần đồng, hay khoe con mình là giỏi giang với mọi người là điều nên tránh vì nó vô cùng nguy hiểm cho sự phát triển của trẻ. Bởi vì, lẽ ra một đứa trẻ 4-5 tuổi mới biết đọc thì bây giờ 1 tuổi rưỡi-2 tuổi đã biết đọc, nghĩa là cha mẹ sẽ phải vất vả hơn rất nhiều để tiếp tục tạo cho trẻ môi trường kích thích nhiều hơn, làm sao cho trẻ không bị nhàm chán. Nghĩa là, trẻ phát triển nhanh hơn những trẻ khác 2-3 năm như vậy thì cha mẹ cũng phải dày công để làm sao lấp đầy khoảng 2-3 năm chạy trước đó để giúp trẻ duy trì hứng thú và đam mê. Còn nếu cha mẹ không thực sự giác ngộ được điều này thì trẻ cũng sẽ chỉ là những mầm non “thiên tài” bị chết yểu như biết bao trường hợp từng được tung hô, ca tụng trên báo chí.



Những lời khuyên của cuốn sách

  1. Giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi là thời kì mà khả năng hấp thu của trẻ là cao nhất, trẻ có thể tiếp nhận mọi kiến thức mà ta dạy, từ ngôn ngữ, chữ viết, âm nhạc, thi ca…giai đoạn từ 3-6 tuổi là thời kì quan trọng để bồi dưỡng các tố chất mà trẻ có, như trẻ có thiên hướng về mặt nào thì ta nên khuyến khích tối đa cho trẻ phát triển về mặt đó.
  2. Phương pháp giáo dục theo phương pháp Shichida này được áp dụng tại nhà, giúp phát triển trí não của trẻ nhỏ trước khi đến trường. Giáo dục tại gia đình là bước quan trọng nhất để phát huy tối đa tiềm năng trí tuệ mà trẻ có, do đó rất cần sự thấu hiểu và hiệp lực của cả cha mẹ. Những bài học này cha mẹ có thể tranh thủ những giây phút thời gian ngắn ngủi sau một ngày làm việc hoặc là ngày nghỉ để chơi cùng con, những giáo cụ cũng có thể tự làm hoặc dễ dàng tìm kiếm được ở Việt Nam mà gia đình khó khăn về kinh tế vẫn có thể làm được. Điều quan trọng là các bậc cha mẹ có thực sự hiểu được phương pháp và đủ tình thương cùng long kiên nhẫn để chơi với con hay không mà thôi.
  3. Đối với gia đình Việt Nam sống 3 thế hệ, tức có cả ông bà, bố mẹ, cháu thì việc giáo dục con trẻ sẽ bị sự tác động và can thiệp nhiều của ông bà. Ông bà vốn quý, chiều cháu và vẫn giữ thói quen của thế hệ trước nên sẽ khó tiếp thu kiến thức mới. Lúc này sự tác động của cha mẹ trẻ với ông bà giúp ông bà hiểu được việc giáo dục theo phương pháp mới là cách làm khoa học và là phương pháp đúng đắn để giúp trẻ phát triển và phát huy mọi khả năng trí tuệ, đồng thời rèn luyện được về nhân cách, tính cách, sức khỏe. Hơn nữa cha mẹ nên phổ biến kiến thức này để nhận được sự hợp tác lẫn giúp đỡ của ông bà trong việc nuôi dạy cháu thì hiệu quả sẽ càng tăng gấp bội.)

Tóm tắt các bài học của SHICHIDA dành cho trẻ

0 tuổi bắt đầu với dạy trẻ nhận biết về 5 giác quan là rất quan trọng, đặc biệt là kết hợp nghe và nhìn khi dạy cho trẻ sẽ đem lại hiệu quả rất cao. Ở giai đoạn từ 0 đến 3 tuổi não phải của trẻ phát triển mạnh hơn, và những gì đã được tiếp nhận bằng não phải thì trẻ sẽ lưu giữ nó suốt đời. nhưng khi qua 3 tuổi thì năng lực của não phải với khả năng tiếp nhận lượng thông tin vô hạn và tốc độ tiếp nhận rất nhanh này sẽ dần bị mất đi, thay vào đó là não trái với chứng năng biểu hiện sẽ dần thay thế và sau đó là hầu như thay thế hoàn toàn cho não phải trong mọi hoạt động trí tuệ của chúng ta. Chính vì một lí do đó mà phát triển trí não cho trẻ ở giai đoạn trước 3 tuổi thực chất chính là việc chú trọng phát triển não phải, đây là giai đoạn không yêu cầu trẻ phải lí giải hay hiểu vấn đề mà chỉ cần trẻ nhớ được bằng phương pháp như học thuộc lòng. Sau đó, những kích thích hay thông tin trẻ được tiếp nhận bằng não phải sẽ chuyển qua não trái, và việc hình thành đường mòn biểu hiện bên não trái là sau 3 tuổi trở đi. Hay nói một cách khác, bộ não của trẻ trước 3 tuổi giống như một ổ cứng có khả năng hấp thu vô hạn, thì sau 3 tuổi toàn bộ những gì trẻ được hấp thu trước đó sẽ chuyển thành năng lực biểu hiện về ngôn ngữ, như nói, đọc thơ, ca hát, vẽ tranh, tư duy, sáng tạo…

