Showing posts with label Phân loại gà con. Show all posts
Showing posts with label Phân loại gà con. Show all posts

Sunday, April 25, 2021

Nước Mỹ treo giải thưởng gấp 5 lần Nobel, cho ai nghĩ ra cách cứu sống 7 tỷ con gà trống mỗi năm



Có thể trước đây bạn đã nghe về công việc soi giới tính gà, trong đó, những người công nhân có thể được trả từ vài chục triệu cho đến cả trăm triệu mỗi tháng để tìm ra những con gà trống con nhờ lỗ huyệt của chúng.

Nhưng đã bao giờ bạn hỏi số phận của những con gà trống này sẽ thế nào sau khi được phân loại?

Câu trả lời là: Chúng sẽ bị giết chết hoặc gọi bằng thuật ngữ của ngành chăn nuôi là "tiêu hủy". Tùy công nghệ của các trang trại mà gà trống non sẽ bị dồn vào buồng kín cho đến khi ngạt hơi, bị chôn sống hoặc thậm chí xay nhuyễn để làm thức ăn cho cá hoặc phân bón.

Lý do rất đơn giản, đó là vì những con gà trống này đã sinh nhầm chỗ. Đây là các trang trại nuôi gà lấy trứng, mà gà trống thì không thể đẻ trứng được. Việc nuôi chúng lấy thịt cũng là bất khả thi bởi giống gà đẻ trứng có chất lượng thịt không cao.

Kết quả là các trang trại gà đẻ trứng không muốn mất không gian chuồng trại, thức ăn và thời gian nuôi nấng gà trống.

Nước Mỹ treo giải thưởng gấp 5 lần Nobel, cho ai nghĩ ra cách cứu sống 7 tỷ con gà trống mỗi năm - Ảnh 1.

Chỉ tính riêng ở Hoa Kỳ mỗi năm, họ đã tiêu hủy 300 triệu con gà trống con trong các trang trại gà đẻ trứng. Con số trên toàn thế giới còn cao hơn thế rất nhiều, lên tới 7 tỷ. Đó không chỉ là một sự lãng phí mà còn là mối lo ngại về đạo đức.

Vậy chúng ta có cách nào để chấm dứt thực trạng này lại hay không?

Phân loại giới tính gà ngay từ trong trứng

Đây là giải pháp mà một số trang trại tại Châu Âu đã áp dụng. Điển hình như Seleggt, một công ty của Đức đã mất bốn năm để phát triển công nghệ phân loại giới tính gà ngay trừ trong trứng.

Công nghệ này bắt đầu từ một phát hiện của giáo sư Almuth Einspanier đến từ Đại học Leipzig. Ông đã tìm ra một chất chỉ thị màu cho phép phát hiện một loại hooc-môn trong trứng gà mái.

Khi trộn chất chỉ thị này vào chất lỏng bên trong trong trứng gà thụ tinh sau 9 ngày: Nếu hỗn hợp chuyển màu trắng, quả trứng được xác định sẽ nở ra gà mái. Còn nếu nó chuyển màu xanh, quả trứng sẽ nở ra gà trống. Các thử nghiệm cho thấy phương pháp thử này có tỷ lệ chính xác lên tới 98,5%.

Seleggt sau đó đã phát triển một công nghệ trích xuất chất lỏng từ trứng gà mà không cần kim, nghĩa là sẽ không xâm lấn vào bên trong trứng khiến nó bị nhiễm khuẩn và cũng không tạo ra nguy cơ làm vỡ vỏ trứng.

Trên quy mô công nghiệp, chỉ cần một tỷ lệ nhỏ trứng bị hỏng cũng tạo ra lãng phí lớn. Do đó, giải pháp của Seleggt chính là điều kiện đủ để áp dụng được công nghệ của giáo sư Einspanier vào thực tiễn.

