Tuesday, September 10, 2024

"Shipper" nhờ việc này, tuyệt đối đừng vì lòng thương mà giúp đỡ, rất nhiều người đã "làm ơn mắc oán"!


Thời gian gần đây, rất nhiều đối tượng lợi dụng thói quen mua hàng qua mạng của người dân để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

 

 


Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai cho biết, thời gian qua, thông qua công tác điều tra và phối hợp trao đổi thông tin giữa các đơn vị, lực lượng công an đã ghi nhận một số vụ việc người dân bị các đối tượng giả danh nhân viên giao hàng (shipper) để lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Theo cơ quan công an, các đối tượng lừa đảo đã lập ra hội nhóm mang tên "Giao hàng tiết kiệm" để đánh lừa người dân nhằm chiếm đoạt tài sản. Đã có những người thiếu cảnh giác "sập bẫy", nhưng cũng có người kịp thời nhận ra chiêu thức lừa đảo của các đối tượng để dừng lại, tránh mất tài sản.

Các nạn nhân của thủ đoạn lừa đảo này thường gặp phải kịch bản như sau:

Nhận cuộc gọi từ số điện thoại lạ xưng là shipper, do không ở nhà nên đã hẹn lại với nhân viên này vào thời điểm khác mới nhận hàng. Tuy nhiên, shipper liên tục thúc giục khách nhận hàng để "đạt chỉ tiêu theo quy định".

Nếu người nhận vì lòng thương, lại không kiểm tra lại mà chuyển khoản thì sau đó kẻ lừa đảo sẽ tiếp tục "bài" lừa tiếp theo, báo là đã gửi nhầm số tài khoản hội viên.

Chúng đe dọa, khi khách hàng đã chuyển tiền vào tài khoản này, "Trung tâm giao hàng" sẽ kích hoạt gói cước hội viên và mỗi tháng sẽ tự động trừ 3,5 triệu đồng từ tài khoản của khách, nếu tài khoản không có tiền sẽ chuyển thành nợ xấu.

 

 

Ngay sau đó, shipper giả sẽ gửi cho nạn nhân đường link, giới thiệu là trang Facebook của "Trung tâm vận chuyển" để hủy đăng ký hội viên và liên tục gọi điện thúc giục nạn nhân truy cập vào đường link, nhắn tin theo hướng dẫn, đăng nhập app ngân hàng, nhập mã xác thực (gồm dãy số 6 ký tự), giữ nút chuyển tiền trong 3 giây, sau đó ấn chuyển tiền.

Theo Phòng An ninh mạng và phòng, chống tội phạm công nghệ cao Công an tỉnh, đây là hình thức lừa đảo mới. Thông qua việc tham gia các buổi bán hàng trực tuyến trên các nền tảng mạng xã hội, các đối tượng sẽ thu thập thông tin khách hàng và các sản phẩm được đặt mua từ các bình luận công khai của khách hàng, từ đó giả danh shipper giao hàng để lừa đảo.

Chiêu thức của các đối tượng là gọi điện thông báo cho nạn nhân có đơn hàng và yêu cầu chuyển khoản (thường là những khoản tiền ít, từ vài chục ngàn đến vài trăm ngàn đồng) cho "shipper". Trên cơ sở đó tạo ra kịch bản "chuyển tiền nhầm" vào tài khoản của các "công ty, trung tâm chuyển hàng nhanh" rồi biến khách hàng thành hội viên của dịch vụ "giao hàng tiết kiệm" và tiếp tục kịch bản lừa đảo.

Các đối tượng sẽ "bồi" thêm rằng: nếu người dân không hủy hội viên của các dịch vụ này có thể bị khấu trừ tự động tiền hàng tháng vào tài khoản. Từ đó, các đối tượng tiếp tục hướng dẫn người dân làm các thao tác để hủy dịch vụ này.

Theo cơ quan công an, mục đích của các đối tượng đưa người dân đăng nhập vào các app, thực hiện các giao dịch theo hướng dẫn của chúng để chiếm quyền điều khiển thiết bị và chiếm đoạt tài khoản ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng này cũng chiếm luôn số tiền thanh toán tiền hàng của các nạn nhân.

Trước thực trạng trên, Phòng An ninh mạng và phòng chống tội phạm sử dụng công nghệ cao Công an tỉnh Đồng Nai khuyến cáo người dân cần nâng cao cảnh giác trước thủ đoạn mới của các đối tượng.

Để tránh "sập bẫy", người dân không nhận bất cứ đơn hàng nào mà mình không đặt mua, không chuyển khoản hoặc thanh toán các đơn hàng không có ảnh chụp rõ mã vận đơn, thông tin người nhận và tuyệt đối không click vào bất cứ đường link nào do người lạ gửi tới. Khi phát hiện có những dấu hiệu bất thường phải dừng giao dịch ngay và cung cấp thông tin vụ việc cho lực lượng công an nơi gần nhất.

No comments:

Post a Comment