  1. CẢM THỤ ÂM (NGHE): giúp trẻ cảm thụ âm tốt, thúc đẩy năng lực nhận thức, thúc đẩy năng lực biểu hiện (0 tuổi ~) 
Hãy cho trẻ NGHE nhạc, hoặc tiếp xúc với môi trường âm nhạc càng nhiều càng tốt. Ví dụ như cho trẻ nghe nhạc qua CD, mua những đồ chơi phát ra âm thanh, và hãy thường xuyên nhún nhảy theo bài hát cùng trẻ khi nghe, khi vận động hãy kết hợp cùng các bài nhạc hoặc dụng cụ phát ra âm thanh để hai mẹ con vui vẻ cùng nhau. Nếu cha mẹ nào có ý định cho trẻ học nhạc thì hãy bắt đầu khi trẻ được 2-3 tuổi. Nếu trẻ ghét nghe nhạc thì đừng ép trẻ phải nghe. Có thể cho trẻ nghe mọi loại nhạc mà trẻ thích chứ không nhất thiết phải là nhạc cổ điển. Vì tâm trạng trẻ vui vẻ khi này mới là điều quan trọng nhất.

2.  ĐỌC TRUYỆN EHON (truyện có tranh minh họa) (NHÌN): giúp rèn luyện năng lực tập trung, năng lực tưởng tượng, năng lực đọc cho trẻ. (0 tuổi~6 tuổi)


Đọc truyện có tranh minh họa cho trẻ nghe, mỗi 1 ngày đọc cho trẻ từ 3-5 cuốn, cứ lặp đi lặp lại trong nhiều ngày để luyện cho trẻ trí nhớ, lẫn từ vựng. Khi trẻ còn nhỏ tuổi thì chữ càng to càng nhiều hình minh họa càng tốt. TỪ VỰNG LÀ CHÌA KHÓA MỞ RA TRÍ TUỆ CHO TRẺ. TRẺ CÀNG NGHE ĐƯỢC NHIỀU TỪ VỰNG THÌ KHẢ NĂNG VỀ NGÔN NGỮ CÀNG ĐƯỢC PHÁT TRIỂN SAU NÀY. Đọc cho trẻ nghe hay nói chuyện với trẻ là cách tốt nhất dạy trẻ về từ vựng. Đừng bao giờ sợ trẻ không thể tiếp thu được, vì trí não của trẻ có khả năng tiếp thu bất kì cái gì chúng ta dạy. Cha mẹ hãy tranh thủ 5-10 phút mỗi ngày vừa bế trẻ vừa đọc cho trẻ nghe, vừa cho trẻ xem luôn truyện có tranh ảnh này. (Tham khảo thêm ở bài note “Phương pháp đọc truyện (ehon) và dạy chữ sớm cho con ở Nhật ”).

3.  FLASH CARD: Rèn luyện trí nhớ trong thời gian ngắn, năng lực nhận thức, vốn từ vựng cho trẻ. (0 ~6 tuổi)

Phương pháp chơi cùng trẻ flash card này rất tốt cho phát triển não phải của trẻ vì nó đáp ứng được 2 yêu cầu là luyện được phản xạ nhớ rất nhanh và dung lượng nhớ vô hạn. Chơi cùng các tấm flash card bằng cách là mua những tấm cạc hay mảnh giấy nhỏ rồi ta viết lên đó các chữ cái, chữ số, từ vựng rồi cho trẻ nhìn, ta cứ giơ ra cho trẻ coi và đồng thời đọc từ vựng có ghi trên tấm cạc đó cho trẻ nghe, khoảng 1giây /1 tấm cạc. Cứ lặp đi lặp lại nhiều lần và nhiều ngày. Trò chơi này phát huy trí nhớ và tốc độ tư duy lẫn khả năng nhớ không lồ của trẻ. Ví dụ ta viết lên đó chữ “quả táo”, “con chó”…đồng thời kết hợp hợp ảnh của quả táo, con chó trong tấm card nữa thì càng tốt. Ta cứ tráo qua tráo lại cho trẻ nhìn thì dần dần những từ vựng đó đã đi vào bộ não của trẻ và được lưu trữ trong đó. Trên thị trường Việt Nam thì những loại thẻ flash card này rất phong phú. Nhưng nếu không đủ tiền mua cha mẹ vẫn có thể viết ra giấy rồi chơi cùng trẻ.


4.   NHẬN BIẾT MÀU SẮC: rèn luyện khái niệm về màu sắc, cảm thụ nghệ thuật, năng lực biểu hiện. (0-3 tuổi)

Mới đầu là cho trẻ nhìn những màu sắc đơn giản như trắng, đen; sau đó tăng dần về số lượng. Lấy 1 thùng rồi mua thật nhiều những quả cầu nhỏ có đủ các màu sắc. Ta sẽ nhặt từng quả cầu lên và nói tên màu sắc cho trẻ, số lượng màu sắc sẽ tăng dần lên, mới đầu chỉ là xanh, đỏ, vàng…dần dần nhiều hơn nữa. Sau đó ta sẽ nói tên màu sắc rồi đố trẻ chọn đúng màu trong một đống màu. Ta mua chì màu hay bút lông, cho trẻ nhìn bức tranh rồi luyện trẻ vẽ lại theo các màu sắc có trong tranh.