Cụ thể, dây chuyền của họ đã sử dụng một chùm laser để đốt một lỗ rộng 0,3 mm trên vỏ trứng. Sau đó, nó dùng áp suất âm để hút một lượng nhỏ chất lỏng chảy ra bên ngoài. Quá trình thu thập chất lỏng này chỉ mất khoảng một giây mà không cần chạm vào trứng.

Nước Mỹ treo giải thưởng gấp 5 lần Nobel, cho ai nghĩ ra cách cứu sống 7 tỷ con gà trống mỗi năm - Ảnh 2.

Những quả trứng được phân loại là gà mái sẽ tiếp tục được ấp để nở. Trong khi đó, trứng gà trống sẽ được thu thập để làm thức ăn gia súc, nguyên liệu cho ngành mỹ phẩm hoặc giúp các công ty dược phẩm thử nghiệm và sản xuất vắc-xin.

Mặc dù vậy, hiện Seleggt vẫn chưa bán công nghệ của mình cho các trang trại bên thứ 3 ở Mỹ. Một số chuyên gia nhận định giá của dây chuyền phân loại giới tính trứng gà này khá đắt đỏ. Trong khi năng suất của chúng chưa đáp ứng được cho quy mô của ngành chăn nuôi gà ở Mỹ.

Hãy thử tính, các trang trại ở Hoa Kỳ hiện nuôi khoảng 336 triệu con gà mái đẻ. Để duy trì quy mô đàn này, mỗi năm họ sẽ giữ lại khoảng 1 tỷ quả trứng để ấp. Có nghĩa là cần phân biệt giới tính của 1 tỷ quả trứng.

Dây chuyền của Seleggt hiện chỉ có năng suất phân loại 1 quả trứng mỗi giây, nghĩa là 3.600 quả/giờ và 31,5 triệu quả mỗi năm nếu nó chạy liên tục không nghỉ.

Với năng suất cao hơn, Agri-AT, một công ty khác của Đức cũng đang sở hữu một công nghệ phân loại giới tính gà ngay từ trong trứng. Phương pháp của họ sử dụng một máy quét ánh sáng xuyên quả vỏ trứng. Tại ngày thứ 13 sau khi trứng gà được thụ tinh, quét quang phổ có thể cho biết trứng gà nở ra gà trống hay gà mái với độ chính xác trên 95%.

Agri-AT cho biết dây chuyền của họ hiện có tốc độ phân loại 20.000 trứng mỗi giờ, tương đương 175,2 triệu quả một năm (nếu chạy liên tục). Nhưng một điểm yếu lớn của nó là việc quét quang phổ xuyên qua trứng chỉ có thể thực hiện với trứng gà nâu. Trong khi hầu hết gà đẻ trứng ở Mỹ lại đẻ trứng trắng, và trứng trắng sẽ phản xạ lại phần lớn tia sáng chiếu đến nó.

Nước Mỹ treo giải thưởng gấp 5 lần Nobel, cho ai nghĩ ra cách cứu sống 7 tỷ con gà trống mỗi năm - Ảnh 3.

Nước Mỹ treo giải 6 triệu USD cho ai nghĩ ra giải pháp mới

Một vấn đề làm phức tạp nỗ lực của cả Agri-AT và Seleggt đó là việc tiêu hủy trứng của họ vẫn chưa hoàn toàn được ủng hộ. Các nghiên cứu khoa học cho thấy trứng gà sau 8 ngày tuổi đã có thể có cảm giác. Vì vậy, phôi của những quả trứng này đã biết đau.

Ngay cả khi chúng ta nghĩ rằng đó chỉ là những quả trứng, các nhà bảo vệ quyền động vật vẫn cho rằng đó là những cái chết không nhân đạo. Agri-AT vì vậy đã phải phát triển một công nghệ mà họ gọi là STUNNY, sử dụng điện để gây mê trứng gà trước khi tiêu hủy nhằm đem lại cảm giác an tử cho những phôi gà trống.

