Tuesday, January 26, 2016

Lưu ý khi sử dụng smartphone trong thời tiết cực lạnh


Thời tiết lạnh và thậm chí có tuyết ở một số địa phương khiến bạn hào hứng xách ba-lô và đi khám phá những vùng đất nơi tuyết rơi. Thế nhưng hãy cẩn thận vì thời tiết cực lạnh có thể khiến chiếc điện thoại của bạn "một đi không trở lại".

Smartphone là những sản phẩm có khả năng chịu lạnh tốt hơn chịu nóng, tuy nhiên thời tiết cực lạnh cũng có tác động không tốt tới thiết bị yêu quý của bạn. Những nghiên cứu đã chứng minh rằng các thiết bị Android chịu lạnh giỏi hơn nhiều so với iOS, thế nhưng ở nhiệt độ -40 độ, các thiết bị này sẽ ngừng hoạt động hoàn toàn để chống chọi với cái lạnh.


Ảnh minh họa

Thế nhưng chẳng cần phải chờ đến -40 độ, thời tiết mấy ngày nay đã đủ khiến chiếc smartphone của bạn gặp phải các vấn đề do tác động của hơi lạnh. Dưới đây là 5 vấn đề thường gặp của smartphone trong thời tiết cực lạnh.

Cạn pin hoặc chết pin

Cạn pin là một trong những tác động lập tức tới smartphone trong thời tiết lạnh. Trong thời tiết cực lạnh, các thiết bị có thể lập tức tắt khi cục pin bên trong bị cạn. Nếu gặp phải thời tiết cực lạnh kéo dài, pin của smartphone có thể chết hẳn.

Vấn đề với màn hình

Các smartphone với màn hình LCD dễ bị ảnh hưởng bởi thời tiết lạnh hơn màn hình AMOLED. Với màn hình LCD, người sử dụng có thể gặp phải tình trạng cảm ứng chậm, hay chữ và màu sắc bị nhòe.

Lỗi linh kiện bên trong máy

Trong thời tiết lạnh smartphone có thể gặp phải một số vấn đề với các bộ phận bên trong ví dụ như khó nhận SIM hoặc một loạt các vấn đề về chức năng.

Tổn hại vật lý với các bộ phận bên trong và bên ngoài

Như đã nói ở trên, thời tiết cực lạnh có thể khiến cho các bộ phận của smartphone, cả bên trong và bên ngoài, trở nên cứng hơn, khiến máy bị một số tổn hại vật lý như màn hình bị lóa, rung. Chỉ cần một cú rơi hoặc va chạm có thể khiến màn hình dễ nứt vỡ hơn hoặc hỏng hóc các bộ phận bên trong. Nếu thiết bị phải chịu nhiệt độ cực lạnh kéo dài có thể gây ra những hỏng hóc vĩnh viễn, đặc biệt là khi máy được để ở chế độ ngủ.

Ngưng tụ chất lỏng dưới màn hình

Smartphone có thể gặp tình trạng ngưng tụ chất lỏng bên dưới màn hình nếu được sử dụng trong thời tiết ấm ngay sau khi vừa được đặt trong môi trường cực lạnh trong một thời gian dài. Chất lỏng này sẽ gây hỏng hẳn màn hình hoặc làm màn hình bị nhòe và khó đọc.

Nên làm gì để bảo vệ smartphone trong thời tiết cực lạnh?

Đừng lấy điện thoại ra dùng trong trời lạnh hoặc hạn chế sử dụng trong trời lạnh. Để điện thoại trong áo khoác, túi quần hoặc túi xách và để những chiếc túi đựng điện thoại này ở gần cơ thể để máy tận dụng được hơi ấm của cơ thể. Ngoài ra, bạn cũng nên bảo vệ smartphone bằng những loại bao dày, có khả năng chống nước và chống va đập.

Hãy sử dụng găng tay ấm khi dùng smartphone trong trời lạnh. Dù găng tay có ấm hay không, bảo vệ bản thân bạn trong trời lạnh sẽ khiến tay bạn không bị cóng và giảm nguy cơ đánh rơi điện thoại. Đừng để điện thoại của bạn trong xe lạnh trong một thời gian dài, đặc biệt là qua đêm vì như vậy thiết bị sẽ chịu những hỏng hóc vĩnh viễn cả bên trong và bên ngoài. Tránh không để tuyết rơi vào điện thoại bởi tuyết khi tan sẽ tạo thành nước và dễ gây hỏng điện thoại.

Một lời khuyên nữa đó là sử dụng những loại tai nghe không dây kèm mic khi dùng điện thoại để tránh phải lấy điện thoại ra khỏi túi khi có người gọi đến.

Hãy sạc điện thoại trước khi ra ngoài. Nếu pin của thiết bị đã đầy trước khi bạn ra ngoài trong thời tiết lạnh, bạn sẽ không gặp phải tình trạng cạn pin. Hãy mang theo bộ sạc dự phòng nếu bạn có một chuyến đi dài.

Nên làm gì khi máy của bạn phải ở ngoài thời tiết lạnh trong một thời gian dài?

Nếu chiếc smartphone của bạn phải ở ngoài thời tiết khắc nghiệt trong một thời gian dài, cách tốt nhất là tắt thiết bị và chỉ sử dụng lại khi ở trong phòng ấm. Điều này không chỉ giúp tránh tình trạng ngưng đọng nước mà còn tránh khỏi bất cứ hư hại nào có thể xảy ra khi thiết bị ấm lên.

Theo ICTNews

No comments:

Post a Comment