5.  HÌNH DÁNG, HÌNH HỌA: rèn luyện khái niệm về hình khối, năng lực tưởng tượng, năng lực nhận thức không gian. (0-3 tuổi)

Cho trẻ học nhận biết các hình học như vuông, chữ nhật, tam giác, hình thang, tròn, bình hành, thoi, lập thể…khoảng 10 hình học cơ bản nhất rồi luyện trẻ nhớ. Ví dụ có thể cắt tấm bìa thành các hình đó, kèm theo các màu sắc khác nhau và cho trẻ chơi trò đoán hình là gì, kết hợp luyện luôn nhớ tên màu sắc. Hoặc có thể kết hợp các đồ vật trong nhà có hình gì thì dạy cho trẻ biết luôn, hoặc đố trẻ các đò vật trong nhà là hình gì. Để sáng tạo hơn thì hãy chơi trò ghép hình, ví dụ từ 2 hình tam giác ghép lại thành hình vuông, hình chữ nhật…



6.  LUYỆN KÍCH THƯỚC TO, NHỎ: luyện khái niệm to, nhỏ; khái niệm theo thứ tự, trình tự; năng lực giải quyết vấn đề (0-3 tuổi)

Đặt trước mặt trẻ thật nhiều đồ với kích thước khác nhau, ta sẽ chỉ cho trẻ cái nào là to, cái nào là nhỏ. Sau khi trẻ đã định nghĩa được thế nào là to, nhỏ thì ta chơi cùng trẻ bằng cách giơ hai vật ra để trẻ so sánh chọn cái nào to hơn (nhỏ hơn), rồi sau đó tiến lên là trong 3, 4 vật chọn ra 1 vật to nhất hay nhỏ nhất. Giơ hình các con vật, thú nhồi bông rồi đố trẻ là con nào to hơn (bé hơn).



7.  LUYỆN NGÓN TAY: luyện độ khéo léo, kĩ xảo, năng lực tập trung (0-3 tuổi)

Ngón tay hay bàn tay được ví như bộ não thứ 2 của con người bởi vì nó đóng vai trò quan trọng nhất đối với mọi hành động hay suy nghĩ của con người chúng ta. Việc cầm được bằng 5 ngón tay là một sự khac sbieetj rất lớn giữa con người và những loài động vật khác. Đầu tiên là luyện cho trẻ cầm nắm. Như ta biết khi trẻ đc khoảng 2-3 tháng tuổi, nếu ta hươ cái gì lên trước mặt trẻ thì trẻ lập tức cầm nắm rất chặt. Mới đầu luyện cho trẻ cầm 5 ngón, rồi 4 ngón, rồi đến 3 ngón, rồi đến 2 ngón bằng cách cho trẻ cầm quả bóng hay viên bi nhỏ bỏ vào hộp hay lấy từ hộp ra. Hoặc cầm nắm chiếc khăn, cầm 5 ngón tay chiếc bút màu để trẻ gạch trên giấy. Luyện cầm bằng 2, 3 ngón thì ban đầu hãy để trẻ quan sát cách cha mẹ cầm đữa, cầm kéo, cần bút rồi sau đó để trẻ làm theo và luyện cho trẻ cầm bút, đũa, kéo bằng 2-3 ngón ta. Mới đầu trẻ sẽ không cầm được nhưng ta luyện dần dần thì trẻ sẽ thành thạo, do đó phải kiên nhẫn. Khi dạy trẻ cầm, nắm thì nên ngồi cùng hướng để dạy trẻ cách cầm.



8.  SKINSHIP (LUYỆN VỀ XÚC GIÁC và NHẬN THỨC CƠ THỂ): rèn luyện năng lực đánh giá bản thân, giá trị tồn tại của bản thân, động lực để hành động (0 tuổi~)

Bài học này rất quan trọng nhằm giúp trẻ tự nhận thức về bản thân, giới tính, chí tiến thủ, động lực để phấn đấu. Khi ba mẹ thay tã cho con, ôm nựng con, xoa đầu con là một hình thức biểu hiện tình yêu đối với con. Ba, mẹ có thể tắm chung với con hay là tắm cho con, chỉ cho con biết các bộ phận trên cơ thể để trẻ nhận thức được bản thân mình. Chơi nô đùa cùng con. Các bậc cha mẹ Nhật rất hay tắm chung với con, hoặc là dẫn con theo vào tắm ở bồn tắm công cộng chính là để giúp trẻ nhận thức về cơ thể mình. Mọi người có thể tham khảo thêm ở bài “Những lời khuyên hữu ích của IKEHASHI dành cho trẻ 0-10 tuổi” để biết rõ hơn về tác dụng của skinship.