Những quả trứng đã hình thành phôi cũng là vấn đề mà Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm (FFAR) tại Mỹ đang cố gắng giải quyết. Họ thậm chí đã treo một giải thưởng tên là Egg-Tech, trị giá lên đến 6 triệu USD cho bất cứ nhà nghiên cứu nào tạo ra được phương pháp nhằm chấm dứt thực trạng tiêu hủy gà con.

FFAR ra đề công nghệ này phải có hiệu quả với trứng gà trước 8 ngày tuổi, nghĩa là trước 8 ngày sau khi chúng được thụ tinh. Đó là khoảng thời gian mà các nghiên cứu cho thấy trứng gà chưa biết đau.

Một nhóm nghiên cứu tại Đại học Georgia hiện đang theo đuổi giải thưởng này bằng cách tạo ra một công nghệ có thể thay đổi giới tính trứng gà trước khi chúng nở. Nhóm nghiên cứu dẫn đầu bởi tiến sĩ Kristen Navara nhận thấy ở gà, những con mái sẽ quyết định giới tính của trứng chứ không phải gà trống.

Vì vậy, bằng cách can thiệp hooc-môn lên gà mái, Navara có thể thay đổi giới tính của những quả trứng do chúng đẻ ra. Cô có thể biến những con gà mái đẻ tạo ra 100% là gà mái nên sẽ không còn chuyện phân loại trứng hoặc gà trống để tiêu hủy nữa.

Tuy nhiên, vấn đề là Cục Quản lý Thực phẩm và Dược phẩm Hoa Kỳ hiện cấm ngành công nghiệp gia cầm sử dụng các liệu pháp hooc-môn, do nghi ngờ chúng có thể tác động đến sức khỏe con người. Cho nên phương pháp này không thể áp dụng vào thực tế.

Hiện tiến sĩ Navara đang chuyển sang một hướng nghiên cứu mới, với hi vọng tìm ra một liệu pháp gen có thể điều khiển giới tính trứng gà thay cho hooc-môn.

Nước Mỹ treo giải thưởng gấp 5 lần Nobel, cho ai nghĩ ra cách cứu sống 7 tỷ con gà trống mỗi năm - Ảnh 4.

Một giải pháp khác là lai tạo ra các giống gà với những con mái vừa có thể cho trứng và những con đực lại có thể cho thịt. Phương án này rất dễ để thực hiện nhưng lại rất khó để phá đổ được các kỷ lục mà ngành chăn nuôi gà công nghiệp đã dày công thiết lập từ hàng chục năm nay.

Hiện những giống gà mái đẻ năng suất có thể cho ra 300 trứng/con/năm. Những con gà mái cho thịt nhanh nhất chỉ mất 7 tuần để vỗ béo lên mức 3kg. Trong khi đó, giống gà "năng suất kép" tốt nhất là Rhode Island Red hiện có những con mái chỉ đẻ được khoảng 250 trứng một năm. Trong khi gà trống phải mất tới 5 tháng (20 tuần) để vỗ béo.

Trong thời buổi kinh tế cạnh tranh như hiện nay, sẽ khó có một chủ trang trại nào quay trở lại nuôi gà Rhode Island Red. Nếu họ làm vậy, chi phí sản xuất tăng cao sẽ khiến trứng gà tăng giá và thịt gà cũng vậy.

Trừ khi họ có thể khiến công chúng ý thức được rằng giống gà này sẽ giúp cứu sống được hơn 7 tỷ con gà trống non mỗi năm, và sẵn sàng trả thêm tiền cho lòng trắc ẩn của mình – nếu không nuôi gà năng suất kép sẽ đưa họ đến chỗ phá sản.

Hoặc là chúng ta phải có được một giống gà "năng suất kép" cao hơn những con gà mái đẻ và mái thịt hiện tại. Giải thưởng 6 triệu USD, gấp 5 lần Nobel, của Tổ chức Nghiên cứu Nông nghiệp và Thực phẩm vẫn còn đó, cho ai tìm ra được giải pháp.

Tham khảo Vox