Sunday, May 23, 2021

Đường vào VNG của Tencent Trung Quốc

(VNF) - Việc Tencent trên thực tế đã chiếm bao nhiêu quyền sở hữu của VNG vẫn chưa thể xác thực. Tuy nhiên, con số mà Tencent đưa ra chắc chắn nhỏ hơn 49% vì công ty VNG là công ty đại chúng và theo luật thì công ty nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phần. Nhưng, điều này không có nghĩa Tencent không có khả năng nâng dần sở hữu tại VNG.

Đường vào VNG của Tencent Trung Quốc

Năm 2010, trên thị trường Việt Nam xuất hiện quảng cáo của Wechat trên những tờ báo điện tử, cổng thông tin hoặc trên các ứng dụng khác. Wechat không chỉ là một ứng dụng chat miễn phí trên điện thoại di động, máy tính bảng như Viber, Whatsapp, Tango…, mà còn có các tính năng của một mạng xã hội như cho phép chia sẻ, tương tác với những người dùng khác. 

Thoạt đầu, có ý kiến cho rằng, Wechat là ứng dụng của VinaGame (tiền thân của Công ty Cổ phần VNG) nhằm thay thế cho công cụ Zing Chat đã thất bại vào năm 2008. Trên thực tế, đây là sản phẩm của Tập đoàn Tencent, nhà phát triển ứng dụng lớn của Trung Quốc cũng như ở khu vực châu Á – Thái Bình Dương. 

Ứng dụng Zalo hiện nay của VNG được xem là một 'phiên bản' của Wechat do Tencent phát triển.

Wechat bắt đầu đổ bộ vào Việt Nam từ tháng 4/2012 và trong bức thư của ông Lê Hồng Minh - Tổng Giám đốc VNG chia sẻ trên blog cá nhân gửi các nhân viên của mình, ông Minh cho biết, WeChat đã tăng trưởng nhanh chóng và đạt gần 1 triệu người dùng sử dụng với 2 phiên bản trên hệ điều hành iOS và Android. T

Tuy nhiên, cuối cùng ứng dụng này đã bị người dùng Việt tẩy chay vào cuối năm 2013 do chứa nội dung gây tranh cãi.

Trong những năm tiếp theo, WeChat cũng có những bước tiến nhưng rất ít và gần như đã bị loại bỏ tại thị trường Việt Nam. Dù không có cửa cho Wechat, nhưng các khoản đầu tư khác của Tencent ở Việt Nam thông qua việc mua cổ phần doanh nghiệp lại rất thành công. Đó là việc "chống lưng" cho Garena (trụ sở ở Singapore, nay đổi tên thành Sea) - nhà phân phối nhiều tựa game lớn ở Việt Nam và mua cổ phần tại VNG, công ty công nghệ sở hữu nhiều dịch vụ trực tuyến phổ biến như Zalo, MP3 Zing, Baomoi, Zing News, trang thương mại điện tử 123mua...

Theo Forbes, Tencent đang là cổ đông lớn nhất của Garena (Sea), startup có giá trị nhất Đông Nam Á. Game Liên minh huyền thoại mà Garena đang gặt hái thành công tại Việt Nam là một trong những tựa game mà Tencent đang sở hữu. Tencent đang nắm 85% cổ phần của Riots Game, chính là nhà phát triển game Liên minh huyền thoại (League of Legends).

Theo báo chí nước ngoài, năm 2008, Tencent đề cập mua việc mua 20,2% vốn của một công ty internet tại Việt Nam và đây là công ty duy nhất tại Việt Nam mà công ty đầu tư. Cùng năm đó, cựu giám đốc M&A của Tencent đã chuyển sang phụ trách tài chính tại VNG.

Tiếp đó, năm 2011, Tencent công bố trong báo cáo cổ đông năm 2011 rằng đang có vốn tại một công ty game trực tuyến chưa niêm yết ở Đông Nam Á với tỉ lệ sở hữu năm 2010 là 30,02%, năm 2011 là 31,25%. Báo cáo này không chỉ đích danh VNG nhưng theo những dữ kiện và con số doanh thu thì nhiều chuyên gia trong lĩnh vực này khẳng định đó là VNG.

 

Báo cáo cổ đông 2010 và 2011 của Tencent.

Năm 2010, trong một bài viết về VinaGame (tiền thân của VNG) trên Forbes, có dẫn lời Benjamin Joffe - Giám đốc chiến lược của công ty nghiên cứu và chiến lược số Plus 8 star ở Bắc Kinh, rằng VNG  đang rập theo mô hình của Tencent. Theo đó, điểm chung của hai công ty này là có cùng cổ đông IDG Ventures.

Theo bài báo trên Forbes, IDG đầu tư 500.000 USD vào VNG. Sau khi có cổ phần ở VNG, Tencent đạt được thoả thuận để đưa QQchat cũng như một số trò chơi vào kinh doanh tại Việt Nam. Bài báo cũng nhắc tới Giám đốc tài chính của VNG là Johny Shen, người từng giữ chức vụ giám đốc M&A của Tencent, trước khi gia nhập VNG từ 2008.

Được biết, Johny Shen còn tham gia vào ban lãnh đạo của Kingsoft, một tên tuổi không xa lạ gì với VNG khi doanh nghiệp này mua bản quyền đưa game Võ lâm truyền kỳ về Việt Nam.
 
Trước những đồn đoán về việc Tencent nắm giữ phần lớn cổ phần tại VNG, năm 2012, phía công ty VNG đã đưa ra thông cáo báo chí, trong đó, Tổng Giám đốc VNG Lê Hồng Minh khẳng định: "VNG là công ty Việt Nam với tỉ lệ cổ phần kiểm soát luôn luôn là các cá nhân và tổ chức Việt Nam".