9.  NHẬN BIẾT VỀ SỐ: rèn luyện khái niệm về số, năng lực image (hình tượng hóa), ghi nhớ hình ảnh (0 tuổi~)

Để các con vật rồi đánh số từ 1-10 sau đó cho trẻ học đếm lại. Lấy tấm card ghi các chữ số rồi cho trẻ nhìn lướt qua, sau đó hỏi lại là số bao nhiêu, hay cho trẻ nhìn lướt qua tấm card có mấy con thú rồi hỏi trẻ xem có bao nhiêu con tất cả. Hoặc là chơi trò đếm chấm nhỏ trên tấm card mà phương pháp Glenn Doman rất hay dùng. Rồi dạy trẻ tập cộng,ví dụ như có 2 cái kẹo, giờ cho thêm 3 cái rồi cho trẻ tập đếm từ 1-5, vậy là có tổng 5 cái kẹo, thế là 2+3=5… Điều quan trọng ở phương pháp này là không để thời gian chết, hãy luyện tốc độ và khả năng đoán của trẻ.

10.  NHẬN BIẾT VỀ LƯỢNG: rèn luyện khái niệm về lượng, năng lực trực quan, khái niệm phân số (0 tuổi~)


Ví dụ như cùng 1 loại nước mình đổ vào hai cốc sao cho lượng ko bằng nhau, rồi nói cho trẻ biết nhiều là cái nào, ít là cái nào. Hay khi cắt bánh, cắt hoa quả thì ta hỏi trẻ cái nào nhiều, cái nào ít hơn…Với bài học này thì mua viên sáp nặn về cho trẻ học là hay nhất. Ta sẽ bẻ đôi hay chia nhỏ viên sáp đất sét đó rồi luyện cho trẻ về nhiều hay ít dễ dàng hơn. Tốt nhất hãy dẫn những bài học liên quan trực tiếp đến cuộc sống hàng ngày thì trẻ sẽ dễ nhớ nhất, như hai chị em chia đôi cái bánh.

11.  PHÁT TRIỂN 5 GIÁC QUAN: rèn luyện cảm giác, cảm âm, điều hòa được cảm xúc (0 tuổi~)

Dẫn trẻ đi dạo trong ngõ, xóm để trẻ tiếp xúc với thiên nhiên vào cả bổi sáng lẫn buổi tối, vừa đi vừa chỉ cho trẻ tên các loài cây, hoa lá…Cho trẻ ngửi các mùi thơm, loài hoa đồng thời nói cho trẻ biết đó là hoa gì. Nếu được thì khi đi dạo ta sẽ ngắt bông hoa, mở ra rồi chỉ các bộ phận bên trong của hoa là gì…để kích thích trí tò mò, ham hiểu biết của trẻ. Dẫn trẻ đi các phòng triển lãm bảo tàng, hay nếu không có điều kiện thì đi vào các cửa hàng bán tranh, mỹ thuật, vì những nơi này là nơi tạo cho trẻ trí tưởng tương rất phong phú, nhiều màu sắc giúp trẻ phát triển về khả năng tư duy, tưởng tượng. Nên xây một góc nhỏ trong vườn một đụn cát nhỏ để trẻ chơi, vì chơi trên cát không sợ bẩn quần áo. Ta có thể chơi cùng trẻ đắp hòn non bộ, dựng các hình khối….Cho trẻ tiếp xúc sớm với động vật là một cách giúp trẻ hướng thiện, biết yêu thương người khác, yêu thương động vật.

12.  LUYỆN TRÍ NHỚ BẰNG HÌNH ẢNH: rèn luyện năng lực ghi nhớ hình ảnh, năng lực tái hiện, tốc độ đọc nhanh (0-6 tuổi)

Năng lực tuyệt với của não phải chính là ghi nhớ bằng hình ảnh. Trẻ con sẽ dùng hình ảnh để ghi nhớ thông tin đó vào não, sau đó khi cần thiết thì sẽ tái hiện lại hình ảnh đó. Vì thế ta sẽ dùng hình ảnh minh họa để luyện trí nhớ cho trẻ. Giai đoạn này dùng mắt nhìn là quan trọng, nhưng quan trọng hơn cả chính là để trẻ thâu tóm được toàn cảnh của bức tranh chứ không phải là tập trung vào 1 điểm cố định nào. Đưa ra tấm hình có con ngựa, quả táo… khoảng 1 giây rồi giấu đi, sau đó đố trẻ là con gì. Cho trẻ nhìn bức tranh khoảng 2 giây sau đó giấu đi hỏi trẻ tranh đó vẽ cái gì. Ta luyện cho tốc độ tư duy tăng dần bằng cách rút ngắn thời gian cho nhìn tranh.

13.  TRÒ CHƠI XẾP HÌNH: Rèn luyện năng lực nhận thức không gian, xử lí thông tin, giải quyết vấn đề (3-6 tuổi)

Mua các hình khối nhiều màu, đủ hình dáng, kích cỡ bằng gỗ, hay bằng nhựa về và để trẻ chơi bằng cách xếp chồng lên, hay xếp thành các hình như trong quyển sách xếp hình hướng dẫn. Đây là một trò phổ biến nhất của con trẻ vì trẻ có thể thỏa sức sáng tạo với trò chơi này.

14.  TRÒ CHƠI PHÁN ĐOÁN (extra sensory perception): rèn luyện năng lực cảm nhận, trực quan (trực giác), và tri giác, xúc giác (1-6 tuổi)

Ví dụ trên tay ta cầm 1 hòn bi cho trẻ coi rồi giấu tay sau lưng, sau đó giơ ra trước mặt trẻ và hỏi xem hòn bi ở tay nào. Hoặc ta giấu sau lung con thú nhỏ rồi hỏi xem trẻ thử đoán con thú nằm ở tay nào…Lấy bộ bài làm ví dụ, ta lấy ra 5 cây, đầu tiên cho trẻ coi thứ tự, sau đó ta úp đi xoay chuyển vị trí các quan bài trước mặt trẻ, sau đó đố trẻ vị trí các quân bài ở đâu. Có rất nhiều hình thức để chơi trò này bằng các đồ vật ở nhà. Nó có tác dụng giúp trẻ luyện trực quan rất tốt. Đây là một năng lực mà chỉ có thể cảm nhận được bằng não phải, gọi là 5 giác quan của não phải. Việc rèn luyện trực quan này còn có ích rất nhiều để giúp trẻ biết phán đoán tình huống sau này trong học tập, công việc.

15.  TRÒ CHƠI GHÉP HÌNH: Rèn luyện năng lực tưởng tượng, phán đoán, tư duy (3-6 tuổi)

Trò chơi ghép hình phổ biến mà hầu như cha mẹ nào cũng cho con chơi đó là để cách hình nhỏ như hình tròn, vuông, chữ nhật rời ra sau đó làm sao để trẻ ghép đúng vị trí.
Mới đầu chỉ là 3 hình như tam giác, tròn vuông, ta đó trẻ xếp đúng vị trí các hình đó vào ô. Dần dần khó hơn thì mua miếng ghép hình con vật, tranh ảnh và chơi cùng trẻ, đoạn nào trẻ gặp khó khăn thì ta gợi ý cho trẻ tìm hướng ghép đúng. Bí mật của trò này đó là, não phải có vai trò đưa ra dự đoán bằng trực quan xem một bộ phận đó sẽ nằm đúng vị trí nào trong toàn bộ, não trái sẽ có vai trò lắp ghép một cách chính xác những tổ hợp đó. Vì thế trò chơi này sẽ giúp rèn luyện cả não trái và não phải. Bài học này còn giúp luyện trí tưởng tượng, tư duy phán đoán lẫn tính nhẫn nại. Cha mẹ hãy thường xuyên khen nếu trẻ làm tốt, khuyến khích trẻ cố gắng, động viện là con có thể làm được, cố lên chút nữa, con giỏi mà….

16.   LUYỆN TRÍ NHỚ: Rèn luyện trí tưởng tượng, tập trung, ghi nhớ (3-6 tuổi)

Ví dụ như luyện trẻ nhớ về câu chuyện ta vừa đọc cho bằng cách là ta sẽ làm một loạt những tấm cạc nhỏ gồm các hình có liên quan đến câu chuyện, sau đó đố trẻ sắp xếp lại thứ tự xuất hiện của các sự kiện trong câu chuyện đó. Nếu không có tranh vẽ thì cha mẹ có thể viết các key word ra giấy rồi nhắc lại cho trẻ, hoặc đố trẻ kể lại câu chuyện dã được đọc. Trò này có thể kết hợp khi mẹ vừa nấu cơm, dọn nhà vừa tham gia đố vui cùng trẻ. Hay là có một loạt tấm hình được úp, muốn trẻ đoán hình đó là cái gì thì ta nhắc những câu gợi ý liên quan đến nó, ví dụ “đây là quả mà hôm qua con vừa mới được ăn xong”…. Quan trọng nhất ở trò chơi này là tạo ra câu chuyện thú vị để kích thích hứng thú và tâm trạng vui vẻ của trẻ.

17.  CHƠI TRÒ ÁM THỊ: Rèn luyện self-image, hứng thú và động lực làm việc, tâm hồn (2 tuổi~)

Đây là bài học về nuôi dưỡng tâm hồn và trái tim của trẻ nhỏ. Thay vì ta quát mắng và dùng những từ ra lệnh thì hãy dùng những từ ngữ biểu cảm rằng ta sẽ rất vui nếu trẻ làm như thế, hay vỗ tay khen khi trẻ làm việc tốt. Ví dụ như khi trẻ tự đi giày, tự mặc quần áo, tự dọn đồ chơi khi chơi xong, vẽ được bức tranh, đọc xong cuốn sách, giúp ta làm việc nhà thì ta tỏ ra vui mừng khen trẻ, ám thì rằng ta rất hài lòng nếu trẻ làm những việc đó.