Tuy nhiên, điều đáng chú ý là trong thông cáo không hề đề cấp đến số cổ phần mà Tencent cũng như các cổ đông khác đang nắm giữ. VNG nêu rõ việc ông Lê Hồng Minh – Chủ tịch kiêm TGĐ của công ty đang sở hữu 19% cổ phần, chứ không phải 1% như các tin đồn.

Ông Pony Ma, nhà sáng lập kiêm CEO của Tencent.

Theo thông báo mới nhất từ công ty này, 6 cổ đông nước ngoài là các nhà đầu tư gồm quỹ, doanh nghiệp và cá nhân đến từ Singapore, Luxembourg, Trung Quốc, Mỹ, Canada và quần đảo British Virgin Islands (BVI) thuộc Anh đang chiếm 44,64% cổ phần của VNG, gần chạm trần sở hữu tối đa là 49%. Trong đó, các cổ đông ngoại đáng chú ý là Tencent (Trung Quốc), Goldman Sachs (Mỹ) và GIC (quỹ đầu tư của chính phủ Singapore). Tuy nhiên thông tin cụ thể tỷ lệ sở hữu của từng nhà đầu tư nước ngoài vẫn còn là bí mật.

Theo nguồn tin gần đây do tờ DealStreetAsia tiết lộ ngày 28/6, Công ty Cổ phần VNG đang đàm phán với các tổ chức và  nhà đầu tư chiến lược về việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ trước khi thực hiện kế hoạch niêm yết cổ phiếu trên sàn NASDAQ (Mỹ).

Ông Lê Hồng Minh, Chủ tịch kiêm Tổng giám đốc VNG và Phó chủ tịch tập đoàn NASDAQ Bob McCooey tại buổi ký  một bản ghi nhớ về việc niêm yết cổ phiếu lên sàn chứng khoán NASDAQ nhân chuyến thăm Mỹ của Thủ tướng cuối tháng 5/2017.

The đó, quá trình đàm phán việc phát hành cổ phiếu riêng lẻ của VNG mới đang trong giai đoạn đầu. Một nguồn tin cho biết đợt phát hành trước thềm IPO này có thể thực hiện với các nhà đầu tư hiện tại như Goldman Sachs, Tencent và GIC và cũng có thể bao gồm các nhà đầu tư mới như quỹ đầu tư tư nhân Warburg Pincus.

Như vậy, thực sự việc Tencent trên thực tế đã chiếm bao nhiêu quyền sở hữu của VNG vẫn chưa thể xác thực. Tuy nhiên, con số 31,25% mà Tencent đưa ra chắc chắn nhỏ hơn 49% vì công ty VNG là công ty đại chúng và theo luật thì công ty nước ngoài không được sở hữu quá 49% cổ phần. Nhưng, điều này không có nghĩa Tencent không có khả năng nâng dần sở hữu tại VNG.

Đáng chú ý là từ tháng 1/2011, VNG đã đăng ký với Uỷ ban Chứng khoán (UBCK) về việc trở thành công ty đại chúng (công ty cổ phần có vốn điều lệ trên 10 tỷ đồng và có trên 100 cổ đông). Một công ty đại chúng sẽ phải tuân thủ các quy định về công bố thông tin tài chính, phát hành, mua lại cổ phiếu, giao dịch của cổ đông…

Tuy nhiên, từ đó đến nay, trên UBCK chưa hề đăng tải một báo cáo nào hay công bố thông tin của VNG. Trên website của công ty hiện cũng không thể download được báo cáo.

Có lẽ phải chờ đến khi VNG chính thức niêm yết chúng ta mới có đầy đủ thông tin nhất về cổ phần của công ty.

Năm 2004, ông Lê Hồng Minh cùng các ông Cao Toàn Mỹ (hiện được nhiều người biết đến qua vụ kiện tụng với hoa hậu Phương Nga), Trịnh Bảo và Nguyễn Thanh Bình đã góp 4,5 tỷ đồng để thành lập nên công ty tiền thân của VNG ngày nay. Trong đó, ông Mỹ góp 750 triệu đồng, tương đương 16,7% cổ phần và ông Lê Hồng Minh góp 2,62 tỷ đồng, tương đương 58%.

VNG khi mới thành lập năm 2004 có tên gọi chính thức là VinaGame, nhưng tới 2008 lại đổi thương hiệu thành VNG Corp (trùng hợp với thời gian Tencent thông báo mua 20,2% vốn của một công ty internet tại Việt Nam).

VNG hiện có vốn điều lệ 330,9 tỷ đồng, doanh thu thuần năm 2016 là hơn 3.000 tỷ đồng (tăng 45% so với năm 2015 và đạt 118% kế hoạch 2016), lợi nhuận trước thuế là 673 tỷ đồng (tăng 118% so với 2015) và lợi nhuận sau thuế là 543 tỷ đồng, tăng 135%. Công ty này đặt mục tiêu doanh thu dự kiến năm 2017 là 3.960 tỷ đồng, lợi nhuận trước thuế khoảng 908 tỷ đồng.

Tập đoàn Tencent được biết đến với vai trò là nhà cung cấp dịch vụ truyền thông, giải trí, internet, dịch vụ giá trị gia tăng điện thoại di động và hoạt động các dịch vụ quảng cáo trực tuyến tại Trung Quốc. Tập đoàn công nghệ này đặt trụ sở tại Thâm Quyến, Trung Quốc.

Theo Brand Finance, năm 2016, giá trị thương hiệu của Tencent rơi vào khoảng 210 tỷ nhân dân tệ. Với mức giá trị này, tập đoàn Tencent đã chính thức nằm trong nhóm 10 tập đoàn/công ty công nghệ lớn nhất thế giới trong đó bao gồm Apple và Alphabet.

No comments:

Post a Comment