18.  LUYỆN TRÍ TƯỞNG TƯỢNG BẰNG HÌNH ẢNH MINH HỌA: Rèn luyện năng lực biểu hiện, năng lực miêu tả bằng hình ảnh, năng lực văn học (3 tuổi~)

Để luyện khả năng tưởng tượng cho trẻ là dạy trẻ làm giả động tác con chó, con mèo kêu ra sao, cầm chiếc vòng như vô lăng ô tô rồi bắt chước chú lái tàu làm như nào, tạo hình dáng con voi, con gà như nào, tập chơi đồ hàng, cho trẻ tập kịch như là đang biểu diễn thật trên sân khấu. Trẻ đọc thơ, tập làm cô giáo, tập làm người bán hàng…Cha mẹ có thể cùng con thay đổi vai, ví dụ hôm nay mẹ là người đầu bếp, con là người trợ giúp lấy dụng cụ thì hôm sau đổi vai con sẽ là người nấu, còn mẹ sẽ là người phụ bếp…

19.  LUYỆN SỰ LIÊN TƯỞNG: Rèn luyện suy nghĩ phổ quát, liên tưởng, năng lực ngôn ngữ, từ vựng, năng lực biểu hiện (3 tuổi~)

Ví dụ như là hỏi trẻ nếu nghĩ đến biển thì tưởng tượng đến cái gì (thuyền, cá, bãi cát…) Mặt trời thì liên tưởng đến gì (nóng), con khỉ thì tưởng tượng giống cái gì…hay cùng thi để xem ai nói được nhiều từ có chữ đầu bằng A, B nhiều nhất…Bất kì cái gì trẻ nói đều được, không nên nói là trẻ nói sai rồi, vì như thế sẽ làm trẻ mất tự tin mà không nói tiếp nữa.

20.  HỌC VẼ: Rèn luyện cách cầm bút, năng lực biểu hiện, sáng tạo (2 tuổi~)

Mua giấy, sáp màu, bút màu về cho trẻ vẽ. Trẻ muốn vẽ gì cũng được. Sau đó ta tăng dần độ khó bằng cách đố trẻ vẽ con vật, cho nhìn bức tranh để trẻ vẽ theo…Trẻ vẽ xấu hay đẹp không quan trọng, ta luôn khen ngợi để khuyến khích trẻ vẽ tiếp, kể cả khi trẻ vẽ bậy ra sàn thì ko nên la mắng ngay vì có thể trẻ mải vẽ hăng say quá mà ko nhận ra hay là trẻ chưa biết là vẽ ra ngoài sàn thì không được. Lúc này trước khi cho trẻ vẽ ta phải dặn trẻ trước, hoặc chuẩn bị cho trẻ một không gian thật rộng hoặc một tờ giấy thật to cỡ A0 để trẻ chơi thoải mái.

21.  CHƠI MÊ CUNG HAY MÊ HỒN TRẬN: Rèn luyện năng lực cầm bút, sự tập trung, xử lí thông tin (3 tuổi~)

Trên báo cũng hay có trò chơi là tìm đường đến kho báu trong những bức tranh chi chit đường đi. Ta cũng luyện như thế bằng cách mới đầu vẽ 2, 3 đường đến chỗ cần đến, sau đó tăng dần độ khó lên để đố trẻ tìm ra đích đến. Hoặc ban đầu để trẻ vẽ loàng ngoằng, sau đó thì vẽ mê cung theo luật do mình quy định. Trò chơi này sẽ tùy từng lứa tuổi để đưa ra độ khó. Trò chơi này giúp trẻ rèn luyện các kỹ năng như có cái nhìn bao quát toàn thể, nâng cao ý chí để dẫn đến đích, muốn đến đích phải biết phân tích tình huống, xử lí thông tin.

22.  TẬP DIỄN KỊCH, TỰ DIỄN THUYẾT GIỚI THIỆU VỀ BẢN THÂN: Rèn luyện năng lực biểu hiện, năng lực diễn thuyết, khả năng khẳng định và đánh giá bản thân (3 tuổi~)

Đầu tiên dạy trẻ những thông tin về bản thân của trẻ như: con tên là, con bố, mẹ nào, con bao nhiêu tuổi, nhà ở đâu, đang học ở trường mầm non gì, con thích cái gì…Sau đó dạy trẻ tập diễn kịch cho cả nhà coi, đọc thơ trước mặt mọi người để trẻ luyện tính tự tin. Khi này thì dù trẻ nói sai hay làm gì ngớ ngẩn chăng nữa cũng không được cười chế giễu, vì nó sẽ làm thui chột sự tự tin của trẻ.

23.  DẠY TRẺ ĐỌC THƠ, CA HÁT: Rèn luyện năng lực ghi nhớ, năng lực biểu hiện, năng lực lí giải vấn đề (2 tuổi~)

Cha mẹ hãy tích cực dạy trẻ học thuộc thơ, bài hát là phương pháp hay để giúp trẻ phát triển trí nhớ, biểu hiện cá tính, lí giải vấn đề. Ngoài ra ta còn dạy trẻ ca dao, tục ngữ, bài đồng dao, dân ca, đồng thời dạy trẻ ý nghĩa của những câu đó hay từ ngữ trong câu ca dao đó. Hay kể cho trẻ nghe chuyện về các danh nhân, lịch sử sau đó hỏi lại để trẻ nhắc lại. Việc này có thể kết hợp những lúc cả nhà đi chơi, đi chợ, hay mẹ nấu cơm….

24.  DẠY TRẺ LÀM THƠ: Rèn luyện năng lực sáng tạo, năng lực biểu hiện, năng lực văn chương (4 tuổi~)

Ban đầu là dạy trẻ đọc bài thơ ngắn có kèm theo tranh minh họa thì càng tốt. Mỗi lần đọc hết 1 câu mẹ sẽ dùng thước gõ nhẹ để tạo thành nhịp, như thế trẻ sẽ có hưng phấn để đọc tiếp câu sau. Bạn có nhớ khi mình còn học mẫu giáo hay lớp 1 cô giáo cũng hay dùng cách này để dạy hoc sinh đọc bài không. Việc tạo ra nhịp điệu để kích thích sự hung phấn cho trẻ là vô cùng quan trọng khiến trẻ có động lực muốn tiếp tục học. Sau đó tiếp đến là dạy trẻ ghép vần hay ghép câu thơ ngắn, mới đầu bắt đầu bằng câu thơ 3 chữ, ko cần phải vần điệu, sau đó thì tăng dần độ dài. Trẻ nói bất cứ chủ đề nào, câu nào cũng được. Hoặc là ba mẹ đọc câu đầu rồi để trẻ sáng tác câu tiếp theo.Ví dụ như “Con chó nhà em.Có màu lông vàng. Canh nhà rất giỏi…”.
Ở Nhật có thơ haiku là thể thơ 3 câu theo luật 3-5-3 chữ, ví dụ như bài thơ này “Chú mèo nhỏ/ Đang nghịch đùa/ Chiếc lá khô”. Mọi người có thể thấy thể loại thơ haiku như này trẻ sẽ rất dễ thuộc vì câu ngắn, liên quan đến sự vật trẻ gặp hằng ngày. Chính vì thế ở các trường học rèn luyện trí tuệ cho trẻ việc cho trẻ học thuộc long thơ haiku là một phương pháp rất phổ biến.

25.  HỌC TÍNH TOÁN: Rèn luyện sự khởi động tức thời, năng lực tập trung, xử lí thông tin (1 tuổi~)

Khi trẻ đã bắt đầu biết khái niệm về chữ số rồi thì bắt đầu trò chơi tính toán. Kẻ một bảng chiều dọc đến 10, chiều dài đến 10, sau đó mỗi ô viết các chữ số lên một cách bất kỳ không cần theo thứ tự, sau đó cho trẻ tập tính như là cộng, trừ. Ví dụ hỏi trẻ 2 cộng 2 nằm ở ô nào. Trẻ sẽ dọc theo ô 2 ở hàng cột đến vị trí ô 2 ở hàng ngang, đánh vào đó là 4. Đây là bài học khó nên đòi hỏi sự kiên nhẫn và lặp đi lặp lại nhiều lần. Ở trò chơi này có thể cho trẻ dùng bàn tính là một phương pháp rất hiệu quả.

26.  DẠY ĐẾM GIỜ: Rèn luyện khái niệm về thời gian, cảm giác về thời gian, giờ giấc, thói quen sinh hoạt (2 tuổi~)

Khi trẻ nắm bắt được khái niệm thời gian, biết giờ giấc thì sẽ hình thành thói quen sinh hoạt đúng giờ giấc ngư ăn, ngủ, nghỉ từ đó trẻ sẽ biết giữ lời hứa… Dạy trẻ học nhìn đồng hồ, nên kết hợp với thời gian ăn của trẻ để dạy trẻ về nhận thức thời gian. Ví dụ như khái niệm đúng 9g sáng thì ăn sáng, hay đúng 12 g thì ăn trưa, 7 giờ bố đi làm về thì ăn tối…Sau đó là dạy trẻ đến tính phút, giây…

27.  DẠY SO SÁNH, QUAN SÁT: Rèn luyện khái niệm về so sánh, năng lực quan sát, lí giải từ trái nghĩa (2 tuổi~)

Đưa trước mặt trẻ một loạt các đồ vật có hình dáng kích thước khác nhau để dạy trẻ biết so sánh to, nhỏ, cao thấp, nhiều, ít…Khi đi đường hỏi trẻ tòa nhà nào to hơn, cao hơn, cái ô tô nào to hơn, cái nào cao nhất, cái nào thấp nhất…

28.  DẠY THỨ TỰ: Rèn luyện khái niệm về thứ tự, nhận thức không gian, khái niệm về vị trí, tọa độ (2 tuổi~)

Dạy trẻ nhận biết bên trái, bên phải, ở trên, dưới, trước sau, miêu tả vị trí bằng cách là chỉ vào các đồ đạc sắp xếp trong tủ rồi nói vị trí tương quan cho trẻ. Hoặc là nhìn vào vị trsi các đồ trang trí trên tủ rồi hỏi trẻ xem con gấu được đặt ở đâu…Ngoài ra kẻ nhiều ô vuông rồi chỉ vị trí ở phía trên bên phải là đâu, phía dưới bên trái là đâu…hay là tìm vị trí ô 2+2 đâu, đánh dấu tròn vào bảng mà mình dạy trẻ tập tính toán. Nếu trẻ lớn hơn một chút có thể kết hợp chỉ trên bản đồ để dạy trẻ khái niệm về vị trí của chúng at đang ở đâu, tiếp đến là những khái niệm tọa độ trên trục X, Y.

29.  TẬP ĐI CHỢ, MUA HÀNG: Dạy trẻ khái niệm tiền bạc, khái niệm tiền thừa (tiền thối lại), cảm giác về tiền tệ (2 tuổi~)

Có thể nhiều cha mẹ nghĩ rằng trẻ còn nhỏ thì chưa nên dạy vội về khái niệm tiền bạc, nhưng xét trên ý nghĩa để trẻ hiểu được khái niệm cơ bản của cảm giác kinh tế trong tương lai thì nên dạy trẻ khái niệm về tiền tệ từ nhỏ. Cha mẹ hãy chơi trò đồ hàng với trẻ bằng cách là bày la liệt các đồ rồi nói giá cả mỗi đồ là bao nhiêu, sau đó đưa trẻ một ít tiền xu để trẻ tự tính toán trả tiền, nếu trẻ có dư số tiền thì sẽ hỏi trẻ “còn dư bao nhiêu nhỉ “…Nếu có hai chị em hay hai anh em, hoặc bạn hàng xóm thì hãy để trẻ chơi trò mua hàng, bán hàng này sẽ rất có hiệu quả.

30.  TẬP PHÁT HIỆN ĐIỂM SAI KHÁC: Rèn luyện năng lực nhận thức, năng lực quan sát, và năng lực tập trung (2-5 tuổi)

Trên báo thướng có trò đố vui là tìm 5-6 điểm khác nhau giữa hai bức tranh, thì trò chơi này cũng tương tự như thế. Cho một loạt những bức tranh hay tấm card rồi đố trẻ tìm ra hai con giống nhau, hay tìm điểm chung giống nhau giữa các con vật. hay trong 5 hình tìm ra những điểm chung giữa các hình…

31.  LUYỆN NGHE ĐỌC VÀ VIẾT CHÍNH TẢ THEO: Rèn luyện năng lực tưởng tượng, năng lực biểu hiện, năng lực văn chương (2-5 tuổi)

Khi trẻ bắt đầu biết viết thì ba mẹ đọc những từ ngắn cho trẻ viết. Mới đầu trẻ không viết được nhưng cha mẹ đừng vội vàng nôn nóng mà la mắng trẻ, luyện dần dần thì trẻ sẽ tiến bộ. Khi trẻ đã đi học hoặc gần đến tuổi đi học thì có thể ra đề tài gồm các từ key word để trẻ viết câu văn ngắn, chỉ cần là những từ đơn giản thôi chứ không nên đòi hỏi trẻ phải viết được một câu hoàn chỉnh. Hoặc cho trẻ viết nhật kí cững là một cách hay.

32.  LUYỆN NĂNG LỰC XỬ LÍ: Rèn luyện năng lực viết, tính toán, năng lực tập trung (3 tuổi~)

Trò chơi này có ý nghĩ rất lớn để tạo cho trẻ ham muốn học tập, lao động và sự tự tin. Ví dụ như tìm ra đường đi đúng trong mê cũng trong 3 phút, hay là làm bài tính trong vòng 2 phút…Với trò chơi xếp hình ta cho trẻ thời gian 3 phút để xếp đống hình về vị trí, hay là trò tìm vị trí trên bảng số…bấm thời gian để trẻ làm, nếu trong thời gian quy định trẻ chưa làm xong thì ko nên la mắng hay tỏ thái độ thất vọng mà chỉ nói nhẹ nhàng là đáng tiếc quá, mẹ con mình cùng làm lại nào, hay để mai chơi tiếp…không tạo áp lực cho trẻ trong trò chơi này. Ngoài ra có thể chơi trò cầm đũa gắp hạt lạc từ cốc này chuyển qua cốc kia trong thời gian cố định…để luyện khả năng tập trung, tính toán.

33.  LUYỆN HÌNH ẢNH CÒN LƯU LẠI TRONG NÃO BỘ: Rèn luyện khr năng hình ảnh hóa (image), năng lực tập trung, rèn luyện tinh thần (4 tuổi~)

Lấy tấm cạc màu vàng, vẽ một vòng tròn đậm màu xanh lên đó, cho trẻ nhìn trong 15 giây rồi bảo trẻ nhắm mắt lại tưởng tượng xem trong đầu có tưởng tượng lại hình ảnh vừa nhìn không. Cho trẻ nhìn bức tranh 15s rồi bảo trẻ nhắm mắt lại và tưởng tưởng lại bức tranh đó. Lặp đi lặp lại trò chơi này sẽ giúp trẻ nâng cao khả năng tập trung, ghi nhớ bằng hình ảnh vào trong não.



Lời cuối

Những gì mình viết hầu hết là dịch nguyên bản các cuốn sách của các tác giả, hoặc từ những quan sát thực tế chứ không phải từ kinh nghiệm đã chăm con của bản thân. Mình chỉ mong ước sẽ giúp ích được cho nhiều cha mẹ và trẻ em Việt Nam trong việc tìm ra cách nuôi dạy con cho bản thân để bé phát huy được sức sáng tạo của mình. 

Mọi người hãy chia sẻ cho những người khác nếu thấy hữu ích!